“Loạn” phòng khám Trung Quốc

Thứ Sáu, 10/09/2010, 15:25
"Phán" bệnh linh tinh, lừa đảo để lấy tiền... đã là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” ở nhiều phòng khám Trung Quốc tại Hà Nội. Thế mà có rất nhiều bệnh nhân vì cả tin vẫn bị "tiền mất tật mang" khi đến khám, điều trị tại những phòng khám này.

Hút mỡ bụng rồi bơm vào... mặt

Gần đây nhất phải kể đến trường hợp một bệnh nhân mà bác sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình của Bệnh viện Xanh Pôn vừa mới tiếp nhận trong tình trạng sốt 40oC liên miên, toàn thân đau nhức, mỏi mệt. Theo trình bày của bệnh nhân với bác sĩ, bà đã đến Phòng khám Đông Phương Cát Mỹ ở địa chỉ 206 Kim Mã để hút mỡ bụng sau đó các bác sĩ ở đây dùng chính mỡ này bơm vào mặt nhằm làm căng da mặt của bà.

Vì sao lại xảy ra chuyện này đó là một câu chuyện dài của bệnh nhân. Là một người thích thú làm đẹp, say sưa với những "bí quyết" trường xuân, sau khi nghe bạn bè giới thiệu, bà đã đến Phòng khám Chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ Đông Phương Cát Mỹ, ở địa chỉ 206 Kim Mã, để nhờ can thiệp.

Sau khi được tiếp đón bởi nữ chủ nhân là người Trung Quốc ở đây bà đã được tư vấn: tiện "một công đôi việc" họ sẽ hút mỡ ở bụng và dùng chính mỡ đó bơm vào mặt để vừa làm bụng phẳng như... con gái vừa làm cho da mặt "mướt" như da em bé. Với phương pháp "tiên tiến" ấy, hẳn nhiên giá tiền mà bà phải thanh toán cũng tương xứng - 2.000USD. Nhưng bà sẽ được khuyến mại thêm 2 ngày nghỉ dưỡng tại cơ sở sau hậu phẫu.Thế là cuộc phẫu thuật được tiến hành ngay ở phòng khám do một bác sĩ trẻ tuổi người Trung Quốc thực hiện.

Sau này, khi phải cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn, bà mới kể lại cho bác sĩ Sơn hay, phương thức phẫu thuật khi ấy là bác sĩ dùng xơranh hút mỡ ở bụng rồi tiêm nó vào hai mộng mắt và sống mũi của bà. Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ được một tuần, bụng phẳng, da mặt đẹp đâu không thấy, chỉ thấy bà liên tục bị sốt cao tới 40oC, ngay cả khi đã uống thuốc hạ sốt. Bà lập tức quay trở lại phòng khám, thông báo tình trạng sức khỏe cho những người có trách nhiệm ở đây. Nhưng thay vì được chăm sóc, điều trị về y tế, bà lại chỉ được phục vụ ăn uống. Còn khi nào sốt cao quá hoặc cơ thể đau nhức không chịu nổi, bà thông báo, họ mới cho thuốc hạ sốt, giảm đau.

Cuối cùng sau gần 2 tháng chịu đựng, không thể kéo dài hơn, bà quyết định vào khám tại Bệnh viện Xanh Pôn. Và bà đã được các bác sĩ ở đây chẩn đoán sau khi tiến hành các xét nghiệm: bị nhiễm trùng máu do có trực khuẩn mủ xanh. Khi chuyển sang Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp - Bệnh viện Bạch Mai, bà cũng được chẩn đoán như vậy. Bác sĩ Trưởng khoa Nguyễn Thị Minh Hà cho biết thêm: "Khi xét nghiệm máu, có một bạch cầu tăng, chứng tỏ bệnh nhân đã bị nhiễm trùng toàn thân. Chúng tôi đã điều trị kháng sinh liều cao, nhưng bệnh tình của bệnh nhân không thuyên giảm".

Điều đáng nói trong vụ việc này là sau khi vào khám tại Bệnh viện Xanh Pôn và  Bạch Mai, bệnh nhân đã thông báo cho Phòng khám Chuyên khoa Đông Phương Cát Mỹ, nhưng "trách nhiệm" của họ đối với bà chỉ là... những tiếng tắt "phụt" máy điện thoại hoặc những hồi chuông đổ không có người bắt máy mỗi khi bà bấm "di động" gọi đến chủ phòng khám hay kể cả cô phiên dịch đã rất ngọt ngào khi thuyết phục bà đến đây phẫu thuật, đúng là “tiền mất tật mang”.

Phòng khám này đã điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Văn Hùng (ở Hải Phòng) bằng cách truyền dịch và truyền dịch.

Để "tận mục sở thị", trong vai là một khách hàng có nhu cầu giải phẫu thẩm mỹ, chúng tôi đã đến Phòng khám Chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ Đông Phương Cát Mỹ ở Kim Mã với ước muốn "thanh xuân hóa" bộ ngực của mình. Và vẫn với tư vấn hệt như với bệnh nhân kể trên, bằng tiếng Tàu líu lo líu lô, nữ chủ nhân của phòng khám đã mời mọc: "Nên hút mỡ ở hai bên má và cằm để bơm trực tiếp... vào ngực. Làm như vậy không chỉ giá tiền chỉ còn từ 7 hạ xuống 4 nghìn USD mà bộ ngực trông còn mềm mại, "thật" hơn".

Để thuyết phục hơn, nhân viên phòng khám còn cho tôi xem cuốn album chụp những bệnh nhân trước và sau phẫu thuật bằng hình thức hút mỡ trong người rồi lại bơm chính mỡ đó vào những bộ phận cần "trùng tu, tôn tạo". Trong đó, đặc biệt còn có cả những tấm hình chụp lại cảnh phẫu thuật hút mỡ bằng những chiếc xi-lanh dài cả gang tay, chứa hàng chục ml mỡ có màu vàng như mỡ gà.

Với phương thức hút mỡ người rồi lại bơm chính mỡ đó vào những cơ quan cần tạo hình thẩm mỹ của Phòng khám Đông Phương Cát Mỹ, bác sĩ Trần Thiết Sơn, trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, người đã có thâm niên và uy tín hơn 30 năm trong nghề cho biết: "Trong cuộc đời cầm dao kéo và điều trị cho biết bao bệnh nhân bị tai biến sau phẫu thuật tạo hình của tôi từ trước tới nay, chưa bao giờ tôi gặp một trường hợp nào như thế này. Nguy hiểm thật, ai lại bơm trực tiếp mỡ người vào người trong khi y học tuyệt đối không sử dụng phương thức này. Vì mỡ cũng phải có chỗ chứa của nó chứ có phải thích bơm vào đâu thì bơm đâu. Chẳng hạn như ngực...".

Bác sĩ Sơn nói tiếp: "Nếu bơm trực tiếp vào đó, mỡ sẽ tràn lan như thế nào nếu không có chỗ của nó. Sau đó hậu quả sẽ là biến chứng. Chưa kể đến, môi trường, thiết bị để hút mỡ phải được vô trùng tuyệt đối. Và để có thể vô trùng tuyệt đối, chỉ có phòng phẫu thuật của bệnh viện mới đáp ứng được yêu cầu này. Thế mà đằng này lại thực hiện ngay tại phòng khám thì nguy hiểm quá. Cho nên bệnh nhân bị nhiễm trùng máu là đúng rồi".

Chỉ truyền dịch và truyền dịch

Như bệnh nhân trên đây, anh Nguyễn Văn Hùng, công tác ở Hải Phòng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi anh đi khám tại Phòng khám Trường Giang, Trung Quốc, ở 709 đường Giải Phóng, Hà Nội. Qua đường dây nóng của Báo Công an Nhân dân, anh đã kể lại với chúng tôi, với căn bệnh viêm xoang mãn tính thường xuyên hành hạ và làm anh khó chịu, đặc biệt là khi trái gió trở trời, muốn điều trị dứt điểm, anh Hùng đã lặn lội từ Hải Phòng lên Hà Nội để đến Phòng khám Trường Giang khám bệnh.

Trực tiếp khám bệnh cho anh ở đây là một bác sĩ "thuần" Trung Quốc. Sau khi nghe anh trình bày triệu chứng: hay hắt hơi, sổ mũi, đau sống mũi và vùng trán..., thông qua phiên dịch, bác sĩ này đã "phán": anh bị viêm mũi dị ứng và để điều trị nó trước hết phải mất 3 triệu đồng tiền điều trị theo phương pháp DNR.

Và để quảng cáo thêm, vị "thần y" nói trên còn khẳng định điều trị viêm xoang theo phác đồ của Phòng khám Trường Giang, bệnh nhân có thể khỏi bệnh ít nhất... 20 năm. Mặc dù chẳng biết phương pháp DNR là gì đồng thời còn băn khoăn: đây là phòng khám đông y mà sao lại điều trị theo phương pháp nghe như... tây y nhưng nghe vậy anh Hùng quyết định rút hầu bao để điều trị. Khi điều trị, anh Hùng mới biết phương pháp DNR nghĩa là người ta nhét hai cái giấy tẩm thuốc tê vào hai lỗ mũi rồi lấy một dụng cụ như cái que "đốt" bên trong mũi.

Những tưởng chỉ điều trị bằng phương pháp DNR thôi, nào ngờ "đốt" mũi xong, anh Hùng được chỉ định tiếp truyền dịch 3 ngày và uống thuốc. Nhưng 3 ngày truyền dịch và uống thuốc xong, anh lại được chỉ định truyền dịch tiếp 5 ngày nữa. 5 ngày truyền dịch đó kết thúc, họ lại tiếp tục chỉ định truyền dịch thêm 7 ngày. --PageBreak--

Lờ mờ cảm thấy có chuyện không bình thường, anh Hùng liền tìm hiểu những người xung quanh cũng đến Phòng khám Trường Giang chữa bệnh như anh và được biết,  hầu như người nào cũng được điều trị theo phương pháp: truyền dịch và truyền dịch.

Có một bệnh nhân truyền dịch đã tốn tới 20 triệu đồng rồi vậy mà vẫn chưa khỏi bệnh và vẫn phải tiếp tục truyền dịch. Thấy vậy, anh Hùng chấp nhận "giữa đường đứt gánh" còn hơn là tiếp tục theo đuổi điều trị mà chẳng biết bao giờ khỏi bệnh, lại còn tốn không biết bao nhiêu tiền. Chỉ hơn chục ngày điều trị tại Phòng khám Trường Giang, tính ra anh Hùng đã tốn hết 16 triệu đồng chủ yếu là tiền... truyền dịch.

 Trao đổi với chúng tôi, anh Hùng bức xúc nói: "Điều trị như vậy có khác nào là lừa đảo. Mới đầu thì nói là chỉ truyền dịch 3 ngày, sau lại thêm 5 ngày, rồi lại thêm 7 ngày nữa... Nếu tiếp tục điều trị ở đó, không biết tôi sẽ phải truyền dịch thêm bao nhiêu ngày. Vì khi tôi hỏi bao giờ mới hết truyền dịch, một y tá ở đây đã trả lời: "Khi nào bác sĩ chỉ định không truyền nữa thì thôi".

Giá thuốc trên... giời

Vì đã từng nghe quá nhiều chuyện về Phòng khám Trung Quốc ở Hà Nội và hơn nữa cũng đã từng mục kích nhiều trường hợp bị tai biến sau khi sử dụng thuốc của các phòng khám này trong những lần đi viết bài, chúng tôi quyết định đi thực tế tại Phòng Chẩn trị y học cổ truyền ở 49 Hoàng Hoa Thám, một phòng khám chuyên chữa các bệnh: viêm gan B, sỏi mật, viêm loét dạ dày, hành tá tràng, vô sinh, u xơ tử cung... Phòng khám này được quảng cáo là: "Chuyên gia Đông y Trung Quốc khám chữa bệnh hiệu quả cao". Ngay trên tấm "các" của Phòng khám cũng ghi nội dung ấy.

Sẵn có bệnh dạ dày, nên tôi khám ngay bệnh này. Sau khi thanh toán trước 50 nghìn đồng tiền khám, tôi đã được cô phiên dịch dẫn dắt lên phòng khám 2 ở tầng hai để một bác sĩ người Trung Quốc "thăm" bệnh bằng hình thức bắt mạch.

Thực ra với việc bắt mạch, theo tôi biết, các bác sĩ Đông y ít nhiều cũng có thể đọc ra bệnh của bệnh nhân. Nhưng với vị bác sĩ này, dường như ông không làm được điều đó. Vì ông cứ hỏi đi hỏi lại tôi những triệu chứng như: "Có bị buồn nôn không", "có ợ hơi hay bị đầy hơi không", "tiểu tiện, đại tiện như thế nào"... Cuối cùng, dựa trên những hiện tượng tôi kể, ông kết luận đại ý: tôi bị đau dạ dày nhẹ, chưa đến mức bị loét mà chỉ viêm vùng hang vị...

Tuy nhiên, đáng tiếc thay cho kết luận của ông vì thực tế bệnh dạ dày của tôi đã nặng hơn thế rất nhiều đến nỗi ngày nào tôi cũng phải uống thuốc đặc trị và không những nó bị viêm mà còn bị loét tới 5cm. Chỗ loét này, tôi còn nhìn rõ mồn một trong một lần nội soi và có cả trên tấm hình chụp kết quả nội soi. 

Nhưng có lẽ vô lý hơn cả là mặc dù kết luận bệnh của tôi chưa nặng, nhưng khi kê đơn bốc thuốc, ông lại bảo, thuốc của tôi "đặc trị" hơn nên giá tiền phải nhiều hơn - 250 nghìn đồng/thang thuốc trong khi thuốc của những người khác chỉ dao động trong vòng 200 nghìn đồng. Thật là không thể hiểu nổi cách kê đơn, bốc thuốc và khám bệnh của bác sĩ ở Phòng Chẩn trị y học cổ truyền! Các "thần y" ở đây đang khám bệnh với tinh thần "lương y như từ mẫu" hay chỉ khám bệnh nhằm mục đích kiếm tiền!

Chỉ tại quảng cáo

Thực ra, khi thực hiện viết bài này, câu hỏi đầu tiên chúng tôi luôn đặt ra và đau đáu là chuyện lừa đảo bệnh nhân ở nhiều phòng khám Trung Quốc đã trở thành chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi". Vậy mà tại sao vẫn nhiều bệnh nhân mắc lừa? Hỏi bệnh nhân, những nạn nhân bị một số phòng khám Trung Quốc lừa đảo thì tất cả họ đều trả lời rằng do quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là trên truyền hình cáp và VTC. Và quảng cáo ấy càng khiến họ tin hơn khi tham gia là một số nghệ sĩ nổi tiếng và dưới hình thức người bệnh cảm ơn phòng khám vì đã chữa khỏi bệnh.

Hãy chọn những địa chỉ uy tín, tin cậy để khám hoặc phẫu thuật tạo hình.

Câu chuyện quảng cáo này đã khiến chúng ta liên tưởng đến "vụ" vòng titan cách đây chưa lâu. Chỉ vì được quảng cáo rùm beng, thổi phồng đến mức "lộng ngôn" rằng chữa được bách bệnh, chống sóng từ, phóng xạ... mà từ chỗ đơn giản chỉ là một chiếc vòng không hơn không kém trở thành một chiếc vòng titan kỳ diệu và theo đó giá trị thực chỉ từ 30 nghìn đồng đã được đẩy lên đến hàng triệu đồng. Và càng nhiều người mua, chiếc vòng chỉ bằng thép càng trở nên quý giá. Thật là đáng tiếc khi có quá nhiều người bị lừa vì việc này!

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, hiện nay có tất cả 23 Phòng khám Trung Quốc trên địa bàn thủ đô. Trong suốt thời gian qua, các phòng khám này được kiểm tra liên tục và lần nào kiểm tra cũng phát hiện sai phạm.

Đối với 2 Phòng khám đã nêu trên đây, ông Cường cũng tiết lộ, hiện nay thanh tra Sở Y tế Hà Nội đang thu thập tài liệu, chứng cứ để từ đó có thể thanh tra và xử lý nếu trong trường hợp họ sai phạm.

Trong tình trạng có thể nói "loạn" các Phòng khám Trung Quốc hiện nay ở Hà Nội, thì đối với bệnh nhân không gì sáng suốt hơn là phải tìm hiểu thật kỹ trước khi đến khám bệnh, điều trị. Nếu không sẽ rơi vào hoàn cảnh "tiền mất tật mang" dễ như bỡn!

Tú Anh
.
.