“Loạn” thu học phí đại học
Học phí: Loạn khung, xé rào
Những ngày này, tại các trường ĐH đang là thời điểm thu học phí của cả sinh viên đã học tại trường và tân sinh viên. Ở những nơi đóng học phí, sinh viên nườm nượp nối đuôi nhau nộp tiền mà có lẽ số tiền ấy phải chắt chiu lắm, cha mẹ các em mới dành dụm được, nhất là đối với những gia đình ở nông thôn. Mỗi sinh viên, tùy cũ hay mới, và theo từng trường, số tiền học phí nộp khác nhau.
Tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, bước chân vào Phòng Tài vụ, nơi nộp học phí của hàng nghìn sinh viên ở đây, một bảng thông báo đập ngay vào mắt với nội dung: "Sinh viên K51 nhập trường tạm thu nếu là sinh viên chính quy nộp: 1.435.000 đồng. Sinh viên chính quy ngoài ngân sách: 5.735.000 đồng... Trong đó bao gồm: tiền học phí đợt 1, khám sức khỏe, bảo hiểm y tế, thẻ sinh viên...".
Nhưng theo giải thích của một nhân viên kế toán, đây chỉ là số tiền thu cho 1 học kỳ. Với bảng thông báo này, rất nhiều phụ huynh, tân sinh viên băn khoăn liệu sẽ phải đóng thêm hay được "hồi" lại phần nào từ số tiền tạm thu đó? Một nhân viên thu ngân nói: "Chắc là chỉ đóng thêm chứ không có bớt. Bởi chỉ riêng tiền tín chỉ (đào tạo theo tín chỉ) của một học kỳ đã khoảng 1.500.000 đồng".
Như vậy, với số tiền tín chỉ mà nhân viên kế toán của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân giải thích, tính ra trung bình mỗi tháng, sinh viên phải nộp khoảng 300.000 đồng, đóng trong 10 tháng, còn lại là nghỉ hè, nghỉ tết... Cũng tại nơi thu tiền ở Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, một nữ sinh viên K50, chuyên ngành kế toán đã phải nộp 1.700.000 đồng cho một kỳ học.
Nếu đối chiếu số tiền sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân phải nộp trên đây với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1310/QĐ-TTg về khung học phí đối với hệ ĐH ở các trường công lập năm học 2009 - 2010 là từ 50.000 - 240.000 đồng/tháng/sinh viên thì rõ ràng vượt khung khoảng 60.000 đồng so với mức trần. Mà đấy là mới chỉ tính trên khoản tiền tạm thu. Còn nếu bổ sung thì không biết số tiền này sẽ thu đội lên bao nhiêu.
Có thể đối với những gia đình khá giả, số tiền vượt khung 60.000 đồng không đáng bao nhiêu. Nhưng đối với gia đình công chức, chẳng hạn cùng lúc lại nuôi 2 con ăn học, đặc biệt đối với những gia đình nông dân, như đã nói trên phải chắt chiu họ mới dành dụm được cho con cái đi học ĐH, thì số tiền này cũng khiến họ lo lắng. Đó là chưa nói đến nhiều khoản khác như sách vở, tài liệu nghiên cứu... phụ huynh phải mua bên cạnh học phí.
Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tình trạng cũng diễn ra tương tự. Ở Phòng Công tác chính trị sinh viên, nơi sinh viên có thể được giải đáp mọi vấn đề về thủ tục hành chính, học phí... có rất nhiều tân sinh viên hỏi về khoản học phí phải nộp. Tương tự như ĐH Kinh tế Quốc dân, đối với sinh viên chính quy của ĐH Bách khoa Hà Nội, khi nhập trường phải nộp 60.000 đồng/tín chỉ.
Và một học kỳ trung bình số tiền phải nộp cho các tín chỉ của mỗi sinh viên khoảng 1.500.000 đồng. So với mức trần mà Chính phủ quy định, như vậy số tiền coi như học phí mỗi tháng của sinh viên cũng vượt quá khung cho phép.
Đối với sinh viên hệ chính quy (sinh viên chính quy trong ngân sách) mức thu học phí đã vượt trần như vậy, với sinh viên hệ chính quy nhưng ngoài ngân sách (sinh viên vào trường theo nguyện vọng 2), học phí này không hiểu vì lý do gì mà cao... một cách vô lối.
Như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, trong khi sinh viên chính quy trong ngân sách chỉ đóng khoảng 1.500.000 đồng/học kỳ thì sinh viên chính quy ngoài ngân sách đóng gấp gần 4 lần mà vẫn với những khoản: học phí, bảo hiểm y tế, thẻ sinh viên... Giải thích vấn đề này, một giảng viên ở đây nói: "Vì đỗ vào trường theo nguyện vọng 2 nên sinh viên phải đóng học phí với mức như vậy".
Đây là cách giải thích quả là không thể chấp nhận nổi. Bởi cũng là sinh viên, cùng hệ chính quy mà sao mức đóng học phí lại khác nhau một trời một vực như vậy? Không lẽ sinh viên chính quy ngoài ngân sách là nơi oằn lưng chịu gánh nặng những khoản mà ngân sách Nhà nước không rót cho các trường ĐH? Nhưng không chỉ hệ ĐH, hệ trung cấp chuyên nghiệp cũng thu học phí với mức... trên trời.
Một vị phụ huynh tên Trần Anh Tuấn, đã trình bày với báo giới: "Sức học của con tôi có hạn nên chúng tôi khuyên cháu đăng ký học trung cấp dược, hệ chính quy năm 2009 - 2010. Cầm giấy gọi nhập học mà chúng tôi choáng váng: học phí 800.000 đồng/ tháng và đóng 5 tháng liền. Chưa kể các phụ phí khác 1.000.000 đồng. Như vậy, nếu nhập học con tôi phải đóng 5.000.000 đồng một lúc”.
Trong khi đó, theo Quyết định số 1310 của Thủ tướng Chính phủ thì hệ trung cấp chuyên nghiệp chỉ phải đóng học phí từ 15.000 - 135.000 đồng/tháng. Như vậy, trong trường hợp nêu trên, mức học phí bị xé rào thu tăng gấp 6 lần so với quy định.
Không chỉ ở miền Bắc mà tại phía Nam, việc thu học phí của một số trường ĐH, kể cả công lập lẫn dân lập cũng cao quá mức quy định, thậm chí cao hơn nhiều so các trường ở các tỉnh phía Bắc. Mấy ngày nay, dư luận xôn xao về những trường ĐH thu học phí vượt trần ở TP HCM.
Như Trường ĐH Công nghiệp TP HCM đã thông báo mức học phí thu trong năm học 2009 - 2010 là 110.000 đồng/tín chỉ. Riêng chuyên ngành ngoại ngữ: 85.000 đồng/tín chỉ. Mà như ngành công nghệ thông tin, một ngành "hot" nhất hiện nay, tối thiểu phải đủ 130 tín chỉ mới đủ điều kiện tốt nghiệp, chia đều cho 4 năm học thì trung bình mỗi năm 32,5 tín chỉ.
Với mức thu này, mỗi năm sinh viên sẽ phải nộp 3.575.000 đồng - vượt trần 1,17 triệu đồng. Hay trường ĐH Dân lập Kỹ thuật công nghệ TP HCM không chỉ "xé rào" với mức học phí dao động từ 8.800.000 - 9.300.000 đồng/năm tùy theo từng ngành mà còn đặt ra một quy định hết sức vô lý theo kiểu "sưu cao thuế nặng": đối với những sinh viên khó khăn phải đóng học phí 4 lần/năm thay vì 1 lần/ năm như quy định, sẽ phải đóng thêm 400.000 đồng nữa.
Tại sao học phí bị vượt trần?
Vì sao các trường ĐH có thể "lộng hành" đẩy mức học phí vượt "trần" như vậy? Câu trả lời có thể thấy ngay, trước hết do khâu quản lý của ngành giáo dục chưa chặt chẽ và quy định về khung học phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chưa rõ ràng, không phù hợp với thực tế.
Bởi trong khi ngành giáo dục chủ trương đào tạo ĐH theo hình thức tín chỉ nhưng khung học phí đặt ra lại theo thời gian là tháng, năm học. Vậy, các trường ĐH, nhất là những trường đào tạo theo tín chỉ sẽ dựa trên barem nào để quy định mức thu cho mỗi tín chỉ?
Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT lý giải trên phương tiện thông tin đại chúng rằng barem có thể căn cứ trên khung học phí hiện hành và thực tế đào tạo để quy định mức học phí cho hình thức đào tạo tín chỉ. Tuy nhiên, đây là giải pháp có thể nói trên lý thuyết còn thực hành lại không thể. Bởi niên chế và tín chỉ là hai hình thức đào tạo hoàn toàn khác nhau nên không thể lấy học phí của hình thức đào tạo này "áp" cho hình thức đào tạo kia.
Rõ ràng việc xây dựng "chuẩn" khung học phí theo hình thức đào tạo tín chỉ không hề dễ dàng. Bà Hà cũng đã thừa nhận: "Để có quy định cụ thể về học phí theo tín chỉ, cần có thêm thời gian để chuẩn bị vì việc chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang tín chỉ mới đang được thực hiện. Vì vậy cần phải có thêm thời gian nữa để nghiên cứu, xem xét thực tế và kinh nghiệm của các trường để có thể xây dựng một khung học phí phù hợp cho các trường...".
Vậy, tại sao trong khi xây dựng một khung học phí cho hình thức đào tạo tín chỉ khó khăn như thế và chưa thể có được, Bộ GD&ĐT không quy định các trường ĐH, CĐ bắt buộc phải thu theo Quyết định 1310, một quyết định phải tốn nhiều công sức, thời gian của các vị lãnh đạo, chuyên gia cố vấn... mới ban hành được mà lại để các trường "tự tung tự tác"? Không lẽ, Quyết định 1310 chỉ có hiệu lực với một số trường ĐH? Và sinh viên phải là người gánh chịu hệ lụy khi chưa có khung học phí cho đào tạo tín chỉ?
Bước chân vào giảng đường ĐH là ước vọng, hoài bão của biết bao học sinh trung học phổ thông. Và để đạt được ước vọng ấy, phải là những học sinh ưu tú, xuất sắc thực sự. Họ sẽ là thế hệ xây dựng đất nước tương lai giàu mạnh, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu. Bởi vậy, đừng vì một bài toán học phí mà để nhiều học sinh trong số đó từ bỏ ước mơ trở thành sinh viên
Ông Nguyễn Văn Ngữ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo đầu tháng 10 tới, chúng tôi sẽ đi kiểm tra khoảng 10 trường ĐH trong toàn quốc trong vòng 1 tháng về vấn đề thu và sử dụng học phí. Nếu kết quả kiểm tra ban đầu không có gì phức tạp, chúng tôi sẽ chỉ kiểm tra ở số trường dự kiến như vậy. Còn nếu có "vấn đề", số trường kiểm tra có thể tăng lên.