Loạn thu phí tác quyền âm nhạc

Thứ Ba, 19/09/2017, 14:17
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vốn được coi là nơi bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đang khiến nhiều người cảm thấy đáng ngờ khi tiếp tục mở rộng lĩnh vực thu tác quyền âm nhạc. Ngoài việc thu tiền tác quyền đối với các khách sạn, quán bar, quán cà phê, bệnh viện… đang gây tranh cãi, trung tâm còn có cả biểu giá dành cho… bãi đỗ xe!


Những "lùm xùm" của VCPMC

Ngày 19-4-2002, Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam, GS. NSND Trọng Bằng đã ký quyết định số 19/2002/QĐ-NS để thành lập ra Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

Theo đó, VCPMC là một tổ chức hoạt động nghề nghiệp tự nguyện dưới sự quản lý của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Phó Đức Phương làm Giám đốc. Thông qua các hợp đồng được ký kết với tác giả thì VCPMC sẽ là người đại diện cho các tác giả làm việc với đơn vị sử dụng tác phẩm, từ đàm phán, ký kết hợp đồng cấp phép cho tới khâu theo dõi việc thực hiện hợp đồng, thu tiền bản quyền và sau đó phân phối tới tận tay các thành viên.

Mục đích ra đời quan trọng là vậy, nhưng trong suốt những năm hoạt động, VCPMC lại thường gây chú ý qua những lùm xùm bắt nguồn từ chính những vấn đề tác quyền. Đầu tiên phải kể đến là cuộc tranh chấp với Cục  Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) trong chuyện bản quyền đến mức Cục NTBD phải mời các lực lượng chức năng vào cuộc.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương tranh cãi với Công ty Đồng Dao.

Sau đó không lâu, dư luận lại xôn xao vì thông tin nhạc sĩ Phó Đức Phương đến tận sân khấu liveshow của ca sĩ Khánh Ly "đòi nợ" và cho biết, ông sẵn sàng lên sân khấu để tố cáo BTC (Công ty Đồng Dao) trước khán giả. Nhưng buồn thay là ngay trong chương trình biểu diễn của ca sĩ này, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã "cò kè" với BTC để "hạ giá" thu phí tác quyền từ 200 triệu xuống 170 triệu…

Tuy nhiên, với nhạc sĩ Phó Đức Phương đây không phải là lần đầu tiên. Còn nhớ trước đây trong chương trình của ca sĩ Tuấn Vũ, ông cũng không ngần ngại đến tận sân khấu Nhà hát Lớn (Hà Nội) đòi thu tiền tác quyền.

Mới gần đây VCPMC lại làm nóng dư luận bởi việc vấn đề thu phí tác quyền âm nhạc khi mở tivi tại các khách sạn ở Đà Nẵng. Trên website của VCPMC cũng cập nhật thông tin về bảng giá mà đơn vị này đưa ra để áp dụng trong việc thu tiền tác quyền đối với các khách sạn, quán bar, quán cà phê, bệnh viện… Trong đó còn có biểu giá dành cho cả… bãi đỗ xe.

Lý giải cho câu chuyện này, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC cho rằng "chỗ nào có sử dụng âm nhạc để kinh doanh thì việc thu tác quyền là đương nhiên". VCPMC cũng đưa ra căn cứ để đi thu tiền tác quyền là quy định về "Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng" tại điểm b, khoản 1, Điều 20, Luật Sở hữu trí tuệ và khoản 1, Điều 23, Nghị định số 100/2006/NĐ-CP.

Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng việc thi phí tác quyền đang bị quá đà.

Thế nhưng, câu chuyện ở đây là chứng cứ pháp lý để tiến hành thu phí tác quyền chưa có cơ sở rõ ràng mà Trung tâm đã ra văn bản như là một cơ quan quản lý nhà nước. Chưa kể, để việc thu phí được suôn sẻ, trung tâm không ngần ngại cho biết nếu quán cà phê nào không chịu nộp phí tác quyền âm nhạc sẽ mời Công an, thanh tra đến làm việc? Trong lúc đó, việc nộp phí tác quyền âm nhạc thuần túy là quan hệ dân sự! Dường như, lại một lần nữa VCPMC có cách xử sự không ổn.

VCPMC có thực sự đứng về các nhạc sĩ?

Hai nhạc sĩ Phú Quang và Quốc Trung đã từng lên tiếng "tố" cách làm việc thiếu minh bạch của VCPMC. Nhạc sĩ Phú Quang từng đánh giá trung tâm này đã tùy tiện trong việc thu tiền tác quyền và trả tiền cho tác giả. Sau đó nhạc sĩ Phú Quang đã chấm dứt hợp đồng ủy thác với VCPMC từ tháng 9-2014.

Trong buổi tọa đàm với chủ đề "Nâng cao chất lượng và đời sống âm nhạc Việt Nam", nhạc sĩ Quốc Trung cũng chia sẻ: "VCPMC giờ chuyển sang chức năng khai thác mà khai thác ở đây là sự khai thác tùy tiện theo kiểu thu được thì thu, không thu được thì thôi - nhạc sĩ phải chịu, đồng thời họ luôn kêu gào việc thu.  Vậy tại sao họ không xây dựng được một cơ chế với đủ năng lực có khung hình phạt kết hợp với luật pháp, có khung giá rõ ràng để thực hiện công việc đó?".

Cũng theo nhạc sĩ này thì VCPMC có gần 20 năm hoạt động đã biến mình thành một trung tâm đại diện khai thác chứ không xây dựng năng lực để bảo vệ tác giả âm nhạc.

Theo nhạc sĩ Hồ Hoài Anh thì chính bản thân anh cũng đang phải đăng ký hợp tác với trung tâm bản quyền và nhận được khoảng 20 - 30 triệu đồng cho đến 40 - 50 triệu đồng cho một quý. Thế nên, nếu ở góc độ là người đang hợp tác mà nói là họ làm không tốt thì thể hiện là mình không đúng, nhất là không thể nào nói một cách phiến diện.  Bởi vì thực ra bản thân người nhạc sĩ không có bộ máy cũng như nhân sự để quản lý xem chất lượng cũng như số lượng các tác phẩm dùng như thế nào và theo sao kê của bên Trung tâm nó có đúng hay không?

Ca sĩ Khánh Ly trong live show tại Hà Nội.

Tuy nhiên, nhạc sĩ cho rằng để có được sự công bằng giữa chuyện hợp tác của trung tâm và các tác giả thì rất khó bởi vì đến các cơ quan thuế có lúc có nói còn có sai sót nữa là một đơn vị gọi chỉ mang tính hội nghề hội ngành. Chắn chắn, câu chuyện tác quyền âm nhạc còn sẽ gây tranh cãi của dư luận trong xã hội và cả những đơn vị liên quan trong thời gian tới.

Thế nhưng, Việt Nam hiện đã tham gia Công ước Berne về quyền tác giả nên việc các đơn vị tổ chức biểu diễn trả tiền bản quyền cho tác giả là chuyện không thể bàn cãi. Vì thế, để việc "mua - bán" này rõ ràng, minh bạch thì rất cần những biểu giá, những quy định cụ thể hóa bằng luật, bằng chế tài của những cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý; tránh bị rơi vào tình trạng "cò kè bớt một thêm hai" như đã từng xảy ra.

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho biết, mình và các nhạc sĩ Quốc Trung, Huy Tuấn, Anh Quân và cùng một vài anh em từng có ý định thành lập trung tâm bản quyền âm nhạc. Nhưng là người sáng tác, là người làm nghề thôi chứ không phải làm kinh doanh nên rất khó để xây dựng một bộ máy làm được những việc như thế. Nếu bỏ tinh lực vào làm những việc như thế này thì không còn đâu thời gian để làm nhạc. Trong thời điểm thị trường âm nhạc khá sôi động, tất cả đều quá bận rộn, nên cũng đành mắt nhắm mắt mở cho qua.

Trong chia sẻ mới đây với báo chí, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng, việc thu phí tác quyền đang bị quá đà. Theo ông, việc "đi quá đà, đi quá xa" sẽ vô tình dẫn đến việc hạn chế sự hưởng thụ nghệ thuật của công chúng. Và nếu cứ giữ quan điểm cực đoan trong việc thu phí tác quyền như thế này thì sắp tới đây đi đường nhìn tranh cổ động, ngắm một bức tượng… cũng phải nộp phí tác quyền. Thứ trưởng nhận thấy VCPMC đưa ra nhiều lập luận nhưng chưa đủ sức thuyết phục. Có lẽ sắp tới đây, Bộ VHTT&DL cần phải có chỉ đạo để chấn chỉnh sự việc này.

Nhìn chung, các nhạc sĩ luôn là người chịu thiệt trong câu chuyện tác quyền, bởi thống kê thực tế tại Việt Nam hiện nay, có tới hơn nửa các chương trình ca nhạc không thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền. Còn VCPMC hiện nay là trung tâm duy nhất đứng ra thu tiền bản quyền tác phẩm - lại cũng không hoàn toàn chiếm được lòng tin trong mắt chính những nhạc sĩ đã ủy quyền cho họ.

Trong xu thế điện ảnh, hội họa và điêu khắc đều chưa có cơ hội khẳng định, âm nhạc và ca sĩ, tức người làm âm nhạc đang trở thành đối tượng hưởng lợi nhiều nhất trong giới nghệ thuật nên ai cũng nhìn thấy xu hướng phát triển của thị trường âm nhạc tại Việt Nam là đối tượng mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ. Mà một khi thị trường phát triển thì kéo theo đó rất nhiều vấn đề, vấn đề nào cũng cần có sự giải quyết một cách đồng bộ, từ cao đến thấp và ngược lại.

Câu chuyện tại sao vấn đề vi phạm bản quyền ca nhạc vẫn diễn ra nhan nhản hằng ngày từ chính những người làm nghề? Câu trả lời chính xác khó lòng tìm thấy, nhưng có một thực tế, nhiều khi chính người làm nghề cũng không có một tiêu chí chuẩn để nương theo đó làm việc. Bởi vì chính các cơ quan chủ quản nhiều khi cũng loay hoay trong việc đánh giá, vi phạm hay không vi phạm, đúng hay là sai?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Thu tác quyền là đúng nhưng phải thu thế nào?

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vào chiều 13-6 tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về cách thức thu phí của Trung tâm.

Cụ thể, cử tri cho rằng việc thu này không có căn cứ và bị trùng (thu 2 lần), tức là đơn vị sản xuất băng đĩa đã nộp tiền, nay các đơn vị kinh doanh lại phải nộp là vô lý. Trong khi đó, có nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật khác như sân khấu điện ảnh, văn học, điêu khắc, mỹ thuật… thì không có việc thu tương tự?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: "Việc sử dụng các bài hát của nhạc sĩ sáng tác vì mục đích thương mại thì phải trả tiền cho tác giả theo điều 26, 33 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2009 và điều 35 của Nghị định 100".

Bộ trưởng khẳng định, việc thu phí của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam vừa qua là có cơ sở. Tuy nhiên cách thu, hình thức thu thì còn một số vấn đề như thu thế nào, ai ủy quyền, có căn cứ khoa học chưa, mức thu đã được thỏa thuận chưa… thì còn phải bàn lại.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Trung tâm đã tiến hành thu ở khách sạn và một số quán cà phê… Sau khi có ý kiến phản đối từ dư luận, chúng tôi đã yêu cầu Trung tâm phải dừng thu để cùng nhau rà soát loại xem cách thu như vậy đã đúng chưa. Bao giờ làm đúng theo quy định pháp luật thì Trung tâm mới tiếp tục thu. Về việc này Bộ sẽ có báo cáo giải trình cụ thể cho đại biểu Quốc hội và Quốc hội".

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh: Chọn phương án "dĩ hòa vi quý"

Mỗi người có một quan niệm khác nhau nhưng người làm nghệ thuật, nhất là nhạc sĩ thường dành suy nghĩ và tâm huyết của mình cho nghề nghiệp. Họ là những người đặc biệt ngại va chạm, ngại những chuyện rắc rối nên thường chọn phương án dĩ hòa vi quý, chấp nhận sống chung với lũ.

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh.

Thực tế, chúng tôi cũng biết phần lớn  nguồn lợi đang chảy vào túi của ai đó mà chưa hẳn mang lại lợi nhuận cho nghệ sĩ, người làm sáng tạo. Nhưng là người làm nghệ thuật, được sống với nghề như bây giờ, được làm nghề hàng ngày với những nhạc sĩ như tôi mà nói đã là hạnh phúc lớn rồi.

Tất nhiên, cá nhân tôi cũng rất mong muốn có thể ngăn chặn những hành vi sai trái dù là nhỏ nhất trong việc tác quyền âm nhạc nói riêng và tác quyền nói chung. Nhưng nên chăng việc cần làm đó nên để thuộc về các cấp quản lý?

Thái Dương
.
.