Loay hoay chuyện dẹp xe quá tải

Thứ Tư, 13/05/2015, 06:50
Có hơn 10.000 xe tải nặng, xe đầu kéo chở container tập trung về khu vực TP HCM, nên cho dù có giao cho Thanh tra Giao thông vận tải (GTVT) hay lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đến vài trăm trạm cân cố định, di động hay cân di động xách tay cũng không thể đủ để cân hết chừng ấy xe chạy trên đường. Đó là chưa kể đến chuyện làm sao có đủ người để ra đường đồng loạt kiểm soát tải trọng với số lượng xe khổng lồ này. Do đó hoạt động để dẹp vấn nạn xe quá tải tại đây vẫn cần cách làm khác hiệu quả hơn.

Kiểm tra thủ công: Không xuể!

Mật độ xe tải nặng, xe container dày đặc trên đường, nhưng hiện lực lượng Thanh tra GTVT TP HCM chỉ có 1 trạm cân và 2 chốt cân cố định đặt tại khu vực cầu vượt Bình Phước - quận Thủ Đức và thị trấn Tân Túc - huyện Bình Chánh để kiểm soát xe trên tuyến Quốc lộ 1A. Còn lại 1 chốt đặt trên đường Nguyễn Văn Linh, để kiểm tra các loại xe ra vào cảng. Ngoài ra, Thanh tra GTVT cũng được trang bị thêm 6 cân tốc độ chậm cùng với 10 cân xách tay được trang bị cho các tổ kiểm tra lưu động.

Phương tiện chỉ có vậy, lực lượng lại hạn chế nên dù đã cố gắng hết sức, thì trong quý I đầu năm nay Thanh tra GTVT cũng chỉ có thể kiểm tra, xử phạt được hơn 2.230 trường hợp vi phạm về quá khổ, quá tải. Trong đó, xử phạt chủ phương tiện là 1.139 trường hợp, còn lại là phạt tài xế chở quá tải.

Về điều này, ông Lê Hồng Việt, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT TP HCM chia sẻ: Về nguyên tắc, các trạm, chốt cân tải trọng chỉ dừng 2-3 hoặc 4 xe cùng lúc để tránh gây ùn tắc giao thông. Nếu xe không vi phạm, thời gian kiểm tra chỉ mất 5 phút, nhưng với xe quá tải, ít nhất việc xử lý cũng phải mất 10 phút.

Thanh tra GTVT thực hiện cân tải trọng xe.

Trường hợp lái xe không hợp tác hoặc không đồng ý với kết quả cân tải trọng, phải đưa xe đi cân đối chứng ở trạm, chốt khác, việc xử lý phải kéo dài đến hàng tiếng đồng hồ… nên sẽ khó có thể cùng lúc buộc tất cả xe đi qua phải vào cân tải trọng. 

Nhìn lại kết quả kiểm tra, xử phạt xe quá tải của Thanh tra GTVT TP HCM, từ đầu năm tới nay lực lượng này hầu như không phát hiện được trường hợp nào vi phạm quá tải cầu đường bộ, chủ yếu xe vi phạm quá tải so với đăng kiểm. Như vậy nguyên nhân khiến nhà xe buộc phải phạm lỗi quá tải do tải trọng cho phép của cầu, đường không đồng bộ đã hầu như được khắc phục. Để xảy ra nạn chở quá tải chủ yếu do lỗi cố ý của chủ xe, nơi bốc xếp hàng hoặc tài xế.

Lâu nay, các trạm, chốt cân xe đặt cố định để kiểm soát tải trọng cũng chủ yếu mang tính răn đe là chính. Trong số 1.615 lượt xe được đưa vào cân tải trọng tại các trạm, chốt cân cố định được Thanh tra GTVT kiểm tra trong 3 tháng gần đây, chỉ phát hiện được 103 vụ vi phạm, đây là tỷ lệ rất thấp trong số xe buộc phải đưa vào cân. Các tổ thanh tra lưu động kiểm tra được 989 lượt xe, cũng chỉ phát hiện được 32 xe vi phạm. Tỷ lệ xe vi phạm qua kiểm tra đột xuất bằng cân xách tay trên đường cũng giảm mạnh so với con số vi phạm của năm trước.

Cảng biển mới chỉ chú tâm kiểm tra tải trọng xe ra, chưa kiểm tra với xe vào.

Hiện tượng xe quá tải giảm là vậy, nhưng số liệu trên có phản ánh đúng thực trạng xe quá tải tại TP HCM hay không lại là chuyện khác. Bởi một điều rõ ràng đây chỉ gói gọn trong số những xe ngang nhiên đi qua trạm và bị đưa vào cân. Còn tỷ lệ vi phạm trong số những xe cố tình giở chiêu để tránh né hoặc xe không bị "ngoắc" vào trạm cân hàng ngày là chưa thể tính toán.

Đưa cả chủ hàng vào đối tượng xử phạt

Để kiểm soát tải trọng xe ra vào cảng, Thanh tra GTVT đã cho chốt chặn thường xuyên tại các cảng: Tân Thuận, Sài Gòn, Bến Nghé,  Cát Lái… Không chỉ có vậy, ông Lê Hồng Việt, còn thông tin, đã có 28 cảng và kho hàng đầu mối thực hiện ký cam kết với thành phố và Bộ GTVT về thực hiện kiểm soát hàng quá tải ngay tại nơi bốc xếp. Nhưng với thực trạng các cảng chỉ lo kiểm soát tải trọng với xe chở hàng ra; ngoài đường lực lượng có trách nhiệm chỉ kiểm soát, cân tải trọng được số lượng quá ít xe như vậy, ông Thái Văn Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM đã chỉ ra những chiêu hết sức tinh vi mà giới chở quá tải dùng để đối phó.

Hiện tượng xếp hàng, tổ chức cho xe chở hàng quá tải vẫn diễn ra ở nhiều khu vực hết sức nhức nhối, thách thức dư luận. Chẳng hạn, ở khu vực cảng Cát Lái, quận 2 rồi các cảng Bến Nghé, Tân Thuận, cảng Vict ở quận 7 vẫn có tình trạng xe container sau khi nhận container tại các cảng này đã chạy đến kho ngoại quan AC ở quận 2 hoặc các bãi container ở đường liên cảng A5 để thực hiện hành vi sang tải, dồn tải một cách ngang nhiên.

Với trường hợp sang tải, xe vào cảng Cát Lái nhận container, sau đó đến các bãi xung quanh khu vực dùng cẩu sang tải cho những xe có sức chở nhỏ hơn để chở đi. Trường hợp dồn tải, sau khi lấy container ra khỏi cảng Cát Lái, những xe này chạy đến các bãi xung quanh cảng bỏ tạm xuống; quay lại cảng tiếp tục lấy thêm một container nữa, rồi vòng ra cẩu cả container kia lên xe để chở cùng một chuyến.

Ông Thái Văn Chung cho biết, với xe chở sắt thép, hàng rời từ các kho hàng, các tỉnh, thành khác về TP HCM, chẳng cần biết trọng tải là bao nhiêu, nhưng đã được các cảng Khánh Hội, Bến Nghé, Tân Thuận bỏ qua việc kiểm soát hàng đến cảng. Sản xuất, tiêu thụ lượng xi măng rất lớn hàng ngày, nhưng hiện nay tất cả các nhà máy xi măng tại TP HCM đều chưa thực hiện việc kiểm soát tải trọng, xe vào "ăn" hàng vẫn ngang nhiên chất quá tải trọng.

Một cảnh xe chở container uy hiếp nghiêm trọng tới an toàn giao thông.

Ở khu vực bến Trần Xuân Soạn, rất nhiều xe nhận phân bón tại các cảng ở quận 4, quận 7 xong cũng vòng về các kho hàng gần đó chất thêm hàng cho… đủ quá tải. Tại khu vực Bình Dương, Nhà máy thép P trong KCN Sóng Thần 1, rồi kho hàng của Hãng thép HP ở KCN Đồng An vẫn ung dung chất xếp hàng cho xe chở quá tải.

Ở Đồng Nai, nạn chở quá tải thường xảy ra tại kho hàng của Tập đoàn thép HP ở KCN Amata, đến các mỏ đá, xưởng chế biến gỗ ở khu vực phường Phước Tân, TP Biên Hòa. Còn ở Bà Rịa - Vũng Tàu, gần đây xuất hiện tình trạng các xe vốn trước kia dùng biển số dân sự, nay bỗng dùng biển "đỏ" hoặc biển giả để xếp hàng quá tải tại một số nhà máy và cảng Phú Mỹ…

Về thực trạng này, ông Lê Hồng Việt thừa nhận rằng các cảng cạn, KCX-KCN, kho hàng đầu mối hầu như không thực hiện cân tải trọng khi cho xe ra khỏi cổng. Ông Việt cũng khẳng định là hàng hóa xuất khẩu đóng container buộc phải theo chuẩn trọng tải quốc tế nên khi được chở từ nhà máy, kho hàng, KCX-KCN ra cảng hầu như không quá tải. Dù vậy, ông Chung vẫn cho rằng cần phải đẩy mạnh kiểm tra xe chở "cặp cổ" 2 container loại 20 feet của nhà xe do hình thức vận chuyển này rất dễ quá tải.

Chế tài xử phạt quá tải hiện đã cho phép phạt 3 chủ thể, gồm lái xe, chủ xe, người xếp hàng lên xe. Trong quý I năm nay, Thanh tra GTVT cũng đã xử phạt 79 trường hợp cố tình chất, xếp hàng vượt quá tải trọng cho phép lên xe. Song với thực trạng vi phạm quá tải tràn lan, nhức nhối kể trên, ông Chung đề nghị cần bổ sung thêm đối tượng chủ hàng vào quy định xử phạt nếu để xảy ra tình trạng quá tải. Đồng thời nâng mức xử phạt tiền lên bằng nhau với ba đối tượng, không phân biệt mức xử phạt tiền giữa cá nhân và tổ chức cùng có lỗi vi phạm như nhau trong việc xếp, chở hàng quá tải để bảo đảm sự bình đẳng.

Lý giải cho đề nghị trên, theo ông Chung, chủ hàng là tác nhân có vai trò quan trọng, quyết định đến việc điều phối hàng hóa trên thị trường. Thực tế chủ hàng có thể điều tiết hành vi của cả ba đối tượng  như người xếp dỡ hàng hóa, người lái xe và chủ doanh nghiệp vận tải trong việc xếp hàng và chở hàng quá tải.

Nhưng bất hợp lý ở chỗ đối tượng này lại chưa bị áp dụng bất cứ chế tài xử phạt nào để ràng buộc trách nhiệm. Buộc chủ hàng phải giám sát chặt chẽ tài sản của mình trong quá trình vận chuyển trên đường, làm sao để đảm bảo an toàn giao thông tuyệt đối cho cộng đồng, xã hội chứ không thể chỉ trả tiền thuê, còn lại phó mặc cho lái xe, doanh nghiệp vận tải và nơi bốc xếp.

Dẹp quá tải bằng trạm cân tự động

Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm với xe quá tải, từ đầu năm tới nay cũng đã có 1.093 lái xe bị phạt tại địa bàn thành phố. Về thực trạng này, ông Lê Hồng Việt cho rằng phạt là đúng do nhiều tài xế biết vi phạm nhưng vẫn chạy. Nỗi oan của tài xế là đối tượng này chỉ là người làm công ăn lương, chủ xe bảo chạy là phải chạy, không sẽ bị thay thế người khác lập tức. Do đó hình thức tước giấy phép lái xe của tài xế vẫn chỉ là đánh vào chiếc cần câu cơm của người lao động.

Anh Tuyển, một tài xế xe tải nặng ở quận 7 thường xuyên chở hàng hóa ra vào các cảng thừa nhận, biết là quá tải, nhưng vì miếng cơm manh áo vẫn cứ phải chạy. Nhưng sợ nhất là khi bị treo bằng lái, chủ xe cắt tài là đói nên anh Tuyển cũng như giới tài xế xe đầu kéo, xe tải nặng chở hàng ra vào cảng thường phải có đủ chiêu để vượt trạm cân, né chốt kiểm soát của Thanh tra GTVT và CSGT.

Để xảy ra vấn nạn quá tải tràn lan trên có nhiều nguyên nhân, nhưng ông Chung quả quyết là do thiếu sự quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc chống xe quá tải. Nhằm tăng hiệu quả trong kiểm tra tải trọng, từ giữa năm ngoái TP HCM đã thí điểm lắp đặt một trạm cân tự động trên Quốc lộ 1A, đoạn gần trạm thu phí An Sương - An Lạc. Thời gian thí điểm cân tốc độ, có trên 100 ngàn lượt xe tải qua trạm cân và cũng đã có hơn 1.000 lượt xe quá tải từ 10% trở lên được cân gửi tín hiệu cảnh báo về nơi điều khiển. Điều này có nghĩa tỷ lệ vi phạm trên tuyến trọng điểm này vẫn chiếm khoảng 10%.

Ông Lê Hồng Việt cho biết, ưu điểm của trạm cân tự động này là không hạn chế tốc độ xe chạy qua; không cần người trông coi, điều khiển và cũng chẳng hề bị ảnh hưởng bởi thời tiết đêm ngày hay gió bão. Thậm chí ngay cả khi mặt đường bị ngập cân cũng vẫn cứ hoạt động bình thường và cho ra những thông số khá chi tiết về tải trọng của xe chạy qua. Cho đặt trạm cân tự động này, tất cả các loại xe tải phải đi qua trạm, nhưng chỉ xe nào quá tải mới bị dừng lại để kiểm tra, xử phạt. Như vậy sẽ vừa tránh được tình trạng ùn tắc xe do trạm cân lại tránh phải kiểm soát xe một cách tràn lan như hiện nay.

Từ hiệu quả thí điểm với trạm cân tự động này, hiện TP HCM đã đồng ý cho tiến hành lập thêm 3 trạm nữa để đưa vào hoạt động kiểm soát tải trọng. Nhưng để làm được như vậy, thành phố còn phải kiến nghị cho phép sử dụng kết quả cân tự động làm cơ sở pháp lý để xử phạt vi phạm quá tải.

Với chi phí hơn 2 tỉ đồng/trạm, các trạm cân tự động như ở TP HCM là con số rất nhỏ so với thiệt hại phải bỏ ra để duy tu cầu, đường, khắc phục hệ lụy do vấn nạn chở quá tải gây ra. Và cái lợi không thể so sánh được là nguy cơ xe chở quá tải so với kiểm định đang uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông sẽ được loại trừ.

Ủng hộ cách kiểm soát tải trọng không cần con người can thiệp để chắc chắn đảm bảo tính công bằng này, ông Thái Văn Chung cũng đã đề nghị Bộ GTVT đẩy mạnh việc lắp đặt các hệ thống cân tải trọng tự động trên các tuyến đường trọng điểm vận chuyển hàng hóa.

Đặc biệt là ở các cửa ngõ ra vào các thành phố như TP HCM; các KCX-KCN, cảng sông, cảng biển lớn… cũng như áp dụng cả hình thức phạt nguội đối với cá nhân, tổ chức chở hàng quá tải để tăng hiệu quả và bảo đảm tính khách quan, công bằng, bình đẳng trong hoạt động vận tải hàng hóa.

Thái Bảo
.
.