Phim Việt: Loay hoay đường băng cất cánh!

Thứ Năm, 11/06/2015, 17:05
Những năm gần đây, dù thị trường phim của chúng ta có sôi động hơn trước. Nhưng tỉnh táo nhìn lại, sự sôi động đó chưa phải là một làn sóng mạnh mẽ của một cuộc bùng nổ cách mạng, của sự phát triển. Dù được đầu tư tiền tỉ (nhất là dạng phim lịch sử quốc doanh) nhưng phim ra rạp vẫn “chết”. Như thế, có nghĩa là vấn đề kinh phí không phải là chuyện quyết định cho sự thành công của một bộ phim. Vấn đề đặt ra là: Làm gì để phim Việt “cất cánh” để phát triển, hội nhập?

Tình trạng "thất thu" của điện ảnh

Thời gian qua, nền điện ảnh có sôi động đôi chút với những bộ phim được tiếp thị rầm rộ của một số hãng phim tư nhân. Đáng buồn là, những bộ phim quốc doanh (nhất là phim lịch sử) được Nhà nước đầu tư kinh phí lớn, nhưng không bán nổi vé.

Với những bộ phim giải trí mang tính thương mại nhiều hơn là nghệ thuật đó dù ăn khách và được tuyên bố có lãi, chưa thể nói điện ảnh của chúng ta đang phát triển, bởi lẽ, chúng ta đang thiếu những tác phẩm hay, tác phẩm lớn mang tầm cỡ và văn hóa Việt Nam như đã từng với "Cánh đồng hoang", "Bao giờ cho đến tháng Mười"...

Dẫu được đầu tư kinh phí nhiều, nhưng điện ảnh chúng ta đang bị lúng túng trong tư duy sáng tạo để xây dựng nên những bộ phim điện ảnh tầm cỡ. Đề tài phim của ta cứ lặp đi lặp lại. Hết phim về chiến tranh đến phim đấu tranh chống tiêu cực rồi lại phim về những chuyện quẩn quanh ở xóm làng, khu phố.

Thi thoảng có một số bộ phim chất lượng khá thì chất liệu cũng lấy từ những tác phẩm văn học. Chẳng hạn: phim "Thời xa vắng", "Sóng ở đáy sông" chuyển thể từ những tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu, "Mê Thảo, thời vang bóng", chuyển thể từ hai tác phẩm của Nguyễn Tuân, "Chuyện của Pao", chuyển thể từ truyện ngắn "Tiếng đàn môi qua bờ rào đá"...  Những tác phẩm mang hơi thở thời đại, hiện đại rất ít, có chăng chỉ là những bộ phim truyền hình làm chưa trau chuốt.

Giải thưởng danh giá Cánh diều sau nhiều năm vẫn chưa tìm ra được bộ phim xứng đáng để trao giải cao nhất là Cánh diều Vàng năm 2010 mới có phim "Long thành cầm giả ca" (một phim lịch sử) đoạt giải và mới đây năm 2013 "đành" trao giải cho phim "Thiên mệnh anh hùng" một phim cổ trang dã sử mang tính giải trí nhiều hơn nghệ thuật do đạo diễn Việt kiều Victor Vũ dàn dựng. Điều đó cho thấy điện ảnh của chúng ta gần đây đang thiếu trầm trọng những kịch bản, tác phẩm có giá trị.

Ở lĩnh vực phim truyền hình, tình trạng cũng u ám không kém. Trừ một vài bộ phim chính luận và phim hình sự là thu hút khán giả, còn lại nhiều bộ phim truyền hình dài tập đang gây cảm giác nhàm chán, nhạt nhẽo cho khán giả bởi những câu chuyện giống nhau về mô típ tình yêu của giới trẻ nhà giàu rất xa rời thực tế.

Theo nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, cần có điều kiện sáng tác cởi mở để điện ảnh Việt nam phát triển.

Từ đó, ý đồ ưu ái cho phim Việt Nam phát triển, "chống" lại phim ngoại nhập đã không hiệu quả như mong đợi, dù được làm với kinh phí không nhỏ, được ưu ái phát sóng "giờ vàng" trên đài truyền hình. Với những bộ phim cẩu thả, yếu kém như thế, sự (ý đồ) "đối kháng" với làn sóng phim ngoại nhập của ta đã bị phá sản, vô hiệu hóa.

Trước đây, phim truyền hình của ta còn có "hiện tượng" làm phim truyền hình Việt hóa dựa theo kịch bản phim của nước ngoài.  Việc mua lại những tác phẩm của nước ngoài rồi gia công, viết lại thành kịch bản của mình, không phải là mới. Hollywood đã làm từ lâu. Vấn đề là họ làm hay, còn chúng ta làm dở thành ra phim sống sượng, không đúng với văn hóa, tâm hồn Việt nên phản cảm, phản tác dụng.

"Gia công" từ tác phẩm văn học cũng không xong?

Muốn có một bộ phim hay đòi hỏi đầu tiên là phải có kịch bản hay. Theo đạo diễn Lê Dân và nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, kịch bản, hay bộ phim hay gồm các yếu tố: Nội dung hay và hình thức hay. Kịch bản đó phải là câu chuyện có ý nghĩa và hấp dẫn, có tình tiết hay để khi xem xong đọng lại điều gì trong lòng khán giả.

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân nói thêm: "Một kịch bản hay phải nêu lên được những vấn đề mà người xem quan tâm, đưa ra những giải đáp hoặc nêu lên những vấn nạn bức xúc của con người, cộng đồng trong cuộc sống. Chính cái tư tưởng đó sẽ đọng lại trong lòng người xem. Thứ hai là kịch bản đó phải được viết nên bởi một trình độ điêu luyện, bố trí hành động của cốt truyện lôi cuốn người xem. Kịch bản phải trình bày những nhân vật phong phú, độc đáo về tính cách mà các hành động của họ để lại ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả khiến họ khó quên”.

Nhưng điều trớ trêu là hiện nay, các nhà sản xuất, nhà đài, nhà quản lý và hoạch định chính sách về nghệ thuật nói riêng và phim ảnh nói chung, lại ít chú trọng đến đội ngũ thiết yếu này. Tại hai trường đại học chuyên đào tạo về sân khấu, điện ảnh của ta là Đại học Sân khấu - Điện ảnh ở Hà Nội và TP HCM, cũng ít người theo học biên kịch. Đó là lỗ hổng lớn trong quy trình đào tạo, sản xuất phim ảnh của ta?

Một nguyên nhân khác theo nhà biên kịch Quý Dũng là do nhiều biên kịch của ta thiếu vốn sống, ít trải đời nên tác phẩm không lung linh, thiếu cá tính và độ sâu, dày của văn hóa và kinh nghiệm sống.

Một cảnh trong phim "Cha rơi" của đạo diễn Phương Điền, đoạt giải Cánh diều Vàng năm 2014.

Nhà văn, nhà biên kịch Sâm Thương, cho rằng: "Nhược điểm kịch bản của chúng ta là do chưa có những người biên kịch chuyên nghiệp viết. Nhiều kịch bản phim do các nhà văn viết ra. Do vậy lối viết kịch bản của chúng ta lâu nay là viết theo kiểu kịch bản văn học, chứ chưa phải là kịch bản điện ảnh. Vì thế, khi đạo diễn làm phim phải gia cố rất nhiều mà không phải đạo diễn nào cũng biết gia cố cho hay.”

Đạo diễn Lê Dân nói: "Một số đạo diễn hiện nay thiếu sáng tạo vì vậy phim ít hay vì bị nhàm chán, cũ mòn. Phim hay là không bắt chước những gì đã có. Phim hay cần có kịch bản hay, kịch bản là bệ phóng cho bộ phim. Kịch bản hay, dù đạo diễn dở thì phim chỉ tồi đi một ít, nhưng nếu kịch bản dở thì dù đạo diễn giỏi cũng không có phim hay".

Mặt khác, chúng ta hiện đang quản lý, kiểm duyệt quá chặt cũng  ảnh hưởng đến nội dung kịch bản. "Nhiều người mang danh là biên tập phim truyện nhưng lại không biết viết kịch bản phim truyện. Nhiều biên tập viên không  đánh giá tác phẩm mà chỉ đánh giá, nhìn nhận vào tác giả để thẩm định giá trị và bắt lỗi", nhà biên kịch Quý Dũng nói.

Một nguyên nhân khác khiến chúng ta thiếu những kịch bản hay là do chúng ta chưa có chính sách đào tạo tốt về chuyên môn cho ngành điện ảnh.

Muốn "cất cánh", cần có chiến lược

Hầu hết các chuyên gia trong giới làm phim cho rằng để có phim hay, cần có chiến lược phát triển điện ảnh, trong đó quan trọng nhất là vấn đề đào tạo chuyên môn. Nhà nước cần đưa người ra nước ngoài học và chỉ nên đưa những người thực sự yêu nghề đi.

Ở nước ngoài, họ rất chú trọng đào tạo, đề cao đội ngũ biên kịch này. Ở Trung Quốc, việc tuyển chọn, đào tạo biên kịch rất kỹ, học biên kịch phải là những người đã tốt nghiệp đại học. Trong 100 người thi, họ chỉ chọn lấy 50, sau đó số này cũng chỉ có vài người giỏi.

Nhà biên kịch Sâm Thương cho rằng chúng ta chưa có chính sách đào tạo chuyên sâu từ đội ngũ biên kịch đến các bộ phận kỹ thuật khác, như thư ký trường quay, phục trang, ánh sáng...

"Sự xuống dốc, tụt hậu của nền điện ảnh Việt Nam do nhiều nguyên nhân. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là thiếu chiến lược phát triển. Điện ảnh chúng ta lâu nay vẫn cứ loay hoay, lúng túng vì chưa tìm ra hướng đi, chiến lược phát triển cho nó. Muốn phát triển điện ảnh, trước hết chúng ta phải đổi mới cách đào tạo, đổi mới công nghệ làm phim. Việc đào tạo về điện ảnh của chúng ta hiện nay đã tụt hậu nhiều so với thế giới. Công nghệ, máy móc thì cũ kỹ, lỗi thời..." - nhà biên kịch Sâm Thương nói.

Một cảnh trong phim “Long thành cầm giả ca” - đoạt Cánh diều Vàng năm 2010.

"Để điện ảnh Việt Nam phát triển còn cần có chiến lược, trong đó quan trọng nhất là vấn đề đào tạo chuyên môn. Kế đó là chiến thuật tiếp cận thị trường. Nghĩa là cần có chiến lược quảng bá, nghiên cứu về nhu cầu thị hiếu khán giả một cách nghiêm túc, để có thể bán được phim. Sự đầu tư mạnh mẽ của những nhà kinh doanh giỏi là cần thiết cho sự phát triển điện ảnh", đạo diễn Đào Bá Sơn nói.

"Nhà nước cần đưa người ra nước ngoài học và chỉ nên đưa những người thực sự yêu nghề đi. Chúng ta cũng nên đưa điện ảnh vào dạy ngay từ nhỏ cho các em để các em am hiểu và có sự chọn lựa nghề sau này. Ngoài ra, cần có một Ủy ban Điện ảnh quốc gia, có sự giao lưu, trao đổi về điện ảnh, chẳng hạn như tổ chức trại sáng tác điện ảnh khu vực Đông Nam Á", nhà biên kịch Sâm Thương nói.

Đạo diễn Lê Dân nhấn mạnh: "Chúng ta hiện nay chỉ mới có hai trường dạy về điện ảnh, chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Cần có những khóa đào tạo đến nơi đến chốn và mở các khóa đào tạo cấp tốc về viết kịch bản và đạo diễn. Không có chuyên viên giỏi thì không có phim hay. Hàn Quốc từ 10 năm trước đã cử 300 sinh viên qua Mỹ học về điện ảnh. Nhờ vậy họ mới có công nghệ làm phim như hiện nay. Phim Hàn Quốc dù bị chê là sướt mướt... nhưng về kỹ thuật dàn dựng rất tốt".

Còn nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cho rằng cần đảm bảo về cuộc sống cho người nghệ sĩ để họ có thể cống hiến hết tài năng của mình.

"Để có được những tác phẩm khá phục vụ và hướng dẫn thẩm mỹ của công chúng, thì sự đầu tư hợp lý, điều kiện sáng tác được cởi mở, nghệ sĩ sẽ tập trung tốt cho công việc. Giới quản lý có sự chia sẻ thông thoáng, công chúng khán giả có sự phát triển về mặt thẩm mỹ... cũng là những điều kiện để cho ra đời những kịch bản hay", ông nói thêm.

Phạm Huy Văn
.
.