Loay hoay kiểm soát đàn khỉ hung dữ ở Tây Ninh

Chủ Nhật, 22/11/2020, 10:23
Thông tin về đàn khỉ trong nội ô Tòa thánh Cao Đài (Tây Ninh) thường xuyên tấn công gây thương tích khách vãng lai, giáo viên, học sinh và người dân đã gây sự chú ý của dư luận nhiều năm nay.

Theo cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh thì những cá thể khỉ hung dữ chủ yếu là do người dân nuôi nhốt tại nhà và tự ý thả vào rừng. Những con khỉ này có thân hình to lớn và không nhập được bầy đàn nên rất hung dữ, nguy hiểm cho người dân khi tiếp cận gần. Việc xử lý đàn khỉ hung dữ này đã được tiến hành một số lần bằng cách bắt thả vào rừng tự nhiên ở Tây Ninh. Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện này còn khá nhiều khúc mắc...

Đàn khỉ tràn ra đường phố Tây Ninh.

Khỉ liên tục quậy phá, cắn người

Những năm gần đây, trong khu rừng thiên nhiên nội ô Tòa thánh Cao Đài ở Tây Ninh (viết tắt Tòa thánh) ngày càng có nhiều khỉ. Sự có mặt của chúng ít nhiều gây hứng thú cho khách tham quan, là một điểm nhấn dễ thương thu hút khách du lịch gần xa. Tuy nhiên, cũng có không ít rắc rối, phiền toái, thậm chí nguy hiểm đến từ những con khỉ hung dữ và tinh quái ở nơi này. Đàn khỉ đã nhiều lần vào trường học, nhà dân, ra đường phố để tìm thức ăn và tấn công người khi bị xua đuổi. Chúng cũng từng tấn công du khách trong khu vực này và làm cuộc sống người dân sống xung quanh bị ảnh hưởng trong nhiều năm qua.

Phụ huynh có con đang học tại Trường mẫu giáo 19-5 trong nội ô Tòa thánh cho biết nhiều tháng qua đàn khỉ hung dữ liên tục vào trường để tìm kiếm thức ăn và tấn công gây thương tích cho người, trong đó có các em học sinh. Ngày 23-9, đàn khỉ lại kéo vào trường. Ông bảo vệ Nguyễn Tấn Nghĩa ra xua đuổi, bị đàn khỉ tấn công, cắn vào bàn tay, bụng và đùi với vết thương sâu, phải đến cơ sở y tế để khâu vết thương. Từ ngày 25-9 đến 8-10, đàn khỉ tiếp tục vào trường thêm 3 lần và tấn công gây thương tích cho một em học sinh, phải đi khâu vết thương.

Ông Nguyễn Trung Thiên Hải (ngụ tại khu phố 4, phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) cho biết, gần như ngày nào vào sáng sớm đều xuất hiện một đàn khỉ vài chục con tấn công vào nhà dân. Tất cả mọi thứ từ đồ dùng sinh hoạt gia đình, trái cây thờ cúng đến cây trái đều bị lật tung, phá phách. Dùng gậy xua đuổi, chúng cũng không sợ mà còn tấn công ngược lại. Sau đó nhiều ngày, chúng liên tục kéo đàn quấy phá, trả thù nặng nề hơn. Người dân xung quanh nội ô Tòa thánh luôn phải đóng cửa kín để phòng ngừa khỉ vào nhà quấy phá.

“Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương và Hội thánh Cao Đài nhưng chưa thấy có phương án xử lý triệt để”, anh Hải cho biết. Từ ngày 23-9 đến 8-10 đã có 4 người bị khỉ cắn, phải đi bệnh viện chữa trị.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Sáu (74 tuổi, ngụ phường Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành) thì một số con khỉ lớn, khỉ đầu đàn chỉ thực sự hung dữ và tấn công người khi bị chọc phá quá mức. Hằng ngày bà vẫn đều đặn mang trái cây đến cho khỉ ăn nên chưa từng bị tấn công lần nào.

Ngoài những người dân trong khu vực thì lâu nay khách tham quan Tòa thánh chính là những người cho bầy khỉ ở đây ăn nhiều nhất. Thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19, lượng khách giảm, nguồn thức ăn giảm, bầy khỉ đói ăn tràn ra đường, trở nên rất hung dữ, manh động. Khi thấy xe máy, ôtô của khách vừa dừng lại, khỉ nhảy lên xe tìm thức ăn, giật ngay trái cây mà khách mang đến chưa kịp đặt xuống đất...

Ông Trịnh Phụng mỗi ngày đều mua bánh mì, chuối, đậu phộng cho đàn khỉ ăn.

Ông Trịnh Phụng (79 tuổi, ngụ tại thị xã Hòa Thành) cho biết mỗi ngày ông vẫn bỏ tiền túi ra mua bánh mì, chuối, đậu phộng vào cho đàn khỉ ăn. Ông còn đem theo can nhựa lấy nước đổ vào những chiếc thau, chậu trong rừng thiên nhiên cho chúng uống. Ông Phụng cho biết, có vài người cũng thường mua thức ăn mang vào cho chúng ăn nhưng vẫn bị khỉ cắn. Bản thân ông cũng bị chúng cắn hụt vài lần.

Không phải đến giờ mà từ mấy năm trước, những con khỉ hung dữ ở đây đã gây nguy hiểm cho người dân và du khách. Cuối năm 2017, một thanh niên đang ngồi tránh nắng trong nội ô Tòa thánh thì bị một chú khỉ cao lớn nhảy xổ đến cắn vào tay chảy máu. Quá bất ngờ nên anh này không kịp phản ứng. Sau đó, đội cứu nạn đã đến sơ cứu, băng bó vết thương và đưa anh này đến bệnh viện chích ngừa.

Chị Nguyễn Bích Thủy (ngụ phường Ninh Thọ, Ninh Sơn, TP Tây Ninh) đến xưởng may Phước Thiện trong nội ô Tòa thánh nhận quần áo về gia công cũng bất ngờ bị một con khỉ đuôi dài nhảy từ trên kèo nhà xuống cắn chảy máu... Chị được đồng nghiệp đưa đến bệnh viện khâu 6 mũi. Giờ, đó là nỗi ám ảnh kinh sợ của chị...

Sẽ thả 2/3 số khỉ lớn, khỉ hung dữ về môi trường tự nhiên

Khu rừng thiên nhiên trong nội ô Tòa thánh đã có hàng trăm năm nay. Trong khu rừng này có rất nhiều cây cổ thụ có giá trị như sao, dầu, cẩm lai, căm xe, chò...

Về nguồn gốc của đàn khỉ trong khu rừng này, ông Mai Văn Thới, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh, cho biết: “Những năm 2002-2003, chúng tôi tịch thu bầy khỉ từ những người săn bắt động vật trái phép. Theo yêu cầu của Hội thánh Cao Đài, chúng tôi đã thả vào rừng thiên nhiên Tòa thánh 2 đợt với số lượng 27 con khỉ đuôi dài, nhờ đó khu rừng này trở nên có sức sống hơn”.

Lúc đầu, với số lượng khỉ đó, cùng không gian khá rộng, không bị bó buộc cùng sự nhanh nhẹn, khả năng leo trèo vốn có, bầy khỉ thường xuyên vượt ra ngoài, thoải mái đi lại khắp khu vực nội ô Tòa thánh, thỉnh thoảng, chúng thoát ra đến khu dân cư xung quanh nội ô.

Thực tế, sự có mặt của các chú khỉ đã góp phần tạo cho khu rừng giữa phố thị này sinh động hẳn lên. Hằng ngày, vào buổi sáng và chiều, những chú khỉ lớn nhỏ thường xuất hiện ở hàng rào vườn thiên nhiên để đùa giỡn với du khách và kiếm thức ăn. Không chỉ có du khách thích thú, nhiều người dân địa phương cũng có cảm tình với chúng. Buổi sáng, buổi chiều, nhiều ông bố bà mẹ thường đưa con cháu đến đây để bọn nhỏ ngắm xem đàn khỉ. Các chú khỉ hầu hết cũng tỏ ra thân thiện với con người...

Sau đó, nhiều hộ dân có nuôi khỉ nhưng không có nhu cầu nuôi nữa cũng đem vào thả chung. Lũ khỉ sinh sôi nảy nở khá nhanh và ngày càng đông đúc. Từ mấy chục con ban đầu, đến nay đàn khỉ đã gia tăng số lượng, ước tính gần 150 con.

Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh vui nhộn mà đàn khỉ mang lại, chúng cũng gây ra những nỗi lo như thường xuyên leo qua hàng rào, ra ngoài khu rừng để giật thức ăn và tấn công du khách như đã phản ánh ở trên.

Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh, trước đây, những con khỉ được Chi cục Kiểm lâm tỉnh thả vào khu rừng nội ô Tòa thánh đều là khỉ đuôi dài. Loài khỉ này thường rất hiền, không hung hăng và tấn công người bất ngờ như những con khỉ đuôi lợn do dân nuôi lén đem thả vào rừng nội ô Tòa thánh. Những con này sau khi được thả vào, do không hòa nhập được với bầy khỉ đã sống tại đây nên rất hung hăng, thường tấn công và cắn người.

“Chúng tôi đã khuyến cáo các hộ dân nếu không nuôi nữa phải giao cho kiểm lâm. Nhưng, họ cho rằng thả trong Tòa thánh thì bọn khỉ sẽ được cho ăn, được bảo vệ. Thực ra những con khỉ này khó nhập đàn nên trở nên hung dữ, cũng do nuôi lâu ngày nên chúng không sợ người”, ông Mai Văn Thới cho hay.

Cũng theo ông Mai Văn Thới, có lúc kiểm lâm phát hiện có cả những chú khỉ còn dây đeo ở cổ, chứng minh cho nhận định đây là những con do người dân thả vào. Đến khi khỉ lớn lên thì dây đeo này thít vào cổ, cán bộ kiểm lâm phải tìm cách bắt và tháo dây cổ ra cho chúng...

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, cho biết diện tích khu rừng tự nhiên trong nội ô Tòa thánh khá hẹp, trong khi số lượng khỉ sinh sản ngày càng nhiều. Do không đáp ứng được môi trường sống và không có nguồn nước cho khỉ sinh sống nên xảy ra tình trạng khỉ đã tràn vào trường học và nhà người dân quấy phá, để tìm thức ăn.

Nhiều con khỉ leo ra ngoài hàng rào khu rừng nội ô Tòa Thánh.

Một nguyên nhân khác khiến bầy khỉ trở nên hung hăng, thường xuyên tấn công người chính là do ý thức kém của một số người khi cho khỉ đồ ăn. Họ đã cố ý chọc phá những chú khỉ bằng việc đưa đồ ăn cho chúng rồi rút lại, khiến những con khỉ khó chịu và trở nên hung dữ hơn. Để bảo đảm an toàn cho khách tham quan, Ban trật tự nội ô Tòa Thánh đã cho lắp đặt các bảng cảnh báo đề phòng khỉ dữ tấn công người tại các khu vực trong nội ô Tòa thánh. Nhưng chỉ được một thời gian, các bảng cảnh báo này đã bị gỡ, hỏng mất...

Ngày 7-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã có tờ trình gửi đến UBND tỉnh Tây Ninh về việc xin ý kiến di dời 2/3 số lượng khỉ lớn, khỉ hung dữ thả về môi trường tự nhiên phù hợp với điều kiện sinh sống của chúng vào thời gian tới. Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Tôn giáo có ý kiến đề nghị Hội thánh Cao Đài đồng thuận, phối hợp để các cơ quan chức năng tổ chức di dời 2/3 số khỉ này về rừng. Tỉnh cũng giao Chi cục Kiểm lâm xây dựng kế hoạch di dời đàn khỉ về môi trường tự nhiên phù hợp.

Cũng cần nói rõ từ năm 2015 đến 2017, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh đã nhiều lần phối hợp cùng Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã WAR tại TP Hồ Chí Minh, kết hợp Đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh và người dân đã bắt được hơn 20 con khỉ quậy phá, không chịu nhập đàn, do dân nuôi thả vào rừng nội ô Tòa thánh, để đưa lên thả ở rừng Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát. Trước đó cũng có thả một số khỉ về rừng tự nhiên trên núi Bà Đen...

Số khỉ hiền lành còn lại vẫn sẽ được giữ lại như từ trước đến nay, để phục vụ du khách tham quan Tòa thánh cũng như người dân xung quanh. Tuy vậy, về phía người dân cũng như du khách khi đến tham quan, vui chơi tại khu vực nội ô Tòa thánh cũng cần tránh chọc ghẹo khỉ, cẩn trọng và có ý thức hơn trong việc tiếp xúc, chơi đùa với khỉ, để tự bảo vệ an toàn cho bản thân.

Phú Lữ - Hải Dương
.
.