Lợi dụng làm từ thiện để trục lợi: Blouse trắng “vấy bùn”

Thứ Tư, 30/10/2013, 11:00

Lời dạy “Lương y như từ mẫu” luôn được ngành y và dư luận xã hội nhắc nhở, đề cập thường xuyên nhằm răn dạy, kêu gọi người thầy thuốc phải đối với bệnh nhân bằng tinh thần của từ mẫu (mẹ hiền-PV). Nhưng buồn làm sao, từ vô số vụ bê bối liên quan đến những người mặc áo blouse trắng thời gian qua như nhân bản xét nghiệm, lợi dụng sự quá tải mở dịch vụ rồi gài thế đưa bệnh nhân vào rọ với êkíp mổ lấy cắp giờ công để trục lợi riêng, bác sĩ bắt tay với cò câu bệnh nhân ra phòng khám tư rồi “múa dao lam”, bác sĩ kê đơn thuốc toàn thực phẩm chức năng để “cắn” phần trăm… trước vô số chuyện đau lòng ấy, chưa khi nào, cụm từ y đức lại trượt dốc thê thảm như vậy.

Dư luận ví hiện tượng y đức xuống cấp kia tựa chiến mã đứt dây cương, chẳng gì có thể kìm giữ được. Và trong hằng hà sa số câu chuyện “từ mẫu” vì lợi riêng mà chẳng ngại làm điều luật pháp lẫn lương tâm không cho phép, thời gian qua chúng tôi ghi nhận nhiều tín hiệu buồn khác cũng liên quan đến một bộ phận những người mặc blouse trắng khi lợi dụng từ thiện để trục lợi dưới các hình thức phát thuốc cận date và quá date, nhân danh người nghèo để kêu gọi hỗ trợ mổ mắt miễn phí, phát thuốc tặng quà theo cái kiểu “gom nhiều nhưng nhả ít”…

1. Bà Kiều Nguyễn là Việt kiều Mỹ, từ năm 2009  đến nay, năm nào bà cũng cùng con gái là Trần Nguyễn Jessica về Việt Nam giúp đỡ đồng bào quê nhà. Và trong những chuyến lên rừng, xuống biển, từ Nam ra Bắc, mẹ con bà Kiều Nguyễn gặp không ít chuyện buồn liên quan đến một vài bác sĩ làm từ thiện mà theo bà, có cái tâm không trong sáng: 

"Tôi biết các đoàn ấy qua website của họ. Họ giới thiệu những việc họ đã và đang làm rất hoành tráng, nào là khám chữa bệnh phát thuốc miễn phí, mổ mắt, tặng xe lăn… Người ta là bác sĩ thời gian quý như vàng và tranh thủ từng thời khắc để kiếm lợi, đằng này các bác sĩ từ thiện thì lại dành thời gian lo cho người nghèo, mẹ con tôi xem qua các website thấy cảm kích quá nên muốn đồng hành với họ".

Bà Kiều Nguyễn mở đầu câu chuyện đắng cay về những "từ mẫu nhưng chẳng là mẹ hiền" như thế bằng tiếng thở dài não nề. Bà bộc bạch sau khi bàn bạc, mẹ con bà quyết định tham gia chương trình mổ mắt từ thiện cho người nghèo tại một tỉnh miền Trung của đoàn bác sĩ từ thiện T.V, do ông bác sĩ tên T. là trưởng đoàn: "Theo như thông tin mà đoàn của bác sĩ T. đưa lên web thì những bệnh nhân có trong danh sách cần được mổ mắt là 150 người. Họ là người dân ở các miền quê xa xôi bị các chứng bệnh về mắt có thể chữa trị được nhưng vì nghèo mà phải chịu cảnh sống tối tăm, thấy thương quá nên mẹ con tôi quyết định tài trợ cho nhóm T.V phẫu thuật 50 ca. Từ Mỹ, tôi liên lạc và chuyển tiền qua tài khoản được tương trên website của họ".

Theo phản ánh của bà Kiều Nguyễn, sau khi chuyển tiền, đến cận ngày mổ, mẹ con bà về tới TP HCM và vượt cả ngàn cây số đến địa điểm mà đoàn T.V tiến hành chương trình mổ mắt từ thiện. Và tại "hiện trường", mẹ con bà phát hiện nhiều sự thật phũ phàng: "Qua chuyến đi tôi gặp một số người cũng là Mạnh Thường Quân tài trợ cho chương trình mổ mắt. Trò chuyện với họ, tôi biết được số tiền mà nhiều người đổ vào chương trình mổ mắt cho T.V vượt xa danh sách bệnh nhân cần mổ nhưng khi nhận tiền, ông bác sĩ T. cùng thành viên của mình không công khai… Về sau, qua theo dõi, tôi còn biết chuyện buồn lòng hơn. Sau khi mổ mắt, lẽ ra phải theo dõi thật kỹ bệnh nhân, tránh những biến chứng có thể mắc phải và phải có chính sách thăm khám hậu phẫu nhưng khi xong việc, đoàn T.V rút đi hết, chẳng đoái hoài gì bệnh nhân. Khoảng 3 tháng kể từ sau chương trình, tôi hỏi bác sĩ T. có bao nhiêu người tái mù thì ông này…".

Bà Kiều Nguyễn bỏ lửng câu nói với nỗi buôn vô hạn. Rồi bà cho biết đã nhiều lần yêu cầu người của T.V. hoàn trả số tiền nhưng họ chỉ ậm ừ cho qua chuyện: "Thật lòng mà nói, về Việt Nam, tôi cũng gặp được một số bác sĩ làm công tác xã hội, đến với người nghèo bằng trái tim chân thành và tình yêu thương sâu nặng. Tôi kể lại chuyện buồn liên quan đến đoàn T.V của ông bác sĩ T. nói trên với việc làm mờ ám những mong cảnh tỉnh mọi người phải thận trọng, đừng để họ nhân danh bệnh nhân nghèo và tấm lòng của mình mà… trục lợi".

Bà Kiều Nguyễn cùng con gái là Trần Nguyễn Jessica (đội nón lá) trong chuyến đi phát quà cho trẻ em ở mái ấm Vinh Sơn tỉnh Kon Tum.

2. Khó có thể diễn tả được nỗi buồn và sự thất vọng của bà Kiều Nguyễn cùng cô con gái Trần Nguyễn Jessica khi trên hành trình thiện nguyện của mình gặp rất nhiều chuyện lọc lừa: "Những người khác họ có dã tâm tôi miễn bàn, nhưng ở đây là bác sĩ, những người lẽ ra phải đặt vấn đề từ tâm lên hàng đầu" - bà Kiều Nguyễn khép lại câu chuyện blouse trắng "vấy bùn" ấy với lời hứa lần về nước sắp tới, bà sẽ cung cấp cho người viết bằng chứng cụ thể quanh chuyện mẹ con bà bị "dính đòn": "Kiều bào sống ở nước ngoài hi phát hiện mình bị lâm tình cảnh như tôi thường thì chọn giải pháp im lặng vì sợ mất mặt với người thân quen. Mẹ con tôi lúc đầu rất đắn đo khi quyết định công khai chuyện này nhưng nghĩ đồng tiền của mình cùng mọi người có được bằng mồ hôi công sức cần phải đến tận tay người bệnh nghèo chứ không có chuyện chảy vào túi những kẻ gian… Và trên hết tôi phản ánh sự việc còn vì người bệnh, những người bất hạnh được các đoàn bác sĩ kiểu đến rồi đi mà chẳng đoái hoài như thế, cái sự được giúp của họ đôi khi hóa ra họa".

Có lẽ bà Kiều Nguyễn là trường hợp kiều bào đầu tiên can đảm phơi bày sự thật đau lòng. Và từ câu chuyện buồn của bà, chúng tôi phát hiện không ít chuyện buồn lòng khác liên quan đến những người mặc áo blouse trắng trong lĩnh vực từ thiện quanh chuyện "phát thuốc phế thải và cận phế thải".--PageBreak--

Trước khi tố đích danh đoàn y bác sĩ có vấn đề khuất tất ấy, chị Ngà,  34 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM cùng một số người bạn của mình tiết lộ tình trạng một số đoàn bác sĩ này nọ sau khi lên cơ số thuốc khám cho một số lượng bệnh nhân nghèo từ vài trăm đến cả ngàn người với số tiền tương ứng đã kêu gọi trên website: "Có khi họ tương 500 cơ số thuốc, mỗi cơ số thuốc tương đương 100.000 đồng nhưng thực tế số tiền họ tiếp nhận từ các nhà tài trợ gấp nhiều lần như thế. Thâu tiền rồi, thay vì chi ra mua thuốc đúng tiêu chuẩn chất lượng cho bệnh nhân thì họ liên minh liên kết với các công ty dược, trình dược viên xin hoặc mua rẻ thuốc cận date, quá date về cắt hạn sử dụng rồi phát cho bệnh nhân nghèo để "hốt" trọn gói. Cũng có đoàn chơi chiêu trộn thuốc còn trong hạn sử dụng với thuốc quá date, cận date để nghi binh này nọ". 

Theo chị Ngà, qua một số chuyến đi, chị biết được Câu lạc bộ y bác sĩ tình nguyện Sài Gòn (TNSG) do ông dược sĩ tên S. cùng một vài bác sĩ khác trên danh nghĩa là "đồng thủ lĩnh" có vấn nạn phát thuốc quá date và cận date. Chị Ngà chỉ tiết lộ như thế nhưng không đưa ra bằng chứng và đề nghị chúng tôi vào cuộc. Từ tiết lộ của chị, chúng tôi bí mật đeo bám và bước đầu ghi nhận phản ánh của chị đúng là… có cơ sở.

Chuyện xảy ra gần đây. Bí mật phóng xe máy từ Sài Gòn đến Trà Vinh, qua theo dõi, chúng tôi ghi nhận mối lo của một số cụ già khi phát hiện trong gói thuốc của mình có thuốc không thấy hạn sử dụng và có thuốc chỉ còn chưa đầy 2 tuần là hết hạn. Vào vai quần chúng bày tỏ sự quan ngại này thì chúng tôi được một bà mặc áo blouse giới thiệu tên Thuận, là điều dưỡng viên ở một bệnh viện đã nghỉ hưu, giải thích: "Thuốc này nó là thuốc bổ khớp glucosamin 250mg. Cái này cận date chứ không phải hết date. Date của nó còn uống được 10 ngày, còn trong hạn sử dụng".

Một số mẫu thuốc “có vấn đề” về chất lượng được phát cho bệnh nhân nghèo ở Bình Phước bị PV Chuyên đề ANTG phát hiện.

Khi chúng tôi hỏi chuyện, bà Thuận nói như thế. Bà này cho biết, mình sinh hoạt trong TNSG được 3 năm và bảo rằng về nguyên tắc, thuốc phải được hủy trước 5 ngày trước khi không còn hạn sử dụng nhưng thuốc này còn 14 ngày nữa mới hết hạn. Bà Thuận thừa nhận nếu không được phát cho bệnh nhân sử dụng thì số thuốc kia phải được tiêu hủy. Thấy chúng tôi tỏ vẻ không phục, bà Thuận tiếp tục gân cổ nói như hờn giận rằng, nếu không khám chỗ này thì nhóm của bà có thể khám chỗ khác và tiết lộ thuốc ấy có được từ các công ty dược.

Khi được chúng tôi chia sẻ chuyện này, một bác sĩ về hưu phân tích, về lý, khó bắt bí được gì TNSG khi mang thuốc cận date phát cho người nghèo: "Nhưng viên thuốc như viên đạn, nguy hiểm vô cùng, nhiều khi thuốc còn date nhưng bảo quản không tốt uống vào không chỉ phản tác dụng, mà còn gây hại. Vấn đề cần đặt ra ở chỗ đoàn TNSG kia có thực sự trong sáng quanh chuyện này khi mang thứ sắp trở thành phế liệu mà có thể các công ty dược bán không hết sắp phải hủy bỏ trong nay mai phát cho người nghèo? Liệu hành động đó có trong sáng hay có vấn đề vụ lợi?!" - vị bác sĩ già, suy luận. 

3. Chúng tôi không kết luận gì về câu chuyện kể trên, việc đúng sai xin nhường cho bạn đọc cùng các chuyên gia trong ngành y tế. Chỉ muốn nói rằng quanh chuyện này, cùng với sẻ chia trên của vị bác sĩ già, có bạn đọc tên Mỹ nói bâng quơ rằng chị từng biết trường hợp người ta sau khi nhận tiền của nhà tài trợ đã "ém" vào túi riêng, rồi kết hợp với các công ty dược hoặc mua rẻ hoặc xin thuốc quá date, cận date sắp được đem đi tiêu hủy để trộn vào các thùng thuốc phát cho người nghèo: "Có khi nào cái đoàn TNSG chơi cái chiêu ấy. Họ là những bác sĩ, dược sĩ giàu kinh nghiệm lẽ nào lại không biết được rằng mang thứ sắp phế thải mà phát cho người nghèo là điều không thể chấp nhận, nhất là khi đó lại là viên thuốc" - chị Mỹ nêu quan điểm.

Bà Thuận với cụ ông ngoài 80 tuổi và vỉ thuốc còn khoảng mươi ngày phải hủy bỏ với lời dặn "cụ cứ yên tâm uống".

Cần nói rõ rằng tình trạng một số đoàn từ thiện tại TP HCM lên chương trình khám bệnh từ thiện cho địa phương này địa phương nọ rồi phát thuốc cận date, thuốc quá date, không có gì lạ. Cách đây 2 năm, đích thân người viết khi nhận được tố cáo của bạn đọc tên Huyền, đã theo chân  một đoàn y, bác sĩ của một bệnh viện lớn ở TP HCM phối hợp với chùa T.V. ở quận 5, đến khám từ thiện tại tỉnh Bình Phước và qua đó đã có đủ bằng chứng chứng minh nhóm này phát thuốc quá date và sắp hết date cho người nghèo. Khi bị điểm danh, bác sĩ trưởng đoàn thì đổ cho bà điều dưỡng tên Nga phụ trách khâu dược.

Bà Nga thì đổ thuốc ấy do nhà tài trợ ủng hộ đoàn nhưng lại không rõ người cho cái thứ bỏ đi ấy là ai… Chỉ biết rằng bận ấy, có hàng trăm người nghèo từ mờ sáng đã vượt đường xa đến chốn thiền chờ được các y bác sĩ từ TP HCM lên khám chữa bệnh và phát thuốc, nào ngờ thứ mà họ nhận được là "thuốc độc", bởi nói theo một dược sĩ thì thuốc quá date và cận date, đặc biệt là các loại thuốc bổ, thuốc mà các đoàn khám bệnh từ thiện thường phát cho bệnh nhân nghèo - PV) khi sắp hết hạn sử dụng hoặc quá hạn sử dụng thường xảy ra phản ứng kết tủa rất có hại cho sức khỏe người sử dụng

(Còn tiếp)

N.Thành Dũng
.
.