Lời sám hối “đắng” của ông chủ Facebook

Thứ Ba, 10/10/2017, 15:48
Ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg thừa nhận mạng xã hội do mình tạo ra đã bị lợi dụng. Từ mục tiêu ban đầu là xây dựng một mạng xã hội để mọi người được kết nối lại với nhau, bày tỏ tình yêu thương, trao đổi thông tin, bằng một cách nào đó, hiện nó lại đang làm điều ngược lại. Facebook đã được sử dụng để chia rẽ con người.

Sám hối trong ngày lễ thánh

Nhân ngày Yom Kippur, ngày trọng đại nhất theo lịch Do Thái, theo người Do Thái là ngày của sự chuộc tội, Tổng Giám đốc Facebook Mark Zuckerberg thừa nhận ông đã đánh giá thấp ảnh hưởng của các thông tin giả mạo bị lan truyền trên Facebook.

Trong thông điệp được đăng tải trên Facebook hôm 1-10, Mark cho hay: “Hôm nay là ngày Yom Kippur, ngày quan trọng nhất trong năm theo lịch Do Thái, là thời điểm tốt nhất để nhìn lại năm cũ và xin mọi người tha thứ cho những lỗi lầm của chúng tôi. Tôi mong những người bị tôi làm tổn thương năm vừa qua hãy bỏ qua cho tôi. Tôi sẽ nỗ lực hơn nữa. Tôi cũng mong được bỏ qua việc thành quả của tôi đang bị lợi dụng để chia rẽ mọi người hơn là kết nối họ lại với nhau. Tôi sẽ làm việc tốt hơn”.

Trong nhiều tháng trở lại đây Facebook bị rơi vào vòng quay của những tranh cãi chính trị ở Mỹ, Pháp, Đức và một số nước châu Âu. Đặc biệt là “nghi án” can thiệp vào kết quả bầu cử năm 2016 ở Mỹ. Trong khi nhiều người cho rằng những tin tức giả mạo trên Facebook đã giúp ông Donald Trump đắc cử, bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump lại cho rằng Facebook luôn tìm cách chống lại ông.

Người sáng lập ra Facebook, ông Mark Zuckerberg. Ảnh: The Telegraph.

Việc Tổng Giám đốc của Facebook Mark Zuckerberg đưa ra lời xin lỗi và thừa nhận rằng Facebook đã bị lợi dụng để chia rẽ mọi người gây bất ngờ bởi chỉ cách đó 2 ngày, ông còn đăng tải một thông điệp khá dài để đáp trả việc ông Trump cho rằng Facebook luôn có tư tưởng chống lại ông, cũng như những người nói Facebook đã để lan truyền những tin tức giả mạo giúp ông Trump đắc cử.

Theo ông Mark Zuckerberg, vai trò của Facebook trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 khác rất nhiều so với những gì hầu hết mọi người đang nghĩ. Thực ra Facebook đã giúp kết nối tốt hơn các ứng viên và các cử tri, cũng như giúp nhiều người hơn thể hiện được tiếng nói của họ về cuộc bầu cử. Khi đó ông khẳng định, những quan điểm cho rằng tin tức giả mạo lan truyền trên Facebook đã thay đổi kết quả bầu cử Mỹ là điên rồ.

Thế nên, Mark Zuckerberg đã chọn cách công khai xin lỗi trên trang cá nhân vì “những ảnh hưởng xấu mà Facebook đã gây ra trên toàn thế giới”. Trong lời chia sẻ, Mark Zuckerberg nói về những sai lầm của mình và cầu mong được tha thứ. Lời xin lỗi đưa ra vào thời điểm kết thúc ngày lễ Yom Kippur của người Do Thái với mong muốn mọi người suy nghĩ tha thứ cho những sai lầm của mình.

 Zuckerberg cũng đã thừa nhận những thông tin sai lệch trên mạng xã hội do mình sáng lập đã tác động tới một số cuộc bầu cử, gây ra chia rẽ chính trị. Nhiều quảng cáo không đúng sự thật hay hàng vạn cuộc trò chuyện theo kiểu lừa đảo đã diễn ra mà không thể tìm thấy thủ phạm đang là vấn đề nhức nhối của cả xã hội... Thậm chí Facebook còn bị các đối tượng khủng bố lợi dụng để truyền bá tư tưởng, tạo tin tức giả mạo... Tất cả những thứ đó đã góp phần gây chia rẽ thế giới, tạo ra sự sai lệch về nhận thức.

Các cuộc “cách mạng” trên bàn phím

Những ví dụ rất cụ thể thời gian qua cho thấy Facebook nói riêng, mạng xã hội nói chung đã góp phần tác động quan trọng trong huy động biểu tình tại Ukraine hay tạo lên làn sóng “Mùa xuân Arab”.

Báo Le Figaro của Pháp tổng kết, trong huy động biểu tình tại Ukraine, sở dĩ lực lượng đối lập huy động được hàng trăm nghìn người tham gia biểu tình quy mô lớn và liên tục tại Kiev là nhờ vai trò quan trọng của Internet, các trang điện tử cũng như các mạng xã hội. Hầu hết người biểu tình đều sử dụng điện thoại di động hoặc truy cập Internet.

Không giống với "cách mạng cam" năm 2004, thời điểm truyền hình, nhất là kênh đối lập 5 Kanal đứng ra đảm nhận vai trò tiếp sức cho phong trào biểu tình, lần này các cuộc xuống đường tại Ukraine đều được bắt đầu bởi các mạng xã hội. Lời kêu gọi biểu tình đầu tiên được phát đi trên mạng Facebook và bởi các công dân và các nhà báo đối lập, như Mustafa Nayem, và thậm chí là cả trang điện tử của nhiều tờ báo nổi tiếng.

Tình hình phức tạp tại Ukraine được cho là có sự lợi dụng facebook. Ảnh: Euromaidan Press.

Tài khoản có tên "Euromaidan" - Biểu tình ủng hộ EU trên mạng Facebook đã đạt được kỷ lục về số người bấm "like", với gần 160.000 người trong ngày đầu tiên, điều chưa bao giờ xảy ra tại Ukraine. Sau đó đã có nhiều nhánh "tiếp sức" ra đời, như các trang "Euromaidan" bằng tiếng Anh và "Euromaidan Lviv" dành cho các khu vực phụ cận, nhằm chuyển tiếp thông tin, hình ảnh, hành động hoặc tư vấn giữa những người ủng hộ đường lối xích lại gần châu Âu. Đây là một nét mới tại Ukraine bởi lâu nay, người dân nước này vẫn quen sử dụng mạng VK hoặc VKontakte - một dạng Facebook của Nga.

Giảng viên Khoa Xã hội học Mychailo Wynnyckyj, thuộc Đại học Mohyla, nhận định rằng tại Ukraine đang diễn ra cuộc cách mạng Facebook, Twitter - một công cụ mạng xã hội vốn không thông dụng tại nước này.

Ông Wynnyckyj nói: "Giống như những gì đã diễn ra tại Ai Cập hoặc Tuynidi vào thời điểm bùng nổ cuộc cách mạng “Mùa xuân Arập”, Twitter là một công cụ truy cập tức thì để trao đổi thông tin và tư vấn lẫn nhau rất hiệu quả".

Mùa xuân “chết” và mạng xã hội

Thêm một ví dụ khác về vai trò của các mạng xã hội trong “Mùa xuân Arập”. Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Angiêri, Hachemi Djiar, cho rằng các mạng xã hội hiện nay như Facebook và Twitter chính là yếu tố "tạo thêm lực đẩy" cho các cuộc nổi dậy ở Tuynidi và Ai Cập.

Một lãnh đạo thuộc Cơ quan an ninh quốc gia Angiêri, ông Abdelkader Mostefaoui, phụ trách vấn đề tội phạm kinh tế cũng đồng tình với ý kiến của một số nhà quan sát và phân tích cho rằng các cuộc cách mạng ở các nước Arập được các mạng xã hội "hỗ trợ và tạo điều kiện rất nhiều" bằng cách "chuyển tải thông tin" với "tốc độ nhanh" và "tác động được tới nhiều người".

Đề cập tới những sự kiện diễn ra ở Bắc Phi và Trung Đông, ông Abdelkader Mostefaoui đánh giá chúng "gần giống" những gì đã từng diễn ra ở Đông Âu, nhưng lần này với một "yếu tố thuận lợi" là Internet và điện thoại di động. Ông coi đó là những "phương tiện" để "huy động người và định hướng phong trào phản kháng". Tuy nhiên, ông cho rằng đó "không phải là lý do" để nói các mạng xã hội là "xấu" và "nên tránh", chẳng hạn như Facebook và Twitter có thể được sử dụng vào mục đích văn hóa, nghề nghiệp hay các mục đích khác.

Khoảng 2 tỷ người trên thế giới sử dụng Facebook.

Về vấn đề ai đứng đằng sau các mạng xã hội đó, ông Abdelkader Mostefaoui nói "có nhiều thứ", cả "tốt" lẫn "xấu". Ông nói không ai cấm bày tỏ chính kiến hay nguyện vọng của mình, song "phải có giới hạn" và người sử dụng Internet phải "thận trọng" trước những gì họ "nghe nói" và được "phát tán" trên các mạng xã hội.

Mourad Bouaziz, một nhà hoạt động xã hội, nói rằng Facebook và Twitter đã từng tạo đà cho một nhóm có tên gọi "LMG - Trả tự do cho Mohamed Gharbi" vì dưới áp lực của các cư dân mạng, tháng 12-2010, Tổng thống Abdelaziz Bouteflika đã phải trả lại tự do cho Mohamed Gharbi, thành viên Nhóm tự vệ chính đáng (GLD) bị kết án chung thân năm 2004 vì đã giết chết tên khủng bố tấn công mình.

Rất lâu trước khi nổ ra các cuộc nổi dậy trong thế giới Arập, một số nhà văn đã thành lập nhóm "Đủ rồi!" trên Facebook nhằm kích động người bất mãn xuống đường với hy vọng một ngày nào đó sẽ dẫn đến cách mạng.

Ngoài các cuộc nổi dậy và cách mạng, ông Abdelkader Mostefaoui còn thừa nhận các mạng xã hội là những "nhân tố khuyến khích tội phạm mạng" như truyền bá và phát tán dữ liệu cá nhân của người sử dụng Internet, truyền bá các tác phẩm văn học nghệ thuật nhái và hiện tượng lạm dụng tình dục ở trẻ em.

Trong khi đó, Internet, theo ông, lại cho phép giấu danh tính mà ông coi là một "trở ngại rất lớn" cho việc điều tra bởi lẽ các tác giả truy cập từ tiệm cà phê, qua mạng không dây công cộng chứ không được cài mã bảo vệ. Ông nói tốt nhất là người sử dụng Internet phải tự bảo vệ mình.

Đấu thủ giấu mặt

Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây khi nói về quyền lực của những công ty như Facebook hay Google đã lo ngại rằng, hình thức chọn lọc thông tin theo kiểu “dẫn dắt” tinh vi mà các mạng xã hội tạo ra có nguy cơ trở thành những đấu thủ chính trị giấu mặt, vừa có thể sử dụng ảnh hưởng của chúng để kiếm tiền lại vừa có thể thay đổi đường hướng của cả một cuộc bầu cử mà không ai hay biết.

Ngay sau khi lời xin lỗi được đưa ra, có nhiều người đã so sánh “sức mạnh” của Facebook hay một mạng xã hội nào đó khi vô tình hay cố ý “sai đường” sẽ có tác động như sức công phá của những quả bom nguyên tử. Cho dù so sánh là khập khiễng, nhưng, xét ở một góc độ nào đó, sức ép, sự tàn phá từ những công dân mạng, những “anh hùng bàn phím” cũng vô cùng ghê gớm, để lại “di chứng” không kém gì bom nguyên tử. Bởi những hệ lụy mà nó góp phần tiếp tay không chỉ với một cá nhân.

Khi nó trở thành công cụ để liên lạc, tụ tập, tung hô hình ảnh sai trái mang tính kích động, rồi lan tỏa với tốc độ chóng mặt, nó đã châm ngòi, thổi bùng mâu thuẫn các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng nhung”... Hậu quả nó để lại là hỗn loạn, xung đột, đói nghèo... Cuối cùng, nó khiến người dân lầm than, mất niềm tin. Mạng xã hội đã “góp công” làm cho tâm lý đám đông quên đi lẽ phải.

Khi ông Zuckerberg công khai xin lỗi, chắc hẳn ông biết quá rõ mặt trái của Facebook. Trong số hàng tỷ “công dân Facebook”, hẳn ông biết trong số ấy không ít những kẻ bất mãn, phản động, bất đồng chính kiến đã âm thầm lợi dụng ý tưởng ban đầu tốt đẹp của ông để truyền bá các tư tưởng phản động, kích động, gây rối phá hoại tình đoàn kết của loài người.

Và chính điều này đã thôi thúc ông công khai xin lỗi! “Facebook đang được sử dụng để chia rẽ, hơn là kết nối con người, tôi mong được tha thứ”.

Hoa Huyền
.
.