Lớp học hướng thiện của thầy Trà

Thứ Tư, 17/12/2014, 13:55
Hơn 20 năm nay, tuần nào người dân ở phường Phương Liên (Đống Đa, Hà Nội) cũng thấy một ông già hiền hậu cần mẫn dạy cho một đám trẻ ở đình làng Trung Tự. Lũ trẻ đủ mọi thành phần, lớn có, bé có; đang học trường quốc lập cũng có mà trẻ chuyên đánh giày, nhặt rác, bán bánh mì… cũng không thiếu. Người ta quen gọi đó là lớp học Hướng Thiện của thầy Trà.

1. Chúng tôi có mặt tại tổ 23B, phường Phương Liên vào một buổi chiều đầu đông. Đón chúng tôi là một người đàn ông có khuôn mặt hiền từ, mái tóc trắng như cước song đôi mắt còn rất tinh anh. Con người ông toát ra một vẻ gì đó điềm đạm, mực thước. Ông là Nguyễn Trà, là một trong ba người vừa được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen vì có nhiều thành tích trong sự nghiệp giáo dục.

Tiếp chúng tôi trong căn phòng giản dị mà ấm cúng, thầy Trà kể lại quãng thời gian gần 60 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người bằng một giọng khúc chiết hiếm thấy. Dù gắn bó với mái trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) rất nhiều năm, song quãng thời gian 22 năm dạy ở đình làng Trung Tự để lại cho thầy Trà những kỷ niệm sâu sắc hơn cả.

Lớp học Hướng Thiện của thầy Trà tại đình làng Trung Tự.

Nghỉ hưu sớm từ năm 1990, thầy Trà được "trưng dụng" tham gia Ban Quản lý di tích đình làng Trung Tự. Một hôm tình cờ có cháu nhỏ được mẹ đưa ra đình làng vừa chơi vừa học. Gặp bài toán khó, cháu nghĩ mãi không ra. Biết thầy Trà vốn là giáo viên dạy môn Vật lý, mẹ cháu đã nhờ thầy giảng giúp. Thầy vui vẻ giải đáp tất cả những thắc mắc của cháu về môn học. Mấy hôm sau, cháu bé lại mang sách ra nhờ thầy chỉ bảo. Dần dà các cô bác giúp việc ở đình làng cũng lần lượt mang con cháu ra nhờ thầy Trà kèm hộ. Vậy là một lớp học tình thương được hình thành.

Cứ 4 buổi một tuần, đám trẻ con ở phường Phương Liên tầm 8 giờ sáng là lại vác sách vở lên đình Trung Tự để được thầy Trà giải đáp các bài tập khó. "Chủ trương của tôi là không giảng dạy kiến thức mới, mà chỉ hướng dẫn, giải đáp cho các cháu những bài tập cô ra về nhà. Thời gian còn lại, tôi tập trung giáo dục uốn nắn các cháu biết vâng lời cha mẹ, biết ứng xử lễ phép với người lớn, hòa thuận với bạn bè…" - thầy Trà cho biết.

Việc uốn nắn này được thầy Trà rất coi trọng, còn hơn cả việc giải đáp kiến thức tự nhiên - xã hội. Và thầy cũng không dùng những câu nói khô khan mà luôn chuẩn bị những câu chuyện hay, cảm động, ý nghĩa để cho các cháu bé dễ tiếp thu và nhớ lâu. Ví dụ như giáo dục các cháu phải biết ơn các bậc sinh thành, thầy kể câu chuyện "Đôi mắt con là đôi mắt của mẹ". Đại ý có một người mẹ rất yêu thương con trai của mình. Ngày còn nhỏ cậu bị đau mắt, bà phải đã nhường đôi mắt của mình cho con. Nhưng sau khi lớn lên học hành thành đạt, cậu con trai đã cố tình không nhận mẹ mình, chỉ vì bà bị mù. Mãi cho đến khi bà mất đi, cậu đọc được bức thư của bà mẹ để lại, biết được sự thật thì đã muộn…

Tiếng lành đồn xa, lớp học của thầy Trà ngày một đông, có lúc lên đến 30 em. Và kỳ lạ ở chỗ, từ lớp 1 cho đến lớp 12 hầu như các em học sinh có những vấn đề không hiểu, chưa rõ đều có thể mang đến nhờ thầy giải đáp. 

Đặc biệt, sau khi lớp học ra đời được vài tháng, thầy Trà để ý thấy nhiều cháu nhỏ đánh giày, bán báo hay đứng thập thò ngoài đình nhòm vào lớp học với ánh mắt thèm muốn. Thầy Trà đã gọi các em vào, hỏi han tỉ mỉ. Thầy rất thương các cháu còn bé mà đã phải lao vào cuộc mưu sinh, không được học hành tử tế. Vậy là, thầy đã về nhà mua thêm sách vở. Hôm sau, thầy gọi các cháu vào để giúp các cháu biết đọc, biết viết, biết làm toán…

Đình làng nhiều khi có việc, không thể có chỗ để cho các cháu học. Vậy là thầy Trà dời lớp về nhà mình. Sẵn có chục bộ bàn ghế dùng để những khi gia đình có việc, thầy liền trưng dụng để làm phương tiện học tập cho các cháu.

2. Thầy Nguyễn Trà sinh ra và lớn lên trong một dòng họ mười mấy đời đều công tác trong ngành giáo dục. Trong gia phả dòng họ Nguyễn, có cụ tổ còn từng là Quốc sư thời vua Lê chúa Trịnh, là Tế tửu ở Trường Quốc Tử Giám…

Thầy Trà đang soạn giáo án cho lớp học.

Sinh năm 1933, thuở bé ông được gia đình cho học rất cơ bản. Vốn thông minh, ông nhanh chóng lĩnh hội được những tinh hoa của giáo dục thời đó. Sau khi đỗ tú tài phần II, ông là một trong số ít học sinh được tuyển vào Trường đại học Sư phạm I Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp, ông công tác ở một số Bộ, ngành, rồi làm chuyên viên đi dạy tiếng Pháp trong một dự án của Cộng đồng Pháp ngữ. Sau đó thầy quay về Trường THPT Nguyễn Trãi - ngôi trường mà hơn chục năm trước thầy từng là học sinh. Tại đây, thầy đảm nhiệm giảng dạy môn Vật lý. Nhiều thế hệ thầy cô giáo, học sinh tại đây còn nhớ mãi về một người thầy dạy Vật lý, song giỏi cả Toán, Hóa học và đặc biệt là siêu ngoại ngữ. Thầy có thể dùng tiếng Anh, Pháp, tiếng Nga như một ngôn ngữ thứ hai.

Có một kỷ niệm về cách học ngoại ngữ của thầy mà chúng tôi rất ấn tượng. Năm 1947, thầy cùng gia đình phải sơ tán về Thái Bình. Khi đó thầy đang học tú tài phần I. Thời đó sách vở cực kỳ thiếu thốn, học ngoại ngữ mà cả lớp chỉ có 1-2 người là có được cuốn từ điển. Thầy Trà quyết tâm phải có riêng cho mình một cuốn, nhưng chẳng nơi nào bán.

Vậy là cứ tan học thì thầy Trà mượn cuốn từ điển của anh bạn cùng lớp về rồi đêm đêm chong đèn… chép lại; sáng lại mang tới lớp trả. Ròng rã suốt 3 tháng trời, thầy Trà chép xong cuốn tự điển Pháp - Việt bằng những con chữ nhỏ xíu nhưng rất đẹp và dễ đọc.

Cũng vì giỏi ngoại ngữ nên lớp học Hướng Thiện của thầy Trà có những học sinh rất lạ kỳ. Đó là chị Nguyễn Thị Vân, vốn là sinh viên của một Trường đại học Ngoại ngữ. Biết tiếng thầy giỏi tiếng Pháp, nên chị đã tìm đến tầm sư học đạo. Nay đã tốt nghiệp ra trường, chị Vân vẫn tiếp tục đều đặn có mặt tại lớp học để học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp. Đồng thời, đôi lúc chị lại thay thầy để giảng dạy thêm cho các em học sinh ở đây.

Có cô học trò còn mang theo cả… con đến lớp học. Trong khi mẹ học ngoại ngữ thì con được thầy Trà cho học chữ. Thầy cũng sáng tạo ra nhiều dụng cụ học tập, như bảng ghép vần rất trực quan, sinh động cho các cháu vừa học vừa chơi. Để học chữ số thì thầy sử dụng những cuốn lịch đã bỏ đi…

Một điều khiến cho các học sinh, phụ huynh ở lớp học Hướng Thiện rất tôn quý thầy Trà là cách ứng xử đầy tình người của thầy. Có những em học sinh gia đình vô cùng khó khăn, như em Nguyễn Hoài Anh. Cha em mất sớm, mẹ làm nghề nhặt rác. Mấy mẹ con ở trọ trong một căn phòng nhỏ xíu, chỉ lớn hơn chiếc giường một chút. Nhiều hôm biết Hoài Anh đến lớp mà chẳng có gì trong bụng, thầy Trà đã mua bánh mì, mua xôi cho em ăn. Tiền sách vở, giấy mực dĩ nhiên là đều từ tiền túi của thầy mà ra cả.

Một trường hợp khác là cháu T.T.D.. Bố cháu mất vì nghiện ngập, sau đó mẹ cháu cũng ra đi vì bệnh hiểm nghèo. Mới 10 tuổi cháu đã phải bỏ học về sống với bà ngoại. Thầy Trà sang nhà động viên rồi đưa cháu về dạy dỗ, sau đó vận động bạn bè hỗ trợ để cháu tiếp tục được đến lớp. Cho đến nay D. đã sắp học xong THPT. May mắn là cháu mạnh khỏe và học rất giỏi. "Điều quan trọng nhất là tôi luôn nuôi dưỡng ý chí cho các em và hướng các em đến một tương lai tốt đẹp" - thầy Trà tâm sự.

Có một vị phụ huynh, vì cảm động trước tấm lòng của thầy Trà mà ngày 20/11 vừa rồi mang từ quê lên biếu thầy một con gà sống. Vị phụ huynh này nhất quyết bắt thầy phải nhận bằng được, vì "Nếu thầy không nhận là khinh người quê chúng em". Thầy Trà mỉm cười bảo, thôi thì coi như tôi nhận tấm lòng của chị, nhưng con gà thì xin chị mang về. Nếu không thì mai đừng có mà đưa con đến lớp tôi nữa. Cực chẳng đã, vị phụ huynh này đành phải xách lồng gà về.

Nhưng sáng sớm hôm sau, đã lại thấy chị hôm trước lò dò đến cổng nhà thầy. Trên tay chị là con gà đã được luộc chín... Nhưng cũng như lần trước, thầy Trà kiên quyết không nhận. Bởi "Nếu nhận của người này mà không nhận của người khác thì không tiện. Mà tôi mở lớp này chủ yếu để vui tuổi già, sau cũng là bày cho các cháu chút kiến thức kinh nghiệm để có một tương lai tốt đẹp hơn, chứ đâu phải vì vật chất kinh tế gì" - thầy nói.

3. Từ ngày có lớp học của thầy Trà, bọn trẻ con trong phường học hành tiến bộ hơn hẳn. Và các bậc phụ huynh cũng vui lây, vì bọn trẻ sẽ không có thời gian chơi bời lêu lổng, sa vào những thói hư tật xấu đang đầy rẫy ngoài phố phường. Thêm nữa, chúng còn trở nên ngoan ngoãn, lễ phép với cha mẹ, với người lớn.

Cuốn từ điển Pháp - Việt mà thầy Trà chép lại từ năm 1947.

Công việc của thầy Trà cũng được gia đình rất ủng hộ. Không những tạo điều kiện nhường căn phòng to để làm lớp học, vợ con thầy Trà còn ủng hộ cả kinh phí để duy trì lớp học. Và đặc biệt nữa, đám cháu nội cháu ngoại của thầy hiện đang là học sinh Chuyên Tổng hợp, Chuyên Sư phạm cũng nhiệt tình tham gia lớp học. Có những bài Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học nào mà khó quá, thầy Trà cũng chưa tìm được cách giải thì thầy lại gọi  đám cháu sang "viện trợ", xắn tay vào giải cùng.

Có lẽ ít có lớp học nào mà học sinh được thường xuyên tham quan dã ngoại như lớp Hướng Thiện của thầy Trà. Để khuyến khích các cháu chăm chỉ học tốt, "phần thưởng" của thầy Trà là một chuyến đi chơi tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hay Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoặc Vườn thú Hà Nội, Công viên Bách Thảo… Mỗi lần lớp học đi dã ngoại, thầy Trà thuê hẳn 5 xe taxi để đưa các cháu đi cho an toàn.

Hiện tại, do sức khỏe giảm sút nên mỗi tuần lớp học chỉ được duy trì từ 1-2 buổi tại đình làng Trung Tự. "Niềm vui lớn nhất của tôi là được thấy lũ trẻ học hành ngày một tấn tới, thỉnh thoảng có đứa gọi điện về khoe đã tìm được việc làm. Tuổi như tôi, ít người được hưởng niềm hạnh phúc ấy lắm…" - thầy Trà tâm sự.

Rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, thầy Trà đề nghị cần phải hết sức tạo điều kiện cho các thầy cô giáo. Đồng thời, cần phải tuyển chọn sinh viên Trường Sư phạm phải là những sinh viên thuộc hàng giỏi nhất. Có thế mới nâng cao được chất lượng giáo dục và tạo ra một lớp học sinh giỏi giang, để sau này làm rạng danh đất nước.

Tạm biệt thầy Trà, tạm biệt căn phòng giản dị, chúng tôi cứ nhớ mãi hình ảnh người thầy giáo già tỉ mẩn soạn giáo án, mặc cho ngoài kia gió mùa đông bắc đang ào ạt tràn về…

Minh Tiến
.
.