Louis de Funès: “Vua hài” của điện ảnh Pháp

Thứ Năm, 14/08/2014, 18:35

Hiếm có diễn viên điện ảnh nào với tài năng thiên bẩm của mình, không cần sự trợ giúp của kỹ xảo lại có thể thu hút tới hơn 150 triệu lượt khán giả đến rạp chỉ trong vòng 2 thập niên. Người đó chính là Louis de Funès (1914-1983), được công chúng ngưỡng mộ bộ môn nghệ thuật thứ 7 tôn vinh là “vua hài № 1” của điện ảnh Pháp.

Chào đời ngày 31/7/1914 tại thị trấn Courbevoie, thuộc tỉnh Hauts-de-Seine. L. De Funès là người con thứ 3 trong gia đình có cha là luật sư Carlos Luis de Funès de Galarza, còn mẹ là cô giáo dạy nhạc Léonor Soto Reguera di cư từ Tây Ban Nha sang Pháp vào năm 1904. Khi đến Courbevoie người cha chuyển sang kinh doanh đá quý và đồ trang sức, tạo điều kiện cho cậu bé Louis được sống trong nhung lụa ngay từ nhỏ.

Sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở trong năm 1930, với bản tính ngỗ ngược, nghịch ngầm, Louis lần lượt bị đuổi học, khi đang theo học ở các trường với các chuyên ngành khác nhau như thuộc da, nhiếp ảnh... Đồng thời trong thời gian này việc kinh doanh của gia đình lâm vào cảnh sa sút dẫn đến khánh kiệt, khiến chàng công tử bột Louis phải tự kiếm việc nuôi thân. Anh bắt đầu làm những công việc như nhân viên bán hàng, trợ lý kế toán... nhưng đều bị sa thải vì bản tính hay chọc phá mọi người.

Khi Thế chiến II bùng nổ, De Funès được gọi nhập ngũ như mọi thanh niên khác theo lệnh tổng động viên, rồi anh bị ban tuyển quân loại thẳng thừng vì tầm vóc quá thấp bé, với chiều cao khiêm tốn là 1,64m nặng chưa tới 55kg.

Trong thời gian quân Đức phát xít chiếm đóng nước Pháp,  De Funès hành nghề nhạc công đàn piano vốn là sở trường được mẹ dạy cho ngay từ khi lên 5 tuổi. Nơi danh hài tương lai làm việc là một hộp đêm trong khu Pigalle, nổi tiếng như là khu phố đèn đỏ ở kinh thành Paris. De Funès biểu diễn nhạc jazz từ 17 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, còn ban ngày anh theo học Khoa Diễn xuất của Trường Điện ảnh và Kịch nghệ Cours Simon.

Chính trong thời điểm này anh đã yêu nữ thư ký Jeanne Barthelemy de Maupassant, cháu gái của nhà văn Guy de Maupassant (1850-1893), người được tôn vinh là “cha đẻ” của truyện ngắn Pháp hiện đại. Họ kết hôn năm 1943 và sinh hạ được 2 người con trai sau này đều thành đạt.

Mộ của “vua hài” De Funès tại nghĩa trang Cimetière du Cellier.

Sự nghiệp điện ảnh của L. De Funès bắt đầu từ năm 1945 khi đã 31 tuổi, qua vai diễn đầu tiên trong bộ phim đen trắng “La Tentation de Barbizon” (Sự cám dỗ của Barbizon) do đạo diễn Jean Stelli (1894-1975) thực hiện. Gần 2 thập niên kế tiếp, tuy tham gia đều đặn trong nhiều cuốn phim, cũng như xuất hiện thường xuyên trên các sàn diễn sân khấu nhưng De Funès vẫn chưa khẳng định được tên tuổi của mình.

Danh xưng của nghệ sĩ Louis de Funès chỉ được công chúng biết đến sau bộ phim hài bất hủ “Le Gendarme de Saint-Tropez” (Sen đầm ở Saint-Tropez), qua vai viên cảnh sát trưởng hóm hỉnh Ludovic Cruchot được trình chiếu vào đầu tháng 9/1964. Kế đến là một loạt các bộ phim ăn khách khác, đỉnh điểm là siêu phẩm màn bạc “La Grande Vadrouille” (Cuộc tản bộ vĩ đại) của đạo diễn kiêm văn sĩ Pháp Gérard Oury (1919-2006) phát hành vào cuối năm 1966, thu hút tới 34% lượng khán giả Pháp khi ấy, với tổng cộng hơn 17,2 triệu lượt người xem trở thành bộ phim ăn khách nhất ở Pháp trong thế kỷ XX.

Với khả năng sử dụng thông thạo tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, L. De Funès đã xuất hiện trong 130 bộ phim hầu hết đều thủ vai chính, cũng như hơn 100 vai diễn khác nhau trên sân khấu kịchå, được đồng nghiệp tôn vinh qua các biệt danh như “Người đàn ông có 40 khuôn mặt trong một phút”, “Kẻ điên khùng vĩ đại”, hay “Charles Chaplin đệ nhị”...

Nhưng không giống như các“siêu sao” thời nay, De Funès luôn sống thật với bản thân mình, không bao giờ che giấu quá khứ nghèo hèn vất vả để đi đến danh vọng. Sự nghiệp diễn xuất trên màn bạc của ông đã được tôn vinh bằng Giải thưởng Cesar Danh dự, do Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh Pháp trao tặng trong năm 1980.

Đích thân Tổng thống Georges Pompidou đã trao tặng nghệ sĩ L. De Funès Huân chương Bắc đẩu Bội tinh vào năm 1973, phần thưởng cao quý nhất của nhà nước Pháp vì những đóng góp của ông cho sự nghiệp phát triển điện ảnh.

Tới cuối năm 1982 sau khi đóng bộ phim hài cuối cùng “The Gendarme and the Gendarmettes” (Sen đầm và nữ hiến binh), De Funès quyết định giã từ màn bạc do sức khỏe sa sút. Ngày 27/1/1983 sau một cơn nhồi máu cơ tim, danh hài huyền thoại đã từ trần tại khu thái ấp Château de Clermont của gia đình vợ gần thành phố Nantes, thọ 69 tuổi.

Thi hài của L. De Funès được chôn ở nghĩa trang Cimetière du Cellier trong khu thái ấp, trở thành chốn hành hương hàng năm của nhiều thế hệ ngưỡng mộ người nghệ sĩ vĩ đại

Trần Hồng (tổng hợp)
.
.