“Lưu Quang Vũ, chúng em nhớ anh!”
Chiều ngày 29/8/1988, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và người bạn đời, nhà thơ Xuân Quỳnh, cùng với con gái Lưu Quỳnh Thơ qua đời trong một vụ tai nạn ôtô thảm khốc tại Hải Dương. Tin dữ đấy nhanh chóng lan truyền và gây nên làn sóng thương tiếc khôn nguôi nhưng cũng đầy bức bối với hàng triệu người dân Việt Nam. Sự ra đi quá đường đột của gia đình tài năng và danh tiếng này khiến cho nhiều trái tim ngơ ngẩn, những giọt lệ đong đầy khóe mắt. Tiếc Lưu Quang Vũ, thương Xuân Quỳnh, và cháu nhỏ…
Kể từ ngày đó đến nay, 1/4 thế kỷ, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, tưởng niệm 25 năm ngày mất của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, tri ân với người trong cõi nhớ, tổ chức Liên hoan Các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ. Lần đầu tiên tại thánh đường sân khấu có một liên hoan sân khấu dành riêng cho một tác giả, một tài năng đã từng gây nên nhưng cơn sốt mê mải, khi tác phẩm kịch bản nào của ông ra đời cũng gây nên những cơn địa chấn dữ dội, những trận cuồng phong, bão lớn…
Sân khấu ngày đó, suốt thập niên 80 đã trở thành hiện tượng Lưu Quang Vũ. Và, kỳ lạ sao, trong những ngày này, tại các nhà hát đang diễn ra vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ, lịch sử lại được lập lại, ùn ùn, kìn kìn khán giả nô nức kéo đến. Thậm chí khi không còn một ghế trống, nhiều người ngồi bệt xuống ở hai bên hành lang, hoặc đứng chật kín ở hai bên đường đi và phía cuối rạp suốt hơn hai tiếng đồng hồ, hồi hộp dõi theo tác phẩm. Điều mà hàng chục năm từ ngày anh mất, sân khấu ảm đạm, ủ dột như một bà già kém duyên ế ẩm, thì giờ đây lộng lẫy kiêu sa như một bà hoàng, khiến cho bao người đắm say, mê mệt…
Thế mới biết, dù ở đâu, bao giờ, khi nào, Lưu Quang Vũ - tên anh mãi bất biến song hành cùng thời gian…
Đã từ lâu lắm, sân khấu mới có được một cuộc no nê và mãn nhãn đến vậy. Từ rạp Công nhân của Nhà hát Kịch Việt Nam nằm trên phố Tràng Tiền, rạp Tuổi Trẻ của nhà hát Tuổi Trẻ trên phố Ngô Thì Nhậm, rạp Đại Nam ở phố Huế, ba địa điểm diễn ra 12 vở gồm kịch, chèo, cải lương, ca kịch Huế tham dự Liên hoan Các vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ khán giả kéo đến chật kín rạp, gây tắc cả đoạn đường. Ôi chao! Giá như sân khấu cứ mãi như thế này thì giàu to, lãi lớn. Các nhà hát, các đoàn nghệ thuật không lo thiếu kịch bản hay, vắng khán giả. Buổi đầu tiên của đêm khai mạc, mở màn vở "Ông không phải là bố tôi" của Nhà hát Kịch Hà Nội diễn ra ở vị trí đắc địa của thủ đô, tại rạp Công nhân trên phố Tràng Tiền.
Theo lịch, 20 giờ mới khai mạc liên hoan nhưng từ lúc hơn 19 giờ cả khán phòng rộng lớn ở tầng 1 đã chật kín khách khứa. Người ta dễ dàng nhận ra những khuôn mặt quen thuộc, những người nổi tiếng của thế hệ khi xưa và hôm nay. Những đạo diễn gạo cội, những nhà văn danh tiếng, những diễn viên chuyên nghiệp, cả họa sĩ, nhạc sĩ, MC, nhà báo, khán giả hâm mộ, có cả tướng lĩnh và dân thường… Cả một rừng người náo nức. Họ gặp nhau, chào nhau. Giữa khán phòng kê một cái bàn nhỏ, trên đó có di ảnh của anh - nhà viết kịch tài năng Lưu Quang Vũ, một bát hương, hương khói nghi ngút nhiều người đến châm hương, cúi đầu tưởng nhớ hương hồn anh đã 1/4 thế kỷ về nơi vĩnh hằng.
Một cảnh trong vở diễn "Mùa hạ cuối cùng" do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng. |
Đêm diễn đầu tiên đó, chật kín khán giả. Khi không còn một ghế trống, nhiều người ngồi bệt xuống hành lang. Không câu nệ, cả thanh niên tuổi trẻ lẫn các cụ già lặng lẽ ngồi chật cứng. Tôi cũng có trong đám khán giả thiếu ghế đấy. Một hai bác trung niên ngay sát cạnh đằng sau thì thầm: "Chắc buổi khai mạc mới đông thế này thôi, chứ các buổi sau thì tha hồ chỗ ngồi".
Lúc xem kịch, ai đó lại kêu lên: "Lời thoại hay quá", "Đúng quá", "Viết hay quá nhỉ?". Thỉnh thoảng, tiếng vỗ tay vang lên khi diễn viên thoại lời, diễn trên sân khấu. Sức hấp dẫn của kịch bản, tài hoa trong câu chữ, cách dẫn dắt câu chuyện của nhà biên kịch tài năng, điểm sáng của chủ đề lôi kéo, cuốn hút khán giả.
Sau đêm diễn đầu tiên của Liên hoan, người ta ngỡ rằng các buổi diễn sau khán giả sẽ vắng hơn chăng?! Thế mà lại… nhầm. Tại Nhà hát Tuổi Trẻ với 3 vở. Vở nào cũng chật kín khán giả. Người ta phải bảo nhau đến trước lúc mở màn 1 tiếng, nếu không sẽ chẳng còn ghế, khán giả sẽ phải đứng cả buổi mất thôi. Vở đầy chất thơ cũng không kém phần dữ dội câu hỏi về ngành giáo dục trong "Mùa hạ cuối cùng".
Vở đầy tính triết lý với lối thể hiện mới lạ, sáng tạo của kịch hình thể trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Vở ăm ắp tính nhân văn, vạch trần những điều xấu xa và bất công trong xã hội trong "Lời thế thứ 9". Vở kịch này, năm 2011, khi phục dựng lại được diễn ra tại Nhà hát Lớn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với 30 quan khách trong Chính phủ đã đi xem và ông tỏ ra tâm đắc. Sau khi xem song vở kịch này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nói: "Lời thoại mạnh quá, hay quá".
Cảnh trong vở “Lời thề thứ 9” do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng (ảnh: Mai Hồng). |
Vở mở màn của Nhà hát Tuổi trẻ, là "Mùa hạ cuối cùng" kéo chúng ta về một thời để nhớ, thủa cắp sách đến trường, lứa tuổi mộng mơ êm đẹp của đời người ai cũng từng một lần trải qua. Câu hỏi trăn trở trong ngành giáo dục về sự thật, tính tự trọng và lòng trung thực, đạo đức của người thầy giáo. Khi vở kịch kết thúc, tất cả diễn viên tham gia đêm diễn bước ra sân khấu chào khán giả, họ để cánh tay về phía trái tim, mắt nhìn về phía trước và đồng thanh hô vang: "Lưu Quang Vũ, chúng em nhớ anh".
Lúc đó những cánh hoa rơi xuống, tung bay, sân khấu chưa bao giờ đẹp tinh tế, trang trọng và xúc động đến vậy. Sân khấu đẹp như một bức tranh lộng lẫy đầy màu sắc mà tôi dám chắc rằng không có một họa sĩ tài hoa nào có thể vẽ đẹp và có hồn hơn được.
Tối hôm đó, một đồng nghiệp làm báo khá nổi tiếng, quen mặt với truyền hình nhắn vào máy tôi: "Sáng nay lần đầu đi xem L.Q.V. Có cảm giác như mình bị đánh cắp khỏi cuộc đời. Bị ám ảnh mãi, không thoát ra nổi…". Tôi tin, đấy là tâm trạng chung của nhiều người. Ít ra, trong lúc tưởng như chai lỳ của cảm xúc còn có tinh hoa của nghệ thuật làm cho xúc cảm được thăng hoa. Xem kịch của Lưu Quang Vũ, người ta cảm thấy, tin hơn, yêu hơn, đẹp hơn… Trần trụi đấy mà cũng nhân văn lắm. Dữ dội đấy mà cũng ăm ắp chất thơ. Giữa đen và trắng. Giữa cái thanh cao và thấp hèn. Giữa được và mất. Kịch của Lưu Quang Vũ là những câu chuyện thực được viết bởi một tài năng lớn, có thông điệp và sức truyền tải không ngờ.
Thế rồi, khi khán giả còn "chưa hoàn hồn" nửa say, nửa tỉnh với đêm diễn "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" với những thủ pháp đạo diễn lạ và độc đáo, khá ma mị của NSND Lan Hương thì ngay sáng hôm sau cảm xúc lại một lần nữa bị chao đảo, quật ngã trong "Lời thế thứ 9" của đạo diễn NSND Xuân Huyền.
9 giờ sáng này 12/9, tại Nhà hát Tuổi Trẻ, khi dàn diễn viên trẻ đang thăng hoa tung hoành với tác phẩm "Lời thế thứ 9" thì dưới khán đài chăm chú theo dõi. Rồi, lúc sau, xung quanh tôi, đâu đó, nhìn bên phải, bên trái, đằng trước, đằng sau tiếng thút thít, có người nước mắt chảy thành vệt lăn dài trên má, có người mắt long lanh ngấn nước.
Cô bạn bên cạnh tôi thông báo, ở gần phía lối lên sân khấu, có một phụ nữ trung tuổi khóc nhiều quá đang không thở được. Kỳ lạ hơn, cái anh họa sĩ nổi tiếng đình đám được xem là ngổ ngáo, ngông nghênh nhất trong làng mỹ thuật - Lê Thiết Cương xem kịch khóc rấm rứt. Bên cạnh họa sĩ Lê Thiết Cương là nhạc sĩ Ngọc Đại nổi tiếng gàn dở, bất cần không kém, cũng sụt sùi chấm nước mắt.
Tối hôm đó, tại rạp Đại Nam diễn vở "Nàng Sita" của Nhà hát Chèo Hà Nội, một trong tác phẩm được dựng chèo và cải lương suốt dọc dài đất nước, từ địa đầu của Tổ quốc cho đến tận mũi Cà Mau. “Nàng Sita” ngày đó gây nên những cơn sốt suốt trong những thập niên 80 của thế kỷ trước. Ngày đó, cứ vào tối thứ bảy, trên Đài Tiếng nói Việt Nam cho phát vở chèo hoặc cải lương về "Nàng Sita", đã nghe hàng chục hàng trăm lần mà cứ mỗi lần phát vở là khán giả như tôi lại run rẩy, hồi hộp khi nàng Sita xinh đẹp và thủy chung bị đưa lên giàn thiêu để chứng minh sự trong sạch, tinh khiết của mình với Hoàng tử Pơ Liêm.
Huyền thoại về nàng Sita khiến cho cả một thế hệ mơ mộng, ám ảnh. Bài hát về bông hoa trắng đã nằm lòng bao thế hệ. 8 giờ tối các nghệ sĩ của nhà hát chèo Hà Nội mới diễn vở “Nàng Sita”, khán giả đi đến rạp trực chờ từ lúc hơn 6 giờ vì sợ hết ghế. Trước buổi biểu diễn nửa tiếng mà ghế đã hết, khán giả lại một phen nháo nhác. Nhạc sĩ Ngọc Đại kê thêm ghế nhựa ở cuối hành lang để ngồi xem, cho biết liên hoan lần này nhạc sĩ đến hôm nay xem 4 buổi kịch của Lưu Quang Vũ.
Nhạc sĩ còn tiết lộ trước đây ông cũng đã từng xem kịch của Lưu Quang Vũ, xem kịch của nhà viết kịch này như được đối diện lại. Lần nào xem kịch của tác giả này cũng thấy thành công. Nhạc sĩ thú nhận, sáng nay khi xem "Lời thề thứ 9" anh cũng khóc mấy lần. Nhạc sĩ quả quyết: "Thế mới biết, sức quyến rũ ghê gớm của Lưu Quang Vũ".
Trước khi vào rạp hát, nhà văn Chu Lai nói với tôi: "Giá liên hoan sân khấu nào cũng đông khán giả như thế này thì tốt. Xem kịch Lưu Quang Vũ mới thấy tính dự báo trong anh mạnh mẽ đến thế nào. Thật rờn rợn. Mấy chục năm qua, câu chuyện vẫn còn giá trị đến tận ngày hôm nay".
Một cảnh trong vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". |
Liên hoan vở diễn của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ không bán vé. Có một câu chuyện cảm động mà tôi chứng kiến. Sáng đó, trời mưa giăng giăng, hòa trong dòng người nô nức ấy, một cụ già gầy gò dắt đến cửa rạp một xe đạp đã cũ. Cụ chìa tay đưa cho anh bảo vệ tờ tiền và nói: "Chú ơi! Tôi chỉ có đúng 100 nghìn thôi. Xin hãy bán cho tôi cái vé 100 nghìn. Tôi muốn vào xem kịch của Vũ". Anh bảo vệ trả lời kịch không bán vé.
Chị Lưu Khánh Thơ, em gái nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đứng gần đấy chứng kiến vụ việc đã đến bên cụ già bảo: "Bác ơi, con xin biếu bác một tấm giấy mời này. Xin mời bác vào xem". Cụ già cầm giấy mời trên tay, cúi người cảm ơn, lững thững vào. Bóng cụ gầy gò lẩn khuất sau dòng người đông đúc.
Vậy là, sau đúng 25 năm, kể từ ngày anh rời cõi tạm để sang thế giới bên kia, Hội Nghệ sĩ Sân khấu nơi mà xưa kia lúc còn sống, 10 năm cuối đời hằng ngày anh làm việc tại Tạp chí Sân khấu. Và, cũng chính nơi ấy con người tài năng đấy đã cho ra một khối lượng đồ sộ với 50 kịch bản để đời. Những tác phẩm của anh cho đến hôm nay vẫn trường tồn, bất biến cùng thời gian. Không hiểu, khi xem kịch của Lưu Quang Vũ, các tác giả "nhà biên kịch" có cảm thấy chạnh lòng?!
Thì đây, rõ ràng, liên hoan lần này là minh chứng hùng hồn nhất, khán giả chưa bao giờ quay lưng lại với sân khấu. Phải chăng, thật ra chúng ta đang quá thiếu năng lực truyền tải. Kịch bản một thời để nhớ của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sau khi được bồi đắp, chỉn chu, lên khuôn với một dàn diễn viên trẻ và thế hệ đạo diễn mới hiện diện ở trên sàn diễn vẫn lôi kéo, dẫn dụ làm say mê, ngây ngất lòng người.
Thay mặt những khán giả mến mộ tài năng của một con người đặc biệt mang một sứ mệnh đặc biệt. Xin được gửi tới anh câu nói giản dị mà lớp diễn viên khi diễn xong vở kịch của anh, cánh màn nhung khép lại vẫn còn đâu đó, văng vẳng vang vọng thiết tha: "Lưu Quang Vũ, chúng em nhớ anh!"