Lý Tiểu Long và tư tưởng Đạo giáo trong Triệt Quyền đạo
- Lý Tiểu Long nữ là ai?
- Sự thật về pha đột tử của ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long
- Thêm một cách tưởng nhớ huyền thoại Lý Tiểu Long
Lý Tiểu Long là một thiên tài võ thuật nổi tiếng thế giới, nhưng anh cũng chỉ là men theo võ thuật để nhập "đạo", mượn thực tiễn và thể nghiệm để chứng thực rằng "đạo ở trong công phu". Đó cũng là lý do mà Lý Tiểu Long sáng lập và phấn đấu hết mình vì môn phái "Triệt quyền đạo" (JEET KUNE DO).
Võ thuật như nước
Trong hệ thống lý luận Triệt quyền đạo của mình, Lý Tiểu Long lấy "nước" làm biểu tượng của cảnh giới võ thuật tối cao. "Hãy trở thành nước, này các bạn tôi! Giống như nước vậy. Khi bạn rót nó vào trong một chiếc ly thì nó trở thành chiếc ly; khi bạn rót nó vào cái chén thì nó trở thành chén". Lấy nước để so sánh với đạo là bài học mà Lão Tử đã nói: "Thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước, nhưng công phá cái cứng mạnh nhất cũng không gì hơn nó. Nước làm lợi cho vạn vật mà không tranh, cho nên gần với đạo".
Lý Tiểu Long luyện Vịnh Xuân quyền với danh sư Diệp Vấn. |
Nước có thể thắng mọi vật là nhờ vào thuộc tính "nhu". "Nhu" là chỉ nước vốn không có hình thể cố định, có thể tùy hoàn cảnh mà thích ứng. Nếu lấy nước để tỷ dụ cho tính cách con người thì đó là không cố chấp, gạt bỏ tự tư mà dung nạp tất cả mọi thay đổi bên ngoài. Mức độ nhu thuận này của nước không tìm thấy ở vật chất hữu hình khác.
Lý Tiểu Long luyện võ nhập thần để có thể "ngộ đạo" như những nhà tu hành. Có một lần do lo nghĩ về điều cốt tử của võ thuật là gì, đầu óc Lý Tiểu Long căng thẳng, không tập trung luyện võ, sư phụ Diệp Vấn hiểu ý mới bảo anh nên buông lỏng, về nghỉ ngơi, không nên luyện nữa.
Lý Tiểu Long về nhà suốt một tuần suy nghĩ vẫn không ra, bèn ra bờ biển, lên một chiếc ghe nhỏ bơi cho khuây khỏa, không ngờ khi anh đấm xuống nước để bơi thuyền thì hốt nhiên tỉnh ngộ: "Nước là cái cơ bản nhất, đó chẳng phải là yếu nghĩa cốt lõi của công phu hay sao? Nước đủ để vì ta chứng minh nguyên lý của công phu... Nước, là vật chất mềm yếu nhất thế giới. Chính vì thế, ta nhất định cũng giống như bản tính của nước".
Từ đó, Lý Tiểu Long đem võ học tích lũy bấy lâu của mình "biến" thành nước, nước vốn không có hình thái cố định nên võ thuật cũng không có hình thái cố định. Sự mềm yếu của nước có thể phá mọi thứ cứng rắn, quyền thuật nếu có thể đạt đến cực nhu thì cũng trở thành chí cương.
Nước có thể chở thuyền, cũng có thể làm lật thuyền, vì thế Lý Tiểu Long đưa ra 3 phạm trù trong "Triệt quyền đạo" là "nước", "thuyền" và "lực nước đánh". Từ nguyên lý "Be water"- hãy trở thành nước, Lý Tiểu Long đưa võ thuật vào cảnh giới tối cao của "đạo".
Phương pháp của “không phương pháp”
Vốn là một sinh viên khoa triết học Trường đại học Washington, tư tưởng Đạo gia có ảnh hưởng sâu sắc đến Lý Tiểu Long cũng như môn phái Triệt quyền đạo (thành lập năm 1966). Cái tên "Triệt quyền đạo" chỉ là một khái niệm liên quan đến quyền cước chứ không phải là một môn phái võ thuật. Các môn phái võ truyền thống của Trung Hoa đều có đặc điểm về kỹ thuật riêng để có thể phân biệt.
Như Vịnh Xuân quyền có hệ thống bài quyền và phương pháp xuất quyền riêng, chú trọng quyền đánh thẳng và ngắn, bộ pháp đặc trưng là "Nhị tự kiềm dương mã"; quyền pháp Thái Lý Phật thì chú trọng phát lực đánh xa, bức độ quyền cước rộng, dũng mãnh... Nhưng Triệt quyền đạo của Lý Tiểu Long thì không có hệ thống bài quyền hay kỹ thuật riêng biệt, phái này cũng không có biểu tượng riêng, đúng như trên võ quán gắn hai câu của Lý Tiểu Long "Lấy vô hạn làm hữu hạn, Lấy vô pháp làm hữu pháp".
Đây chính là Lý Tiểu Long cách tân từ tư tưởng của Lão Tử "Vô vi nhi vô bất vi". "Vô" và "hữu" là hai hình thái bất đồng của đạo, nhưng phải hiểu "vô" là cái ẩn chứ không phải là "không", cái hiện rõ ra là "hữu".
Phía sau cái "hữu" của vạn vật vạn sự chính là cái "vô". Tất cả hiện tượng của thế giới hiện thực là "hữu", nhưng để chống đỡ cái hữu ấy là "vô" Triệt quyền đạo không còn bị ước thúc bởi hình thức bài quyền, đòn thế, chiêu thức không cố định, vì thế gọi nó là một võ phái chẳng bằng nói đó là một khái niệm quyền thuật.
Lý Tiểu Long với dòng chữ "Lấy hữu hạn làm vô hạn, lấy vô pháp làm hữu pháp". |
Cái "vô pháp" - không có phương pháp cố định-của Lý Tiểu Long là xác lập ở "vô vi" để có thể thuận ứng tất cả, đạt đến mức "vô bất vi". Nhưng mà, để đạt đến cảnh giới có thể ứng chiến với tất cả các chiêu thức của các môn phái, thì trên thực tế không phải chỉ nói suông mà đòi hỏi người luyện võ phải nỗ lực hết mình, tìm tòi học hỏi.
Bản thân Lý Tiểu Long từng học rất nhiều võ phái, từ Vịnh Xuân, Thái cực quyền, Bắc Thiếu Lâm đến Taekwondo, Karate, quyền Anh, quyền Thái, kiếm phương tây, anh giao đấu với các cao thủ của bất kỳ môn phái nào để có kinh nghiệm thực chiến, đồng thời đọc rất nhiều thư tịch võ thuật.
Nhờ tinh thần "vô vi" của Đạo giáo, anh không ngần ngại áp dụng mọi phương thức từ đông sang tây để nâng cao trình độ võ thuật của mình, phối hợp phương pháp tập truyền thống với hiện đại, như khiêu vũ để có bộ pháp uyển chuyển hơn; tập tạ, dinh dưỡng theo tây phương để có thể lực tối ưu... Tất cả chỉ nhằm đạt đến mục tiêu: Vô hình, vô thức và vô pháp, giống như nước và nhập với "Đạo".
“Được cả nên quên cần”
Triết lý võ đạo của Lý Tiểu Long được phản ảnh rõ nét trong bộ phim "Long tranh hổ đấu". Nhân vật chính trong phim Tiểu Long là một tục gia đệ tử Thiếu Lâm võ nghệ cao cường đồng thời có trí tuệ võ học sâu sắc.
Đầu phim là đoạn Lý Tiểu Long hướng dẫn Đổng Vĩ ra đòn tấn công. Một điểm cực kỳ quan trọng của công phu, đó là: phải dựa vào trực giác của bản năng để có phản ứng nhanh nhất và hữu hiệu nhất. Lý Tiểu Long bảo Đổng Vĩ nhìn vào ngón tay của anh, phản ứng của Đổng Vĩ quá chậm bởi vì cậu ta chỉ nhìn thấy ngón tay chứ không thấy mặt trăng mà ngón tay chỉ đến.
"Lấy tay chỉ trăng" là một tỷ dụ thường gặp trong triết học tôn giáo Trung Hoa, nhất là Huyền học đời Ngụy Tấn, Lý học của Vương Dương Minh đời Tống và Phật học. Mặt trăng và ngón tay dùng biểu đạt mối quan hệ giữa gốc và ngọn, thật và giả, thể và dụng, mục đích và phương thức, người đời vì mê lầm, chấp vào ngôn ngữ, hình thức cố định nên rốt cuộc chỉ là "đuổi hình bắt bóng".
Thiền tông bảo rằng "Cắt đường ngôn ngữ, tuyệt lối tâm hành", Vương Bật cũng nói "Bởi lời không thể nói hết ý nên thánh nhân lập hình (tượng) để biểu ý, khi hiểu rõ ý thì nên quên hình đi". Truy ngược lên thì triết lý này đã có trong tư tưởng Lão Tử, Trang Tử. Lão Tử nói rằng "Đạo mà nói ra được thì không phải là đạo"; trong thiên "Ngoại vật", Trang Tử nói "Người ôm cần đi câu là vì cá, được cá nên quên cần".
Điều này ảnh hưởng rất lớn trong triết lý Triệt Quyền đạo của Lý Tiểu Long. Bởi vậy, những công phu kỹ thuật không phải là cực điểm của võ học. Điều quan trọng nhất là sự khải thị của nó về sinh mệnh con người.
Trong bài phát biểu của mình khi thành lập Triệt Quyền đạo, Lý Tiểu Long: "Muốn lý giải Triệt quyền đạo, cũng giống như ngón tay chỉ mặt trăng vậy, nhất thiết không được nhầm lẫn ngón tay thành mặt trăng, càng không nên chỉ chú tâm vào ngón tay mà bỏ qua bao cảnh đẹp xung quanh. Tác dụng của ngón tay tôi là chỉ đến "ánh sáng", còn việc bạn gặt hái được bao nhiêu, tầm mắt nhìn được bao xa thì phải dựa vào sự nỗ lực của chính bản thân bạn để lĩnh hội và thu hoạch".
"Ngón tay" của Lý nói là chỉ hình thức võ thuật. Chiêu thức và phương pháp chiến đấu của các môn phái không thể xem là cực điểm của võ thuật. "Ánh sáng" là con đường vô cùng vô tận, cực điểm của võ thuật không thể định nghĩa hay miêu tả mà phải thông qua sự nỗ lực và trí tuệ để nắm bắt. Cảnh giới tối thượng của võ thuật vượt ra ngoài bản thân võ thuật, là "cảnh giới phi võ thuật", "được cá quên cần", hay nói cách khác đó chính là đạo, "Võ - Đạo hợp nhất".
Triệt Quyền đạo không có bài học chuẩn bị trước, mà cũng không cần điều này. Mỗi con người đều có một loại trực giác, có thể phát hiện năng lực bẩm sinh của mình, từ đó mà phát triển thế mạnh ấy với điều kiện hữu hiệu nhất. Vì thế điều đầu tiên là phải hiểu được năng lực thực sự của mình. Tri thức võ thuật về căn bản là sự lĩnh hội riêng của mỗi người, học tập không phải là mô phỏng hay tích lũy những tri thức cố định đã có.
Học võ là một quá trình, luôn không ngừng tìm kiếm, đổi mới cho kịp với nhịp sống. Trong Triệt quyền đạo, môn sinh phải rèn luyện phản xạ, tùy ý sử dụng các dạng chiêu thức, tìm kiếm những phương thức mới hơn, hiệu quả hơn, chứ không phải lấy cái của người ta bê nguyên xi về.
Vượt qua sinh tử
Vấn đề sinh tử, đối với những bậc đắc đạo đã hiểu rõ ý nghĩa sinh mệnh mà nói thì không phải là cái gì ghê gớm lắm. Trang Tử gõ chậu hát khi vợ chết, Lão Tử thì bảo người ta bỏ "thân mình" đi để tránh được "đại họa". Lý Tiểu Long thông qua những bộ phim chấn động thế giới, bằng công phu và trí tuệ, giác ngộ và thực tiễn, đã đề cập đến vấn đề muôn thuở này.
Là một cao thủ truy cầu cảnh giới võ thuật tối cao, Lý Tiểu Long đương nhiên không giống như những võ sĩ thông thường, anh không đánh giá cao giá trị ứng dụng của võ thuật. Dưới góc nhìn ấy, kẻ thù thật sự chính là bản thân mình chứ không phải là lão chủ hãng nước đá trong "Đường Sơn đại huynh"; võ sĩ Nhật Bản trong "Tinh Võ Môn" hay nhà vô địch thế giới trong "Mãnh long quá giang".
Trước hết, Lý phải hạ người nhà của mình trong "Long tranh hổ đấu", đó là Thạch Kiên - một cao thủ Thiếu Lâm thực sự, huấn luyện tại Quảng Châu Tinh Võ hội, nổi tiếng trong giới võ lâm Trung Quốc đương thời. Thiếu Lâm là Bắc Đẩu võ lâm, Thạch Kiên lại là cao thủ Thiếu Lâm, Lý Tiểu Long hạ gục Thạch Kiên là tượng trưng cho việc hạ bệ công phu truyền thống, hướng đến một chân trời mới.
Trong phim, Thạch Kiên ngoài giỏi công phu Thiếu Lâm, còn có một vũ khí kỳ dị là bàn tay sắt "Cương thủ chưởng". Cái tay sắt này có ý nghĩa sâu xa, vì theo quan niệm cũ thì đỉnh cao nhất của võ thuật là luyện các môn "Thiết bố sam, Kim chung trạo, Thiết sa chưởng... đạt đến mức đao thương chém không vào, hạ đối thủ mau lẹ, "Cương thủ chưởng" của Lý đặt ra là biến tấu của Thiết sa chưởng.
Lý lần lượt đánh bại hết những kỹ thuật, binh khí cổ truyền Trung Hoa như Thái cực Thôi thủ, thuật lăng không Bắc phái, phi tiêu, trường thương... Sau khi hạ gục tất cả, còn lại một đối thủ lợi hại nhất, đó là chính mình! Lý Tiểu Long nhìn qua phản chiếu của các tấm kính thấy xuất hiện vô vàn những hình ảnh không thực. Điều này rất có ý vị Đạo giáo, giống như Phật gia nói "duyên khởi tính không", đối tượng mình đánh là hư ảo, không thật.
Phim quay về cảnh thầy trò đối đáp: Sư phụ hỏi Lý Tiểu Long rằng thế nào là đỉnh cao nhất của võ thuật, Lý trả lời rất tự tin: "Cảnh giới cao nhất của võ thuật là chiêu thức ẩn trong vô hình, không cần suy nghĩ mà tự nhiên hạ được địch thủ", tư tưởng này chính là cốt lõi của Triệt Quyền đạo. Sư phụ bổ sung thêm rằng: "Địch thủ thật sự là một ảo ảnh, ẩn ở phía sau, chỉ cần tiêu diệt ảo ảnh thì có thể tiêu diệt luôn chân thân của hắn".
Lý Tiểu Long chỉ là ảo ảnh, Lý Tiểu Long thật sự ẩn ở phía sau, muốn đánh thắng kẻ địch thật sự thì trước tiên phải đánh ngã Lý Tiểu Long ảo ảnh này. Vì thế, đỉnh cao của võ học không phải là đánh bại địch thủ bên ngoài, mà là vượt qua sống chết, chiêu thức hòa ở vô hình, triệt tiêu những nhân tố nhị nguyên đối lập như đối tượng và tự thân, ảo ảnh và chân thân, sinh tồn và tử vong, đúng như Lão Tử nói là cảnh giới từ "hai" mà tiến đến "một". Bộ phim "Tử vong du hý" - phim cuối cùng của Lý Tiểu Long thể hiện rõ cảnh giới tối cao: vượt qua sinh tử, báo trước cái chết của một nhân tài võ học.
Để biểu đạt quan niệm này, Lý Tiểu Long phải đánh với chính mình và khẳng định kết cuộc: Tiểu Long phải chết. Nhờ cái chết của anh mà võ học mới trường tồn ở nhân gian, cảnh giới võ học tối cao của anh mới có thể truyền lại hậu thế. Phải chăng anh linh cảm cái chết của mình nên mới đem mạng sống để đóng bộ phim "Đùa giỡn với cái chết" này khi mới 32 tuổi hừng hực sức sống? "Người chết mà không mất gọi là thọ" - lời Lão Tử nói quả đúng với Lý Tiểu Long.
Những bộ phim Lý Tiểu Long đóng phải kết nối lại xem liên tục mới thấy được triết lý võ thuật và cảnh giới công phu mà Lý muốn biểu đạt. Nếu chỉ xem một bộ phim thì sẽ không thể nhận diện "trí tuệ võ học" của Lý: anh đánh bại tất cả các cao thủ giỏi nhất, nhưng điều cần đặc biệt chú ý là anh không dùng một công phu "cố định" nào của riêng mình, mà sử dụng chính những công phu mà người khác cho là lợi hại nhất để hạ gục họ. Trí tuệ võ học theo lối Đạo gia đã được Lý Tiểu Long chứng minh trong thực tiễn cuộc sống và "Triệt Quyền đạo".