MV cổ trang: Chịu chơi, chịu chi nhưng lắm lai căng

Thứ Ba, 26/12/2017, 18:48
MV (video ca nhạc) cổ trang đang là mốt thịnh hành của ca sĩ Việt. Nó không chỉ giúp các “sao” lung linh, “liêu trai” hơn trong hình tượng mới mà còn thu hút số lượt fan (người hâm mộ) khủng. Đáng buồn thay, màu sắc ngoại lai áp đảo trong khi đây là loại hình ưu việt giúp ca sĩ có thể tự hào quảng bá văn hóa Việt với bè bạn quốc tế.

Cuộc chơi bạc tỷ

MV bây giờ là cuộc chơi đẳng cấp của ca sĩ Việt chứ không phải là sản phẩm đính kèm album như kiểu “lạc kèm bia” trước đây. Từ năm 2016, giải âm nhạc Cống hiến đưa MV vào hạng mục chính thức đã cho thấy vai trò quan trọng của nó trong đời sống âm nhạc. MV càng thu hút lượt xem, tên tuổi ca sĩ càng nổi như cồn. Mức chịu chi cho MV bây giờ không còn dừng lại ở vài trăm triệu đồng mà đã lên đến tiền tỷ.

Để lọt vào mắt xanh khán giả, hàng loạt ca sĩ không tiếc tiền đầu tư cho MV của mình thật công phu cả phần nghe và nhìn. Nào là áp dụng công nghệ mới nhất như kỹ xảo 3D, hiệu ứng 4K, 6K, công nghệ one take (quay một lượt), flycam... Nào là xuất ngoại để có bối cảnh lạ lẫm, đầu tư đồ hiệu, vũ đạo lạ mắt... Nào là chạy theo trào lưu MV nhiều tập, MV phim ngắn dài cả chục phút như "Âm thầm bên em" (Sơn Tùng M-TP), "Em gái mưa" (Hương Tràm), "Chạm khẽ tim anh một chút thôi" (Noo Phước Thịnh), “Đừng hỏi em” (Mỹ Tâm)...

Nội dung ca khúc “Chờ người” và hình tượng cổ trang Trung Quốc của Tố My không mấy ăn khớp với nhau.

YouTube trở thành kênh phát hành lý tưởng để các “sao” nhà ta thỏa sức tung tẩy. Khái niệm “MV triệu view” giờ đã “xưa rồi Diễm”. Bây giờ, “MV trăm triệu view” mới là đỉnh.

Khi công nghệ được cải tiến, trào lưu MV cổ trang đình đám hơn 10 năm trước quay lại và trở thành xu hướng nóng bỏng để ca sĩ ghi điểm với hình tượng mới mẻ. Năm 2017 có thể coi là năm bùng nổ sản phẩm âm nhạc cổ trang. “Lạc trôi” của Sơn Tùng là “quả bom” mào đầu khi anh tung sản phẩm đúng dịp đầu năm.

Trước đó có lác đác vài MV cổ trang của ca sĩ Lâm Khánh Chi, Akira Phan... nhưng hiệu ứng không như mong đợi vì hình ảnh cũ kỹ, sến súa. Phải đến khi “Lạc trôi” ra mắt thì các fan mới trầm trồ. Đường dây kịch bản chặt chẽ, sáng tạo. Giữa cung điện xa hoa đầy mỹ nữ, hình tượng vị vua trẻ cô đơn, đau đớn vì tình yêu vụt mất khiến Sơn Tùng bỗng chốc trở thành soái ca của bao cô gái.

Sắc màu xuyên không, vừa hư vừa thực, vừa hiện đại vừa cổ kính liêu trai trở thành bước đệm tuyệt vời làm bật lên tinh thần bài hát. Nhân vật như từ thế giới hiện đại rơi về thời phong kiến để làm vua và ôm nỗi niềm lạc trôi vô định với bóng giai nhân mà anh ta yêu. Ngay khi ra mắt, “Lạc trôi” tạo bão. Số lượt xem đến nay đã lên tới gần 170 triệu.

Tiếp nối sự thành công rực rỡ của đàn em, tháng 3-2017, Đan Trường trở lại với sở trường quen thuộc của mình với MV đậm chất kiếm hiệp “Thiên tử”. Nói là sở trường quen thuộc bởi Đan Trường là một trong những ca sĩ tiên phong và sở hữu nhiều MV cổ trang nhất giai đoạn 2000-2005. Được kỳ vọng chạm mốc 100 triệu view là câu chuyện liêu trai, kỳ bí “Sống xa anh chẳng dễ dàng” của Bảo Anh. Tạo hình và diễn xuất của “ma nữ” Bảo Anh được đánh giá đẹp không kém gì các nữ hoàng cổ trang trong phim “bom tấn” Trung Quốc.

Không kém phần lung linh, ma mị, "Họa tình" kể về hành trình đợi chờ tình yêu đến cả ngàn năm của "nàng tiên bướm" Trương Quỳnh Anh. Vì yêu tiếng sáo của một chàng trai mà nàng nguyện chờ đợi đời đời kiếp kiếp. Chán ăn mặc sexy, nhảy nhót gợi cảm, ca sĩ Thủy Tiên dồn hết vốn liếng vào MV "Dẫu chỉ là mơ" với tạo hình hồ ly tinh xinh đẹp mù quáng vì tình.

Cũng muốn đổi hình tượng, Ngô Kiến Huy bạo dạn hóa thân thành lữ khách giang hồ trong “Lạc giữa nhân gian” tung ra ngày 18-12. Danh sách ca sĩ phát cuồng với cổ trang còn rất dài, có thể điểm qua một số MV tiêu biểu như: “Ảo mộng tình yêu” của Hari Won, “Bỉ ngạn đỏ” của Hoa Trần, “Chờ người” của Tố My...

So với MV hiện đại, MV cổ trang có mức đầu tư cao gấp 2-3 lần. Chuyện chi bạc tỷ không xa lạ. Khâu đắt đỏ nhất vẫn là trang phục, bối cảnh. Để có cảnh cổ xưa lộng lẫy, ê-kíp của Thủy Tiên phải làm 100 đèn lồng xưa bằng tay, dùng hơn 500 mét vải đỏ và 300 mét vải trắng chỉ để xuất hiện tích tắc trong khuôn hình.

Riêng bộ áo giáp của Đan Trường trong MV “Thiên tử” đã ngốn hết 300 triệu. Đó là chưa kể chi phí cho máy móc hiện đại, kỹ xảo, bối cảnh, đạo cụ, trang phục cho diễn viên quần chúng...

Đỏ mắt tìm cổ trang thuần Việt

Như đã nói, hơn 10 năm trước, Đan Trường đã nổi tiếng là ông vua MV cổ trang.  Đôi song ca Đan Trường - Cẩm Ly đã có hàng loạt MV để đời như “Trở lại phố cũ”, “Ảo mộng tình yêu”, “Tuyết hồng”, “Khi có em trong đời”... lấy hình tượng từ những bộ phim Hoa ngữ nổi tiếng như “Thần điêu đại hiệp”, “Hoàn Châu Cách Cách”, “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”...

Điều này không lạ vì bấy giờ, nhạc Hoa lời Việt rất thịnh hành. Tuy nhiên vì kỹ thuật, công nghệ lúc đó còn yếu kém nên MV dính nhiều “sạn” như: hóa trang vụng về, trang phục quê mùa, sến súa, kỹ xảo như “Tây du ký”, kịch bản đa phần mô phỏng lại tình tiết của phim...

Giờ đây, công nghệ tiên tiến, các kỹ xảo hiện đại cùng kinh nghiệm dày dặn giúp hình ảnh MV trở nên bắt mắt nên nghệ sĩ chú tâm hơn phần sáng tạo. Tuy nhiên, dù kịch bản đã chặt chẽ, phức tạp hơn nhưng hình tượng nhân vật cổ trang của ca sĩ trẻ vẫn đi theo “vết xe đổ” đàn anh, đàn chị. Đa phần họ vẫn “ăn theo” các phim cổ trang Trung Quốc chứ chưa tạo ra nhiều nhân vật mang dấu ấn cá nhân.

Ngô Kiến Huy hóa thân thành lữ khách giang hồ trong MV “Lạc giữa nhân gian”.

Nhân vật ma nữ của Bảo Anh mang dáng dấp nhân vật của Châu Tấn trong phim “Họa bì 2”, Lưu Diệc Phi trong “Tam sinh tam thế thập lý đào hoa”. Thủy Tiên thì thẳng thắn cho biết nhân vật hồ ly tinh trong “Dẫu chỉ là mơ” lấy từ phim “Họa bì” do cô quá yêu bộ phim này. Trương Quỳnh Anh là bản sao tiên nữ trong "Họa tình" bản gốc Trung Quốc.

Các nhân vật cổ trang mang dấu ấn cá nhân chứ không ăn theo phim nào như của Sơn Tùng, Ngô Kiến Huy... cũng không thoát khỏi văn hóa  ngoại lai chứ không hề thuần Việt. Dân nghiện ngôn tình Trung Quốc sẽ thấy ngay “Lạc trôi” không khác gì truyện xuyên không (xuyên thời gian ngược về quá khứ và ngược lại) nằm trong dòng ngôn tình Trung Quốc.

Tạo hình của Sơn Tùng, Ngô Kiến Huy khá giống các nhân vật truyện tranh manga Nhật với mái tóc xám trắng. Nhiều bộ quần áo của Sơn Tùng ở vài phân cảnh của “Lạc trôi” lúc thì giống Nhật Bản, lúc thì giống Hàn Quốc...

Chuyện ăn theo phong cách cổ trang nước ngoài của những MV trên phần nào châm chước được vì bài hát mang chất nhạc Hoa hoặc pop nhẹ nhàng, hiện đại. Âm nhạc đa phần khá phù hợp với nội dung hình ảnh. Điều đáng báo động là ngay cả bài hát thuần Việt nhưng nghệ sĩ cũng không ngại bắt chước hóa thân thành nữ nhân, nam nhân xứ người.

Mới đây, Tố My gây tranh cãi dữ dội khi làm mới ca khúc bolero “Chờ người” trong hình tượng cổ trang Trung Quốc. Trong MV, lúc thì cô hóa thân thành yêu tinh của "Họa bì", lúc lại là bóng dáng Tiểu Long Nữ của "Thần điêu đại hiệp"... Chỉ với câu hát đầu tiên “Một người con gái đứng nghiêng nghiêng vành nón lá/ Đường chiều bờ đê lối xưa kỷ niệm thiết tha...” đã thấy tạo hình của Tố My trớt quớt.

Chưa đủ đô, cô còn gia công thêm loạt cảnh ân ái nóng bỏng. Một khán giả bức xúc: “Tinh thần bài hát là người con gái miền quê Việt mộc mạc đoan trang, thủy chung chờ người còn các cô gái trong MV không khác ổ yêu tinh nhền nhện uốn éo mê hoặc đàn ông”. Nhiều người cho rằng chất liệu EDM (nhạc điện tử) hoàn toàn thất bại với mục đích làm cầu nối mới mẻ cho ca khúc và hình ảnh.

Trước đó, MV “Mùa đông không lạnh” của Khánh Ly, Giải 3 Sao Mai 2011, được khen ngợi về âm nhạc nhưng hình ảnh lại gây tranh cãi. Trong khi bối cảnh và trang phục của Khánh Ly được cho là na ná cổ trang Trung Quốc thì trang phục của nam chính “mượn” cổ trang Hàn Quốc.

Các nam nhân khác trong MV thì lại mặc đồ mộc mạc giống cổ trang Việt. MV đủ kiểu Tây - ta lẫn lộn như một nồi lẩu thập cẩm. Chính nhạc sĩ Giáng Son cũng rất ngạc nhiên khi ca khúc của mình lại bị minh họa bằng hình ảnh này bởi chất nhạc không mấy ăn khớp với MV.

Giữa rừng MV cổ trang, để tìm cho được MV thuần Việt là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. May ra có “Chờ người nơi ấy” của Uyên Linh, “Bánh trôi nước” của Hoàng Thùy Linh, “Bống bống bang bang” của 365 daband... Không gian đền đài, nhà cổ và thắng cảnh Việt Nam làm nền cho những bộ trang phục như áo yếm, áo tứ thân, mấn, áo dài, trang phục của các nhân vật trong truyện “Thần đồng đất Việt”...  cùng họa tiết cổ truyền đã làm toát lên màu sắc dân tộc.

Những yếu tố này giúp MV “Bánh trôi nước” của Hoàng Thùy Linh được cộng đồng quốc tế chú ý. Đa phần bình luận đều dành lời khen ngợi cho MV đầy ma mị, kỳ ảo và tuyệt đẹp. Nhưng đáng vui mừng nhất là họ mau chóng nhận ra tác phẩm âm nhạc độc đáo này mang vẻ đẹp rất Việt Nam. Tà áo yếm, mấn, áo dài... cách điệu trở nên hút hồn trong MV.

Tiếp tay cho hiểm họa “xâm lăng văn hóa”

So với MV hiện đại có nhiều yếu tố hội nhập thì MV cổ trang thể hiện rõ nhất bản sắc của một dân tộc. Ở đây ta chưa bàn nhiều về chuyện âm nhạc mà chỉ nhắc đến khía cạnh thị giác. Một người Nhật, một người Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam đứng cạnh nhau và mặc đồ hiện đại, chắc chắn sẽ khiến người ta khó phân biệt nước nào với nước nào. Nhưng chỉ cần khoác lên bộ quần áo truyền thống, trang phục cổ trang thì người ta sẽ dễ dàng phân biệt.

Đáng buồn là các “sao” nhà ta hát nhạc nhà mình mà lại mượn xiêm y nhà người. Với những MV này, dù ca sĩ hát tiếng Việt hẳn hoi nhưng không ít khán giả nước ngoài vẫn lầm tưởng đây là MV của nước khác. MV ngày nay được chăm chút rất kỹ lưỡng từ khâu âm nhạc, kịch bản đến hình ảnh, kỹ thuật... nên công chúng có quyền kỳ vọng vào một sản phẩm cổ trang đậm đặc bản sắc Việt để tự hào giới thiệu với thế giới.

Tuy nhiên, với tâm lý sính ngoại, các “sao” thường không mặn mà với trang phục Việt. Theo ông bầu Quang Cường, MV là cách để ca sĩ khẳng định đẳng cấp nên vẫn có hiện tượng chạy theo phong trào, đánh bóng hình ảnh. Không có gì ngạc nhiên khi một ca sĩ giấu tên cho rằng trang phục cổ trang Việt Nam không đẹp, nhìn hơi quê và quan trọng là không lộng lẫy bằng cổ trang nước ngoài.

Số khác lười tìm tòi, học hỏi thì lòng vòng chống chế:  “Rất khó để trả lời về sự thuần Việt của trang phục cổ trang Việt Nam”. Cũng như phim cổ trang, MV cổ trang gây tranh cãi nhiều nhất ở khâu trang phục. Khó khăn cho đội ngũ họa sĩ thiết kế hiện nay là nguồn tư liệu, thông tin chuẩn xác về trang phục của các triều đại phong kiến Việt Nam quá ít ỏi (trừ thời nhà Nguyễn).

Thậm chí chính những công trình nghiên cứu cũng gây phản ứng trái chiều. Đơn cử như bộ sách “Ngàn năm áo mũ” - từng được coi là cuốn sách chuẩn mực về trang phục triều đại phong kiến Việt Nam - dấy lên không ít cuộc tranh luận, chỉ ra sai sót. Nên muốn thực hiện MV xa xưa hơn một chút thì nghệ sĩ lúng túng hoặc rất vất vả để tìm trang phục thuần Việt.

Trong khi đó, làn sóng văn hóa nước ngoài tràn ngập vào nước ta với đủ loại phim ảnh, âm nhạc, truyện tranh, truyện ngôn tình của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... khiến nghệ sĩ trẻ thiếu bản lĩnh dễ bị ảnh hưởng. Chỉ cần bắt chước là xong.

Dù vậy, so với điện ảnh, trang phục trong MV vẫn dễ bề tung tẩy vì không xác định niên đại cụ thể. Nghệ sĩ có thể vận dụng khéo léo các chi tiết thuần Việt hay học hỏi những bộ phim có trang phục cổ trang ít gây tranh cãi như “Lục Vân Tiên”, “Thiên mệnh anh hùng”... để làm trang phục cách điệu. Bởi làm MV ăn theo trào lưu ngoại lai có khác nào nghệ sĩ đang tiếp tay cho hiểm họa xâm lăng văn hóa.

Nói đến đây sẽ có người phẩy tay: “Chỉ là giải trí cho vui thôi, làm gì mà ghê gớm thế”. Họ không hiểu rằng sản phẩm giải trí cũng là văn hóa. Với nghệ sĩ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng fan khủng, trong đó đa số là lớp trẻ, bệnh “sính ngoại” dễ dãi này càng trở nên nguy hại. Chuyện lớp trẻ thuộc vanh vách lịch sử xứ người mà lúng túng khi hỏi về sử Việt đâu phải là chuyện mới đây.

Mai Quỳnh
.
.