Mạch nước thiêng giữa rừng già
Các già làng thôn Hòn Lay tiết lộ sức sống kỳ lạ ở buôn làng mình bắt nguồn từ mạch nước thiêng chưa bao giờ vơi cạn. Mạch nước này từng gây cơn sốt liên tỉnh với hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về những mong được "mẹ suối thần"… độ mạng!
Chiều chạng vạng, câu chuyện về mạch nước thiêng ở thôn Hòn Lay của các già làng gợi cho tôi nhớ đến câu chuyện của hơn 10 năm trước. Bận ấy người ta từ khắp nơi, có cả người ở TP HCM và thậm chí ở Cà Mau... tin rằng khi ai đó bị đau bệnh, gặp chuyện xúi quẩy chỉ cần nhúng thân phàm vào nguồn nước suối nóng ở thôn Hòn Lay thì mọi bệnh tật, xui xẻo sẽ tan biến. Và vì niềm tin ấy, người ta phong cho dòng nước nóng tuôn chảy từ lòng đất là "suối thần".
1. Chuyện bắt nguồn vào cuối tháng 7/2004. Bận ấy đến Khánh Hòa tìm hiểu về nghề săn kỳ nam của dân đi địu (ngậm ngải tìm trầm), khi nghe người xứ trầm râm ran rủ nhau đi viếng "thần suối" giữa rừng già Hòn Lay, thấy câu chuyện "suối thần" khá ly kỳ, chúng tôi lần đường tìm đến.
Nằm cách Nha Trang Khánh Hòa hơn 70 km, sau gần 4 giờ lăn bánh trên quãng đường bầm dập băng qua hàng chục mỏm núi tạo thành cung đường uốn éo bò trườn, chúng tôi mới đến được nơi cần đến.
Ẩn giữa núi rừng mênh mang, khi đặt chân đến khu vực giữa thôn Hòn Lay, chúng tôi lọt thỏm vào quang cảnh hết sức rùng rợn: Bên ao nước đen ngòm rộng chỉ khoảng 20m2, có đến hàng trăm con người với nam phụ lão ấu bâu quanh. Từ người khỏe mạnh đến người mắc các chứng bệnh ngoài da, bệnh nan y, chen chúc tắm táp. Người hứng từng ca nước đổ vào bình để dành uống trừ bệnh, kẻ vốc nước thoa khắp mình. Lại có người mặc kệ dòng nước đen đúa tanh hôi trầm hẳn thân mình...
Toàn cảnh mạch nước nóng hiện tại ở thôn Hòn Lay. |
Chứng kiến cái cảnh người ta tắm, uống trong không gian đặc quánh, bốc đủ thứ mùi đồ ăn, xú uế... kia mà không khỏi ớn lạnh. Mỗi người mỗi kiểu nhưng cả thảy đều có điểm chung là lúc hứng nước hay tắm táp thì miệng lầm bầm khấn cầu. Tôi hỏi thăm thì được nhiều người giải thích vì đây là chốn linh thiêng, là nơi cư trú của các linh thần nên muốn gì phải khấn xin, có lòng thành thì việc van vái, mong cầu "thần suối" chữa bệnh sẽ được toại ý. Bằng không vô phép, "thần" vật chết?.
Tìm hiểu về ngọn nguồn của cơn sốt suối thần ở thôn Hòn Lay, còn nhớ bận ấy, sau khi tận tường cái cảnh con người ta mê muội lên đến đỉnh điểm với các kiểu van vái khấn cầu, qua trao đổi với anh Nie Vinh, trưởng thôn Hòn Lay, mới biết "suối thần ở Hòn Lay" là mạch nước khoáng nóng đậm mùi lưu huỳnh nhiều năm qua là nơi sinh hoạt, tắm giặt của gần 40 hộ đồng bào Ê-đê chứ không phải là cấm địa thiêng linh, không phải là chốn hành lễ, tế thần như người ta đồn đại.
Cũng theo anh Nie Vinh, trước tết Nguyên đán (2004), thông tin về suối nước nóng rộ lên khi huyện cho mở con đường liên thôn. Tin đồn "thần suối" tốt bụng, ai cầu gì đồn nấy của những kẻ có máu dị đoan, dân nghiện đề, phường buôn thần bán thánh, đã thu hút hàng ngàn người ùn ùn đổ về tụ tập, ăn uống, cúng bái từ mờ sáng đến tối mịt. Điều đó gây khổ sở, đảo lộn cho sinh hoạt của người dân địa phương....
Bệnh vảy nến, bệnh chàm, bệnh rôm sảy ở trẻ em, bệnh đau bao tử, bệnh ung thư và hàng trăm chứng bệnh khác... nếu tin tưởng, thành tâm, nếu tắm và uống nước “suối thần” thường xuyên sẽ chóng lành, mau hồi phục? Dù chính quyền xã Khánh Hiệp nói riêng và huyện Khánh Vĩnh nói chung lúc bấy giờ ra sức tuyên truyền đó chỉ là những đồn đại xằng bậy nhưng điều ấy không đủ sức cản ngăn con người ta.
Lúc đầu chỉ là dân trong tỉnh ùn ùn đổ đến thôn Hòn Lay để tỏ lòng thành với vị "thần suối" mà họ chỉ biết qua lời đồn. Càng về sau, người từ các tỉnh lân cận như Phú Yên, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk... cũng rầm rộ đổ về Khánh Hiệp. Trước tình trạng bát nháo, xô bồ đó, chính quyền địa phương phải tiến hành cho dân quân, công an đảm bảo an ninh trật tự. Huyện Khánh Vĩnh cũng đã cho phép Hội Chữ thập đỏ huyện lập các đội giữ xe, vệ sinh, bán vé vào bãi tắm. Còn nhớ khi ấy, giá vé vào khu vực "suối thần" là 500 đồng/người...
Dân làng tắm giặt, sinh hoạt bên mạch nước thiêng của buôn làng mình. |
2. Đó là những chuyện về mạch nước thiêng ở thôn Hòn Lay mà người viết tiếp cận hơn 10 năm trước. Bây giờ trở lại, thật bất ngờ khi biết mạch nước từng gây nhiều phiền toái cho người bản xứ lại là cứu tinh cho dân làng thôn Hòn Lay, giúp họ thoát khỏi cái cảnh đói nước, giúp họ được lúa đầy bồ, đồng ruộng tươi tốt trong khi nhiều buôn làng khác, chỉ riêng được dồi dào nguồn nước uống thôi đã là điều mơ ước.
Mới đây, trước khi trở lại thôn Hòn Lay, chúng tôi đi qua nhiều buôn làng ở huyện Khánh Vĩnh để rồi ghi nhận cuộc sống khốn khó của người dân ở các xã Khánh Bình, Khánh Hiệp, Sơn Thái... khi thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất trầm trọng. Anh Cao Minh Gòn, nguyên Xã đội trưởng xã Khánh Hiệp cho biết 2 năm rồi trời không mưa, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, suối cạn dòng đã khiến bà con người Raglai ở địa phương phải oằn mình, chật vật, dè sẻn đến cả nước dùng trong ăn uống.
Chị Lý Thị Kim (công an viên thôn Hòn Lay), thở dài nói trong 2 năm qua, kỳ thực trời cũng có mưa nhưng chỉ là những cơn mưa rào không thấm vào đâu: "Khánh Vĩnh là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, giáp với vùng rừng của các tỉnh Lâm Đồng-Đắk Lắk.
"Trái với suy nghĩ của nhiều người huyện miền núi có nhiều cây rừng, có hệ thống sông suối dày đặc (sông Chò-PV) nên rất mát mẻ, nhưng “trái ngang” ở chỗ gần 2 năm qua bà con phải oằn mình với cái nắng gay gắt, oi nồng. Bà con sống khổ sở với những con sông trơ đáy, cùng nhiều giếng nước cạn khô. Chỉ ở Hòn Lay, dân làng mới có nước dư dả mà dùng".
Trên đường đưa tôi ra khu vực "suối thần" Hòn Lay ngày nào, ông Cao Minh Tuấn, Phó bí thư Đảng ủy xã Khánh Hiệp tâm sự như thế. Cái cảnh bát nháo xô bồ, khu vực ngày trước ô uế nghiêm trọng vì bị con người ta chen chúc tắm táp xả thải nay nhường chỗ cho khu du lịch khang trang với bể tắm tươi mát. Tưởng rằng anh Y'Blí, chủ nhân mảnh đất nơi tọa lạc con "suối thần" ngày nào đã ăn nên làm ra sau những "khổ đau", tôi vào chúc mừng thì được biết vợ chồng Y'Blí đã bán mảnh đất ấy cho một doanh nghiệp địa phương.
Số tiền mà Y'Blí bán cho doanh ngiệp được bao nhiêu, tôi không rõ. Chỉ biết lúc ấy, người mừng vì mua được "mạch nước thần" với giá rất rẻ, mà người bán là vợ chồng Y'Blí đang lúc rầu lo bởi khoản nợ vay đầu tư trồng 300 gốc keo trên diện tích 500m2 có "suối thần" tọa lạc bị người ta giẫm nát... có tiền để trang trải nợ nần!
"Y'Blí bán đất cho doanh nghiệp, doanh nghiệp rào chắn lại xây hồ kinh doanh thì người làng lấy nước dùng và tắm giặt ở đâu?". Ông Tuấn trả lời rằng khu vực này có 2 mạch suối nóng, mạch còn lại nằm phía ngoài khu du lịch, bà con vẫn ra đó tắm giặt, lấy nước uống ngày ngày...
Đúng như ông Tuấn nói, bỏ lại sau lưng lối vào khu du lịch tắm khoáng nóng, đi một đoạn chưa đầy 100m, tôi thấy khu sinh hoạt tắm giặt, hứng lấy nước uống của người Ê-đê bản địa, nằm bên một cây cổ thụ với cội rễ u nần. Lúc này hơn 5 giờ chiều, sau ngày dài oi bức, nhiều trẻ em, thanh niên, người làng đổ ra đây rất đông. Ai ra bến tắm nếu không mang chai lọ để đựng nước uống thì mang ca nhựa để múc nước tắm.
Lại gần, tôi thấy khu vực nơi có mạch nước tuôn trào từ lòng đất, để giữ vệ sinh, người làng xây bể ximăng bao quanh. Không chỉ có dân của hai làng Y Bảo và Y Nhum (hai làng này thuộc thôn Hòn Lay), dân của các thôn làng khác ở Khánh Hiệp như thôn Ba Cẳng, thôn Soi Mít, thôn Cà Thiêu.... cũng qua "tắm ké" và lấy nước về dùng.
Khu vực suối nước nóng ngày trước nay nhường chỗ cho những bể tắm khang trang. |
3. Hơn 10 năm trước, khi đến suối thần ở thôn Hòn Lay, tôi không dám chen chân trầm mình trong vũng nước nóng nhung nhúc người, nói chi uống. Bây giờ sự yên bình trở lại, tôi thử vốc một ngụm nước nóng đưa lên mặt để biết mùi vị ra sao thì vẫn thấy mùi lưu huỳnh tanh tanh phả nồng nặc như ngày nào...
Thấy tôi có vẻ ái ngại, già làng Y Nhum, nguyên là Phó chủ tịch xã Khánh Hiệp, nhà ở gần mạch nước bảo nước lúc mới lấy đậm mùi lưu huỳnh nhưng để qua đêm thì mùi bay đi, uống thơm ngọt lắm "Ở làng mấy chục năm rồi bà con chỉ uống suối nước nóng, uống rồi quen, không uống nước lấy ở suối nước mát được. Nước suối nóng uống ngon lại chữa bệnh nữa đó" - già Y Nhum, tiết lộ.
- Hồi suối nước nóng được người gọi là "suối thần", người ta đồn suối chữa được nhiều bệnh nan y, nhiều người nhờ uống nước lâu dài mà hết bệnh ung thư, thưa già? Nếu không vậy nước suối nóng chữa được những bệnh gì?
- Ồ, làm gì chữa được ung thư, già làng Y Nhum cười bảo. Nhiều người bị ung thư bác sĩ chữa không được phải trả về, nước suối làm sao chữa được? Nước suối nóng cũng không chữa được bệnh gan, bệnh thận gì đâu. Nhưng nó chữa bệnh ngoài da rất hay. Uống vô đường ruột khỏe. Ở các làng khác có người đau người bệnh đường ruột, bao tử này nọ chứ ở Hòn Lay, bà con nhờ uống nước suối nóng quanh năm nên không ai bị những bệnh đó!
Như nhiều cán bộ xã Khánh Hiệp, già làng Y Nhum bảo rằng hai năm qua, trong lúc các làng khác "đói" nước sinh hoạt và sản xuất thì dân làng Hòn Lay vẫn sống khỏe nhờ mạch nước nóng tuôn ra chưa bao giờ ngừng. Đứng bên dòng chảy của suối nước nóng, tay chỉ về phía dưới, nơi có ruộng lúa tốt tươi đang thì con gái, già Y Nhum cho biết cây lúa sống được cũng nhờ mạch nước nóng "Nắng mưa gì thì suối nước nóng cũng tuôn chảy đều đặn, không nhiều mà cũng không vơi. Nhờ nước suối nóng mà dân làng Hòn Lay trồng lúa một năm đến 3 vụ, vụ nào cũng tốt tươi, cho năng suất rất cao" - già y Nhum, giọng hớn hở.
Theo ghi nhận của chúng tôi, xã Khánh Hiệp có ít nhất 5 mạch nước nóng được tìm thấy. Nhưng mạch nước "chuẩn" nhất là ở thôn Hòn Lay. Theo ông Cao Minh Tuấn, gọi là chuẩn vì mạch nước này không quá nóng, gần đường đi, nước chảy mạnh, đều.
Được biết trước dự tính của nhiều doanh nghiệp trong việc sử dụng nguồn nước nóng kinh doanh nước đóng chai, để bảo vệ nguồn tài nguyên trên, nhiều năm qua chính quyền huyện Khánh Vĩnh đã nghiêm cấm mọi hành vi khoan sâu vào mạch nước. Đây cũng chính là lý do mà vào năm 2004, giữa lúc Khánh Hiệp nổ ra vụ sốt "suối thần" thôn Hòn Lay, huyện Khánh Vĩnh đã tiến hành đình chỉ, bắt khôi phục nguyên trạng việc chặt cây rừng, tháo nước chặn dòng chảy của một mạch suối nước nóng và xây đắp hồ của một hộ dân để kinh doanh ở làng Amazon, cách suối nước nóng ở thôn Hòn Lay khoảng 4km.