Mafia điều hành đường dây vé giả giá... ngất ngưởng

Thứ Hai, 04/07/2016, 10:00
Euro 2016 đã đi được hơn nửa chặng đường. Người hâm mộ trên khắp thế giới vẫn rất háo hức được nhìn tận mắt cầu thủ mà họ yêu thích tranh đấu trên sân cỏ; vì vậy bằng mọi giá họ luôn muốn sở hữu những tấm vé để vào sân. Tuy nhiên, nếu không thận trọng, người mua có thể bị lừa tiền hoặc mất thông tin cá nhân nếu đánh liều mua vé chợ đen.


1. Theo Independent, khi nhu cầu của các cổ động viên cuồng nhiệt đang sục sạo nhiều trang mạng để tìm mua những tấm vé cuối cùng lên đến cao trào, những tội phạm công nghệ cao đã lợi dụng mạng Internet để lập ra những trang giả mạo. Từ đó các đối tượng rao bán vé "ảo" vào sân với giá "trên trời" dù chẳng có tấm vé nào trong tay.

Thực tế, khi Euro 2016 càng vào sâu, cơn sốt vé xem các trận đấu tăng lên theo cấp số nhân khiến nhiều cổ động viên phải tìm đến "vé chợ đen".

Theo Công ty bảo mật ESET có trụ sở ở Bratislava, Slovakia thì chỉ vài giờ trước khi Euro 2016 bắt đầu, các trang web giả đã liên tục rao bán vé xem các trận đấu với giá lên tới 3.930 USD/vé.  Một số trang lừa đảo khác còn "thổi" giá lên 5.600 USD/vé để thu nhiều tiền hơn. Trong khi đó, giá vé hợp pháp trên trang mạng chính thức của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) chỉ dao động từ 28 USD đến 1.005 USD.

Tính đến thời điểm này, dù chưa công bố con số chính xác, nhưng theo giới thạo tin thì UEFA đã nhận tới hàng nghìn lời phàn nàn về chuyện mua phải vé giả Euro 2016. Một tổ chức người tiêu dùng điều tra phát hiện có vé giả được bán qua các website lừa đảo hoặc qua "cò vé" có giá "cắt cổ" lên tới 7.000 USD.

Dấu hiệu của một website bán vé giả là gì? Nó cung cấp vé bên ngoài kênh chính thức, thường có số lượng lớn. Trang web rất khó phản hồi và liên lạc. Có rất nhiều người phàn nàn trước đó. Bạn được yêu cầu chuyển khoản thay vì tín dụng hay thẻ ghi nợ. Website chỉ mới được lập không lâu trước sự kiện.

Mọi người cần cảnh giác những lời chào mời bán vé trên mạng bởi hầu hết là gian lận. Việc rao bán vé giả, website lừa đảo, "cò vé" hoành hành không hề xa lạ và đã được các nhà tổ chức Euro lường trước.

Bởi bất kỳ một ngày hội bóng đá lớn, nhỏ diễn ra như World Cup, Euro… cũng phải song hành với thực trạng này. Chính vì vậy, UEFA đã đưa ra cảnh báo để người hâm mộ tránh bị lừa, đồng thời chuẩn bị một công cụ giúp nhận biết giữa địa chỉ bán vé ủy quyền (duy nhất) và các địa chỉ mạo danh. Theo quy định của UEFA, khán giả có vé phải trình bản sao chứng minh thư để được vào sân.

Dân phe vé tung hoành khắp các sân vận động.

Cơ quan này cũng tuyên bố, vé chỉ được bán trên trang chính thức duy nhất và không được bán lại ở bất cứ địa chỉ nào. Phát ngôn viên của UEFA cho biết:  "UEFA nhấn mạnh, vé xem Euro không được phân phối qua các cơ quan, công ty môi giới và khuyến cáo mọi người nên thận trọng để không bị lôi kéo vào những giao dịch với cò mồi". Các trang bán vé trực tuyến trái phép đã vi phạm luật về Quyền người tiêu dùng khi không tiết lộ thông tin về ghế ngồi và giấu giá trị ban đầu của chiếc vé.

Lẽ dĩ nhiên, nếu người hâm mộ không mua vé trực tiếp từ nguồn chính thức, không gì đảm bảo bạn có thể vào xem các trận đấu dù phải bỏ ra hàng nghìn Euro. Nhiều dịch vụ tin nhắn rác liên quan tới Euro 2016 cũng đã xuất hiện.

Các dịch vụ này đều sử dụng hình ảnh chính thức của giải đấu, gửi thông báo cho người dùng rằng, họ nhận được vé mời xem trận đấu hoặc trúng xổ số của UEFA. Tất nhiên, những thông tin đó hoàn toàn không có thật.

2. Hiện nay, các tay cò mồi vẫn đang đẩy giá vé xem Euro 2016 lên cao gấp 10 lần và dự kiến sẽ cao hơn nữa khi giải đi đến những vòng đấu cuối cùng. Ngay ở thời điểm này, giá vé xem trận chung kết đã được đẩy lên gần 10.000 USD kèm theo lời "khuyên": Hãy mua sớm nếu không sẽ còn cao hơn khi giải tiến về giai đoạn cuối.

Đừng ngạc nhiên nếu bạn thấy "cò" vé xuất hiện nhan nhản ở sân Stade de France ngay giữa Paris. Chỉ cần là khách du lịch và đi đi, lại lại khoảng 10m ở khu vực này, bạn sẽ được một "cò" vé tận tình mời mọc, với câu đầu tiên "Bạn muốn có vé vào sân không?". Tiếp theo đó là một tràng ngôn ngữ pha giữa tiếng Anh và tiếng Pháp, có lẽ là quảng bá về độ hoành tráng của sân và những trận đấu sẽ diễn ra ở đây.

Nếu bạn vẫn chưa hiểu, không sao cả, ngay lập tức "cò" vé này sẽ dẫn bạn đến chỗ tình nguyện viên gần nhất để làm "phiên dịch viên" cho họ. Điều đáng chú ý là dân phe hay "cò" vé ở Stade de France có vẻ văn minh và màu sắc hơn. Họ chủ động lựa chọn cho mình cách hóa trang hoặc là trở thành cổ động viên của ĐT Pháp, hay thành người hâm mộ Italia. Cũng có "cò" vé âm thầm và lặng lẽ "hoạt động ngầm" trong vỏ bọc của một du khách, thản nhiên đi lại ở các quảng trường xung quanh sân vận động.

Hình ảnh nước Pháp và Paris thơ mộng xấu đi đáng kể bởi những dân phe "dai như đỉa" này. Đầu tiên, tay "cò" sẽ bám lấy bạn và không ngừng quảng cáo "đây là giá rẻ nhất ở đây" cùng những thắc mắc "vì sao không mua luôn đi cho tiện". Và cứ như vậy, du khách hay người hâm mộ bóng đá sẽ có khoảng 1- 2 "cái đuôi" luôn theo sát mình cả cây số, để mời mọc mua vé. Khi cảnh sát hay lực lượng an ninh để ý, họ lẩn đi rất nhanh và cũng trở lại cũng nhanh không kém khi đã cảm thấy "an toàn".

Văn Nguyễn - Anh Ng. (theo AP, BI)
.
.