Mãi mãi khắc ghi lời Bác dạy Công an nhân dân

Thứ Ba, 31/12/2019, 12:43
Ngày 21-12, tập thể cán bộ chiến sĩ, phóng viên, nhân viên Báo Công an nhân dân (CAND) có chuyến hành hương về nguồn, làm lễ dâng hương báo công với Bác tại Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy CAND (thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang).

Đây là nơi đầu tiên đón nhận lá thư chan chứa tình yêu thương và 6 điều dạy của vị Cha già dân tộc với lực lượng CAND. Tại nhà trưng bày còn lưu giữ hơn 500 hiện vật, trong đó có nhiều tài liệu quý về lực lượng CAND đã đi qua bao tháng năm vào những thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước.

Đặc biệt, đoàn được tiếp cận với những tài liệu quý còn nguyên giá trị của tập san Rèn luyện, tiền thân của Báo CAND ngày nay.

Tượng Bác Hồ trong khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy CAND.

Về nơi khởi nguồn 6 điều Bác dạy CAND

Bắc Giang không chỉ nổi tiếng với 3 con sông Lục Nam, sông Thương và sông Cầu, phong cảnh đẹp tựa hồ như cánh quạt hình vòng cung khi nằm giữa hai dãy núi xòe ra. Bắc Giang gần đây thu hút đông đảo khách tham quan khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy CAND tại thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, níu chân du khách. Cái lạnh tê tái của những ngày đông cuối năm không ngăn được bước chân của những cán bộ chiến sĩ (CBCS) Báo CAND háo hức về nguồn.

Dưới tượng đài của Bác, ở khoảng sân rộng của không gian hành lễ, CBCS của Báo đã kính cẩn xúc động làm lễ dâng hương tưởng nhớ công ơn của Người. Sau đó, đoàn đi tham quan khu nhà lưu niệm. Khu lưu niệm được xây dựng công phu, hoành tráng, với 500 hiện vật được lựa chọn tiêu biểu có trong nhà trưng bày chia làm 3 phần. Phần thứ nhất là sự kiện Công an Khu 12 đón 6 điều Bác Hồ dạy, phần thứ hai thể hiện các phong trào học tập thực hiện làm theo lời Bác, phần thứ ba là Bác Hồ với CAND và CAND với Bác Hồ.

Năm 1945 đánh dấu mốc son sáng ngời lịch sử của dân tộc Việt Nam, cũng là năm ra đời của lực lượng CAND. Tại phòng trưng bày còn lưu giữ bức ảnh các lực lượng vũ trang cùng tham gia bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời tại quảng trường Ba Đình Hà Nội vào ngày 2-9, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 23 về thành lập Việt Nam Công an vụ thuộc Bộ Nội vụ, tại phòng trưng bày còn lưu giữ nguyên bản chính. Trong sắc lệnh có viết: “Điều thứ nhất: Nay hợp các Sở Cảnh sát với các Sở Liêm phóng toàn quốc thành một cơ quan đặt tên là “Việt Nam Công an Vụ”.

Các cán bộ, chiến sĩ, phóng viên Báo CAND tìm hiểu tư liệu Bác Hồ với CAND tại khu lưu niệm xã Nhã Nam, Tân Yên, Bắc Giang.

Điều thứ hai: Việt Nam Công an Vụ có nhiệm vụ : 1- Tìm kiếm và tập trung các tin tức và tài liệu liên can đến sự an toàn của quốc gia hoặc bề trong hoặc bề ngoài. 2- Đề nghị và thi hành các phương pháp đề phòng những hành động có thể làm rối việc trị an và mất trật tự trong nước, bất cứ sự hoạt động đó là do người Việt Nam hay người nước ngoài. 3- Điều tra về những hành động trái phép nói trên và truy tìm người can phạm để giúp tòa án trong sự trừng trị.

Điều thứ ba: Việt Nam Công an Vụ sẽ do một giám đốc điều khiển, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ Nội vụ. Giám đốc có thể có một Phó Giám đốc giúp việc. Những chức Chánh, Phó Giám đốc Việt Nam Công an Vụ  sẽ do sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam bổ nhiệm theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Điều thứ tư: Các chi tiết tổ chức những Cơ quan công an nhiệm vụ riêng của các cơ quan ấy sẽ do nghị định Bộ trưởng Bộ Nội vụ ấn định sau khi thỏa hiệp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.  Điều thứ năm: Các luật lệ cũ trái với sắc lệnh này đều bãi bỏ. Điều thứ sáu: Bộ trưởng Bộ Nội vụ có ủy nhiệm thi hành sắc lệnh này”.

Phòng trưng bày còn mô phỏng sơ đồ tổ chức của Sở Công an Khu 12 lúc bấy giờ và bức ảnh chân dung của đồng chí Hoàng Mai (Giám đốc Sở Công an Khu 12 từ năm 1946-1948).

Tháng 11 năm 1946, cả nước được chia thành nhiều khu vực hành chính và quân sự. Khu 12 bao gồm 5 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh và Quảng Ninh. Để đáp ứng yêu cầu công tác chiến đấu trong tình hình mới, Sở Công an Khu 12 được tổ chức thành các ban, các chi, các quận gồm Trạm công an do đồng chí Hoàng Mai làm Giám đốc đóng tại xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Đồng chí Hoàng Mai sinh năm 1922, quê tại làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, khi giữ chức vụ Giám đốc Sở Công an Khu 12, tuổi đời còn rất trẻ, mới 26 tuổi.

Tại phòng trưng bày cũng dành một phần để tái hiện bằng màu nước bức tranh cổng chùa Tứ Giáp, nơi Sở Công an Khu 12 từng hoạt động. Ngôi chùa được xây dựng từ thế kỉ 18, thời Hậu Lê và còn có nhiều tên gọi khác. Ngôi chùa như một chứng nhân của lịch sử trải qua những ngày kháng chiến để đi đến toàn thắng, chùa đã được Nhà nước công nhận là Di tích văn hóa nghệ thuật lịch sử cấp quốc gia vào năm 1992. Chùa Tứ Giáp nằm sát ngay cạnh khu lưu niệm.

Những bức ảnh đi qua năm tháng, ghi dấu ấn thời gian.

Khắc ghi lời Bác

Đặc biệt, giữa những tấm ảnh quý giá trong tủ kính, gây ấn tượng với khách hành hương còn có chiếc chum mà đồng chí Hoàng Mai cùng cộng sự đã sử dụng hằng ngày trong thời gian hoạt động bí mật tại đây. Chiếc chum dùng để sử dụng đựng gạo. Năm 1948, đồng chí Hoàng Mai đã gửi biếu Bác Hồ tờ báo Bạn dân số ra tết Mậu Tý năm 1948, đây là cơ quan tuyên truyền của Sở và xin ý kiến đóng góp của Bác về nội dung của báo.

Không lâu sau, vào tháng 3 năm 1948, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hồi âm, trong thư gửi Giám đốc Khu 12, người nêu rõ tư cách người Công an cách mệnh gồm 6 điều: “Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết khôn khéo”.

Những lời răn dạy ấy đã trở thành kim chỉ nam của lực lượng CAND suốt 75 năm qua. Và Công an Khu 12 cũng vinh dự là đơn vị trực tiếp được đón nhận 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND. Tại đây vẫn còn lưu giữ được bản gốc bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho đồng chí Hoàng Mai lúc bấy giờ.

Ngay sau khi nhận được thư của Bác, các CBCS trên khắp các tỉnh thành đã phát động phong trào thi đua học tập và làm theo lời Bác dạy. Đặc biệt, trên tập san của số báo Rèn luyện, tiền thân của Báo CAND ngày nay, những lời răn dạy ấy được in rõ ràng, mạch lạc trên báo gửi về các ban, các quận cho CBCS nhìn vào và học tập theo, song song với phong trào thi đua ái quốc.

Những bức ảnh đi qua năm tháng, ghi dấu ấn thời gian.

Năm 1948, Công an tỉnh Thanh Hóa mở lớp chỉnh huấn và tập trung tại rừng thông huyện Đông Sơn, nơi Bác Hồ đã có cuộc gặp gỡ với các cán bộ chủ chốt tỉnh nhà. Và, lớp tập huấn được tổ chức dưới hình thức chia làm 6 trại, tượng trưng cho 6 điều Bác dạy. Các khu trại đều có các khu treo ảnh Bác, cùng với pano, áp-phích ghi rõ 6 điều Bác dạy CAND.

Năm 1951, Sở Công an Nam Trung Bộ xuất bản cuốn sách 6 điều dạy của Hồ Chủ tịch đã phân tích nội dung, ý nghĩa của 6 điều này. Cuốn sách ngay sau đó đã trở thành tài liệu gối đầu giường của các CBCS nhìn vào và học tập theo.

Những tấm ảnh đáng nhớ của Hồ Chủ Tịch với lực lượng CAND.

Năm 1975 đất nước mở trang sử mới, Tổ quốc được hoàn toàn thống nhất, phong trào thi đua học tập và làm theo lời Bác tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Tại khu vực này trưng bày những bức ảnh về lễ phát động phong trào cũng như sơ kết, tổng kết phong trào thi đua học tập và làm theo lời Bác của lực lượng CAND từ giai đoạn 1973-1986.

Năm 1986, đất nước bước vào thời kì đổi mới, đứng trước thời cơ, vận hội nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thử thách, các thế lực thù địch trong và ngoài nước ráo riết phá hoại bằng nhiều thủ đoạn. Ngay trong nước cũng có nạn tham nhũng... gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đất nước. Trong tình hình đó, phong trào thi đua học tập và làm theo lời Bác dạy tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, nâng lên tầm cao mới.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, có rất nhiều văn bản, chỉ thị được ban hành đẩy mạnh phong trào qua các giai đoạn, bằng hình thức như giao lưu, tuyên truyền, tập huấn... Dưới các hình thức như gương điển hình tiên tiến, hội thi học tập, làm theo lời Bác và có rất nhiều tấm gương CBCS được Đảng, Nhà nước và lực lượng CAND tôn vinh. Phòng trưng bày còn lưu giữ những bài viết, những tấm gương của các đơn vị, tập thể, cá nhân CBCS CAND đã hoàn thành xuất sắc 6 điều Bác dạy qua các thời kỳ.

Tờ báo Bạn Dân, cơ quan tuyên truyền của Sở Công an Khu 12, tiền thân của Báo CAND sau này.

Ngày 15-8-2017 công trình khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy CAND được khởi công trên cánh đồng rộng lớn tại thôn Chùa Nguộn, xã Thạch Cao, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang có tổng diện tích là 3,33 hecta. Sau thời gian thi công khẩn trương, đến ngày 11-3-2018, đúng dịp kỉ niệm 70 năm 6 điều Bác Hồ dạy CAND, công trình được hoàn tất và đi vào khánh thành với rất nhiều hạng mục như vườn cây, ao cá, sân hành lễ, tượng Bác, phù điêu...

Điểm nổi bật nhất của công trình là bức tượng Bác bằng đồng cao 7 mét. Vẫn bộ đồ caki và chân đi dép cao su giản dị, bên cạnh Bác là một chiếc máy đánh chữ gắn liền với quãng đời hoạt động của Bác. Điểm nhấn ở phía sau là bức phù điêu làm bằng đá xanh cao 13,3 mét, dài 52 mét được chạm khắc tỉ mỉ thể hiện hoạt động của CBCS công an trong phong trào thi đua và học tập làm theo lời Bác dạy.

Nơi đây đã trở thành một địa chỉ đỏ của lực lượng CAND, để CBCS hiểu thêm về lịch sử, thêm tự hào là người chiến sĩ công an cách mạng.

Trần Mỹ Hiền
.
.