Mãi mãi một tình yêu Hà Nội

Thứ Tư, 04/09/2019, 14:47
Trong những ngày cả nước hân hoan chào mừng kỉ niệm ngày Cách mạng tháng 8 thành công và Quốc khánh 2-9, Giải thưởng Bùi Xuân Phái là giải thưởng uy tín hằng năm do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức trao cho những cá nhân, tập thể có những cống hiến với thủ đô Hà Nội.

Đó là những công trình có bề dày văn hoá sâu sắc, hoặc cũng có thể là chút tản văn đậm chất tinh tế, sâu lắng về nếp sống, nếp nhà của người Hà Nội xưa và nay, hoặc đôi khi chỉ là dừng lại để nhâm nhi, thưởng thức những món ăn giản dị đậm chất truyền thống và được ghi lại trong những trang văn. Hay, ở đó là ý tưởng khai sáng mới mẻ về một đường đua vươn tầm quốc tế ngay giữa lòng thủ đô.

Ngoài ra, những ý tưởng táo bạo nhưng cũng đầy tính khả thi cải tạo một môi trường Hà Nội xanh, sạch, đẹp như khu phố cổ, khu chợ, dòng sông...

PGS.TS-NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội

Tóc bạc trắng đầu, đôi tay co rút vì bệnh tật, PGS.TS-NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ ở tuổi 83 ngồi trên xe lăn đến nhận giải vinh danh lớn. Từ lâu người ta đã quen khi nhắc đến những nhà nghiên cứu văn hoá quen thuộc của Hà Nội với các tên tuổi như Giang Quân, Nguyễn Vinh Phúc, Hữu Ngọc.

Nhưng có lẽ có một cái tên không quá quen thuộc với công chúng hay giới truyền thông, nhưng từ 30-40 năm nay, PGS.TS-NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ đã là một “định danh” sừng sững trong giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Thừa Hỷ được vinh danh Giải thưởng Lớn Vì Tình yêu Hà Nội.

Ông có những công trình nghiên cứu, dịch thuật mẫu mực về Thăng Long - Hà Nội trên cả bình diện lịch sử, văn hóa và kinh tế xã hội: “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” (1993); “Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” (2010); “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây” (2010); “Văn hóa Việt Nam truyền thống, một góc nhìn” (2011); “Lịch sử và văn hóa Việt Nam từ góc nhìn đổi mới” (2018);“Thăng Long - Hà Nội trong mắt một người Hà Nội” (2018)…

Trong đó, cuốn “Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” (vốn là luận án tiến sĩ ông đã bảo vệ thành công từ năm 1984), được coi là một trong những cuốn sách công cụ quan trọng và hữu ích dành cho giới nghiên cứu trong và ngoài nước khi tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội thời kì trung đại.

Nhà nghiên cứu chia sẻ: “Vào thời điểm đầu những năm 80 thế kỷ trước, việc tiếp cận các tư liệu bằng tiếng Anh, Pháp viết về Thăng Long - Hà Nội ở các kho tư liệu quý khá khó khăn, phải có thẻ đọc đặc biệt. Nhờ thông thạo 2 ngoại ngữ này từ thời còn đi học, tôi dần tìm tòi, chắt lọc, tự dịch nghĩa, đối chiếu, trích dẫn vào luận án hàng trăm nguồn tư liệu gốc nước ngoài, trong đó có nhiều tư liệu chưa được ai khai thác trước đó. Lúc ấy điều kiện kinh tế của bản thân còn gặp khó khăn, nhưng vì đam mê nên tôi theo đuổi đến cùng.

Năm 2002, cuốn sách được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh, với tên gọi “Economic History of HaNoi in the 17th,18th,19th centuries”. Năm 2006, dựa trên những tiền đề sẵn có, tôi biên soạn cuốn “Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX”, xuất bản đúng dịp Đại lễ, và sau đó được trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2012”.

Khá bất ngờ, năm 2018, ông cho ra đời cuốn “Thăng Long - Hà Nội trong mắt một người Hà Nội”, có thể xem là sự nối dài những trăn trở của ông về Hà Nội, đã được đề cập trong công trình trước đó với cách viết gần gũi, đi vào những chủ đề hết sức thiết thực đối với Hà Nội hôm nay.

Ở phần cuối: Hà Nội trong tầm nhìn viễn cảnh, ông đã dồn nén nhiều tâm tư của mình về chất lượng thị dân Thăng Long - Hà Nội. Nhà nghiên cứu trăn trở: “Những con người Hà Nội đích thực, sau khi tìm hiểu về những quãng đời chìm nổi của đô thị này, làm sao lại không tự hào về một truyền thống lâu đời của lòng yêu nước, tinh thần lao động cần cù khéo léo, nếp sống hào hoa thanh lịch, trọng chữ tín? Nhưng đồng thời, chúng ta phải nhìn thẳng vào những mảng tối, biểu lộ qua những tật xấu có thực: thói sĩ diện chuộng hình thức hư danh, tính bảo thủ ít sáng tạo trong lao động, tinh thần thụ động với những lề thói cố hữu. Và gần đây là những biểu hiện của thói vô cảm đáng báo động…

Toàn cảnh khối thị dân đương đại của Hà Nội vẫn là một bức tranh đa sắc, không dễ dàng cho việc định tính, đánh giá chất lượng. Cho đến nay, đáng tiếc chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về sự phân tầng xã hội của cộng đồng thị dân Hà Nội đương đại”.

Trong buổi trao giải, ông đã nói những câu đầy tâm huyết của một con người đã dành gần như trọn cuộc đời cho nghiên cứu văn hoá: “Ai cũng phải công nhận Hà Nội bây giờ thay đổi đến chóng mặt. Nhưng sự đàng hoàng không phải chỉ ở những tòa nhà chọc trời, khu đô thị hiện đại. Con người còn phải có nhân cách tử tế, tức là chúng ta phải chăm lo nhiều hơn đến phần đạo đức nhân văn, hướng tới sự phát triển bền vững. Đây phải là một mục tiêu cốt lõi của chiến lược xây dựng Hà Nội thành “siêu đô thị thông minh”.

Những cuốn sách biết nói

3 gương mặt Nguyễn Trương Quý, Vũ Công Chiến và Uông Triều đem đến những cuốn sách riêng biệt như một món ăn khác lạ trên bàn tiệc. Nếu Nguyễn Trương Quý mang dáng dấp một chàng trai Hà Nội thanh lịch, tao nhã, hào hoa thì Vũ Công Chiến lại mang khuôn mặt suy tư, trăn trở, còn Uông Triều thì tự nhận mình là người tỉnh lẻ, mà sự thực nom anh giống như nhà văn của vườn quê. Họ mang đến những góc nhìn hết sức mới lạ về chủ đề Hà Nội, cả về mặt tư liệu lẫn văn chương.

Cuốn sách “Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” của Nguyễn Trương Quý đã giành được vị trí số 1 của giải “Tác phẩm”, là một công trình khảo cứu độc đáo về lịch sử văn hóa Hà Nội. Thông qua những sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trong khoảng thời gian trước và sau năm 1954, anh đã tái dựng một mảng tinh tế của đời sống đô thị Hà Nội và giải mã sự hình thành của cái chất Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử đang gấp gáp chuyển đổi.

Tuy không giành được giải cao nhất nhưng cuốn“Kim Liên một thuở” của Vũ Công Chiến đã để lại nhiều cảm tình cho đông đảo bạn đọc. Cuốn sách đi vào lòng người với những hồi ức giản dị, chân chất về một khu tập thể cũ của Hà Nội: Kim Liên. Cái khu tập thể có tuổi đời nửa thế kỷ ấy đi vào ký ức của bao thế hệ người Hà Nội, trong đó có chính gia đình ông, để rồi nó cứ tự nhiên đi vào trong trang văn.

Tác giả Nguyễn Trương Quý nhận giải tại lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái.

Những đổi thay về cảnh quan, về con người gợi bao thương nhớ, nhưng vượt lên tất cả, cuốn sách vẫn cho thấy rằng, dù cuộc sống có trải qua nhiều thăng trầm, thì điều quý nhất có được vẫn là tình người, điều mà cuộc sống ở các chung cư Hà Nội ngày nay rất muốn tìm lại.

“Hà Nội quán xá phố phường” của Uông Triều, nhiều người cho đó một cuốn sách  tràn ngập hương vị của sinh hoạt phố phường đương đại. Nhà văn Uông Triều quê ở Quảng Ninh, nhưng đã chuyển công tác về thủ đô được 10 năm và đã say nắng Hà Nội nhiều thứ. Cuốn sách là cách nhìn Hà Nội theo cách của riêng anh, cụ thể là cách nhìn của "một người tỉnh lẻ với thủ đô” như anh tự bạch.

Viết về ẩm thực, anh đã mò vào từng ngõ phố hẹp, ngắm nghía từng căn nhà, ngôi chùa, rồi tra cứu tài liệu, đối chiếu qua các thời kỳ lịch sử… Lang thang dạo bộ trên những cung đường anh đã phát hiện ra các món ăn ở Hà Nội khá ấn tượng, và sự cầu kỳ có khi chỉ thua Huế. Hà Nội có những món ăn của riêng mình, nó cũng du nhập những tinh hoa ẩm thực từ nơi khác và lại có những cách sáng tạo riêng.

Hoạ sĩ cùng vẽ

Tình yêu Hà Nội luôn gắn với các hoài niệm đồng hành cùng số phận con người, cho nên cảm giác “hoài cổ” dễ xuất hiện trong các mùa giải thưởng Bùi Xuân Phái, và năm nay cũng không ngoại lệ. Nhóm ký họa đô thị Hà Nội với khát vọng “ôm và lưu giữ” cả Hà Nội vào tranh. Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội - Urban Sketchers HaNoi (USK Hà Nội) - ra đời từ năm 2016, do 4 thành viên đều là kiến trúc sư sáng lập gồm chị Trần Thị Thanh Thủy (trưởng nhóm), các anh Đinh Hải, Chu Quốc Bình và Nguyễn Hoàng Lâm.

Và đến nay, sau 3 năm hoạt động, số thành viên đã lên tới gần 4.000 người, với rất nhiều thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp, từ kiến trúc sư, họa sĩ, những người làm văn phòng, các bác về hưu, các em nhỏ, những người được đào tạo hội họa bài bản đến người lần đầu cầm bút vẽ…

Ngày chủ nhật nào đó, đang thong dong trên đường phố Hà Nội, bạn có thể bắt gặp họ với giá vẽ và cây cọ trên tay. Họ ngồi trên vỉa hè, trước một ngôi nhà cổ, một khu chung cư cũ, hay một góc phố nhỏ, đổ dồn tâm trí vào giá vẽ... Với tình yêu đó, họ quyết định biên soạn cuốn sách “Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa và hồi ức”.

Họ tìm về những khu tập thể được xây dựng từ những năm 1960, đi vẽ trong 1 năm bất kể mưa nắng. Dù hoạt động phi lợi nhuận, nhưng tới đây, nhóm tham gia đăng cai tổ chức sự kiện Hành trình Ký họa châu Á - Hà Nội 2019, với sự góp mặt của khoảng 400 họa sĩ chuyên và không chuyên từ khắp nơi trên thế giới.

Nhóm Ký hoạ Đô thị Hà Nội bằng tranh trong lễ trao giải.

Những ý tưởng đầy tính khả thi và gây háo hức

Nếu không có ý tưởng con người sẽ cùn mòn, và đến một lúc nào đó nó gặm nhấm và ăn mòn cơ thể chúng ta không khác gì rô bốt. Ý tưởng chính là sự thăng hoa, bay bổng lên trên những lí luận thông thường. Giành giải nhất về ý tưởng Vì tình yêu Hà Nội năm nay là một ý tưởng khá độc đáo thuộc về UBND TP Hà Nội, đó là “Xây dựng đường đua xe công thức 1 và đăng cai tổ chức giải đua vào tháng 4-2020”.

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đại diện nhận giải cho biết: “Giải đua này sẽ được áp dụng công nghệ tiên tiến mới nhất, sẽ có 3.000 xe của các tập đoàn xe hơi lớn trên thế giới đổ về Hà Nội. 10 máy bay Boeing 747 sẽ được dùng đưa xe đua đến Hà Nội 4 ngày trước khi giải đấu diễn ra”.

Sự hứa hẹn này khiến nhiều người háo hức, Chủ tịch UBND Hà Nội còn nhấn mạnh: “Ngay tại Hà Nội, Đường đua xe công thức 1 đang được kì vọng là sẽ là một trong những công trình đẹp nhất thế giới. Và Hà Nội rất vinh dự khi được đưa vào danh sách 22 thành phố có chặng đua F1”.

Đề xuất, dự án làm "hồi sinh" sông Tô Lịch cũng là một ý tưởng đáng chú ý và được trao giải. GS.KTS Hoàng Đạo Kính, thành viên Hội đồng giám khảo, cho biết: “Chắc chắn, so với việc trùng tu, tôn tạo một di tích hay một kiến trúc cổ, việc hồi sinh một dòng sông sẽ phức tạp và có những đòi hỏi cao hơn nhiều. Việc hồi sinh sông Tô Lịch là khao khát, và cũng là một nhu cầu khẩn thiết mà thực tế đang đặt ra với Hà Nội, nơi vẫn được coi là một thành phố của sông hồ. Bởi thế, tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng kiên trì và nỗ lực theo đuổi ý tưởng này - để rồi từ sông Tô, những con sông Nhuệ, sông Đáy, sông Kim Ngưu cũng sẽ tới lúc được cải tạo và tìm lại sức sống của mình, như đã có”.

“Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội” đem đến cái nhìn khá mới mẻ. Kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, Thay cho cách nghĩ thông thường là chồng tầng lên để biến chợ thành các trung tâm thương mại, các ý tưởng thiết kế đã tập trung vào việc "đánh thức" các thế mạnh của chợ truyền thống, như sự tiện lợi, sự gắn kết giữa người bán và người mua, để ngoài chức năng thương mại, chợ còn là điểm đến văn hoá - du lịch có thể coi đây là một ý tưởng độc đáo do kiến trúc sư Steve Davies, người đã có hơn 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu về chợ khắp thế giới. Ông đã làm việc với gần 20 kiến trúc sư tại Hà Nội để nghiên cứu và đề xuất các ý tưởng thiết kế 3 chợ truyền thống của Hà Nội.

Bên cạnh đó, dĩ nhiên, các thiết kế chợ vẫn đáp ứng được các tiêu chí về vệ sinh môi trường, giao thông... Sản phẩm cuối cùng của Dự án này chính là các bản thiết kế cải tạo 3 ngôi chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội: chợ Ngọc Lâm (quận Long Biên), chợ Châu Long (quận Ba Đình) và chợ Hạ (huyện Mê Linh).

Mỹ Trân
.
.