Mai rừng về phố

Thứ Ba, 29/01/2008, 10:30
Mai rừng – Nét đẹp hoang sơ của Tây Nguyên, ít có loại hoa nào sánh được. Những ngày giáp Tết tiết trời lành lạnh, khi ngàn vạn những bông hoa dã qùy ngả màu và thay lá thì đâu đó trên những cánh rừng xanh, dưới nắng xuân những nụ mai rừng trên cành bắt đầu cương nụ, bung hé ra một sắc vàng mong manh rung đưa nhẹ theo chiều gió.

Với những người dân Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, chưng mai rừng, chơi mai rừng trong những ngày Tết đã trở nên quen thuộc như một thú vui tao nhã, mang tính hồn nhiên của sự hâm mộ cái đẹp.

 Mai rừng – “Nguồn vốn” của núi rừng

Gia Lai, những ngày giáp tết, trên các đoạn đường thuộc quốc lộ 25, đoạn giáp ranh giữa hai huyện Ayun Pa, Krông Pa cùng với quốc lộ 19 đoạn huyện Chư Prông tiếp giáp Đức Cơ và các cung đường như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du của thành phố Pleiku, các loại hoa, cây cảnh  được bày bán rất nhiều. Dù vậy, chúng tôi vẫn thấy đẹp và thích những cành mai rừng chớm nở. Những cánh hoa mướt vàng, mỏng mảnh tỏa hương thơm nhẹ, đan xen những búp lá non tơ, góp phần làm cho ngày xuân như thêm đẹp và hấp dẫn với hương vị thiên nhiên nhưng gần gũi bao đời nay với con người.

Trên quốc lộ 25 đoạn đi qua huyện AYun PaKrông Pa (Gia Lai), hai bên đường rất nhiều người bán mai rừng, trong đó có nhiều em nhỏ, cầm những cành mai trơ trụi, sót lại vài lá vàng ở đầu ngọn nhỏ bé, đứng đợi khách mua. Chỉ cần có chiếc xe nào dừng bánh là họ đổ xô lại, tranh giành nhau chào mời và giới thiệu với khách cái đẹp tự nhiên nhưng quyến rũ của những nhành mai rừng mà mình đang bán.

Họ vui vẻ bao nhiêu khi bán được “hàng”, lại buồn bấy nhiêu khi thấy khách không vừa lòng bỏ đi, khuôn mặt thất vọng cố nén nỗi buồn và tiếng thở dài vào lòng. Với họ, cành mai là quần áo, sách vở và chén cơm cùng với “không khí” tết của gia đình.

Mua một cành mai của em gái có tên là Nay Chuyên - ở Krông Pa. Không giấu được niềm vui, Chuyên cho biết: “Đây là 1 trong 4 cành em bán được trong 2 ngày qua. Như vậy là quá được, vì chỉ sợ không ai mua để nó khô héo tội cho ba mẹ bỏ công sức đi tìm. Số tiền hơn 500 ngàn có được, ba má cho em một ít để mua sách vở qua học kỳ hai, số còn lại là chi phí cho mấy ngày tết trong gia đình. Những cành mai này ba mẹ em phải vào tận trong rừng cách đây hơn 30 km mới tìm được, ở gần cũng có nhưng cành và hoa không đẹp, có hái cũng không ai mua...”.

Đến địa phận huyện Chư Prông giáp Đức Cơ (Gia Lai), chỉ hơn 2km mà có đến hàng chục người đứng bán mai rừng. Trông ai cũng lấm lem và lam lũ, nhiều em gái núp dưới các gốc cây to bên đường cho đỡ gió lạnh. Mái đầu các em chưa cao bằng ngọn những cây mai rừng đang bán.

Khi đã trở nên thân mật hơn, họ cho biết: để có được những cành mai rừng bán trong những ngày tết, người dân địa phương (chủ yếu ở hai huyện Đức Cơ và Chư Prông)  sau mùa cà phê, cao su, “nhàn việc”, trước tết khoảng 2 tháng, đã rủ nhau từng nhóm 5 - 7 người đi sâu vào rừng và chia nhau tìm kiếm… Khi tìm thấy họ khoanh vùng, bảo vệ và làm lán trại tạm bợ để ở và bắt đầu chặt dần rồi đem ra đường để bán cho những chuyến xe về thành phố hoặc về đồng bằng.

Nếu là những “tay chuyên” thì về cả thành phố Pleiku để tìm đầu mối tiêu thụ. Ở đây tìm mai rừng có người cũng quen và trở thành “thợ”, họ biết nơi nào, rừng nào có mai và mai đẹp, và cứ thế năm nào khi mùa dã quỳ Tây Nguyên xuống lá, nước các con suối bắt đầu ngấm lạnh thì cũng là lúc họ lên đường tìm đến những rừng mai… Với họ mai rừng là nguồn vốn không bao giờ cạn khi mỗi mùa xuân đến…

Để mai rừng vẫn nở mỗi sớm mai

Mời mua và không quên giới thiệu vẻ đẹp của những cành mai rừng đang “dú” nước trong một cái bình sành bên đường, chị Trần Thị Nha cao hứng cho chúng tôi biết: “Cứ hàng năm khi xuân về, tết đến là trước đó vợ chồng chị lại khăn gói lên những triền núi đá để tìm mai, họ đi không dưới 50 đến 70km đường rừng. Khi tìm được những cây “ưng cái bụng” thì đánh dấu theo “tọa độ” kẻo sợ lạc mất, và cũng để người sau biết có chủ đừng lấy nữa.

Nếu gặp những nơi mai mọc nhiều thì vợ chồng chị phải làm lán ngủ ngay cạnh để canh giữ mai. Không canh giữ thì chỉ cần người đi vắng vài ngày là có người khác đến “đặt chỗ” ngay. Hôm trước cũng vì chuyện này mà những người thợ “khai thác” mai rừng vùng Krông Pa suýt nữa đánh nhau, may mà có nhiều người can ngăn kịp thời”.

Khi tìm được mai ngoài “khoanh vùng” canh giữ, thì công đoạn chăm sóc và tuốt lá cho kịp thời vụ (ra hoa đúng tết) được coi là khâu then chốt. Kinh nghiệm tuốt lá cho mai rừng rất quan trọng bởi mai rừng không giống mai nhà. Rồi còn phải chọn thời điểm và kỹ thuật chặt mai sao cho đừng sớm quá và gốc không bị trầy trụa, mất nhựa, gốc nếu bị thối, coi như bỏ đi. Ngoài ra, cũng phải biết đốt gốc, sao cho đừng cháy quá, đừng non quá, gốc mới không bị úng nước khi ngâm vào bình cắm.  Đó là cả một “quy trình kỹ thuật cao” để giúp những cành mai rừng thêm đẹp và quan trọng hơn vẫn là hoa nở đúng tết và tươi dài ngày. 

Ngoài chuyện tranh giành “lãnh địa”, nguy hiểm luôn rình rập họ trong chốn thâm sơn cùng cốc hoang vu. Bệnh tật (sốt rét, mắt đỏ, tiêu chảy…) và sự khắc nghiệt của lam sơn chướng khí hành hạ, đe dọa tính mạng của họ từng ngày. Tiếp đến là những cơn mưa rừng, những cơn lũ rừng đột ngột có thể cuốn phăng mọi thứ trong dòng chảy hung hãn của nó.

Sau những chuyến săn tìm mai rừng, bán được ít tiền, thứ họ mang theo về cùng là một cơ thể gầy guộc vì thiếu thốn, bệnh tật... Nhưng vì cuộc sống, cứ mỗi dịp tết đến, họ lại lên rừng tìm mai. Khoảng hơn 5 năm về trước, có rất nhiều người đi tìm và bán mai rừng. Nhưng bây giờ thì số lượng ngày càng giảm do những khó khăn, nghiệt ngã của “nghề” tìm mai và mai rừng ngày càng khan hiếm, đường đi tìm kiếm ngày một xa và nguy hiểm luôn rình rập. 

Một khi kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đời sống đồng bào ngày một nâng cao, thì nhu cầu chơi hoa nói chung, mai rừng nói riêng như một lẽ tự nhiên. Có điều khi đã trở thành hàng hóa thì những “thợ săn” mai cứ hàng năm tiến thẳng vào rừng và mặc sức tàn phá. Trước đây, ở một số cánh rừng thuộc địa phận huyện Ayun Pa, Krông Pa, Chư Prông, Đức Cơ… thuộc tỉnh Gia Lai mai rừng mọc nhiều. Dọc những cánh rừng bên sông đều có mai. Nhưng bây giờ tìm được một cành mai nhỏ ở đây cũng hơi bị khó vì sự tàn phá của con người.

Những cây mai to thì bị cưa cành, cây nhỏ thì chặt ngang mặt đất và nguy hiểm hơn là đám thợ này không ngần ngại đào luôn cả gốc đem về “cấy ghép” thành những gốc mai “cổ thụ” bán cả trăm triệu một gốc. Mai rừng - nét đẹp hoang sơ của Tây Nguyên đã bị tàn phá nhiều quá và ngày càng lâm vào thế suy kiệt vì không đủ sức tái sinh.

Nếu như chính quyền các cấp không có biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời thì một thời gian ngắn nữa chúng ta khó tìm được dù chỉ là một nhành mai rừng nho nhỏ để mà ngắm cho thỏa thích sắc đẹp trời phú của những cánh  mai rừng hoang sơ mà tuyệt đẹp

Lê Hân
.
.