Mái tóc và biểu tượng văn hóa

Thứ Ba, 12/06/2018, 16:12
Từ xưa, con người đã biết tạo kiểu cho mái tóc của mình với nhiều nét sáng tạo và mang tính biểu tượng. Kiểu cắt, màu tóc và phong cách thể hiện một cách sinh động cũng như không có giới hạn qua nhiều thời đại. Nhưng, mái tóc phải chăng chỉ đơn giản là công cụ để con người phô diễn cái đẹp và cảm xúc kích động?

Có một số cá nhân tin rằng mái tóc ẩn tàng sức mạnh giác quan, là sự nối dài của hệ thần kinh chúng ta. Tùy thuộc vào thời đại cũng như vị trí trên trái đất mà con người sống, mái tóc mang nhiều ý nghĩa khác nhau.

Từ lâu đời, các tín ngưỡng và văn hóa dân gian mặc nhiên quy định cách xử lý mái tóc một cách khác nhau. Thắt bím, bọc kín, để dài, cắt ngắn, cạo nhẵn, nhuộm màu và uốn xoăn, trang hoàng, tạo vòng xoắn, bện tết v.v… Nhưng, đối với nhiều xã hội, mái tóc càng dài lại được cho là càng đẹp!

Thực ra, một số người cho rằng mái tóc dài của thổ dân châu Mỹ hoạt động giống như những sợi ăngten – tương tự râu mèo truyền thông tin cho nó về con mồi đang ở gần – và mang lại cho họ năng lực giác quan đặc biệt.

Người ta kể chuyện chiến binh 2 bộ tộc thổ dân Bắc Mỹ Choctaw và Navajo được coi là những trinh sát tài năng, dễ dàng qua lại khu vực nguy hiểm trong các vùng xung đột một cách lặng lẽ cũng nhờ vào “những sợi ăngten” như thế! Có thể do đó mà mái tóc của thổ dân được gọi là “giác quan thứ 6”.

Có thông tin về việc chính quyền Mỹ bí mật nghiên cứu so sánh hành vi và năng lực trinh sát của những thổ dân châu Mỹ có hay không có mái tóc dài và kết quả cuối cùng cho thấy những cá nhân để tóc dài có được thành tích xuất sắc hơn những người tóc ngắn!

Phải chăng tóc tác động đến chúng ta thực sự, gửi đến chúng ta thông điệp cảnh báo sớm? Nhưng, điều này gây hoài nghi cho nhiều người vì có vẻ hoang đường. Nói một cách khoa học hơn, tóc kết nối với các cơ quan thụ cảm xúc giác nơi da, thông tin với chúng ta về thời tiết bên ngoài đang lạnh hay nóng, giúp cảm nhận làn gió nhẹ. Do đó, tóc chính là “thiết bị” đặc biệt bảo vệ cái đầu được ấm áp! Mặc dù vậy, chắc chắn trong một số xã hội nào đó, tóc đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống.

Câu chuyện về những thổ dân trinh sát gợi nhớ về truyền thuyết Samson. Theo Kinh thánh Hebrew, Samson – nhân vật có sức mạnh siêu nhiên giống như Hercules trong thần thoại La Mã – là người thuộc giáo phái Nazarite cho nên theo quy định phải giữ lời thề không được phép uống rượu và cắt tóc.

Samson là chiến binh Israel không thể bị đánh bại, dễ dàng xé xác sư tử và có lần chỉ sử dụng xương hàm con lừa mà tiêu diệt cả một đội quân Philistine gồm 1.000 người. Nhưng, cuối cùng Samson bị người yêu Delilah – một phụ nữ Philistine – cắt mái tóc dài và trở nên yếu đuối như người thường.

Kiểu tóc của người dân bộ tộc Pawnee xưa và nay.

Sau khi được Samson tiết lộ về nguồn gốc sức mạnh nằm ở mái tóc dài, Delilah lợi dụng lúc chiến binh ngủ say mà cắt phăng mái tóc và phá vỡ lời thề của anh. Sau đó, Samson cũng bị chọc mù đôi mắt và trở thành nô lệ.

Đối với nhiều bộ tộc thổ dân châu Mỹ, mái tóc dài được coi là biểu tượng của tư duy. Trong nhiều nền văn hóa, cắt tóc kẻ thù là hành vi trừng phạt nặng nề nhất hay sự sỉ nhục còn hơn là giết chết. Ngay trong thế giới hiện đại, tóc rụng hay bị cạo nhẵn dẫn đến sự biến chuyển tiêu cực nơi một người – về mặt tâm lý hay y khoa - cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống.

Tượng điêu khắc phụ nữ với các kiểu tóc trong Nhà Bảo tàng Louvre, Pháp.

Cách để tóc cũng giúp phân biệt mỗi bộ tộc thổ dân khác nhau và đánh dấu giai đoạn chiến tranh hay hòa bình. Về mặt y khoa, tình trạng tóc thông báo về sức khỏe của một người. Màu sắc và kết cấu tóc cũng là dấu hiệu về tuổi tác. Nhiều bộ tộc thổ dân châu Mỹ thường có cùng niềm tin tương tự nhau về mái tóc.

Người bộ tộc Creee coi tóc là sự mở rộng của linh hồn và kiểu tóc thể hiện tính cách con người. Đôi khi, họ trộn mỡ và bồ hóng bôi lên tóc cho tóc có màu đen hơn. Các bộ tộc Mohawk, Pawnee và Algonquin cùng để một kiểu tóc cắt ngắn và xén hai bên để lại phần giữa như bờm ngựa.

Trong thần thoại Bắc Âu, Nữ thần Sif, vợ của Thor, nổi tiếng với mái tóc dài màu vàng óng như cánh đồng lúa mì - biểu tượng của sự phì nhiêu, gia đình và hôn nhân (ảnh trái) và chân dung Nữ hoàng Áo Elisabeth (1837 – 1898) với mái tóc dài.

Ở Anh hiện nay, nhiều người vẫn còn tin một cách ngây thơ rằng ăn vỏ bánh mì sẽ khiến tóc trở nên xoăn, và cho rằng tóc đỏ thể hiện sự ranh mãnh hay khí chất nóng nảy. Tín đồ Phật giáo có truyền thống cạo trọc đầu – dấu hiệu chứng tỏ họ là người của Đức Phật. Ngược lại, trong nhiều nền văn hóa, phụ nữ và nam giới để tóc dài và thậm chí không được phép cắt tỉa.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.