Mang bệnh vì... dùng mỹ phẩm

Thứ Hai, 13/08/2007, 08:45
Muốn cho “ông xã” ngạc nhiên, chị Thanh quyết định “đầu tư” vài triệu để “thay da đổi thịt”. Nhưng cũng mới chỉ tới lần tắm trắng thứ 3 thì trên người chị nổi lên từng mảng mụn nước và ngứa. Sau khi tự uống thuốc kháng sinh không khỏi, chị Thanh đã phải cầu cứu tới bác sĩ da liễu.

Sau khi đăng bài "Mỹ phẩm giả ký sự", chúng tôi đã nhận được nhiều điện thoại, thông tin phản hồi của bạn đọc không chỉ phản ánh những trường hợp phải vào bệnh viện vì dùng phải mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng mà còn cả những trường hợp do thiếu hiểu biết về tác dụng của mỹ phẩm, cả tin vào những lời quảng cáo mà tiền mất tật mang.

Ngoài ra, còn có ý kiến về những bất hợp lý trong việc cấp phép lưu hành mỹ phẩm của cơ quan quản lý Nhà nước khiến cho những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc rất vất vả trong khi mỹ phẩm giả bằng nhiều con đường vẫn ồ ạt vào Việt Nam làm hại người tiêu dùng. Xung quanh chuyện mỹ phẩm, có rất nhiều điều cần cảnh báo...

Vào bệnh viện vì mỹ phẩm

Đã hơn 1 năm rồi nhưng chị Anh Phương, ở Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Hà Nội, vẫn chưa hết sợ khi nhắc lại chuyện phải đi bệnh viện vì vào thẩm mỹ viện làm đẹp. Mới vào tuổi 30, nhưng có lẽ do bị ám ảnh bởi cái câu “gái 30 tuổi đã toan về già” nên chị cùng một người bạn nữa đến Thẩm mỹ viện Y.T. để đắp mặt dưỡng da.

Dù đã rất cẩn thận chọn hàng của Mỹ (đấy là nhân viên mỹ viện quảng cáo như thế) với giá 400.000đ/lần, nhưng chỉ sau hai lần đi đắp mặt nạ, thay vì có làn da trắng sáng như quảng cáo, chị Anh Phương và người bạn chỉ thấy mặt nổi mụn. Ban đầu cũng chỉ nghĩ là bị dị ứng bình thường nên tự mua thuốc về chữa. Nhưng rồi càng ngày hai bên má mụn nước càng nhiều, hai chị đành phải đến Viện Da liễu khám.

Và phải mất gần một năm điều trị với đủ cả thuốc uống, thuốc bôi mới khỏi. Nhắc lại  chuyện ấy với tôi, chị Anh Phương bảo “từ giờ xin vái cả nón thẩm mỹ viện”.

Nhưng chị Anh Phương vẫn chưa phải là nặng. Trường hợp chị Thanh ở Đống Đa mới thật là tai họa.

Nghe cô bạn làm cùng cơ quan quảng cáo rằng, chỉ cần đi tắm trắng vài lần là làn da ngăm ngăm bánh mật của chị sẽ trở nên trắng sáng, mịn màng. Nghe bùi tai và cũng muốn cho “ông xã” ngạc nhiên, chị Thanh quyết định “đầu tư” vài triệu để “thay da đổi thịt”. Nhưng cũng mới chỉ tới lần tắm thứ 3 thì trên người chị nổi lên từng mảng mụn nước và ngứa. Sau khi tự uống thuốc kháng sinh không khỏi, chị Thanh đã phải cầu cứu tới bác sĩ da liễu.

Đó chỉ là hai trong số những nạn nhân của mỹ phẩm. Bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng Phòng khám - Viện Da liễu Quốc gia, cho biết mỗi năm phòng khám tiếp nhận khoảng 70 - 80 bệnh nhân phải đến viện vì dị ứng mỹ phẩm. Cách đây không lâu phòng khám phải tiếp nhận một phụ nữ đến bệnh viện trong tình trạng mặt mũi sưng như bị... ong đốt. Theo trình bày của nạn nhận thì trong lần đi chợ Lạng Sơn, chị đã mua loại kem dưỡng da Trung Quốc có tên là Ban Gan Jing với giá chỉ có 10.000đ/lọ. Mang về nhà, chị bôi theo đúng như hướng dẫn của cô bán hàng nhưng mới bôi được đến lần thứ hai thì thấy ngứa ran khắp  mặt, rồi sưng húp lên.

Ngoài những người đến viện vì dùng mỹ phẩm rẻ tiền nhưng cũng có người đã dám đầu tư không ít đi Beauty Salon, Spa để làm đẹp nhưng do tâm lý muốn làm đẹp cấp tốc mà lĩnh hậu quả; cũng có trường hợp sử dụng mỹ phẩm cao cấp nhưng do không hợp cơ địa nên vẫn bị dị ứng.

Còn bác sĩ Hoàng Phương Lan, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, mỗi năm bệnh viện đã chữa trị cho khoảng 30 - 40 trường hợp bị tai biến vì dùng mỹ phẩm, phần lớn là bị dị ứng do dùng kem dưỡng da, trị nám, làm trắng da. Trong số đó có những trường hợp do dùng kem trị nám nhưng mặt bị nổi mụn, nám nặng hơn tới mức phải điều trị tới cả năm mới khỏi với chi phí rất tốn kém.

Mỹ phẩm không phải là thuốc tiên

Theo các bác sĩ da liễu, những người phải đến điều trị do dị ứng mỹ phẩm đều do dị ứng thuốc nhuộm tóc, dị ứng do tắm trắng và các loại kem dưỡng da, trong đó đông nhất vẫn là dị ứng bởi các loại kem dưỡng da, làm trắng da, trị nám...

Hiện có tình trạng là người sử dụng đang bị nhầm lẫn cơ bản giữa dược phẩm và mỹ phẩm bởi nhiều loại dược phẩm bôi ngoài da có chứa thuốc chống viêm Corticoid (hoạt chất được dùng làm thuốc điều trị các bệnh da liễu, như Eczema, chàm và được chỉ định không được dùng quá 10 ngày) cũng được bào chế dạng kem rất giống mỹ phẩm.

Tuy nhiên, với dược phẩm bôi ngoài da, khi sử dụng phải tuân theo chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ về liều lượng, thời gian sử dụng thì nhiều người lại sử dụng như mỹ phẩm, nghĩa là bôi rất... vô tư mà không cần chỉ định của bác sĩ. Do tác dụng của Corticoid nên ban đầu những loại dược phẩm này cũng có tác dụng tức thời làm cho da trắng sáng, mịn màng, nhưng sau đó sẽ có nhiều biến chứng làm da nổi mụn, rạn, tăng tiết bã nhờn và có nguy cơ gây teo da...

Một sai lầm nữa của người sử dụng mỹ phẩm khiến cuối cùng phải vào bệnh viện là quá tin vào những lời quảng cáo “có cánh”. Ví dụ như bệnh nám, một bệnh khá phổ biến với phụ nữ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh nám, có thể do bẩm sinh, do tuổi tác, một số bệnh đặc biệt hay ảnh hưởng của một số kích tố nữ như các phụ nữ đang mang thai hoặc uống thuốc ngừa thai... với bệnh nám chỉ dùng thuốc để giảm bớt chứ không thể chữa hết được.

Vì vậy mà ở Trung Quốc, người ta cấm các cơ sở sản xuất đặt tên sản phẩm là kem hoặc thuốc trị nám mà chỉ được phép ghi là kem làm trắng da hoặc dưỡng da. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, có không ít loại mỹ phẩm được ghi đường hoàng là kem trị nám. Đây là cách đánh lừa và gây ảo tưởng cho người tiêu dùng về tác dụng của mỹ phẩm.

Một biến chứng thường gặp với các chị em dùng mỹ phẩm là do tắm trắng. Nhiều người vẫn ngây thơ tin vào những lời quảng cáo của các thẩm mỹ viện về sự kỳ diệu của tắm trắng mà nghĩ rằng chỉ cần sau vài lần tắm trắng, đắp mặt là có nước da mịn màng, trắng sáng. Đây là suy nghĩ rất sai lầm. Người xưa có câu “Giàu tại phận, trắng tại da”, xét dưới góc độ khoa học thì hoàn toàn có lý bởi da trắng hay đen là do cấu trúc tự nhiên và được định sẵn trong gien nên dùng thuốc không thể thay đổi được màu sắc của da. Việc tác động từ bên ngoài chỉ có tác dụng rất hạn chế. Theo các chuyên gia về da liễu, da người có cấu trúc gồm 5 lớp gồm mầm, đáy, hạt, sáng, sừng.

Hệ thống hắc tố melanin để ngăn chặn các tia cực tím có hại cho cơ thể thường nằm ở lớp mầm và đáy. Khi da phải tiếp xúc thường xuyên với nắng và bị tác động của tia cực tím, tế bào mầm sẽ phân bố lại các hắc tố melanin và đẩy dần lên trên bề mặt da, khiến da đen và sạm đi.

Vì thế tắm trắng thực chất là sử dụng mỹ phẩm để lột bỏ lớp da chết bên ngoài trong thời gian nhất định chứ không thể làm thay đổi số lượng melanin trong tế bào.

Không những thế, nếu quá lạm dụng hóa chất làm trắng da sẽ có tác dụng ngược. Bởi theo các bác sĩ da liễu, hầu hết các loại mỹ phẩm có tác dụng tẩy trắng da, nhất là những loại làm trắng siêu tốc chỉ cần bôi sau.. 1 phút hoặc sau 15 phút đắp mặt như chúng tôi từng được quảng cáo ở Xing Fa Plaza, đều có chứa hóa chất và các nguyên tố kim loại nặng bởi nó làm tăng hiệu quả của mỹ phẩm.

Tuy nhiên, những nguyên tố kim loại nặng có trong mỹ phẩm lại không thể trao đổi bình thường trên da mà tích tụ trong da; khi tích tụ tới mức độ nhất định, nó sản sinh ra những độc tố có hại cho da và làm rối loạn hệ thống nội tiết, gây ra nhiều loại bệnh như viêm niêm mạc hành tá tràng, đau dạ dày, viêm đường tiết niệu... 

Với các loại kem dưỡng da cũng vậy. Cách đây không lâu, sau khi có những trường hợp bị tai biến do sử dụng kem dưỡng da hiệu Bảo Lâm, Thanh tra Y tế Hà Nội đã đưa đi kiểm tra và phát hiện ra rằng trong thành phần của loại kem này có chứa hoạt chất Dexamenthason acetat, là một loại corticoid có tác dụng kháng viêm mạnh. Nếu dùng thường xuyên sẽ gây giãn mạch máu, teo da, rạn da, viêm nang lông, giảm sức đề kháng của da dẫn tới gây mụn, viêm nhiễm.

Một nguyên nhân nữa khiến cho không ít người dù đã đầu tư tiền triệu mua mỹ phẩm xịn mà vẫn bị dị ứng, đó là không hiểu tác dụng của mỹ phẩm. Các loại mỹ phẩm (hàng xịn) dù đã được thử nghiệm trước khi đưa ra thị trường và nhà sản xuất ghi trên nhãn mác là sản phẩm không gây kích ứng da, nhưng điều đó không có nghĩa là sản phẩm sẽ không gây kích ứng da bởi cơ địa mỗi người khác nhau nên cùng một loại mỹ phẩm nhưng người này có thể dùng được nhưng người khác dùng sẽ bị dị ứng.

Mỗi ngày có hàng chục xe tải chở mỹ phẩm về tập kết ở chợ Lũng Vài để đưa vào Việt Nam.

Không những thế, ngay các chất vitamin A, vitamin E có trong kem dưỡng da nhưng không phải phù hợp với tất cả các loại da; vì thế kem dưỡng có vitamin E thì người da nhờn không nên dùng vì vitamin E tan trong dầu... Chính vì vậy, theo bác sĩ Hoàng Phương Lan, trước khi sử dụng một loại mỹ phẩm nào, người sử dụng nên thử trước bằng cách bôi vào chỗ da phía trong cánh tay, nếu sau 24 giờ mà không có phản ứng thì mới nên sử dụng.

Còn nếu cẩn thận hơn thì trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Ngoài  ra, với khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, khi dùng kem dưỡng da cũng chỉ nên dùng vào ban đêm và cũng chỉ nên dùng khoảng 2 giờ, vì nếu dùng cả đêm kem sẽ bịt hết lỗ chân lông gây ngứa, thậm chí nổi mụn...

Mỹ phẩm giả đang tung hoành khắp hang cùng ngõ hẻm

Trở lại vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm đó là mỹ phẩm giả đang trở thành mối nguy hiểm với người tiêu dùng. Với công nghệ làm hàng giả như ở Xing Fa Plaza thì người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là hàng thật đâu là hàng giả. Mặc dù thỉnh thoảng lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường cũng bắt giữ được vài vụ buôn bán mỹ phẩm giả (trong đó vụ lớn nhất là tháng 6-2007, quản lý thị trường Hà Nội bắt được 10,5 tấn), tuy nhiên con số đó chỉ là rất ít so với lượng mỹ phẩm giả hàng ngày được đưa từ bên kia biên giới vào nội địa.

Trong những ngày đi thực tế tại  Xing Fa Plaza, chúng tôi cũng đã được các đầu nậu chuyên vận chuyển thuê chào mời nhiệt tình việc đưa hàng lậu từ Lũng Vài về tới tận Hà Nội với giá rất “dễ chịu”: một thùng hàng loại 50kg vận chuyển về tới Hà Nội cước vận chuyển chỉ có 250.000đ, nếu bị bắt, họ sẵn sàng bồi thường toàn bộ giá trị lô hàng.

Vì sao hàng giả từ Trung Quốc lại có thể vào Việt Nam dễ dàng như vậy? Câu hỏi này chỉ có lực lượng chống buôn lậu trên tuyến biên giới mới trả lời được. Chỉ biết rằng ở Việt Nam, mỹ phẩm giả đang có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm.

Mỹ phẩm giả được nhập lậu ồ ạt không chỉ làm hại người tiêu dùng mà khiến cho những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn cũng lao đao. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nhữ Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Quốc tế Phương Đông ở Hà Nội than thở, ông đang trong tình trạng “cốc mò cò xơi”.

Theo ông Hùng, công ty của ông từ 2 năm nay là doanh nghiệp độc quyền phân phối sản phẩm mặt nạ Elov tại Việt Nam. Để đưa được mặt hàng vào thị trường Việt Nam một cách chính danh, ông Hùng đã phải đi về giữa Hà Nội - Quảng Châu không biết bao nhiêu lần để hoàn tất các thủ tục theo đúng những yêu cầu của Cục Quản lý Dược.

Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào tiêu thụ ở thị trường, khi đã bắt đầu gây dựng được uy tín thương hiệu với người tiêu dùng thì sản phẩm này bị các đầu nậu hàng giả ở Việt Nam đặt làm giả từ Trung Quốc để đưa về Việt Nam tiêu thụ. Theo ông Hùng, trong khi doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đã giảm giá tới mức thấp nhất có thể để đưa sản phẩm này vào Việt Nam với hy vọng tăng thị phần và chống hàng giả nhưng vẫn thua hàng giả. Bởi giá hàng giả bán tại Việt Nam còn được chào thấp hơn cả hàng ông mua từ nhà máy tại Quảng Châu.

Còn người tiêu dùng khi mua chỉ nhìn bao bì sản phẩm, lại thấy rẻ hơn nên vẫn cứ mua. Vì thế dù hiện tại công ty này chỉ phân phối mặt hàng mặt nạ Elov “xịn” tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, nhưng tại các tỉnh từ miền Trung và miền Nam toàn là hàng giả vẫn tiêu thụ rất mạnh bởi giá rẻ.

Rõ ràng đang tồn tại một nghịch lý là với doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, để xin được một giấy phép lưu hành sản phẩm ở Việt Nam phải làm rất nhiều thủ tục, chi phí không ít tiền và mất không ít thời gian chờ đợi thì hàng giả chỉ cần sau một tuần đặt hàng tại Quảng Châu là có thể đưa về tới Hà Nội với số lượng bao nhiêu cũng có. Vì thế thị trường mỹ phẩm ở Việt Nam hiện nay đang trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

Trong khi các cơ quan chức năng còn khá thờ ơ với việc quản lý thị trường mỹ phẩm thì người tiêu dùng, để tự bảo vệ mình, xin hãy tỉnh táo trước những lời quảng cáo về sự thần kỳ của mỹ phẩm nếu không muốn “tiền mất tật mang"

Nguyễn Thiêm
.
.