Mang họa vì chữa bệnh qua internet

Thứ Sáu, 08/08/2014, 21:45

Ngày nay, khi công nghệ thông tin đã phổ cập đến hầu hết mọi tầng lớp trong xã hội thì việc tra cứu, tìm hiểu về một vấn đề nào đó trên Internet trở thành quen thuộc. Ngay cả với việc chữa bệnh, nhiều người thay vì đến bệnh viện, phòng mạch bác sĩ để thăm khám thì họ tự chữa bằng cách gõ bàn phím nhưng kết quả lắm khi phải gọi… công ty dịch vụ mai táng đến nhà!

1. Cái chết thương tâm của một thiếu nữ 18 tuổi mà nguyên nhân được cho là đã nhịn ăn suốt 12 ngày để giảm cân theo hướng dẫn của một trang web trên Internet đã khiến dư luận - thêm một lần nữa nhận ra sự nguy hiểm chết người từ những "chuyên gia sức khỏe" trong thế giới ảo. Sự nguy hiểm còn nằm ở chỗ những "phương pháp" giảm cân, chữa bệnh ấy, được người này truyền cho người kia, một đồn mười, mười đồn trăm.

Đúng vậy, chỉ cần vào công cụ tìm kiếm google rồi gõ cụm từ "chữa bệnh gan" thì ngay lập tức bạn sẽ nhận được hơn 400 nghìn kết quả. Trong đó, ngoài các trang web chính thống của các trường đại học y khoa, các bệnh viện hoặc các bác sĩ có uy tín, còn thì vô thiên lủng những trang web khác, chỉ cách chữa bệnh gan bằng những phương pháp… trên trời!

Và nếu như những trang web chính thống của các trường đại học y khoa, các bệnh viện hoặc các bác sĩ có uy tín, họ chỉ mô tả triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh, diễn tiến bệnh, các thông số xét nghiệm chức năng gan rồi khuyên người bệnh nên đến bệnh viện hoặc gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn thì tại các trang web của các "thần y", ta có thể đọc thấy những lời "có cánh" như sau: "Mẹo chữa lành các bệnh gan như men gan cao, gan nhiễm mỡ, xơ gan cổ trướng, nóng gan do uống rượu bia, viêm gan siêu vi A, B, C trong 7 ngày bằng cách nấu lá sakê uống thay nước…".

Bác sĩ Tiến, Đơn vị Viêm gan, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy nói: "Men gan cao có nhiều nguyên nhân, hoặc do rượu bia, do các bệnh về gan, mật, các bệnh suy giảm miễn dịch, ung thư di căn hoặc do uống, tiêm một số loại thuốc chữa bệnh dài ngày nên tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có hướng điều trị. Với viêm gan siêu vi C, việc điều trị có thể kéo dài cả năm và rất tốn kém. Chứ nói uống lá sakê thay nước trong 7 ngày mà hết viêm gan siêu vi thì người phát minh ra phương pháp này hẳn đã đoạt giải Nobel Y học từ lâu rồi".

Theo tìm hiểu của chúng tôi thông qua các trang web, phần lớn những người tự chữa bệnh bằng Internet là… phụ nữ, trong đó không ít những bà mẹ vào mạng để tìm cách chữa bệnh cho con mình. Theo quan niệm của họ thì: "Vẫn biết đi khám sẽ tốt hơn. Nhưng với những triệu chứng bình thường như nhức đầu, sổ mũi, đau chân, đau tay thì chỉ cần tham khảo trên mạng cách chữa vì nếu vào bệnh viện cũng chỉ được những thuốc như thế thôi, mà lại phải chờ xếp hàng, lấy số nên tự chữa cho rồi".

Chính vì "tự chữa cho rồi" nên chị Thanh, nhà ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP HCM đã suýt một phen tắc tử! Mang bầu được 7 tháng, chị thấy chân mình  mỗi ngày mỗi phù ra. Thay vì đi khám, chị tìm hiểu trên mạng thì được giải thích "phù là do ứ nước trong bào thai (?!)" trong lúc thực tế là do thai nhi phát triển, tạo ra hiện tượng chèn ép vào tĩnh mạch chủ dưới khiến việc đưa máu ở hai chân trở về tim bị giảm thiểu, dẫn đến phù. Vẫn theo trang web mà chị Thanh tham khảo, thì cách chữa là "mỗi ngày uống 1 viên Furosemid hàm lượng 40mg liên tiếp trong 10 ngày".

Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng - thời điểm đó là Trưởng khoa Sản, BV quận 3 nói: "Uống được 7 ngày, chồng chị Thanh phải dìu chị vào BV vì đi không nổi mà nguyên nhân là Furosemid gây hạ kali máu, dẫn đến loạn nhịp tim, may là cái thai vẫn còn giữ được…".

BS Hồng nói thêm: "Suốt hơn 30 năm công tác ở khoa Sản, tôi đã chứng kiến nhiều tai biến - nhất là khi công nghệ thông tin phát triển thì một số tai biến xảy ra do sản phụ tự tìm hiểu về những bệnh tật trong lúc mang thai trên mạng, rồi tự mình chữa cho mình".

Một trường hợp khác: Anh Thịnh, ở Cầu Xáng, huyện Bình Chánh, có cha bị cao huyết áp nhưng lại không được kiểm tra và uống thuốc thường xuyên. Một bữa, lúc trời vừa mờ sáng, cha anh từ giường bước xuống và vừa vào tới nhà vệ sinh thì té ngửa mà nguyên nhân là tai biến mạch máu não.

Do đã tham khảo một số trang web nói về trường hợp này nên anh Thịnh nhanh chóng lấy cây kim may quần áo, bật hộp quẹt hơ nóng rồi châm vào 10 đầu ngón tay của ông cụ: "Trên trang web "chuataibien", họ chỉ dẫn là khi có người bị tai biến mạch máu não thì tuyệt đối không di chuyển mà hơ nóng kim bằng lửa rồi chích trên mười đầu ngón tay đến khi có máu rỉ ra. Chỉ sau vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh dậy. Nếu bệnh nhân méo mồm thì nắm hai tai của bệnh nhân kéo mạnh cho đến khi đỏ ửng rồi châm vào dái tai cho máu nhỏ giọt, sau vài phút bệnh nhân sẽ tỉnh lại…".

Ngay cả bệnh dại do chó cắn cũng được hướng dẫn chữa bằng cách "dùng 3 đến 5 giọt mật của con trâu bạch (trâu trắng)".

Thế nhưng, sau một hồi châm tay, kéo tai rồi châm vào dái tai đến tóe máu mà cha anh Thịnh vẫn "án binh bất động" thì anh Thịnh mới hoảng. Vội đưa cha vào BV Chợ Rẫy nhưng ngay chiều hôm đó, ông qua đời.

Một bác sĩ ở Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết: "Có rất nhiều những trường hợp tai biến mạch máu não mà lẽ ra phải chuyển ngay vào BV thì người nhà bệnh nhân lại để mất "thời gian vàng" bằng việc châm, chích, cạo gió, cắt lể… Đó là những việc lăng nhăng, phản khoa học. Nếu có sơ cứu thì chỉ nên giúp cho bệnh nhân hô hấp tốt, trong miệng, họng không có dị vật, không bị sặc… mà thôi".

2. Không thể phủ nhận rằng việc tìm kiếm thông tin trên mạng đem lại một số lợi ích nhất định về bệnh tật nếu người tìm chỉ dừng lại ở chỗ hiểu được nguyên nhân gây bệnh, diễn tiến bệnh và cách phòng tránh. Bác sĩ Tiến nói: "Nếu đã có sự tìm hiểu trước, người bệnh và thân nhân rất dễ tiếp thu những điều bác sĩ giải thích và thường thì họ tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị". Tuy nhiên, khá nhiều người ngoài việc tìm hiểu, họ lại tự chữa luôn.

Bác sĩ Vũ, Giám đốc Khu điều trị Mắt kỹ thuật cao Ngô Quyền, quận 5 TP HCM cho biết: "Có không ít bệnh nhân lúc gặp tôi, thừa nhận là đã từng dùng một số loại thuốc trước khi đến BV thăm khám. Khi được hỏi thuốc đó do bác sĩ ở BV nào kê toa thì hầu hết đều trả lời rằng họ đọc trên mạng rồi ra tiệm thuốc tây mua về uống dựa theo các triệu chứng của mình. Thậm chí có người còn chữa theo lời đồn thổi, rằng đó là "phương pháp bí truyền".

Một trong những nạn nhân của "phương pháp bí truyền" này là Diệu (tên đã được bác sĩ Vũ đề nghị thay đổi), 17 tuổi, học sinh lớp 11 ở một trường trung học thuộc quận 11, TP HCM. Nhiều lần thức khuya học bài, Diệu thấy mắt mình mỏi nhừ, nặng trĩu, chảy nước mắt và lắm khi nhìn một thành hai.

Bác sĩ Vũ cho biết: "Nguyên nhân là do cô bé tập trung thị lực với cường độ cao suốt một khoảng thời gian dài nhưng lại không dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi. Trong trường hợp này, chỉ cần áp dụng công thức 20/20/20 - nghĩa là cứ 20 phút học bài thì ngừng lại rồi nhìn vào đồ vật, cảnh trí nào đó cách chỗ ngồi chừng 20 feet (khoảng gần 7 mét) trong 20 giây thì mắt sẽ trở lại bình thường".

Thế nhưng Diệu lại chọn cách khác. Qua tìm hiểu trên mạng, cô bé đọc thấy dòng hướng dẫn: "Nếu bạn bị mỏi mắt hoặc nhìn không rõ vì đọc sách hay làm việc trên  máy tính quá lâu, bạn chỉ cần lấy một miếng chanh vắt nước nhỏ vào mắt. Vitamin C trong chanh sẽ làm tan tất cả những cặn bẩn bám trong mắt và chỉ sau vài phút, mắt bạn sẽ sáng lại bình thường".

Diệu kể: "Con thấy cách này đơn giản, mà cũng có lý (?!) vì thỉnh thoảng học bài, mắt con ra ghèn, chắc là do cặn bẩn nên con xuống bếp, mở tủ lạnh lấy trái chanh cắt ra một miếng". Tuy nhiên ngay khi vừa nhỏ vào, Diệu thấy mắt mình bỏng rát và gần như không mở ra được. Hốt hoảng, cô bé một tay bịt chặt mắt, tay kia dò dẫm vào vách tường, ra chỗ vòi nước rồi vốc nước vã vào mắt.

Ngày càng có nhiều người tìm cách chữa bệnh trên internet thay vì đến bệnh viện.

Sáng hôm sau, nhìn thấy một bên mắt con gái mình đỏ lòm, mẹ Diệu vội đưa con đến Khu điều trị Mắt kỹ thuật cao Ngô Quyền. Bác sĩ Vũ cho biết: "Thành phần chủ yếu trong quả chanh, ngoài nước thì còn có axit citric và một số vitamin. Mặc dù là một aixt hữu cơ yếu nhưng nó vẫn có tính ăn mòn da. Vì vậy khi nhỏ vào mắt, nó sẽ gây ra hiện tượng bỏng giác mạc, củng mạc và còn có thể ảnh hưởng đến túi lệ chứ hoàn toàn không thể làm tan cặn bẩn, làm sáng mắt như chỉ dẫn trên mạng".

Bác sĩ Thiện BV Tai Mũi Họng cho biết: "Ngay tại Anh, là nước có nền y học tiên tiến nhưng theo một kết quả nghiên cứu của Hiệp hội Y học Hoàng gia, cho thấy trong 20 trang web không chuyên nhưng thường xuyên đưa những thông tin về bệnh tật, sức khỏe thì có đến 11 trang sai nghiêm trọng, chỉ 9 trang có thể tham khảo được nhưng trong 9 trang web ấy,  lại chỉ có 1 trang là đáng tin cậy, còn 8 trang kia lúc  đúng, lúc sai.

Một khảo sát khác liên quan đến sự an toàn của trẻ sơ sinh khi ngủ thì trong số 1.300 trang web chuyên về vấn đề này, chỉ có khoảng hơn 500 trang cung cấp thông tin chính xác, số còn lại ăn ốc nói mò!".

3. Tự chữa cho mình đã đành, nhiều người còn dạy người khác cách chữa. Trên một số trang web chuyên về bà mẹ, trẻ em, rất dễ dàng gặp những "cố vấn" về bệnh lý, điều trị với sự khẳng định chắc nịch, rằng "con mình đã bị và đã chữa lành hoàn toàn", hoặc "mình đã làm và kết quả rất tốt".

Chị Như, ở đường Phạm Văn Chí, quận 6 có con trai 4 tuổi bị sốt, ho, kém ăn. Thay vì đưa con ra trạm y tế phường hoặc đến BV thì chị lại… chịu khó vào trang web "metre" để tìm hiểu cách chữa bệnh cho con.

Chỉ sau 15 phút đăng đàn, chị đã nhận được cả chục lời hướng dẫn, nào là "chườm nước đá, cho uống nước chanh" nào là "rơ lưỡi bằng mật ong, chưng nguyên quả chanh với đường phèn, ăn hết", hoặc "lấy một nắm lá tía tô, một nắm kinh giới nấu sôi rồi nhỏ vào mấy giọt dầu gió. Sau đó kêu cháu ngồi trùm chăn xông khoảng 10 phút, khi xông há miệng thật lớn để hương tía tô, kinh giới, dầu gió sát trùng cuống họng, chỉ cần xông hai lần là khỏi hẳn".

Lại có lời khuyên khẳng định rằng con chị bị giun và ấu trùng giun chui lên cuống họng nên gây ho, phản ứng sốt: "Cho cháu uống ngay 1 viên thuốc xổ giun Albedazol rồi cho ăn gà ác tiềm thuốc bắc để phục hồi sức khỏe". Chị Như nói: "Tôi đã thử làm theo nhưng cháu vẫn ho, sốt. Tới hồi chồng tôi bắt phải đưa cháu đi bác sĩ thì mới hay cháu bị sơ nhiễm lao".

Chị Lành, quê Trà Vinh, tạm trú ở quận Tân Bình, TP HCM khi đi khám thai thì được biết thai ngôi ngược. Và thay vì gặp bác sĩ định kỳ để theo dõi thì chị lại làm theo lời khuyên trên mạng, là "mỗi tối nằm chổng mông lên khoảng 30 phút thì thai sẽ tự quay đầu xuống". Kết quả đến ngày sinh, thai xuống đâu chưa thấy, chỉ thấy chị phải lên bàn mổ để mổ bắt con.

Bác sĩ Huy, BV Nhi Đồng 1 chia sẻ: "Quá trình học y của một bác sĩ mất 6 năm nhưng khi tốt nghiệp, không phải ai cũng có thể chẩn đoán và kê đơn chính xác. Nhiều người còn phải học thêm chuyên khoa 1, 2  hoặc nội trú nhưng lắm khi đứng trước một bệnh nhân, họ vẫn phải mời đồng nghiệp đến hội chẩn và khi kê đơn vẫn còn ít nhiều lo lắng. Ấy thế mà chỉ cần vài thông tin trên mạng, vài dòng miêu tả tình trạng bệnh lý, có người sẵn sàng hướng dẫn, chỉ bảo cách chữa bệnh thì thật là liều!".

Cuối cùng, trong thời buổi "bão thông tin" như hiện nay, theo BS Nguyễn Giang Hồng thì nếu cần tham khảo về bệnh tật trên mạng Internet, nên chọn những trang web chính thống của các BV, các tổ chức y tế hoặc các bác sĩ có kinh nghiệm và uy tín nghề nghiệp. Còn với những trang web bá vơ khác, tốt nhất là đừng để mất thời giờ…

Vũ Cao
.
.