Mảnh của thiên thạch Tunguska giá 2,4 triệu USD
Người sở hữu mảnh thiên thạch - có biệt danh là Karensresources - đã từng bán trên mạng những tác phẩm nghệ thuật, phụ tùng xe hơi và tạp chí cũ từ năm 2005.
Karensresouces nói: “Tôi chỉ là đại lý, còn chủ nhân món hàng được giữ kín tên tuổi. Người sở hữu gốc có được mảnh thiên thạch năm 1976, khi một đoàn khảo sát khoa học Liên Xô đến vùng Tunguska. 8 năm sau đó, các chuyên gia Phòng thí nghiệm Địa - Hóa học của Đại học Kentucky (Mỹ) và nhóm khoa học của Công ty Antec bắt đầu nghiên cứu viên đá. Hiện vật được bán kèm theo với bản sao số tài liệu gốc xác định nguồn gốc ngoài hành tinh của nó”. Năm 1998, người sở hữu đã có ý bán viên đá với giá 3,1 triệu USD, song cuộc đấu giá đã không diễn ra.
Thiên thạch Tunguska cho đến nay vẫn còn là bí ẩn lớn của giới khoa học. Các tài liệu cho biết vài gia đình cư dân địa phương đã nhìn thấy một quả cầu lửa khổng lồ bay ngang bầu trời vào khoảng 7h ngày 30/6/1908. Quả cầu nổ tung ở đâu đó trên vùng đất không người. Sóng vụ nổ đã làm rung chuyển hành tinh 2 lần và được ghi nhận bởi các trạm dò động đất trên toàn thế giới.
Vụ nổ đã gây ra trận bão từ khủng khiếp kéo dài đến 4 giờ đồng hồ. Đêm sau đó xuất hiện một hiện tượng bất thường có thể quan sát thấy ở Nga và Tây Âu: đó là hiện tượng những đám mây dạ quang.
Năm 1911, sứ mạng khoa học đầu tiên được thực hiện ở địa điểm nổ thiên thạch ở Tunguska và nhóm chuyên gia cuối cùng quay lại nơi đó vào cuối tháng 8/2007. Kết quả là không ai tìm thấy dù chỉ là một mảnh đá nào gọi là thiên thạch Tunguska nữa.
Nói chung, người ta tin rằng, vụ nổ Tunguska là do sao chổi băng nổ tung phía trên trái đất khoảng 5 hay 10 km. Băng lập tức tan ra, bốc hơi và do đó đã không để lại vết tích nào trên bề mặt hành tinh chúng ta.
Một giả thuyết cho rằng, các chuyên gia nước ngoài được phép tham quan khu vực Tunguska vào thời kỳ đầu cải tổ của Liên Xô, do đó hoàn toàn có thể giấu viên đá và mang nó ra khỏi lãnh thổ Nga.
Nhưng, Andrey Olkhovatov, thành viên của một trong những đoàn chuyên gia nổi tiếng khảo sát Tunguska, nói: “Một nhóm nhà khoa học người Nhật đã đến Tunguska năm 1989 và cho rằng đó không phải là thiên thạch, mà là con tàu không gian ngoài hành tinh nổ tung ở Siberia! Còn nhóm chuyên gia địa hóa học của Cộng hòa Czech, Croatia và Italia đến địa điểm này vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, người nước ngoài không thể mang một mảnh thiên thạch ra khỏi Nga năm 1976, cho dù nó thật sự tồn tại. Có thể là một mảnh vật thể ngoài hành tinh được tìm thấy ở Siberia, vùng Tunguska. Song không thể chứng minh nó rơi xuống trái đất năm 1908. Rất có thể đây là một mảnh thiên thạch khác, và người ta đã lợi dụng bí ẩn thiên thạch Tunguska trong truyền thuyết để đẩy giá lên cao”.
Thiên thạch là vật quý cho khoa học lẫn giới sưu tầm tư nhân. Nhà khoa học mua chúng để nghiên cứu hệ mặt trời, còn tư nhân muốn sở hữu chỉ vì đam mê thuần túy. Giá của một mảnh thiên thạch nặng 1gr có thể lên đến 7.000 USD và còn tùy theo cấu trúc cũng như kích thước của vật thể không gian