Marie Fredriksson, tấm gương của tài năng và nghị lực

Thứ Tư, 15/01/2020, 08:13
Ngày 9-12-2019, cộng đồng âm nhạc thế giới vừa đón nhận tin buồn về sự ra đi ở tuổi 61 của Marie Fredriksson, nữ ca sĩ nổi tiếng của ban nhạc Thụy Điển Roxette. Cần nhớ là trong ranh giới giữa hai thập niên 1980-1990, Marie cùng với Roxette đã trở thành nhóm nhạc thành công về thương mại thứ hai trong lịch sử Thụy Điển, tức là chỉ đứng sau băng nhạc huyền thoại ABBA.

Là một phụ nữ thông minh, nhạy cảm nhưng cũng rất nghị lực, Maria đã chống chọi với căn bệnh ung thư não để tiếp tục sáng tạo nghệ thuật trong một thời gian dài trước khi vĩnh biệt những người hâm mộ cô...

Ngày 11-9-2002, Marie Fredriksson quay trở về nhà sau một buổi chạy thể dục sáng. Cô bỗng nhiên cảm thấy buồn nôn, chóng mặt và ngã đập đầu trong phòng tắm. Các bác sĩ bệnh viện nơi cô được đưa vào cấp cứu đã đưa ra một chẩn đoán đáng sợ: Marie bị chứng bệnh ung thư não.

Với cơ hội hồi phục được đánh giá là rất nhỏ, Marie đã phải đấu tranh với căn bệnh đáng sợ trong suốt 3 năm sau đó. Cô đã bị mù một bên mắt, mất khả năng đọc và viết cùng một loạt vấn đề về lời nói và trí nhớ, tuy nhiên vẫn sống sót. Năm 2004, Marie cho phát hành album đơn ca thứ 6 “The Change” của mình, trên bìa có hình ảnh tự họa của chính ca sĩ: một chân dung có khuôn mặt méo mó, không đẹp mắt nhưng đầy xúc động.

Marie Fredriksson.

Nhìn lại bức tranh trên bìa album sau 17 đấu tranh với bệnh ung thư não, người hâm mộ càng thấu hiểu và cảm thông cho những gì cô ca sĩ Thụy Điển đã phải kiên cường chịu đựng trong thời gian qua.

Có điều đáng khâm phục là trong suốt 17 năm kể từ ngày được chẩn đoán về cái chết của mình, Marie vẫn tiếp tục say mê hoạt động nghệ thuật: tham gia ghi âm những album mới của Roxette, xuất bản những đĩa đơn, tổ chức các tua diễn, thậm chí sau tác phẩm trên bìa của album “The Change” còn gửi triển lãm những bức tranh khác của mình tại các bảo tàng nghệ thuật của Thụy Điển.

Ý chí và tinh thần đáng nể của Marie thật ra đã được trui rèn từ khi còn nhỏ. Khi ca sĩ tương lai mới 7 tuổi, người chị gái Anna-Liza 20 tuổi của cô thiệt mạng trong một tai nạn giao thông. Từ thảm kịch đó, cả gia đình gồm cha mẹ và 3 người con còn lại phải ngụp lặn trong tình cảnh nghèo khó và suy sụp. Cả nhà chuyển tới sống tại thị trấn nhỏ Ostra Ljungby, một nơi xa xôi, nghèo nàn chỉ có vài trăm cư dân.

Do cha mẹ đều bận bịu tối tăm mặt mũi để kiếm sống, Marie cùng anh chị mình gần như phải vượt qua tất cả mà không có sự chăm sóc của họ. Rất may là Marie đã được cứu rỗi nhờ âm nhạc. Ngay từ năm 17 tuổi, cô đã gia nhập trường nhạc, học viết nhạc và bắt đầu đi biểu diễn khắp Thụy Điển.

Marie và người bạn Per Gessle - hai thành viên sáng lập Roxette.

Nếu như Marie gặp phải rất nhiều trắc trở và khó khăn trong cuộc sống thì trong sự nghiệp cô lại đạt được thành công rất nhanh chóng. Chưa đầy 10 tuổi, cô bé đã là ca sĩ cũng như nhạc công tại nhiều nhóm nhạc khác nhau dù chưa có được tiếng tăm gì. Phải đến năm 26 tuổi, sau khi tung ra album đơn ca đầu tiên “Het vind”, cũng như kể từ khi cùng người bạn Per Gessle lập ra nhóm Roxette vào năm 1986, tài năng của cô mới thực sự được thế giới biết đến. Đĩa đơn đầu tiên “Neverending Love” của cô nhanh chóng lọt vào Top-10 bảng xếp hạng âm nhạc của Thụy Điển nhưng đó mới chỉ là bước đầu.

Thành công vang dội đầu tiên phải kể tới album “Look Sharp!”, trong đó có 2 tuyệt phẩm đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu thính giả trên khắp thế giới: “The Look” và “Listen To Your Heart”. Nhưng, giọng hát tuyệt vời của cô đã thực sự chinh phục khán giả với bài “It Must Have Been Love” trong bộ phim “Pretty Woman”.

Giọng hát đặc biệt của một ca sĩ như Marie cũng đáng để nói tới. Thành công của những bài hát phong cách nhạc pop thuộc hàng top-hits như “The Look” và “It Must Have Been Love” đều được các chuyên gia đồng thuận chủ yếu là nhờ vào giọng hát của cô. Điều này thể hiện rõ nhất trong album “The Change” được ghi âm trong giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến chống lại bệnh tật.

Âm nhạc trong album này được diễn tả theo truyền thống của nhạc rock pha lẫn phong cách R&B và Blues cổ điển. Bài hát “Mother” trong đó có thể là ví dụ rõ nhất về cách Marie đã chinh phục khán giả của Roxette bởi sự đa dạng âm nhạc như thế nào.

Sự ra đi của cô là một tổn thất lớn không chỉ với những thính giả tại Thụy Điển mà trên toàn thế giới. Di sản cô để lại chắc chắn cũng không chỉ là những bài hát lay động lòng người. Đó còn là một tấm gương của nghị lực và bền bỉ, không đầu hàng trước số phận. Chặng đường hoạt động âm nhạc trong suốt 17 năm phải mang trong mình căn bệnh nan y của Maria là minh chứng rõ nhất cho điều này.

Quỳnh Nga (tổng hợp)
.
.