Mất hành lý ở sân bay: Chuyện dài chưa có hồi kết

Thứ Ba, 11/08/2009, 20:10
Dù quy trình nhận, gửi, hành lý ở sân bay Nội Bài luôn được khẳng định  là chặt chẽ. Nhưng những vụ mất cắp, thất lạc hành lý của khách vẫn cứ xảy ra, trong đó có những vụ tày đình như vụ thất lạc thùng tiền cả triệu đô từng gây xôn xao dư luận.

Đành rằng, chuyện thất lạc hay mất cắp hành lý không phải  là hiện tượng chỉ duy nhất có ở sân bay Nội Bài. Thế nhưng, điều hy hữu ở đây là, theo kết quả điều tra của CATP Hà Nội thì thủ phạm trong hàng loạt vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây lại chính là nhân viên làm nhiệm vụ trong sân bay.

10h 15’ sáng ngày 12/11/2007, tại sân bay Nội Bài, Ngân hàng Techcombank gửi hai kiện hàng ngoại tệ theo đường hàng không từ Việt Nam sang Singapore theo chuyến bay mang số hiệu  SQ-175 sẽ cất cánh vào lúc 13h 35’ cùng ngày. Một kiện nặng 20,6kg đựng 996.000 USD; một kiện nặng 13,9kg đựng 4.000 USD, 265.500 EUR cùng 14.998.000 JPY. Tất cả đều được đóng gói niêm phong.

Theo chức năng, Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài tiếp nhận lô hàng gửi nói trên.Thời điểm này đúng vào ca trực của Lương Quang Thắng. Thắng được giao nhiệm vụ làm nhân viên chấp nhận hàng của Đội Phục vụ hàng xuất thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài.

Công việc thường ngày của Thắng là kiểm tra hàng hóa của khách gửi, cân đong, đo đếm, xem đủ điều kiện vận chuyển thì nhận hàng cho vào trong kho xếp vào các vị trí quy định. Riêng đối với hàng gửi là hàng quý hiếm như ngoại tệ, vàng, đá quý... thì cất vào két sắt trong kho hàng.

Trở lại câu chuyện hai kiện hàng của Techcombank. Sau khi kiểm tra đầy đủ thủ tục và sau khi tiếp nhận hai kiện hàng, biết là hàng quý hiếm của Ngân hàng Techcombank, Thắng bảo nhân viên lái xe nâng hàng cẩu hai kiện hàng nói trên vào vị trí dành riêng cho hàng quý hiếm. Rồi theo đúng quy định, Thắng mở két sắt đưa hai kiện hàng vào trong.

Quan sát thấy các nhân viên làm việc trong kho không ai để ý, Thắng đã lấy một kiện hàng đóng gói số tiền 996.000 USD bê vào gian bên trong, nơi mà theo quy định là để xếp "hàng thất lạc", giấu trong một thùng các tông màu vàng rồi phủ đống vỏ hộp khác lên trên, để chờ cơ hội thuận lợi sẽ chuyển số tiền trên ra ngoài. Xong xuôi, Thắng khóa két và tiếp tục làm việc bình thường.

Một vài món đồ trong hành lý gửi của khách rất có thể "không cánh mà bay".

Khoảng 12h30’, khi làm thủ tục để xuất hàng cho chuyến bay SQ-175 đi Singapore, khi mở khóa két, các nhân viên làm nhiệm vụ ở đây mới hốt hoảng khi thấy bên trong chỉ còn 1 kiện hàng của Techcombank, còn kiện hàng kia thì đã không cánh mà bay. Không tìm thấy kiện hàng, Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài đã trình báo Cơ quan Công an.

Quá trình điều tra, tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác định được két sắt không có dấu vết cạy phá. Mà két sắt chỉ có duy nhất 1 chiếc chìa khóa do các nhân viên làm việc quản lý theo ca. Vì thế, theo nhận định của Cơ quan điều tra, việc mất kiện hàng 996.000 USD hoàn toàn liên quan đến nội bộ công ty, đặc biệt là những người có trách nhiệm đóng mở két để nhập xuất hàng. Trong đó có Lương Quang Thắng.

Trong khi các công việc điều tra đang được tiếp tục thì đến 17h30' cùng ngày, kiện hàng 996.000 USD đã được tìm thấy tại gian phòng bên trong nơi để "hàng thất lạc".Lương Quang Thắng, ban đầu khai nhận và viết bản tự khai nhận tội đã giấu kiện hàng như đã nêu trên.

Nhưng sau đó lại thay đổi lời khai cho rằng có ai đó đã giấu đi kiện hàng để làm hại mình. Cơ quan điều tra kết luận Lương Quang Thắng phạm tội  trộm cắp nhưng sau đó các cơ quan tố tụng khác đã thay đổi tội danh truy tố Lương Quang Thắng về tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Như vậy, dù thủ tục giao nhận hàng ở sân bay luôn được khẳng định là chặt chẽ nhưng việc mất mát, thất lạc hàng vẫn cứ xảy ra mà vụ thùng tiền triệu đô nêu trên chỉ là một ví dụ. Sau vụ việc tày đình này chừng 1 năm, tháng 7/2008, cũng tại sân bay Nội Bài, 2 nhân viên của Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài đã bị bắt khi dùng dao rạch một kiện hàng của khách để moi đồ.

Đó là kiện hàng thẻ điện thoại di động của một công ty gửi qua đường hàng không. Khi bốc xếp hàng, biết đây là hàng có giá trị, 2 nhân viên của Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài đã rạch kiện hàng, moi ra  1.000 thẻ điện thoại để chia nhau đem bán lấy tiền tiêu xài.

Sau khi sự việc bị phát giác, PC14 - CATP Hà Nội đã vào cuộc điều tra. Tại Cơ quan Công an, 2 nhân viên này còn khai nhận thêm một vụ trộm cắp tương tự 20 thẻ điện thoại của khách hàng xảy ra trước đó 2 tháng. Điều đó cho thấy, việc chôm đồ của khách có vẻ như thường trực trong ý thức của số nhân viên này, chỉ chờ có cơ hội thuận lợi là ra tay.--PageBreak--

Chưa hết, cũng tại sân bay Nội Bài, không chỉ rạch kiện hàng để chôm đồ mà  táo tợn hơn, có nhân viên ở đây còn vác hẳn búa, cây sắt để cậy kiện hàng gửi của khách để trộm hàng chục chiếc điện thoại di động.

Kiện hàng đã đóng gói chặt chẽ mà nhân viên làm việc trong sân bay còn dám cậy phá để lấy trộm của khách nên sẽ chẳng có gì lạ khi mà nhiều hành khách xuống sân bay, thậm chí về đến nhà mới biết cái máy ảnh, cái camera hay một vài món đồ khác trong hành lý gửi của mình đã không cánh mà bay.

Mới đây, ngày 17/7, một nhân viên làm việc trong sân bay Nội Bài đã bị bắt quả tang khi lợi dụng lúc vận chuyển hành lý ký gửi của khách, nhân viên này đã "nhanh mắt nhanh tay" móc chiếc máy ảnh trong túi đồ của khách cho vào... túi quần mình (!).

Trả lời báo chí, một lãnh đạo của Xí nghiệp Thương mại mặt đất Nội Bài thừa nhận ở những chuyến bay sử dụng các máy bay nhỏ, hàng hóa do không đóng được vào container mà để rời rồi chất lên khoang máy bay. Vì thế, nếu hành khách không khóa valy thì nhân viên vận chuyển rất dễ trộm đồ.

Nhưng quy định của sân bay rất chặt chẽ (tất cả các nhân viên ra vào sân bay đều được nhân viên an ninh kiểm tra; nhân viên làm nhiệm vụ xếp hành lý lên máy bay phải mặc đồng phục, không được mang theo bất cứ vật dụng gì) vậy thì tại sao nhân viên lại vẫn có thể chôm được đồ của khách trót lọt như những vụ việc đã kể trên? Một người am tường về chuyện "hậu trường" ở đây đã phì cười khi tôi nêu thắc mắc này.

Thì ra, câu chuyện hậu chôm đồ cũng rất tinh vi. Đó là sau khi lấy được đồ của khách trong hành lý, đám nhân viên này không dại gì mà trực tiếp mang hàng ra. Bởi nếu thế thì ngay lập tức sẽ bị bộ phận an ninh sân bay phát hiện. Họ sẽ mang ra ngoài bằng cách cách vứt hàng hóa lên các xe được sử dụng trong sân bay hoặc giấu vào những nơi mà chỉ mình họ biết, chờ thời cơ thuận lợi sẽ mang ra ngoài.

Quan điểm của lực lượng làm nhiệm vụ nhận gửi, vận chuyển hành lý của khách ở Nội Bài rất rõ ràng rằng, không bao che dung túng cho những nhân viên có hành vi sai phạm. Nhân viên mà trộm cắp của khách, tùy mức độ sẽ bị xử lý bằng cách sa thải hoặc chuyển Cơ quan Công an khởi tố, bắt giam.

Quy trình giao nhận, vận chuyển cũng được các bộ phận chức năng của sân bay hoàn thiện theo hướng chặt chẽ, không sơ hở. Các hãng hàng không cũng khuyến cáo khách hàng tự bảo vệ mình bằng cách như: không để các đồ quý hiếm trong hành lý gửi, nếu để thì phải khai báo hoặc phải khóa valy cẩn thận trước khi gửi...

Tất cả đều nhằm để hạn chế, ngăn chặn tình trạng mất đồ trong hành lý gửi của khách hàng. Tuy nhiên, đạo đức nghề nghiệp của các nhân viên mới là quan trọng. Khi phẩm chất đạo đức không đảm bảo, họ sẽ tìm cách lách được những quy định để làm điều xấu xa và việc hạn chế tình trạng nhân viên sân bay chôm đồ của khách vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết .

Xin được nhắc lại một lần nữa câu chuyện thùng tiền triệu đô. Sau khi vụ việc bị vỡ lở, Cơ quan điều tra còn phát hiện ra một tụ điểm cờ bạc ngay trong Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài mà con bạc chính là một số nhân viên ở đây, trong đó có Lương Quang Thắng, người phải chịu trách nhiệm về việc thất lạc thùng tiền triệu đô. Và, khi con bạc khát nước, điều gì sẽ xảy ra. Hậu quả chắc không cần nói ai cũng biết bởi đã có quá nhiều vụ phạm tội xảy ra khi mà con bạc cần tiền cho các cuộc đỏ đen.

Nói như Trung tá Trần Ngọc Hà, Đội trưởng Đội Điều tra trọng án Phòng PC 14 Công an Hà Nội, đơn vị đã từng tham gia điều tra một số vụ việc ở sân bay Nội Bài thì dù quy trình của sân bay có chặt mấy nhưng nhân viên không tuân thủ thì sự cố xảy ra cũng là điều dễ hiểu...

Huyền Thi
.
.