Mất nước sinh hoạt ở Hà Nội: Những chuyện dở khóc dở cười

Thứ Ba, 17/06/2014, 21:30

Thời gian gần đây, nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội xảy ra tình trạng mất nước trầm trọng. Rất nhiều hộ gia đình ở các khu vực Phùng Khoang, Trung Văn, Hoàng Mai, Định Công, Trương Định, Mỹ Đình… xảy ra tình trạng mất nước hoàn toàn trong nhiều ngày, có nơi lên đến hơn nửa tháng nay. Khi được hỏi, các bên liên quan như nhà cung cấp nước, nơi phân phối nước đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mất nước và cho đến nay, dù đã có nhiều cuộc họp và nhiều biện pháp để khắc phục song việc bao giờ có nước trở lại như thời gian trước đây vẫn đang là một dấu hỏi lớn.

Chúng tôi đã có chuyến khảo sát tại một số địa bàn mất nước và đã gặp nhiều câu chuyện đi xin nước, tìm nguồn nước sinh hoạt… “cười ra nước mắt” của người dân…

Chuyện “thật như bịa” khi mất nước

Chị Thu Hằng, nhân viên văn phòng phường Trung Văn vô cùng bức xúc khi đề cập đến câu chuyện mất nước: “Nhà tôi ở ngay mặt đường, ngay đầu nguồn nước của khu tập thể nhưng 15 ngày nay rồi chẳng có một giọt nước nào. Bể ngầm khô cong. Đêm nào hai vợ chồng tôi đi làm về cũng vọi vàng đi đón con vào nhà bà nội để ăn uống, tắm giặt rồi mỗi xe máy lại chở thêm can nước quay về nhà. Bất tiện và bất ổn vô cùng nhưng cũng không biết làm cách nào khác, chẳng lẽ bỏ nhà mà đi?

Bây giờ thay vì chở can nhiều chuyến, chúng tôi mua thùng phi rồi mượn xe bò, chồng thì kéo, vợ thì đẩy. Có hôm trời mưa, hai vợ chồng ướt hết mà vẫn phải tìm áo mưa trùm lên thùng phi vì sợ nước mưa bẩn nhỏ vào nước ăn. Hôm nào chở nước về, bơm nước vào bể ngầm xong xuôi nhìn đồng hồ cũng hơn 12 giờ đêm, mệt mỏi và uể oải nghĩ đến ngày mai và nghĩ đến cảnh tiết kiệm từng giọt nước mà hãi hùng”.

Trong khi đó, nhà ông Cảnh, tổ trưởng tổ dân phố sau nhiều ngày mất nước không chịu được đã phải gọi một xe Tec nước sạch (900 nghìn/ 6m3) để đổ đầy bể. Không dùng hết nước, ông gọi hàng xóm, nhà nhà tranh nhau từng xô nước sạch. Rồi khi hỏi về tình trạng lâu dài, ông lắc đầu: “Cũng không mua thế này mãi được. Tiền đâu ra mà mua. Lương hưu không đủ sống ấy chứ”.

Bà Mai, nhà ở Khu tập thể Viện Thiết kế thì lớn tiếng: “Ông nhà tôi ốm rồi vì thức trắng 4 đêm liền canh bơm nước mà không có lít nước nào vào bể. Già rồi mà phải thức suốt đêm thì làm sao mà chịu nổi”.

Sở dĩ có từ “canh nước” là vì các hộ dân ở các khu mất nước thay vì chờ nước tự chảy vào bể nhà mình thì họ đã lấy nguồn nước trực tiếp từ đường ống với các loại máy bơm to, nhỏ khác nhau theo lịch cấp nước của nhà cung cấp. Chẳng hạn ở khu vực Phùng Khoang có Hợp tác xã Thống Nhất, khi nước tại nhà sản xuất nước là Công ty Viwaco (thuộc Tổng công ty Vinaconex) cung  cấp nước về Hợp tác xã, Hợp tác xã sẽ phân lịch cấp nước cho các hộ dân tại các vùng theo lịch 3 ngày/ đợt chứ không cung cấp hàng ngày như trước đây. Vì vậy, để nước đầy bể nhà mình thì các hộ dân ở khu vực đầu nguồn đã tranh thủ dùng máy bơm kéo nước đầy bể nhà mình, chính vì thế, các hộ ở cuối nguồn gần như chẳng được giọt nào. Chính vì vậy mà việc canh nước thường diễn ra vào ban đêm (khi những hộ dân khác đã ngủ và không sử dụng máy bơm thì những hộ cuối nguồn mới có thể bơm nước được).

Anh Nguyên nhà ở Phùng Khoang cho hay, nhà anh có một bể nước ngầm và một bể trên tum, dùng máy bơm nước tự động để bơm lên bể trên cao. Một hôm thấy máy bơm cứ chạy mãi, ngó xuống bể ngầm thì đã cạn trơ đáy. Chờ mấy hôm chẳng có giọt nước nào chảy vào bể, mọi người đua nhau đi mua máy bơm để hút trực tiếp từ nguồn. Đầu tiên, anh mua cái máy bơm 200W, thức mấy đêm chẳng hút được giọt nào.

Đi một vòng mới thấy các nhà hàng xóm đều đầu tư máy bơm khủng (loại công suất lớn hơn). Cuối cùng anh cũng phải mua thêm cái máy 740W mà thức cả đêm cũng chỉ bơm được 200 lít. Tính ra tiền điện để bơm chỗ nước này đã là gần trăm nghìn đồng. Dẫu sao thì tiền bây giờ phải bỏ ra nhiều hay ít cũng không quan trọng bằng việc… có nước để dùng!

Hầu hết những nhà cuối nguồn, không bơm được thì phải đi tắm giặt nhờ nhà người quen, rồi tiện thể xin mấy can nước về để đánh răng rửa mặt. Có một anh chở can nước về đến nhà thì can bị rơi vỡ, nước chảy hết cả ra đường.

Người dân chia nhau từng xô nước sạch.

Chị Hương Giang, nhà ở Định Công chia sẻ: “Tôi nhớ, lần trước đại diện công ty nước sạch trả lời bản in Tài chính tiêu dùng là do mất điện tại nhà máy ở Hòa Bình, nước sẽ cấp lại bình thường vào sáng ngày hôm sau, thế mà sau bao nhiêu lâu vẫn nhỏ giọt lắm. Tôi sắp đến ngày sinh con nhưng tình trạng này chắc sẽ phải “di cư” về quê để không bị thiếu nước. Những nhà hàng xóm của chúng tôi thì đã mệt mỏi vì không bơm nước được và đã thuê người đến khoan giếng rồi xây hệ thống lọc nước và nghe nói tình hình này sẽ kéo dài đến năm sau...”.

Ông Bình, nhà ở Hoàng Mai cũng bức xúc: “Nhà bị hết nước, tôi kiểm tra thông tin thấy Giám đốc Công ty Viwaco đưa ra rất nhiều lý do. Nào là trời nắng nóng nên dân dùng nhiều, đường ống dẫn nước sông Đà hay vỡ nên phải giảm áp lực nước. Nhưng cái thông tin tôi cần nhất là bao giờ tình trạng này được giải quyết thì không thấy ông nhắc đến. Ông ấy còn nói là sẽ hỗ trợ miễn phí xe téc chở nước cho những khu vực thiếu nước. Nhưng đến bây giờ tôi chưa thấy xe téc nào của công ty nước sạch cấp cho dân cả. Thậm chí tôi hỏi mua xe téc loại 5m3 với giá 800.000 đồng/xe với điều kiện độ dài đường ống cấp từ xe tối đa là 30m. Thế có nghĩa là những nhà trong ngõ sâu sẽ không mua được. Bể nhà tôi chỉ chứa được 3m3 phần còn lại cho hàng xóm. Hôm đó nhà tôi đông như hội, mọi người tập trung mang thùng xô đi hứng nước, tranh giành ầm ĩ, chẳng khác gì thời bao cấp.

Chị Liên ở đường Trung Văn cũng trong tình trạng tương tự: “Nhà tôi đối phó bằng cách đi ăn tiệm, nhưng ăn liên tục 7 ngày cả nhà chán quá rồi, vừa tốn tiền, vừa bất tiện. Một vấn đề nữa là ăn xong về không có nước tắm thì khó chịu lắm. Vợ chồng chỉ dám lau người, nhưng còn các cháu nhỏ chịu không nổi. Hai vợ chồng đều là người ngoại tỉnh, chẳng có họ hàng ở Hà Nội nên không biết đi đâu tắm nhờ. Có hôm cả nhà kéo nhau thuê phòng ở nhà nghỉ để… tắm. Khi trả phòng, chủ nhà nghỉ lấy thêm tiền nước vì cái tội… tắm, do nhà nghỉ khu vực đó cũng cùng chung số phận hết nước”.

Anh Dũng ở khu vực Thanh Xuân đầy lo lắng: “Nhà tôi đông người, họ hàng thì ở xa. Nhà ở trong ngõ nên không thể mua được xe téc. Có hôm bí quá tôi phải thuê xe thương binh, mua tấm bạt vào trải trong thùng xe rồi đến nhà người bạn gần đó để xin nước. Tính ra mỗi chuyến xe mất 100.000 đồng mà chỉ chở được 400 lít nước, may mà vẫn còn chỗ để mà xin. Nhưng dùng nước thì khổ sở: nước rửa rau xong giữ lại để dội toilet, mà rau thì cũng chỉ dám mua những loại củ quả, rửa tốn ít nước. Tắm, rửa mặt quy định một chậu nước và phải cố gắng giữ lại để “tái sử dụng” giội toilet...”.

Tình trạng khan hiếm nước đã lan dần ra nhiều địa phận khác trong khu vực các hộ dân dùng nước của Nhà máy nước sông Đà. Chị Hằng ở khu đô thị Mỹ Đình cũng chia sẻ. “Hôm nay chung cư thông báo mất nước từ 8 giờ đến 17 giờ, tôi lo lắm. Ở nhà đất thì còn chạy đi xin được chứ ở chung cư thì không biết đi xin ở đâu. Chẳng nhẽ lại mua thùng đựng nước rồi đặt ở trong nhà”. Anh Ngọc Anh ở khu tái định cư Nam Trung Yên gương mặt đầy âu lo: Ban quản lý chung cư đã thông báo tình hình thiếu nước và yêu cầu các hộ dân dùng nước tiết kiệm. Hiện tại ban ngày không có nước, các hộ dân phải hứng nước từ buổi đêm để sử dụng dần.

Lý giải tình trạng mất nước kéo dài trong những ngày qua, ông Nguyễn Anh Việt - Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwaco) cho biết, nguyên nhân chính là trong những ngày qua, Nhà máy nước sạch sông Đà (Hòa Bình) đã xảy ra sự cố mất điện một vài lần nên nhà máy nước không hoạt động được. Khi có điện, để khởi động cho nhà máy nước hoạt động cũng phải mất một thời gian nhất định.

Mặt khác, do nhu cầu dùng nước mùa hè của người dân tăng cao (tăng từ 10% - 15% so với trước đây), thậm chí trong những ngày nắng nóng vừa qua nhu cầu sử dụng của người dân tăng đột biến lên đến 40%. Ngoài ra, do áp lực nước trong tuyến ống bị giảm từ 2,53kg/cm2 xuống còn 2,1kg/cm2. Chính vì vậy không đẩy được nước đi nhanh mặc dù nước trong ống vẫn có, còn những hộ ở xa nước chảy rất yếu, thậm chí không có.

Các nhà chức trách lên tiếng

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội trả lời báo giới cho biết, công tác cấp nước sạch mùa hè năm nay trên địa bàn thành phố trong điều kiện hết sức khó khăn như việc nguồn nước ngầm tiếp tục bị suy giảm, thời tiết diễn biến bất thường, mới đầu hè nhưng đã có những đợt nắng nóng kéo dài. Trong khi nhu cầu sử dụng nước năm nay dự kiến tăng 3 - 5%. Riêng nguồn nước sông Đà cung cấp cho nội đô khoảng 56.000m3/ngày đêm, nhưng nguồn nước này lại đang có khả năng xảy ra các sự cố như vỡ đường ống, phải giảm áp suất… vì vậy ảnh hưởng rất lớn đến tình hình cung cấp nước trên địa bàn ở nhiều quận, nhiều khu vực.

Trước tình trạng thiếu nước trầm trọng này, ngày 27/5, Công ty nước sạch Vinaconex (Viwasupco) đã đề xuất đầu tư tuyến ống thứ 2 dẫn nước từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội để giảm áp lực cho đường ống hiện tại. Theo Viwasupco thì hiện áp lực nước trong đường ống hiện tại đã đến ngưỡng, nếu tăng lên sẽ xảy ra vỡ ống. Vì vậy, biện pháp duy nhất hiện nay là phải đầu tư tuyến đường ống thứ hai để giảm áp lực.

Đề xuất này đã được Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đồng tình và đề nghị Viwasupco khởi công dự án ngay trong tháng 6. Hiện Viwasupco đã lập dự án đầu tư 10 km từ nút Hòa Lạc đến sông Tích. Trong đó, thành phố sẽ hỗ trợ chênh lệch lãi suất theo cơ chế hiện hành. Đồng thời lưu ý, nếu Tổng Công ty Vinaconex không làm thì thành phố sẽ giao cho đơn vị khác. Trong quá trình triển khai dự án nếu có vướng mắc báo cáo thành phố xem xét, giải quyết.

Đồng thời, Phó Chủ tịch TP Hà Nội cũng yêu cầu các công ty cấp nước khắc phục ngay tình trạng thiếu nước ở thủ đô hiện tại. Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) được yêu cầu đấu tăng cường 3 điểm cấp nước trực tiếp vào các khu Đại Kim, Bùi Xương Trạch, phía tây đường Giải Phóng. Viwaco và quận Thanh Xuân thi công ngay đường ống qua phố Tôn Thất Tùng kéo dài để cấp nước cho phường Định Công. Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội được yêu cầu khai thác tối đa mạng nước ngầm để hỗ trợ Viwaco, nhất là các khu vực thuộc các quận Cầu Giấy, Đống Đa…

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã đề xuất với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đầu tư 1.184 tỉ đồng cho đầu tư xây dựng tuyến ống cấp nước sông Đà giai đoạn II và hy vọng trong tương lai không xa thì việc đi xin từng lít nước và chờ đợi trắng đêm từng giọt nước sạch nhỏ vào bể nhà mình sẽ không còn tái diễn.

Theo như những nhà chức trách liên quan khẳng định thì tình trạng thiếu nước sẽ giảm đáng kể trong thời gian ngắn nhất tới đây. Hy vọng rằng, điều này sẽ lấy lại được niềm tin cho nhân dân bởi nói như ông Cường nhà ở Phùng Khoang, người dân đã phải vất vả kiếm ăn từng bữa rồi, mà kiếm ăn là việc của người ta, chẳng dám kêu ca gì, bây giờ lại phải lo kiếm… nước từng bữa nữa thì khổ quá

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.