Mặt tối của kỹ nghệ nhạc POP châu Á

Thứ Tư, 17/02/2016, 16:55
Trong suốt nhiều thập niên, các ngôi sao nhạc pop trẻ tuổi của Nhật Bản và Hàn Quốc luôn là niềm đam mê và thèm muốn của giới trẻ. Nhưng đằng sau vầng hào quang quyến rũ, kỹ nghệ nhạc pop nằm dưới sự điều hành bằng bàn tay sắt của những công ty quản lý.

Mới đây, hai vụ xin lỗi người hâm mộ từ ban nhạc nổi tiếng Nhật Bản SMAP và ngôi sao Đài Loan Chou Tzuyu (Chu Tử Du), thành viên ban nhạc nữ Hàn Quốc Twice thuộc Công ty JYP Entertainment, đã phơi bày ra ánh sáng mặt tối của kỹ nghệ nhạc pop.

J-Pop (Nhật Bản) và K-Pop (Hàn Quốc) là 2 nền kỹ nghệ trị giá hàng tỷ USD, song phần đông các ngôi sao lại sống nhờ lương và không kiếm được quá nhiều tiền như người ta vẫn tưởng. Ngoài ra, họ còn bị ràng buộc bởi những quy định cực kỳ khắt khe nếu muốn trở thành "thần tượng".

Ban nhạc nam SMAP.

Ví dụ ở Nhật Bản, nhiều ngôi sao ca nhạc không được phép hẹn hò và muốn cưới xin phải có sự cho phép từ nhà quản lý! Điều khoản "không hẹn hò" trong bản hợp đồng đã khiến một số ngôi sao bị kiện vì vi phạm hợp đồng.

Cách đây 2 năm, Minami Minegishi của ban nhạc nữ nổi tiếng Nhật Bản AKB48 đã cạo trọc đầu và nước mắt đầm đìa trên YouTube khi thú nhận tội vi phạm những quy định của công ty quản lý sau khi qua đêm với bạn trai. Trưởng ban châu Á tạp chí Billnoard Magazine ở thành phố Tokyo (Nhật Bản) Rob Schwart cho biết "không ai nghe nói ở phương Tây các công ty quản lý tài năng kiểm soát đời tư của ngôi sao".

Theo Rob Schwart, tình trạng này diễn ra vào thập niên 40 thế kỷ trước ở Mỹ khi các studio điện ảnh kiểm soát chặt chẽ các ngôi sao song họ chỉ khuyên "không hẹn hò hay lập gia đình" mà không hề ép buộc. Ở Hàn Quốc, các ngôi sao được hẹn hò và lập gia đình công khai hơn ở Nhật Bản, song các công ty quản lý vẫn can thiệp rất sâu vào cuộc sống hàng ngày của họ.

Các thành viên nhóm nhạc nữ AKB48.

Chuyên gia về kỹ nghệ K-Pop Mark Russell nói: "Họ rất bận tâm đến đội ngũ tài năng ca nhạc một phần cũng do vài vụ bê bối bị phanh phui trong thập niên 90. Những quy định được thể hiện trên bức tường trong công ty quản lý để nhắc nhở mọi người về cách hành xử". Bàn luận về chính trị cũng là một trong những điều cấm kị.

Mới đây thôi, tốc độ lan truyền hình ảnh Chu Tử Du vẫy quốc kỳ Đài Loan trong một chương trình ở Hàn Quốc đã bị người Trung Quốc phản đối kịch liệt, cho rằng cô gái 16 tuổi này ủng hộ một Đài Loan độc lập. Chu Tử Du đã làm bùng nổ sự giận dữ tại Đài Loan, vì nhiều người coi hành động đó là sự sỉ nhục không chỉ riêng cho nữ ca sĩ mà còn cả Đài Loan.

Chu Tử Du xin lỗi trong một video.

Đã có cuộc bàn luận kín đáo về vụ bê bối có thể ảnh hưởng đến tiếng tăm công ty JYP Entertainment và Chu Tử Du đã bị ép buộc phải công khai xin lỗi. Không lâu sau đó ở Nhật Bản, các thành viên ban nhạc nam đã bước vào tuổi 40 SMAP - tất cả đều mặc đồ màu đen xuất hiện trên truyền hình - cúi gập người xin lỗi công chúng. Tội của họ là có ý định rời khỏi Công ty Johnny & Associates.

Lời xin lỗi của họ không chỉ dành cho những người hâm mộ (trước tin đồn họ có ý định giải tán) mà còn cho cả người thành lập và Chủ tịch công ty - Johnny Kitagawa, 84 tuổi, một trong những nhân vật quyền lực và gây tranh cãi nhất trong kỹ nghệ giải trí Nhật Bản. Người ta đồn đại nhà quản lý ban nhạc Michi Iijima quyết định tách khỏi Johnny & Associates để thành lập công ty riêng và đã lôi kéo 4 thành viên SMAP đi theo.

Minami Minegishi.

Vụ xin lỗi của SMAP được tờ Nikkan Gendai của Nhật đưa lên trang đầu. Nhiều người nhìn thấy sự giống nhau giữa các thành viên SMAP và nhân viên cổ cồn trắng Nhật Bản - những người không thể không vâng lời chủ nhân của họ. Điều đặc biệt ở Nhật Bản là giới truyền thông luôn e ngại quyền lực của các công ty giải trí hùng mạnh như Johnny & Associates.

Trong khi đó ở Hàn Quốc, không có công ty giải trí nào sử dụng bàn tay sắt với giới truyền thông, nhưng Russell cho rằng "luôn tồn tại sự tấn công qua lại giữa các công ty và giới truyền thông".

Di An (tổng hợp)
.
.