Máu đổ trên vương quốc đông trùng hạ thảo

Thứ Tư, 25/07/2012, 09:30

Khi giá trị được quy đổi bằng vàng, vị thuốc được mệnh danh "Viagra của Himalaya" đã khiến cho hàng ngàn số phận trên dãy Himalaya điên  đảo vì cơn lốc kiếm tiền. Nhiều người dân Ấn Độ và Nepal đã đổi đời nhanh chóng, nhưng nhiều gia đình cũng lụn bại vì bệnh tật, thậm chí mất mạng trong các cuộc chiến tranh giành đông trùng hạ thảo… Lời khuyến cáo của Đức Phật từ ngàn xưa đã hiển thị uy lực với những kẻ chìm đắm trong tham sân si.

Tiền, bệnh tật và… máu

Prem Singh là cư dân 24 tuổi ở làng Bemni, tọa lạc trên độ cao 3.000m vùng giáp ranh Ấn Độ và Tây Tạng. Prem đã bỏ ra 2 tuần ròng rã trên những cánh đồng tuyết để tìm kiếm đông trùng hạ thảo. Trong chuyến đi dài của mình, anh mang theo gạo, bột mì và ngô trên lưng, cắm trại trong hang đá trên đường, thậm chí dựng trại cả ở độ cao trên 5.000m. Trong 3 ngày đầu, Prem không kiếm được thứ gì, nhưng những ngày sau đó thật tuyệt vời. Prem trở lại làng Bemni với 200 cây đông trùng hạ thảo chứa trong một lọ đựng đường cũ kỹ. Prem đã dùng số tiền bán đông trùng hạ thảo để dựng một ngôi nhà 2 tầng nổi bật trên nền đá xám của  làng.

Loài nấm hiếm được mệnh danh là "Viagra của Himalaya" đã thay đổi nền kinh tế địa phương. Người dân phía Bắc Ấn Độ gọi nó là kira jari. Ở vùng Tây Tạng, nó có tên yarsagumba. Tên gọi “đông trùng hạ thảo” xuất phát từ quan sát thực tế khi thấy vào mùa hè một loài nấm có tên Cordyceps Sinensic mọc chồi từ đầu con sâu mà nó sống ký sinh nhô lên khỏi mặt đất. Vào mùa đông, cặp cá thể này giống sâu (côn trùng) còn đến mùa hè chúng trông giống một loài thực vật. Loài nấm này phân bố rộng ở châu Á và châu Úc, với trung tâm đa dạng là vùng Đông Á bao gồm các cao nguyên cao từ 4.000 đến 5.000m so với mực nước biển…

Trong suốt 5 năm qua, người dân Ấn Độ sống trên dãy Himalaya đã đi hái đông trùng hạ thảo bán cho các lái buôn địa phương. Tiếp đó, vị thần dược này sẽ qua tay các khâu trung gian để tới Delhi, rồi từ đó tới Nepal và Trung Quốc. Giá bán ngay tại làng của mỗi cây đông trùng hạ thảo là 150 rupi (tương đương 3 USD), cao hơn tiền lương trung bình của một ngày lao động. Nhiều người có thể tìm được tới 40 cây mỗi ngày. Chính vì vậy, đi tìm đông trùng hạ thảo hiện được coi như lao vào cuộc chiến đào vàng trên dãy Himalaya.

Với thu nhập hấp dẫn, đông trùng hạ thảo đã trở thành đề tài tâm điểm đối với  dân làng Bemni. Những thanh niên của ngôi làng nhỏ trên núi vốn đã tỏa đi khắp các đô thị lớn ở Ấn Độ làm đủ thứ nghề, nay trở về quê để thử vận may. Kể từ năm 2007, mục tiêu của họ không còn là các thành phố lớn mà là các thảo nguyên trên độ cao 5.000m.

Những thảo nguyên rộng lớn trên dãy Himalaya nay trở thành những thị trấn nhỏ tràn ngập những căn lều, bếp lửa và dây phơi quần áo. "Tại sao tôi phải tới Delhi làm việc trong một khách sạn  khi tại đây số tiền tôi kiếm được trong vòng 2 tuần bằng làm 2 năm ở Delhi?" - Prem nói.

Nhưng nhiều dân làng đã trở về trắng tay sau hàng tuần vùi mình trên những cánh đồng tuyết trên cao. Nhiều người trong số họ đã đổ bệnh.  Tìm đông trùng hạ thảo có nghĩa là họ phải nằm sấp xuống nền tuyết lạnh, dùng tay đào bới trong tuyết và đá vụn, tìm kiếm một thứ chẳng lớn hơn cuống trái táo. Trong môi trường giá lạnh như vậy, cộng thêm những cơn gió mạnh quất trên lưng, phổi của họ rất dễ nhiễm bệnh. Mọi người thường trở về làng với bệnh mù tuyết, đau khớp xương và bệnh hô hấp. Một người dân trong làng mới chết gần đây vì sốt độ cao. Một người khác rơi vào khe băng, kẹt trong đó suốt 13 ngày và chỉ tồn tại bằng những giọt nước tan ra từ băng rồi mới được dân làng cứu.

Để tìm được đông trùng hạ thảo, họ phải bò rạp trên đất lạnh, đào qua lớp tuyết và đá vụn.

Ngành công nghiệp khai thác đông trùng hạ thảo cũng đem đến những kẻ thù. Có hai khu làng nằm tại khu vực có thể tiếp cận thảo nguyên nằm trên cao, nơi đông trùng hạ thảo sinh trưởng rất nhiều. Dân làng tại đây đã phải mang theo súng trong những chuyến tìm đông trùng hạ thảo.

Bên cạnh đó, quy định của pháp luật lại ràng buộc chặt chẽ: khai thác đông trùng  hạ thảo thì hợp pháp, nhưng bán chúng thì lại là phi pháp. 2 năm trước, một kẻ lừa đảo tới làng Bemni và hứa hẹn với mọi người là sẽ bán được đông trùng hạ thảo với giá rất tốt, sau đó gã biến mất với hàng hóa của dân làng. Vì đông trùng hạ thảo là một phần của thị trường đen, dân làng bất lực không thể khai báo với cảnh sát.

Lời khuyến cáo của Đức Phật

Ở một phía khác của dãy Himalaya, tại một ngôi làng thanh bình của những tín đồ Phật giáo giáp biên giới Nepal và Tây Tạng, đông trùng hạ thảo cũng đã đem tới sự náo loạn, tội phạm và giết người.

Khi màn đêm buông xuống ngôi làng Humde, Sangay Gurung và vợ quây quần bên bếp lửa, chuẩn bị cho bữa cơm tối. Ông tiết lộ với khách là có thể bán cho họ một ít đông trùng hạ thảo do con trai mình kiếm được.

Tuy bán, nhưng ông không vui vẻ lắm. "Chúng tôi tin là sẽ có tội khi buôn bán đông trùng hạ thảo. Theo văn hóa Phật giáo, chúng tôi không được đào chúng. Ông tôi đã dặn tôi điều đó và tôi tuân thủ nghiêm chỉnh. Hiện giờ tôi đã 53 tuổi và không bao giờ đào đông trùng hạ thảo. Nhưng thế hệ trẻ thì khác, chúng không tin vào tội lỗi hay tôn giáo - Sangay nói.

Trong suốt 500 năm qua, đông trùng hạ thảo được tôn vinh như một thứ thần dược tăng cường sinh lý ở Trung Quốc. Tại Trung Quốc, đông trùng hạ thảo được sử dụng như một loại thuốc tăng cường sinh lực. Vận động viên cũng sử dụng chúng như một loại thuốc tăng cường khả năng thi đấu. Theo các ghi chép về đông dược cổ, đông trùng hạ thảo là một vị thuốc bồi bổ hết sức quý giá, có tác dụng tích cực với các bệnh như rối loạn tình dục, thận hư, liệt dương, di tinh, đau lưng mỏi gối, ho hen… Một số nghiên cứu hiện đại chỉ ra rằng đông trùng hạ thảo có tác dụng tăng cường công năng của tuyến thượng thận, cải thiện chức năng thận, nâng cao năng lực miễn dịch, kháng khuẩn, kháng virus, chống ung thư và phóng xạ… Nó được tìm thấy ở những thảo nguyên trên dãy Himalaya trên độ cao 3.500m, và thường được khai thác vào đầu mùa xuân trước khi những cơn mưa mùa hè đổ xuống.

Mỗi năm, hàng trăm lái buôn Tây Tạng lén lút vượt qua biên giới Nepal để mua đông trùng hạ thảo từ các dân làng và bán sang Trung Quốc. Mỗi kilogam có thể lên tới 10.000 USD. Điều đó có nghĩa là đông trùng hạ thảo trở thành cơ hội đổi đời lớn nhất ở địa phương heo hút này, vốn không có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế. Cơ hội này hấp dẫn đến độ chính quyền địa phương đã phải áp dụng một hệ thống cấp phép đối với những ai muốn đào đông trùng hạ thảo. Tại một số nơi, giấy phép có giá rất cao đối với những ai không phải là cư dân bản địa. Ở những vùng khác, người ngoài bị cấm hoàn toàn.

Vào tháng 6/2009, 7 người đàn ông từ vùng Gorkha, một khu vực nằm dưới thấp ở Nepal, tìm đến vùng núi cao thuộc địa bàn của làng Nar để đào đông trùng hạ thảo. Dân làng Nar đã dùng gậy và dao để hành hung những kẻ lạ mặt, thi thể của các nạn nhân bị ném xuống khe suối sâu. Cảnh sát đã phải điều một lực lượng lên tới hơn 80 người để giải quyết vụ việc. "2 thi thể đã được tìm thấy một cách rất khó khăn và cảnh sát phải dùng dây để đưa họ lên. 5 nạn nhân khác không thể tìm thấy thi thể", Nal Prasad Upadhay, sĩ quan cảnh sát phụ trách vụ việc thuật lại. 36 dân làng Nar đã bị bắt và chờ phán quyết của tòa án.

Và bi kịch lại xảy ra đối với chính những thủ phạm. Vì hầu hết trai tráng và thanh niên trong làng đã bị bắt, chẳng có ai đứng ra để lo cho gia đình. "Đất đai của chúng tôi bây giờ bị bỏ hoang. Chẳng có ai làm đất trên những cánh đồng nên chúng tôi chẳng thể trồng trọt gì suốt 2 năm qua", Samma Tsering, một phụ nữ có anh trai bị bắt kể lại.

Công việc hàng ngày của cô hiện nay là đi đưa cơm cho người anh trong tù. Vùng núi này nghèo đến nỗi không đủ chỗ giam giữ cho tù nhân, và họ phải sống trong những cơ sở giáo dưỡng, và tồn tại bởi thực phẩm được tiếp tế từ chính người thân.

Một mùa thu hoạch đông trùng hạ thảo lại sắp bắt đầu, và hàng trăm dân làng lại chuẩn bị túa ra những sườn núi hy vọng tìm kiếm cơ hội đổi đời. Nhưng đối với nhiều cư dân ở đây, đông trùng hạ thảo không phải là một lời chúc phúc, mà chính là một lời nguyền. Họ luôn luôn bị ám ảnh bởi những lời khuyến cáo của Đức Phật: đông trùng hạ thảo chẳng đem lại gì cả, ngoài sự đen đủi

V.Đ. (tổng hợp từ BBC)
.
.