Máy đọc suy nghĩ
Các nhà nghiên cứu quả quyết rằng máy quét ảnh cộng hưởng từ có khả năng khảo sát được hoạt động của não - tiết lộ mọi thông tin từ việc lúc nào bạn nói dối cho đến bạn bị tiếng sét ái tình như thế nào - trong khi những người chỉ trích phản đối rằng, việc sử dụng máy đọc suy nghĩ của người khác là hành động vội vã, và cần có sự cân nhắc kỹ trước khi áp dụng.
Tại phòng thí nghiệm của Trường đại học Vanderbilt, Frank Tong - nhà khoa học về thần kinh - đang ngồi trước một dãy màn hình nhìn chăm chú vào những hình ảnh thể hiện suy nghĩ của một người đàn ông.
Phía bên kia căn phòng là một người đang nằm trong máy quét ảnh cộng hưởng từ (fMRI), màn hình nhỏ bên trên mắt người này lóe lên một hình ảnh gì đó chưa rõ - chim bồ câu hoặc chim cánh cụt - cho đến khi máy fMRI phát ra sóng năng lượng từ cường độ cao xuyên qua sọ của anh ta.
Lúc này trên màn hình của Tong xuất hiện một chuỗi hình ảnh các mặt cắt trắng đen của bộ não với những dao động nhỏ ở vùng sáng thể hiện vùng tăng vận động. Mảng điểm ảnh trên màn hình mang dáng dấp một con chim nhưng vẫn chưa rõ nét.
Tong chưa thể xác định người đàn ông kia đang nghĩ gì qua hình ảnh các neuron đang nhảy múa đó. Do vậy, Tong lấy dữ liệu từ máy quét đem về phòng thí nghiệm và cho chạy lại qua phần mềm xử lý của ông. Một lúc sau Tong có kết quả: chủ thể của ông đang nghĩ về con chim cánh cụt.
Tong cho biết: “Cho tới thời điểm này thì khả năng của chúng tôi trong việc đoán một người đang nghĩ gì chưa đạt đến độ chính xác tuyệt đối. Nhưng nếu có thể tiếp cận được từng neuron thần kinh và có thời gian đủ để phân tích dữ liệu, chúng tôi có thể xác định được từng chi tiết sự kiện mà đối tượng đang nghĩ đến hoặc nhìn thấy”.
Điều này nghe như Frank Tong đang gỡ từng viên gạch trên bức tường ngăn cách giữa thế giới bên ngoài và bên trong cuộc sống của chúng ta. Và ông không đơn độc trong cuộc khám phá này.
Trong thập niên trước, nhiều nhà khoa học đã thử dùng nhiều cách để tìm hiểu não phản ứng ra sao với sự sợ hãi, đương đầu với nguy hiểm, tình cảm và những tiến trình khác. Nếu họ đúng, thì đến một ngày nào đó - chính phủ, người sử dụng lao động và thậm chí người yêu của bạn - có thể dùng công nghệ này để xác nhận bạn có phải là công dân gương mẫu, nhân viên tiềm năng hay là người bạn đời tin cậy hay không.
Tuy nhiên, người chỉ trích thì cho rằng máy đọc suy nghĩ sẽ xâm hại đời tư của bạn. Câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để bảo vệ bạn khỏi những rắc rối khi mà người ta có cách khác để biết suy nghĩ của bạn trong khi bạn không muốn nói hoặc từ chối trả lời?
Về mặt cơ bản, công nghệ có liên quan tới fMRI đã xuất hiện từ vài thập niên gần đây được cải tiến bằng cách phát triển tính chất tinh vi trong việc sử dụng. Trong từ trường khổng lồ, máy quét fMRI phát ra các trường công suất cao để tương tác với những photon bên trong cơ thể người được tiến hành kiểm tra.
Các phân tử hemoglobin trong hồng huyết cầu biểu hiện từ tính khác nhau tùy thuộc vào phân tử ôxy mà chúng mang. Do các vùng não cần nhiều ôxy để hoạt động nên máy quét fMRI có thể xác định được vùng não nào hoạt động mạnh nhất vào thời điểm kiểm tra.
Điều này tương quan với kiến thức về giải phẫu học hiện có của chúng ta về các chức năng của bộ não, và khi hiểu biết của chúng ta về những chức năng này được nâng cao thì dữ liệu về hình ảnh thần kinh càng chính xác hơn.
Với fMRI, các nhà nghiên cứu có thể thấy mọi diễn biến bên trong bộ não theo thời gian thực mà không làm tổn hại tới chủ thể.
Vào thập niên trước, các nghiên cứu về bộ não có liên quan với khả năng đáng kinh ngạc của fMRI đã nâng cao đáng kể sự hiểu biết của khoa học thần kinh về hoạt động của trí óc.
Một số thí nghiệm đã cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa các hoạt động của hệ thần kinh chúng ta và cách chúng ta lĩnh hội về chức năng của nó. Feroze B. Mohamed, một phó giáo sư ngành X-quang tại Trường đại học Temple (Philadenphia, Mỹ), thực hiện một thí nghiệm trong đó ông hướng dẫn các đối tượng bắn súng và trả lời sai các câu hỏi về sự việc rồi khi đang kiểm tra bằng fMRI.
So sánh kết quả với những người thành thật trả lời là đã không khai hỏa thì thấy hoạt động ở nhiều vùng não tăng gấp 2 lần - bao gồm những vùng có liên quan trí nhớ, phán quyết, hoạch định... Phát hiện này cho thấy khi nói dối thì não phải vận động nhiều hơn khi nói thật.
Sau sự kiện 11/9, khả năng của fMRI dùng để nhận ra kẻ nói dối đã được Chính phủ Mỹ đặc biệt quan tâm như là cách đáng tin để moi thông tin từ những nghi can trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Học viện kiểm toán quân sự (thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ) tại Căn cứ Jackson đã tài trợ cho hơn 20 dự án nhắm vào việc phát triển máy phát hiện nói dối cải tiến. DARPA, trung tâm nghiên cứu vũ khí công nghệ cao của Lầu Năm Góc, cũng nhảy vào lĩnh vực fMRI.
Bên cạnh đó, giới kinh doanh cũng đang mong đợi các ứng dụng dân sự của fMRI.
Năm 2006, một công ty ở California có tên là No Lie MRI - tiến hành một nghiên cứu do DARPA tài trợ - đã bắt đầu chào hàng các dịch vụ phát hiện nói dối với chi phí là 10.000USD cho việc quét não để xác minh đối tượng có nói thật hay không.
Một trong số khách hàng đầu tiên của công ty này là nghi can trong vụ hỏa hoạn muốn chứng minh sự vô tội của anh ta. Ngoài ra còn có hơn 100 khách hàng tiềm năng khác tỏ ra quan tâm dịch vụ này.
Từ năm 2001, vài công ty khác tại Mỹ cũng đã chào hàng dịch vụ giải mã suy nghĩ để phục vụ quyền lợi của giới kinh doanh, đi tiên phong là Viện khoa học tư duy BrightHouse ở Atlanta.
Các hội bảo vệ người tiêu dùng lo ngại rằng nhiều công ty sẽ sử dụng fMRI như một công cụ thầm lặng cho những chiến dịch tiếp thị của họ.
Năm 2004, giám đốc điều hành Commercial Alert, một tập đoàn được sáng lập bởi Ralph Nader, đã gởi thư đến ủy ban Thượng viện Mỹ về quản lý thương mại giữa các tiểu ban để báo động rằng các nhà tiếp thị đang sử dụng fMRI “không phải để chữa bệnh mà với thăm dò khách hàng vì mục đích riêng...”