Thiếu tướng, Nhà văn Hồ Phương:

“May mắn làm sao ông trời vẫn để quên tôi”

Thứ Hai, 16/05/2011, 09:25

Có lẽ, so với các đồng nghiệp cùng thế hệ ông là nhà văn quân đội duy nhất "còn sót lại" trên dương thế vào thời điểm này. Ông là một nhân chứng sống khi may mắn trải qua hai cuộc chiến tranh của dân tộc trong những năm dài chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Có lẽ, so với các đồng nghiệp cùng thế hệ ông là nhà văn quân đội duy nhất "còn sót lại" trên dương thế vào thời điểm này. Ông là một nhân chứng sống khi may mắn trải qua hai cuộc chiến tranh của dân tộc trong những năm dài chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương tuổi đã ngoài tám mươi nhưng những kỷ niệm về phần đời linh thiêng của người lính cầm súng và người lính cầm bút đã không ngừng thôi thúc, để đến giờ, ông vẫn miệt mài cày cuốc, cặm cụi trên cánh đồng chữ mong ra đời một tác phẩm về thời khói lửa đầy ám ảnh.

Nhà ông ở là khu tập thể Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội, diện tích 70m2 xây 4 tầng, khang trang. Trước nhà là mảnh sân với những chậu hoa tươi. Đường đủ rộng để ôtô đỗ cửa. Trước đây trong chiến tranh chống Mỹ và ngay cả sau khi thống nhất đất nước, nói đến  nơi này người dân thủ đô không ai không ái ngại, vì nổi tiếng là vùng "đất dữ", thậm chí nếu không có việc gì thì không ai muốn đi qua đó, nhưng qua thời gian giờ đã là khu đất vàng.

Phóng viên (PV): Chào nhà văn Hồ Phương, quả thật tôi rất lấy làm ngạc nhiên, làm sao một nhà văn quân đội với cấp hàm thiếu tướng và nổi như ông lại ở nơi này. Sao ông không ở “Phố nhà binh” - Lý Nam Đế như nhiều vị tướng lĩnh khác của quân đội mà lại là tập thể Nam Đồng, nơi mà trước đây… 

Nhà văn Hồ Phương: Khét tiếng "quân khu" hay đánh nhau có tổ chức chứ gì?! Hồi chiến tranh chống Mỹ đến mãi những năm sau chiến tranh nói đến tập thể Nam Đồng là người ta nghĩ ngay đến những tay anh chị giang hồ, những đứa trẻ hiếu chiến, sẵn sàng gây gổ đánh nhau, thậm chí nhiều đứa phải ngồi tù vì đánh người và đi cướp, rồi cả chuyện người dân đói khổ, nhếch nhác và nhiều tệ nạn khác cũng ở nơi này…

PV: Vâng, đúng thế. Làm sao mà ông lại sống ở nơi này trong suốt mấy chục năm?!

Nhà văn Hồ Phương: Khét tiếng "quân khu" hay đánh nhau có tổ chức chứ gì?! Hồi chiến tranh chống Mỹ đến mãi những năm sau chiến tranh nói đến tập thể Nam Đồng là người ta nghĩ ngay đến những tay anh chị giang hồ, những đứa trẻ hiếu chiến, sẵn sàng gây gổ đánh nhau, thậm chí nhiều đứa phải ngồi tù vì đánh người và đi cướp, rồi cả chuyện người dân đói khổ, nhếch nhác và nhiều tệ nạn khác cũng ở nơi này…

PV: Vâng, đúng thế. Làm sao mà ông lại sống ở nơi này trong suốt mấy chục năm?!

Vợ chồng nhà văn Hồ Phương.

Nhà văn Hồ Phương: Điều cô vừa nói cũng là điều mà tôi ấp ủ trong suốt một thời gian dài. Phố Lý Nam Đế mà sau này người ta gọi là phố nhà binh ấy là dành cho các sĩ quan quân đội từ cấp tá trở lên, còn khi về đây tôi chỉ mới cấp úy thôi.

Vừa rồi tôi vẫn đang tiếp tục viết vì nghĩ rằng mình vẫn còn vốn sống về chiến tranh. Cuộc đời bây giờ cũng nhiều chuyện đáng viết lắm chứ nhưng "bọn trẻ" đang hăng, muốn xông vào đề tài thời sự, xã hội thì cứ để chúng làm, mình còn chuyện cũ thì viết cho nó hết.

PV: Ông sẽ viết chuyện gì trong chiến tranh?

Nhà văn Hồ Phương: Tôi viết câu chuyện không phải đâu xa mà chính khu vực này, khu tập thể Nam Đồng, ngày xưa gọi là khu Gia binh. Tôi viết về những người vợ lính trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. Những người vợ có chồng đi B, có người thì trở về, cũng có người thì biền biệt và không bao giờ trở về nữa. Khu này khi đấy rất nhiều cô ở vùng nông thôn đến, còn cũng có một số tiểu thư khuê các Hà Nội làm vợ bộ đội về đây sinh sống như những cô gái nông thôn, trong đó có vợ tôi.

Lúc đó những người phụ nữ như người chủ gia đình. Nghĩa vụ của xã hội, thành phố, gia đình đổ hết lên đôi vai gầy guộc của những người vợ tần tảo. Với đồng lương eo hẹp, cuộc sống hết sức cực khổ, các cô gái Hà Nội đã phải bán những bộ quần áo đẹp nhất, bán hết cả vòng xuyến, khuyên tai để nuôi con. Nhưng bán hết của hồi môn vẫn không đủ nuôi con ăn học nên đã phải nhận công việc rất nguy hiểm.

Nhà tôi khi ấy là dược sĩ, khi sản xuất thuốc phải vào những phòng độc, theo quy định phòng sản xuất rất độc hại nên mọi người không được vào nhiều. Công nhân viên phải thay phiên nhau, mỗi lần vào phòng độc thì tiền sẽ được gấp đôi, gấp ba. Trong suốt những năm tôi đi chiến trường ở trong Nam cho đến khi ra Bắc, tôi không giúp gì được nhà tôi, vì bộ đội sống chủ yếu bằng phụ cấp không đủ nuôi mấy đứa con. Nhà tôi âm thầm giấu tôi, người ta một tuần một lần vào phòng dược độc, thì nhà tôi xin hai lần, thậm chí ba lần để có tiền nuôi con.

(Nói đến đây, nhà văn rưng rưng, lời của ông như nghẹn lại)

Hồi đó không lường trước được hậu quả. Bây giờ cả cơ thể của nhà tôi bị chất độc ngày đó phát tác, trong người nhiều bệnh lắm, chất độc hại ngày đó đang dần tàn phá cơ thể. Nhà tôi đã phải nhập viện từ mùa đông năm ngoái, đến giờ vẫn phải nằm trong đấy. Nhà tôi yếu lắm, không ngồi lên được đâu, cũng chẳng nói chuyện được gì nhiều, có thể còn bị cưa cả bàn chân. Ngày nào tôi cũng vào thăm và cho nhà tôi ăn uống, lúc thì con trai đưa đi, lúc thì đi xe ôm… Sáng tôi nói chuyện với cô đây, thì chiều nay tôi vào với nhà tôi.

PV: Bác gái là một nguyên mẫu trong cuốn tiểu thuyết đầy cảm xúc của ông. Và xung quanh sẽ là rất nhiều câu chuyện có thật khác mà ông đã từng trải nghiệm khi sống những năm tháng ở đây…

Nhà văn Hồ Phương: Tôi đang viết dở về những người đàn bà trong khu tập thể này với những đứa trẻ ngày đó, khu này nổi tiếng trẻ con rất dữ dội, đánh nhau thành tập đoàn, có đứa ham học, nhưng sống khổ quá nên phẫn uất một cách thiếu ý thức. Bọn trẻ có đứa ngoan học giỏi sau trở thành anh hùng nhưng cũng có nhiều đứa phá phách, đi ăn cắp, ăn trộm để sống, rồi đánh nhau có khi gây ra án mạng phải vào tù giờ về quay lại sống ở đây. Rất nhiều hạnh phúc nhưng cũng không ít bi kịch ở khu này.

Bọn trẻ hồi đó đánh nhau nhưng hình thành hai phe. Một bên là con một số sĩ quan quân đội cấp tá ở phố Lý Nam Đế, những đứa trẻ được ăn bánh bích quy bơ và ăn mặc tươm tất ngồi xe ôtô, và một bên là con của một số sĩ quan cấp úy ở khu Nam Đồng thì phải tự lo sơ tán bằng xe bò, xe ba gác, bằng lốp đặc, ăn mặc lếch thếch, xắn quần móng lợn, bê bết bùn đất. Vậy là có chuyện xung đột về quyền lợi, hễ gặp nhau ở đâu là chúng cà khịa, nạt nộ, công kích nhau.

Còn có những người vợ lính khi chồng đi chiến trường thì ở nhà không chịu đựng nổi đi lang thang, sa ngã. Có người thì cặp bồ với anh chị dao găm, súng lục. Nhiều bi kịch. Chiến tranh không chỉ có tô hồng, không phải đã là vợ lính thì đều gương mẫu. Chiến tranh có rất nhiều mặt. Tôi sẽ viết chuyện hồi đó chưa ai dám viết. Tôi đang viết điều mà tôi rất tâm huyết, vì đấy cũng là một bộ mặt của chiến tranh.

PV: Chuyện đã qua lâu rồi, sao sau ngày khi đất nước thống nhất ông không viết mà lại chọn thời điểm này để khơi lại chuyện cũ?

Nhà văn Hồ Phương: Sau chiến tranh còn có nhiều chuyện này, chuyện khác phải né đi nhưng bây giờ được phơi bày đầy đủ,  chính quyền hết sức vững mạnh, Đảng hết sức vững mạnh rồi thì mình được nói tất cả những cái gì miễn là bằng cái tâm xây dựng trong sáng.  Văn học cho đến giờ mình cũng hết sức say sưa vì nó là cuộc sống của mình… Nhưng giờ vợ tôi ốm thế, tôi không thể để cho nhà tôi nằm đấy mà ở nhà viết lách. Tôi xúc động lắm, bị chi phối nên gác hết cả lại, tôi chỉ mong vợ tôi sớm bình phục thì tôi mới có thể ngồi vào bàn mà viết được.

PV: Là người đi qua hai cuộc chiến tranh của đất nước, và trong chiến dịch Điện Biên Phủ ông đã có mặt ở trận địa Mường Thanh với tư cách là người lính. Sau này, ông cũng có mặt ở Sài Gòn vào ngày thống nhất đất nước với tư cách là tùy viên ký giả. Những sự kiện lịch sử trọng đại ông đều có mặt. Giờ mỗi khi nhớ về khoảnh khắc vàng đáng nhớ ở trong đời ấy, ông muốn nói gì với thế hệ sau này?

Nhà văn Hồ Phương: Đúng là không phải người lính nào cũng may mắn được như tôi là có mặt ở tất cả các điểm nóng. Có những người lính suốt đời chiến đấu ở trên rừng, rồi hy sinh.

Nói về chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5-1954 thì khi đấy tôi mới 23 tuổi, mừng vui chỉ sau một, hai ngày thôi, sau đó lắng xuống có một cái hẫng, rất lạ vì nhìn thấy đơn vị của mình đã hy sinh đến một phần ba quân số. Và sau một vài ngày nữa trở về hậu phương, sẽ trả lời vợ con liệt sĩ như thế nào đây. Lúc ấy mới thấy giá của chiến thắng nó "ghê" như thế nào?  Nó không phải chỉ là tiếng pháo bông, vỗ tay ngoài xa, hậu phương vui vẻ. Người lính chỉ reo vang một lúc thôi, còn sau đó nhìn quanh thì thấy đồng đội của mình hy sinh. Ở đơn vị của tôi, đại đội trưởng hy sinh mà không hiểu sao tôi còn được sống vì ở cùng  một chỗ chiến đấu.

Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ tưng bừng nhưng đến ngày 30-4-1975 thì như một giấc mơ lớn. Cảm giác mênh mang sung sướng, ngây ngất đến hàng tuần khi tôi gặp một số các nhà quen cũ di tản trong đó, và gặp nhau cứ ngỡ như mơ. Đất nước ta đã nối liền một dải và từ đây không còn cảnh chia cắt Nam Bắc. Đến Dinh Độc Lập, chúng tôi tay xuống đất đập đập vào nền đất. Đất đây là của chúng ta. Cảm giác thiêng liêng, tự hào dân tộc và hiểu giá trị của cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ dân tộc suốt chặng đường dài 30 năm.

PV: Nói đến phố Lý Nam Đế người ta vẫn quen gọi là phố nhà binh, nhưng thực ra có thể coi là phố nhà văn thì đúng hơn. Nhà số 4 phố Lý Nam Đế, nơi tụ hội tinh hoa của rất nhiều nhà văn thuộc các thế hệ đã ở đấy.  Những Hồ Phương trồng “Cỏ non”, Hữu Mai bay trên “Vùng trời”, Nguyễn Khải cày “Mùa lạc”, Nguyễn Minh Châu in “Dấu chân người lính”, nhà thơ Vũ Cao với “Núi Đôi”, Trần Đăng Khoa với “Thư tình người lính biển”, Chu Lai say “Nắng đồng bằng”…

Nhà văn Hồ Phương: Thế hệ chúng tôi gồm Nguyễn Khải, Hữu Mai, Xuân Thiều, Hồ Phương, Nguyên Ngọc là những người đầu tiên được triệu tập từ đơn vị chiến đấu về đấy. Thực chất ban đầu chưa được ở nhà số 4 ngay đâu mà ở tại xưởng may trên phố Cửa Đông. Khi thành lập Văn nghệ Quân đội, chúng tôi nghĩ báo chí văn học nghệ thuật mà ở trong thành mấy tầng "quan cấm" làm sao mà tiếp xúc với dân, với các bạn viết nên xin Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho ra mặt tiền.

Nhà số 4 trước là nhà của  không quân Pháp, sau khi ta giải phóng rồi thì căn nhà ấy được dành làm nhà riêng cho các đồng chí cấp cục trưởng, cục phó của Tổng cục Chính trị. Mỗi người tiêu chuẩn mấy ngăn. Đến khi đề xuất với Đại tướng, ông bảo: "Cái nhà đẹp đấy, văn học nghệ thuật ra đấy là hợp nhất". Ông đồng ý ngay, mấy vị lãnh đạo ở đó chuyển đi, cánh văn nghệ sĩ chúng tôi chuyển về. Và trụ sở Văn nghệ Quân đội ra đời ngay sau đó khẳng định được đường lối, xu hướng văn học mới. Chính Văn nghệ quân đội như ngọn cờ văn học cách mạng.

Chúng tôi là những chiến binh đầu tiên trong làng văn quân đội, gồm Nguyễn Khải, Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyên Ngọc, Xuân Thiều…

Thế hệ sau, Lê Lựu, Trần Đăng Khoa, Hữu Thỉnh, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường còn có thực tài… Đến thế hệ thứ 3 này thì hoàn toàn mới. Và họ chạy theo trào lưu mới, mở mang hơn theo nhiều xu hướng. Chúng tôi vẫn gọi đùa là báo hình họa trang trí Magazine, dẫu sao nó vẫn là tờ báo đứng đắn, vẫn tiếp nối được truyền thống cũ.

(Nói rồi, giọng ông trầm hẳn xuống…)

Thế hệ tôi rủ nhau đi gần hết rồi, Nguyễn Khải không còn, Hà Mậu Nhai, Xuân Thiều, Thu Bồn, Hữu Mai cũng vậy. Gần đây, ông Dũng Hà cũng đã ra đi. Mọi người giã từ dương thế cả rồi thì phải, hình như tôi bây giờ là người duy nhất còn sót lại. May mắn làm sao ông trời vẫn để quên tôi. Bây giờ thế hệ của tôi ở Văn nghệ quân đội thời đó là không còn ai nữa cả rồi…

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.