Máy scan chuẩn đoán ung thư “2 trong1”

Thứ Bảy, 26/03/2011, 09:15
Các nhà khoa học Đức đã phát triển một máy quét sáng tạo mới có thể cách mạng hóa việc chẩn đoán ung thư. Công nghệ mới thực hiện hai loại scan khác nhau cùng một lúc, giúp cho việc kiểm tra nhanh hơn và bệnh nhân ít tiếp xúc với bức xạ hơn. Nhưng đến bao giờ thiết bị mới hiệu quả về mặt chi phí vẫn chưa có câu trả lời.

Tại một phòng sang trọng thuộc Bệnh viện Munich của Đức, trên bàn làm việc chỉ có 2 màn hình vi tính. Từ sau màn hình kính trên tường lóe lên màu xanh lam hy vọng. Cái gọi là cải tiến nằm phía sau đó, chiếc máy scan mới tinh và khổng lồ mang tên Biograph mMR.

Biograph mMR, niềm tự hào của các bác sĩ tại Bệnh viện Munich, là thiết bị công nghệ cao hiện đại nhất của Hãng Siemens. Hãng gọi sáng tạo mới của mình là "thành tựu tiên phong trong việc chụp ảnh y khoa". Nó được gọi đơn giản là MR-PET, thiết bị cung cấp đồng thời những hình ảnh PET và MRT. Mỗi kỹ thuật nói trên lâu nay chụp ảnh bên trong cơ thể con người nhưng chưa từng được sử dụng chung với nhau.

Thiết bị 2 trong 1

Kỹ thuật đầu tiên được gọi là kỹ thuật chụp bức xạ positron cắt lớp, nói ngắn gọn là PET. Nó làm nổi các tế bào ung thư bằng cách phát hiện sự gia tăng hoạt động trao đổi chất của chúng. Kỹ thuật thứ hai, chụp cắt lớp cộng hưởng từ (MRT), còn được gọi là chụp cộng hưởng từ (MRI), tạo ra các hình ảnh chi tiết của các cơ quan nội tạng.

Bằng cách kết hợp hai kỹ thuật, lần đầu tiên các bác sĩ chỉ cần sử dụng một hình ảnh mà vẫn kiểm tra được vị trí của các cơ quan nội tạng trong cơ thể, chức năng của chúng và sự trao đổi chất của bệnh nhân. Trước nay, các bác sĩ luôn cần hai xét nghiệm riêng biệt nhưng chắc chắn gây tốn kém cho bệnh nhân. Máy xét nghiệm mới ra đời kết hợp cả hai kỹ thuật PET và MRT thì quả là hấp dẫn!

Alexander Drzezga, nhà tư vấn cao cấp cho y học hạt nhân tại Trường đại học kỹ thuật ở Munich và là một trong các bác sĩ đầu tiên thử nghiệm hệ thống 2 trong 1 này, sử dụng bản phác thảo đơn giản để giải thích cách vận hành của máy.

Phương pháp PET đo mức độ bức xạ thấp. Khi bệnh nhân được tiêm một chất phóng xạ nhẹ, scan PET cho thấy chất đó nằm lại nơi nào trong cơ thể. Hình ảnh scan MRT trái lại vận hành với sóng vô tuyến và một từ trường mạnh. Vậy nên nó sẽ ảnh hưởng đến việc đo lường phóng xạ bằng điện tử trong PET. Các nhà nghiên cứu Siemens tiến hành nhiều cải tiến kỹ thuật, quan trọng nhất là chế  tạo diode tách sóng quang đặc biệt nhằm ngăn chặn các nam châm từ gây nhiễu các thiết bị dò PET.

Quỹ Nghiên cứu Đức (DFG) đã chi hơn 12 triệu euro (16 triệu USD) vào dự án này. Tổng cộng, 4 bệnh viện tại Đức sẽ được trang bị 4 máy quét MR-PET mới trong năm nay để thử nghiệm lâm sàng. Như vậy ngoài Bệnh viện Munich, các bệnh viện Leipzig, Essen đều nhận được một máy mới. Tại Munich, cả một tập đoàn đang triển khai các ứng dụng lâm sàng cho các máy scan. Nhiều chuyên gia y học hạt nhân và xạ trị từ hai trường đại học ở Munich tham gia vào nghiên cứu này.

Thị trường tiềm năng tương lai

MR-PET giúp xóa bỏ một số nhược điểm truyền thống. MRT không có tác động cao như X-quang, thay vào đó cộng hưởng từ cắt lớp được xem là vô hại. Ngoài ra, MR-PET cho chúng ta nhiều thông tin hơn, theo lời Heinz-Peter Schlemmer, Giám đốc bộ phận tại Trung tâm Nghiên cứu ung thư Đức ở Heidelberg. Ví dụ, các bác sĩ có thể xác định được lượng máu nạp tới mô bị khối u ảnh hưởng, hoặc kiểm tra mật độ xương của bệnh nhân - thông tin quan trọng cho một số loại ung thư.

Với những khả năng như trên, các bác sĩ hy vọng rằng các máy quét mới có thể được sử dụng để phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu. Nó cũng sẽ cho phép giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng khối u, cho phép phát triển kế hoạch điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân. Các máy scan sẽ cho biết rõ các khối u có đáp ứng điều trị hay không, hay thuốc điều trị khối u rất hiệu quả chẳng hạn. Các công ty công nghệ y tế tin máy scan MR-PET mới có tiềm năng rất lớn trong tương lai, nhất là khi nó chứng tỏ hiệu quả ít tốn chi phí cho bệnh nhân so với máy PET-CT.

Máy scan y tế công nghệ cao Biograph MMR (nói gọn là MR-PET) được hãng Siemens tự hào gọi là "thành tựu tiên phong trong việc chụp ảnh y khoa".

Cần thêm thời gian hoàn thiện

Ông Schlemmer đưa ra một phép tính đơn giản: Cùng với sở hữu công nghệ mới, còn có các chi phí như chạy máy, nhân sự và các chất phóng xạ được tiêm vào bệnh nhân trước khi scan PET. Ngoài ra còn có chi phí do bệnh nhân hoặc công ty bảo hiểm y tế của họ chi trả. Tuy nhiên chi phí này hiện vẫn còn quá cao: Hiện tại, scan toàn cơ thể trong 90 phút với máy PET-CT được bảo hiểm chi trả trên 1.100 euro. Lợi ích của việc quét hoàn toàn tùy thuộc vào trường hợp cá nhân, theo loại khối u bệnh nhân có, nằm ở đâu và nó phát triển nhanh hay chậm.

Các chuyên gia chưa thống nhất ý kiến khi nào nên sử dụng máy scan PET và PET-CT. Một máy quét PET-CT hiện nay có giá là 2,5 triệu euro, chắc chắn máy scan MR-PET sẽ cao hơn nhiều. Nhưng phân tích của các chuyên gia cho thấy bao giờ xét nghiệm 2 lần riêng rẽ cũng tốn kém và mất nhiều thời gian hơn.

Hầu hết các công ty bảo hiểm y tế công ở Đức vẫn còn hoài nghi về lợi ích của kỹ thuật scan và chỉ thanh toán vài trường hợp đặc biệt mà thôi. So với các nước châu Âu khác nhiệt tình sử dụng công nghệ scan hơn, hệ thống bảo hiểm y tế công ở Đức "thật khó hiểu", theo lời ông Alexander Drzezga. Ông hy vọng rằng, các lợi thế của MR-PET sẽ giúp gạt sang một bên những nghi ngờ về công nghệ.

Ngoài ra cũng cần có đội ngũ nhân viên được đào tạo đặc biệt. Đào tạo các chuyên viên biết cách sử dụng PET cũng như MRT không đơn giản chút nào. Một chuyên viên phải biết chính xác bác sĩ muốn xét nghiệm cái gì. Thông tin thêm do máy scan công nghệ cao cung cấp cũng cần có các bác sĩ phân tích đầy đủ, bởi vì đó là niềm tin mà mọi bệnh nhân chờ mong

Phương Nguyên (tổng hợp)
.
.