Miền Trung: Tìm nguyên nhân nhiều vùng quê có người chết trẻ

Thứ Hai, 13/10/2014, 16:15

Thời gian gần đây, thông tin từ các cơ sở y tế cho thấy: Có rất nhiều những vùng quê nằm trải dài trên địa bàn của các tỉnh miền Trung, có nhiều người cùng mắc bệnh, rồi chết, thậm chí có những người chết khi tuổi đời còn rất trẻ, khiến dư luận trong nhân dân hết sức hoang mang, lo lắng.

Nhiều người khẳng định rằng, những vùng quê có nhiều người chết như thế hầu hết trước đây là vùng chiến sự hoặc là vùng căn cứ của Mỹ - ngụy, nơi dự trữ khá nhiều chất độc hóa học để phục vụ cho chiến tranh. Lãnh đạo chính quyền địa phương ở những vùng quê này thì cũng chỉ giải quyết vấn đề ở mức độ ghi nhận hiện tượng, có người bày tỏ sự sốt ruột và trông đợi vào kết quả khảo sát, nghiên cứu của ngành y tế…

Điển hình về tình trạng này là những trường hợp người chết ở thôn Trạch Phổ, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Nhiều người vẫn truyền tai nhau rằng: “Trạch Phổ là làng ung thư”, bởi lẽ trong thôn này có rất nhiều người chết vì những chứng bệnh không thuốc thang nào chữa khỏi, những con người xấu số ấy đều bị cho rằng đã qua đời vì chứng bệnh ung thư, trong số đó có nhiều trường hợp tuổi đời còn rất trẻ.

Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Văn Tiệp ở thôn Trạch Phổ, khi mắc bệnh đã được người thân đưa đến bệnh viện tuyến trên để khám. Bác sĩ nhận định bệnh nhân bị ung thư lưỡi và sau đó không lâu thì tử vong.

Cũng trong làng này, có trường hợp hai anh em của ông Nguyễn Văn Quảng và Nguyễn Văn Mưu, vốn là những lao động chính của gia đình, đang mạnh khỏe bình thường với công việc đồng áng, bỗng dưng ngã bệnh. Người nhà phải chạy đôn, chạy đáo đưa cả hai đến Bệnh viện Trung ương Huế để khám tìm nguyên nhân. Với những kết quả y khoa, bác sĩ chẩn đoán ông Mưu bị ung thư dạ dày, ông Quảng bị ung thư máu. Cả hai bệnh nhân này đều được xác định là bị ung thư giai đoạn cuối nên khó lòng chạy chữa…

Vùng đất bị cho là bị nhiễm chất độc hóa học ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế).

Một người thân trong gia đình ông Mưu kể rằng: Sau khi có kết quả xét nghiệm, gia đình dù không dư giả gì nhưng vẫn tích cực chạy chữa thuốc thang cho hai ông. Bao nhiêu tiền tích góp được, cộng với tiền huy động, vay mượn của người thân rồi cũng cạn dần. Khi gia đình lâm vào cảnh túng bấn khốn cùng, nợ nần chồng chất cũng là lúc người thân của họ nhắm mắt xuôi tay…

Trao đổi với chúng tôi về hiện trạng này, nhiều người cao tuổi ở làng Phổ Trạch cho biết: Trong những năm tháng chiến tranh, Mỹ - ngụy đã thả xuống vùng đất này rất nhiều bom đạn. Những trận oanh kích thảm khốc ấy đã để lại trên đất của làng rất nhiều hố bom. Rồi nước mưa trút xuống, những hố bom này trở thành những cái giếng tự nhiên và người dân trong làng đã sử dụng nguồn nước từ những cái giếng này để sinh hoạt.

Phải đến năm 2006, làng Phổ Trạch mới có được nguồn nước sạch. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chỉ dùng nguồn nước sạch để ăn uống, còn lại các sinh hoạt khác như tắm, giặt thì vẫn dùng nước đọng từ những hố bom kia.

Người dân thôn Cẩm Sơn cho rằng nguồn nước quê mình bị ô nhiễm nặng.

Ông Nguyễn Hữu Định - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phong Hòa giở cuốn sổ tay công tác của mình ra và đếm được 30 trường hợp trong làng mắc bệnh ung thư từ trước đến nay. Từ năm 2013 đến thời điểm này có 12 người bị bệnh thì đã có 7 người chết.

Về phía chính quyền địa phương thì ông Trần Văn Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa cho biết, họ đã thống kê những trường hợp bị ung thư trên địa bàn xã, để rồi báo cáo đến chính quyền huyện và đề nghị các ngành chức năng nên sớm có phương án thực địa để lấy mẫu nước sinh hoạt của người dân  gửi đến những cơ sở xét nghiệm uy tín để tìm kiếm nguyên nhân.

Không riêng gì làng Phổ Trạch, xã Phong Hòa, Thừa Thiên Huế trước nay đã rộ lên tin đồn có những "làng ung thư" đang tồn tại. Đó là "làng ung thư" ở xã Thủy Dương, thị xã Hương Thủy và "làng ung thư" ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền. Người dân ở đây cho rằng nguồn nước thải từ Công ty cổ phần Dệt may Huế đổ thải ra bên ngoài đã gây ô nhiễm nghiêm trọng. Vì sự ô nhiễm này mà đã có nhiều trường hợp người dân sinh sống gần vùng xả thải đã mắc phải nhiều chứng bệnh ung thư và bệnh ngoài da. Tuy nhiên, sau khi tiến hành kiểm tra thực địa và lấy mẫu nước sinh hoạt để xét nghiệm thì kết quả cho thấy chưa thể khẳng định vùng đất này bị ảnh hưởng nặng nề bởi nguồn nước thải.

Khu xử lý nhiệt đang xử lý 43.000m3 đất nhiễm dioxin ở Đà Nẵng.

Xã Phong Sơn là vùng bán sơn địa của huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Trong kháng chiến chống Mỹ, đây được xem là vùng trọng điểm của chiến tranh, là căn cứ địa cách mạng vì thế Mỹ đã trút xuống vùng đất này không biết bao nhiêu là bom đạn và chất độc hóa học.

Người ta kể rằng, có thời điểm dường như ở vùng đất này không có một loại cây nào sống sót nổi trước sự tàn phá của chất độc da cam. Sau chiến tranh, người dân huyện Phong Điền lại quay về đây để làm ăn sinh sống. Nguồn nước sinh hoạt của người dân vùng này từ mấy chục năm nay chủ yếu vẫn là nguồn nước tù đọng có sẵn trong những hố bom.

Càng về những năm sau này, ở đây có nhiều người ngã bệnh, khi đến bệnh viện khám, xét nghiệm, bác sĩ nhận định là bị ung thư, và hầu hết là ung thư giai đoạn cuối. Vì thế, gần 10 năm qua, trên địa bàn của xã Phong Sơn đã có gần 100 người qua đời vì bệnh tật.

Điều đáng nói là trong số đó có nhiều người tuổi đời còn rất trẻ. Và cũng vì vậy mà cuộc sống vốn dĩ rất đỗi bình yên của bà con nông dân ở Phong Sơn đã phần nào bị chao đảo… Những thôn có nhiều người bị bệnh rồi chết ở Phong Sơn là thôn Cổ Bi, Phe Tư, Tứ Chánh… Đây cũng là những thôn có vị trí địa lý nằm thấp nhất của xã. Tiếp xúc với người dân nơi này, họ bảo rằng: Vùng này trước đây là vùng trọng điểm, nên Mỹ rải thảm chất độc da cam với hàm lượng lớn. Lâu ngày, chất độc ấy thẩm thấu vào đất, rồi hòa vào dòng nước sinh hoạt của bà con.

Một phần khác nữa là các loại thuốc trừ sâu, phân bón, qua mấy chục năm người dân canh tác, giờ đây cũng tan trong nước gây ảnh hưởng đến đời sống của con người… Bây giờ còn đỡ, chứ vài năm trước đây, nước giếng của làng Tứ Chánh, Phe Tư có nơi còn đỏ au lại có mùi hăng hắc rất khó chịu. Chính quyền thì khuyến cáo người dân không dùng thứ nước ấy, nhưng người dân không dùng thứ nước ấy thì lấy nước ở đâu mà dùng? Có lẽ vì vậy mà hết năm này qua năm khác, nguồn nước đã phần nào ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người!?

Anh Trần Ngọc Quý và con gái bên bàn thờ của vợ.

Miền Trung Việt Nam, trong khoảng thời gian 10 năm từ 1965 đến 1975 có thể nói là những tháng ngày đỏ lửa của chiến tranh. Vì lẽ đó, không một tấc đất nào ở đây không nhuốm mùi khói súng và bom đạn, không một cánh rừng nào ở đây thoát khỏi ảnh hưởng của chất độc da cam.

Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và cả những miền đất thuộc cao nguyên miền Trung nữa, đâu đó, bây giờ chúng ta vẫn thi thoảng thấy trên các phương tiện truyền thông cảnh báo ở đó đang tồn tại một "vùng đất chết" hay "một làng ung thư". 

Ở thôn Tú Ngọc A, xã Bình Tú, huyện Thăng Bình; thôn Bình Hòa, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình và thôn Cẩm Sơn, xã Bình lãnh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cũng cùng chung số phận. Những năm gần đây, dưới những mái tranh nghèo của những người nông dân chất phác, bỗng dưng bị ám ảnh bởi căn bệnh ung thư. Những gia đình không may có người nhà lâm bệnh thì phải bán tống, bán tháo tài sản để tìm đường chạy chữa, những gia đình may mắn hơn chưa có người lâm bệnh thì sống trong thấp thỏm lo âu.

Ông Nguyễn Văn Thuyên - Trưởng thôn Tú Ngọc A, xã Bình Tú chia sẻ: Vùng này là dân thuần nông nên quanh năm chỉ quanh quẩn trong làng chứ chẳng đi đâu xa. Dịch bệnh thì cũng chẳng thấy nhưng hiện tượng trong thôn ngày càng có nhiều người mắc bệnh ung thư là điều có thật. Đi tìm nguyên nhân phát bệnh thì cũng chỉ ở mức độ nghi ngờ mà thôi chứ thực chất ở đây có ai có máy móc để xét nghiệm hay đo đạc gì đâu mà biết chắc.

Ông Trần Văn Tuấn ở thôn Cẩm Sơn cũng lo lắng, cho biết: Tình trạng lâm trọng bệnh rồi tử vong ở quê ông ngày một nhiều hơn, điều đáng lo là trong số những người bị bệnh ấy có nhiều người còn rất trẻ. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Thảo qua đời khi mới hơn 30 tuổi, để lại cho chồng là anh Trần Ngọc Quý 3 đứa con thơ dại. Chị Thảo bị ung thư dạ dày, khi phát hiện thì bệnh tình đã ở giai đoạn cuối. Gia đình bán hết những thứ gì có thể để chạy chữa cho chị nhưng rồi chị vẫn ra đi…

Ở cách nhà anh Quý không xa, anh Lưu Văn Thơ cũng qua đời ở tuổi ngoài 40 vì ung thư gan. Anh ra đi để lại vợ con nheo nhóc cùng với khoản nợ gần 100 triệu đồng vay mượn để chạy chữa cho anh. Đau đớn hơn, sau khi anh Thơ mất chẳng bao lâu, mẹ anh là bà Nguyễn Thị Số cũng qua đời vì bệnh ung thư vú… Ở thôn Cẩm Sơn này, còn có rất nhiều người qua đời vì chứng bệnh ung thư như anh Lý Xuân Được bị ung thư gan; bà Chung Thị Hoa bị ung thư máu; anh Nguyễn Tăng bị ung thư gan; bà Trần Thị Diệp bị ung thư vòm họng…

Trao đổi với chúng tôi về hiện trạng đau lòng này, một cựu chiến binh ở thôn Cẩm Sơn cho biết: Toàn bộ diện tích của làng Cẩm Sơn nằm ngay dưới chân núi Chóp Chài. Nơi đây, trong những năm từ 1968 đến 1972 là căn cứ quân sự của Mỹ. Trong những năm chiến tranh ác liệt đó, lính Mỹ đã hai lần dùng máy bay bay từ trên đỉnh núi Chóp Chài xuống phía bên dưới để rải chất độc phát quang. Nhiều người dân trong làng Cẩm Sơn vẫn còn nhớ, hồi đó sau khi máy bay Mỹ rải chất độc hóa học, hầu như từ đồng ruộng đến núi rừng các loại cây đều trụi lá… Có lẽ, bao nhiêu năm nay chất độc ấy lan tỏa trong nguồn nước và người dân sử dụng nguồn nước ấy đã bị nhiễm bệnh. Do gia cảnh nghèo khó, vì vậy đa số những trường hợp bị bệnh khi tìm đến bệnh viện thì đã quá muộn.

Nguyên nhân từ đâu gây nên nỗi lo lắng cho người dân đang sinh sống tại những vùng quê có nhiều người chết, đến nay vẫn chưa có được một lời giải chính thức. Chưa có bất cứ một kết luận mang tính khoa học nào nhằm giải đáp  nỗi băn khoăn của người dân về hiện trạng này. Tuy nhiên, qua thực tế, chúng tôi khá đồng thuận về cách giải thích của cán bộ y tế ở địa phương rằng: Những vùng đất họ đang sống bị nhiễm độc từ các chất hóa học còn sót lại sau chiến tranh.

Chúng tôi hy vọng rằng, giá như tất thảy những người dân đang sinh sống trên những vùng đất được cảnh báo là đã bị nhiễm độc sau chiến tranh, những vùng đất mà có nhiều người mắc bệnh ung thư một cách bất thường như đã nêu sẽ được các tổ chức xã hội tiến hành tầm soát, để phát hiện mức độ nhiễm độc và có biện pháp tẩy độc tương tự như 22 bệnh nhân ở Đà Nẵng đã được Trung tâm khử độc tố trong cơ thể của Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Chúng tôi hy vọng trên vùng đất từng đi qua chiến tranh như miền Trung Việt Nam sẽ ngày càng có thêm nhiều hệ thống xử lý nhiệt như hệ thống đang xử lý 43.000m3 đất nhiễm dioxin ở khu vực sân bay Đà Nẵng…

Thục Anh
.
.