Mở đường, chống ngập và nỗi khổ nhà biến thành… hầm

Thứ Sáu, 24/06/2016, 07:40
Mở đường, nâng cấp đường giúp giao thông thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế luôn là chủ trương đúng. Tuy nhiên, mở đường hay nâng cấp đường, trong nỗ lực chống ngập, khiến nhiều căn nhà biến thành hầm, gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Thực trạng đó đang diễn ra ở nhiều nơi và TP Hồ Chí Minh là một trong những tâm điểm chứa đựng nhiều bức xúc nhất.

Cuộc chiến giữa “Sơn Tinh và Thủy Tinh”

Đường Phạm Văn Đồng dài hơn chục km, kéo dài từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn,   (ngã 5 Chú Ía) tới quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, rộng thênh thang giúp việc đi lại của người dân các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp được thuận lợi. Con đường được mở ra làm giảm lưu lượng xe cho các tuyến đường kề cận và rút ngắn thời gian lưu thông cho người có nhu cầu đi máy bay thuộc khu vực phía đông và các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh.

Nhờ con đường này mà nhiều hộ dân đã “đổi đời”. Có những người sau một đêm “mở mắt trở thành đại gia” nhờ được đền bù, giải phóng mặt bằng. Có nhà từ trong hẻm trở thành nhà mặt phố, thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán. Nhiều nhà “phất” lên nhờ mở đường, nhưng hệ lụy của việc mở đường cũng khiến nhiều gia đình phải kêu trời.

Mặt đường gần bằng mái nhà trên đường Phạm Văn Đồng.

Cạnh quán nước của bà Hà trên vỉa hè đường Phạm Văn Đồng là “cửa hầm” ra vào của một căn hộ. Căn hộ này giờ được gia chủ cho sinh viên và một số người lao động thuê. So với mặt đường thì nền nhà của căn hộ này thấp hơn khoảng 1,2m, và đương nhiên nó thiếu ánh sáng và không khí. Những ngày nắng nóng vừa qua “căn hầm như một cái lò nung”, còn với những ngày mưa lớn, “căn hầm không bị ngập vì chủ nhà cho lắp một chiếc máy bơm, hễ trời mưa là máy hoạt động hết công suất”, một người thuê trọ trong căn hộ trên nói vui.

Quả thật, nhìn qua cũng thấy sự ngột ngạt, khó khăn trong việc sinh hoạt và đi lại của những người sống trong căn hộ trên. Kế bên “căn hầm” trên là nhà của một người dân, tuy có thông thoáng hơn, nhưng đường cao... gần bằng mái hiên. Mỗi lần mở cửa ra thấy đập vào mắt là vỉa hè, hỏi sao mà không chướng? Hay như cửa ra vào của một công ty cổ phần TM-DV chuyên sản xuất mẫu bao bì nhựa lớn không bằng… cái cửa sổ, nhìn vào như cái tổ tò vò.

Đường Kinh Dương Vương sẽ được nâng cao như thế này.

Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương, đoạn từ vòng xoay Phú Lâm tới vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân, do Trung tâm Điều hành chống ngập  TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Công ty TNHH MTV công trình giao thông Công chánh là đơn vị  thi công.

Dự án được khởi công từ tháng 4-2015, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2017. Việc thi công công trình buộc phải ngăn đường, phân luồng, gây không ít khó khăn cho người đi đường. Cũng trong quá trình thi công phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng của dự án đã gửi đơn thư phản ánh lên các cấp chính quyền và các cơ quan truyền thông.

Để tận mắt chứng kiến những bức xúc mà người dân đã phản ánh, ngày 9-6 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đi kiểm tra và  thấy được sự bất hợp lý, nỗi khổ của dân và để thấy năng lực của các hậu thế “Sơn Tinh” trong việc ứng phó với ngập lụt như thế nào.

Những bức tường xây lấp mặt nhà, những căn nhà bỗng dưng bị biến thành hang, thành hầm. Việc đi lại, kinh doanh của các hộ dân hai bên đường, kể cả các hộ dân trong hẻm như hẻm 574 cực kỳ khó khăn. Chỉ riêng đường Kinh Dương Vương đã có hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. Ngoài đường người ta cho đổ đất, đá tôn đường cao lên, trước mặt nhà dân, đơn vị thi công cho xây những bức tường cao để chống ngập.

Để tương thích với bên ngoài, đơn vị thi công, thiết kế buộc phải nâng cốt nền cao lên khiến nhà dân cũng phải nâng nhà theo đường. Nước chảy về chỗ trũng, nếu các hộ dân không có điều kiện khắc phục, vô hình trung nhà họ biến thành hồ chứa nước. Mà đâu phải nhà nào cũng có điều kiện nâng nhà theo đường.

Nhiều ngôi nhà bị biến dạng, nhất là những nhà có tầng trệt thấp, nếu tôn nền  lên nhà sẽ thấp đến mức người đi khó lọt, khi đó chỉ có chỉ thể đập bỏ, xây mới. Như vậy quá tốn kém, mà chắc gì sửa đường, sửa nhà xong sẽ hết ngập. “Không lẽ cứ đường nâng cao đến đâu, nhà sẽ nâng cao đến đó?”, một người dân ngao ngán.

Những bậc thang trong nhà chị Diệu.

Ông Lê Cảnh Bửu (số 689, Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân) cho biết, gia đình ông đang phải tìm cách nâng nền nhà lên để cho bằng mặt đường. Khi nền được nâng lên 1,2m thì chiều cao nhà ông chỉ còn hơn một nửa lúc đó chỉ còn biết khom người mà đi. Nâng nền thì tất cả các hạng mục khác cũng phải thay đổi.

Ông Nguyễn Văn Đen (số 413, Kinh Dương Vương, phường An Lạc) cho rằng, nếu nâng đường lên quá cao thì không gian nhà ông và nhiều nhà khác bị ảnh hưởng, sẽ rất ngột ngạt khi khoảng không bị thu hẹp và hết đường làm ăn kinh doanh, rất mong chính quyền xem lại.

Người dân hai bên hẻm 574, Kinh Dương Vương, cho biết, sở dĩ con hẻm này được tôn lên cao vì bên dưới là cống hộp. Tính từ mặt cống hộp lên tới mặt đường phải cao tới 2m, lúc đó mới bằng mặt đường Kinh Dương Vương.

“Có điều khi tôn đường lên cao như vậy, các nhà thiết kế thi công có nghĩ tới cuộc sống của người dân hai bên đường không? Họ có nghĩ tới những khó khăn mà họ đẩy qua cho chúng tôi không? Không thể làm lấy được còn ai khổ thì mặc một cách vô trách nhiệm như thế”, một hộ dân buôn bán tại hẻm 574 bức xúc.

Khách mua hàng tại 1 tiệm tạp hóa.

Chị Diệu, 40 tuổi, công nhân Công ty Pouchen, đang dạy con học bài. Bị chúng tôi chen ngang, cháu bé thắc mắc, sao từ sáng đến giờ nhà mình nhiều khách thế hả mẹ? Chị nhẹ nhàng bảo con vào trong cho mẹ nói chuyện. Cháu bé “cãi” lại: “Trong nhà vừa tối vừa nóng sao con chịu được”.

Cháu bé nói đúng, khi chúng tôi bước xuống “căn hầm” của chị, cảm giác đầu tiên là vô cùng nóng bức, ngột ngạt và thiếu ánh sáng. “Căn hầm” đi thuê của chị vốn đã chật nay lại chật chội hơn vì phải kê thêm mấy tấm gỗ làm chỗ bước lên bước xuống. Mỗi lần dắt xe đi làm, anh chị phải kê 3 lần bậc thang mới đưa xe lên được mặt đường, loay hoay mãi có hôm mất cả móng chân.

“Như vậy vẫn chưa khổ. Nhà thấp hơn đường nước chảy sinh hoạt không thoát được, dội ngược lại còn khổ hơn nhiều. Nhiều hôm phải nín nhịn, tới công ty  “xả” hoặc “giải quyết” xong ở công ty rồi mới về”, chị Diệu ái ngại.

Gần nhà chị Diệu là nhà của lương y Nguyễn Văn Bé. Bước vào nhà ông Bé chúng tôi thấy có 2 cái lạ. Thứ nhất là mấy cái chai treo lủng lẳng ở lối ra vào. Thứ hai là quạt điện mở hết công suất… thổi ra đường. Lương y Nguyễn Văn Bé giải thích: Mấy cái chai treo lủng lẳng trước cửa để người ra vào không bị thương. Chẳng là trước đó một vài bệnh nhân của ông, kể cả ông bị chảy máu đầu do vô ý đụng vào “cửa hầm”. Giờ thì mọi người an tâm do đã có “hàng rào bảo vệ”.

Lương y Nguyễn Văn Bé trước cửa ra vào và những chai nhựa treo lủng lẳng để tránh bị thương.

Còn chuyện chiếc quạt… thổi ra đường, lương y nói, do trong nhà hầm quá, với lại mặt đường quá cao mỗi khi xe qua lại bụi bay vào nên phải dùng quạt để thổi bụi ra và trao đổi không khí. Nhà đã chật nhưng lương y còn đóng một chiếc kệ cao bằng mặt đường làm nơi để xe cho dễ ra vào vì nhà không có người đẩy.

Trao đổi với lương y Nguyễn Văn Bé, ông cho biết, làm đường, nâng cấp đường có nhiều cái lợi. Cái lợi đầu tiên là đường thông thoáng, đi lại thuận tiện. Cái lợi thứ hai là nâng đường lên cao sẽ hết ngập. Nhưng cũng có những khó khăn, đó là hiện làm mãi chưa xong nên người dân chịu cảnh mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bặm, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Đặc biệt là gây thiệt hại về kinh tế vì nhà nào cũng phải sửa chữa, nâng cấp nhà cho bằng với mặt đường, tốn kém lắm. Còn những nhà không có điều kiện thì phải chịu khổ thôi.

“Đem vợ con sống thử trong hầm…”

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng trong chuyến thăm và tìm hiểu cuộc sống của người dân sống gần kênh rạch ở quận 8 hôm 23-5, sau khi tận mắt chứng kiến và nghe những bức xúc của bà con đã chất vấn lãnh đạo Trung tâm điều hành chống ngập nước rằng còn bao nhiêu dân đang bị ngập? Cần phải đặt mục tiêu là mỗi năm có bao nhiêu người dân hết ngập, chứ không phải lập ra dự án để chi bao nhiêu tiền… Sẽ còn nhiều con đường bị ngập như đường Kinh Dương Vương, vậy thì tiếp tục tôn cao nền đường hay sao?

Cứ theo cái đà này, tiền tấn bỏ ra để biến nhiều con đường thành đê và cư dân hai bên đường phải sống trong hầm trú ẩn? Các ông cán bộ nghĩ ra chuyện này hãy thử đem vợ con tới sống ở một căn nhà như cái hầm vài ngày xem có chịu thấu không. Các ông thừa biết không thể sống như vậy được nhưng vẫn cứ làm.

Cửa ra vào của một công ty giờ như cái tổ tò vò.

Còn tại buổi làm việc ngay sau chuyến kiểm tra hiện trường công trình ngày 9-6, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã cho rằng việc nâng đường Kinh Dương Vương đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Qua đây ông cũng phê bình chủ đầu tư dự án đã thi công tắc trách, phê bình UBND quận Bình Tân và Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước vì làm chưa tốt việc công bố quy hoạch, lấy ý kiến dân… và yêu cầu các đơn vị liên quan phải nhanh chóng tìm ra giải pháp khắc phục, hạn chế khó khăn, thiệt hại cho người dân.

Để khắc phục hậu quả của việc từ nhà biến thành hầm do người khác đem lại, nhiều hộ dân đã phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng tu sửa, nâng cấp nhà cho tương thích với mặt đường. Nhưng không phải cứ bỏ tiền ra khắc phục hậu quả mà đã yên tâm, bởi ai biết được một khi đường phố lại ngập lụt người ta không nâng đường lên lần nữa? Xin đừng đẩy khó cho dân!

Đức Hà
.
.