Mô hình ngân hàng sữa mẹ giúp cứu sống trẻ sơ sinh

Thứ Ba, 12/08/2014, 19:25

Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên được mở cửa hoạt động vào ngày 15/4/2013 ở thành phố Udaipur miền Bắc Ấn Độ - cách thủ phủ Jaipur bang Rajasthan hơn 300km - là nơi lưu trữ một thứ quý giá mà các chuyên gia gọi là "chất lỏng vàng" cung cấp miễn phí cho các bà mẹ hiếm sữa từ tháng 4/2013.

Ngân hàng thu thập sữa dư thông qua máy bơm từ những bà mẹ đã qua kiểm tra xét nghiệm các bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS và viêm gan siêu vi, và sau đó được tiến hành tiệt trùng và đông lạnh sẵn sàng sử dụng trong thời hạn 4 tháng. Đội ngũ nhân viên của ngân hàng đặc biệt này thuyết phục những bà mẹ ở các khu vực lân cận cho sữa dư đồng thời tuyên truyền họ kêu gọi những người khác hiến tặng sữa.

Hơn 600 phụ nữ tự nguyện cho sữa dư sau khi ngân hàng được thành lập, giúp nuôi dưỡng hơn 450 trẻ sơ sinh thiếu tháng phần lớn nội trú tại khoa chăm sóc đặc biệt trong một bệnh viện nhà nước ở thành phố Udaipur.

Tháng 11/2013, Gauri Meena sinh sớm 2 tháng một bé trai tại một vùng quê ở bang Rajasthan. Đứa bé cân nặng chỉ 1,2kg. Nghe theo lời khuyên từ một bác sĩ địa phương, hai vợ chồng Meena bế đứa con chỉ mới vài ngày tuổi đến Bệnh viện đa khoa Maharana Bhopal ở Udaipur, cách nơi họ ở hơn 100 km. Tại đây, các bác sĩ cho biết cơ may sống sót của đứa bé là rất thấp, do hệ miễn dịch chưa phát triển, đứa bé bị nhiễm trùng và phải được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Các bác sĩ cũng yêu cầu bé được bú sữa mẹ vì trong sữa tự nhiên này chứa các hormone và yếu tố tăng trưởng giúp đứa bé mạnh mẽ hơn. Thế nhưng, Gauri Meena không có đủ sữa để cho con bú. May mắn, đứa bé nhận được sữa hiến tặng từ những phụ nữ khác. Một tháng sau cả gia đình họ trở về nhà trong hạnh phúc! Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm kéo giảm tỷ lệ tử vong nơi trẻ sơ sinh - từ 2,3 triệu trẻ chết dưới 5 tuổi vào năm 2001 giảm còn 1,4 triệu năm 2012 - nhưng Ấn Độ vẫn còn là quốc gia chiếm 20% tỷ lệ trẻ tử vong trên toàn cầu.

Khoảng một nửa số trẻ tử vong khi chưa đến 28 ngày tuổi - theo báo cáo được công bố trên tạp chí The Lancet số ra mới đây. Trẻ sơ sinh ở Ấn Độ tử vong chủ yếu do sinh thiếu tháng, mắc các bệnh nhiễm trùng, tiêu chảy và viêm phổi. Để ngăn ngừa những cái chết thương tâm này, Tổ chức từ thiện Save The Children cho rằng sữa mẹ - được coi là "siêu thực phẩm" dành cho trẻ sơ sinh - là giải pháp hiệu quả đặc biệt khi bé được bú ngay sau khi sinh và kéo dài trong 6 tháng đầu đời.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng khuyến cáo nên cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ để giảm bớt tỷ lệ tử vong.

Sữa mẹ được tiệt trùng đóng chai sẵn sàng sử dụng.

Ngân hàng sữa mẹ ở Rajasthan - gọi là Ngân hàng Sữa mẹ Divya - nằm dưới sự điều hành của một NGO (tổ chức phi chính phủ) đặt trụ sở tại thành phố Udaipur. Năm 2005, tổ chức này đã thành lập nhà trẻ mồ côi Mahesh Ashram.

Devendra Agrawal, Giám đốc điều hành Bệnh viện đa khoa Maharana Bhopal, lưu ý rằng những đứa trẻ trong trại mồ côi phần đông là bé gái, có hệ miễn dịch yếu và căn nguyên vấn đề là do các bé không được bú sữa mẹ. Thế nhưng, do nguồn cung giới hạn nên ưu tiên số 1 của ngân hàng là dành cho các bé trong bệnh viện vì chúng nằm ở ngưỡng sống và chết.

Bệnh viện đa khoa Maharana Bhopal - được thành lập với số tiền đầu tư khiêm tốn vào khoảng 1 triệu rupee (16.000 USD) - nằm trong số 11 bệnh viện ở Ấn Độ có ngân hàng sữa mẹ hiến tặng.  Ở Anh - nơi có khoảng 770.000 trẻ sơ sinh mỗi năm so với  26 triệu trẻ ở Ấn Độ - có 17 ngân hàng sữa mẹ. Một ngân hàng sữa mẹ khác được thành lập ở Calcutta với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Thêm 2 ngân hàng sữa mẹ khác ở thành phố Jaipur, bang Rajasthan cũng  sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Các chuyên gia y tế hoan nghênh việc thành lập những ngân hàng này đồng thời cho rằng chính quyền cần có biện pháp cụ thể hỗ trợ phát triển.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Armida Fernandez - người mở cửa ngân hàng sữa đầu tiên của Ấn Độ tại một bệnh viện ở thành phố Mumbai năm 1989: "Tôi cho rằng điều đó có khó khăn bởi vì người ta không tin ngân hàng sữa sẽ đem lại lợi ích to lớn". Arun Gupta, bác sĩ điều phối viên Mạng Quảng bá nuôi con bằng sữa mẹ của Ấn Độ tin tưởng ngân hàng sữa có thể giúp giải quyết tỷ lệ tử vong nơi trẻ nhỏ giống như ở Brazil.

Hiện nay, Brazil đã có hơn 200 ngân hàng sữa - nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Chính quyền Brazil cũng có chiến lược thông tin tuyên truyền việc nuôi con bằng sữa mẹ với những phụ nữ mang thai và sử dụng lính cứu hỏa để đi thu gom sữa mẹ dư thừa hiến tặng. Chiến lược góp phần hoàn thành chỉ tiêu giảm 73% tỷ lệ trẻ nhỏ chết từ năm 1990.

Theo số liệu  của UNICEF, tỷ lệ trẻ tử vong dưới 5 tuổi ở Brazil hiện nay là 14 trong số mỗi 1.000 trẻ. Ở Ấn Độ là 56, tức cao gấp 4 lần

Thục Miên (tổng hợp)
.
.