Mổ não không cần gây mê

Thứ Năm, 26/04/2012, 15:15

Nằm nghiêng bên phải, cô Émeline, 30 tuổi, sắp được phẫu thuật lần thứ hai. Năm trước cô đã được phẫu thuật lấy khối u thần kinh đệm, tuy lành tính nhưng người ta biết rằng nó sẽ chuyển thành ung thư sau 7 hay 8 năm. Lần phẫu thuật trước bác sĩ đã không thể lấy hết khối u nên cô cần phải thực hiện phẫu thuật lần nữa.

Cầm dao mổ phiêu lưu vào não bộ để lấy ra các mô ung thư hay khối u là công việc thường ngày của Giáo sư Philippe Metellus ở Bệnh viện La Timone (Marseille), Pháp. Trong phòng phẫu thuật nằm ở tầng 5, chẳng những ông mổ não mà còn đánh thức bệnh nhân trong khi mổ.

"Cách đây 10 năm người ta không thể làm gì được cho các bệnh nhân đó, nhưng hiện nay bằng cách làm cho họ thức trong khi mổ, bác sĩ có thể biết được khu vực phẫu thuật có tham gia vào các chức năng như nói hay cử động không và khi lấy đi có để lại hậu quả gì không - Giáo sư Philippe Metellus giải thích.

Sau khi mở hộp sọ và bộ não lộ ra, Giáo sư Metellus gắn một lưới điện cực vào vỏ não để kích thích và ghi nhận hoạt động đáp ứng của não. Đây là nhóm phẫu thuật duy nhất ở châu Âu áp dụng kỹ thuật điện vỏ não đồ này của bác sĩ Agnès Trébuchon, bác sĩ thần kinh chuyên điều trị chứng động kinh trong khoa của Giáo sư Patrick Chauvel nổi tiếng thế giới.

Đã đến lúc đánh thức bệnh nhân bằng cách giảm tốc độ tiêm thuốc gây mê. Sau vài phút bệnh nhân giật nẩy mình nhưng được các điều dưỡng giữ yên. Sau thoáng hoảng hốt, cô Émeline bình tĩnh trở lại và giai đoạn trắc nghiệm có thể bắt đầu. Giai đoạn này kéo dài khoảng hơn 1 giờ.

Do khối u nằm ở vùng ngôn ngữ (vùng Broca) phía bán cầu trái nên các bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng nói. Émeline phải nhận dạng các hình thể và đồ vật chạy qua trên một màn hình laptop với những câu điển hình như "đây là con thỏ, đây là chiếc giày, đây là cái búa…". Bác sĩ Agnès Trébuchon giải thích: Chúng tôi muốn như thế người ta có thể phân biệt được lĩnh vực nói phản xạ và khả năng tiếp cận từ vựng.

Bác sĩ kích thích từng điện cực và quan sát tác động trên hành vi của bệnh nhân, đồng thời kiểm tra trên máy ghi điện đồ của từng điện cực. Khi xác định những vùng phụ đó, bác sĩ có thể hình dung được bản đồ của các chức năng não và lấy đi những phần khối u mà trước đây không dám làm vì chưa có các thông tin bổ sung đó.

Bằng cách tiến dần dần, giờ đây Giáo sư Metellus biết phần nào nên giữ lại và phần nào có thể cắt bỏ. Trong năm qua, nhóm của bác sĩ Metellus đã phẫu thuật cho hơn 50 bệnh nhân với kỹ thuật mới này. Nhưng công việc của bác sĩ phẫu thuật không dừng lại ở cửa phòng mổ. Giáo sư Philippe Metellus còn hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu ung thư sinh học để nghiên cứu khía cạnh phân tử của u thần kinh đệm. Mỗi khối u được tách ra sẽ được đem đi xét nghiệm. Mỗi khối u có các đặc điểm di truyền, phân tử và dạng thể riêng, và với cách tiếp cận mới giờ đây Giáo sư Metellus có thể đưa ra một phác đồ điều trị riêng biệt cho từng bệnh nhân

Minh Luân (theo S & A)
.
.