Mộc bản triều Nguyễn: Từ quốc bảo đến di sản thế giới

Thứ Ba, 05/01/2010, 15:30
Chỉ được ra đời khi có lệnh vua ban và dĩ nhiên, không phải ai cũng được quyền tiếp cận, mộc bản từng là báu vật quốc gia của triều Nguyễn. Triều đình ở đâu, mộc bản ở đó, nên các báu vật này cũng trải qua những cuộc thiên di cùng các vua nhà Nguyễn với bao thăng trầm của các cuộc biến động chính trị - xã hội.

Suốt mấy trăm năm, mộc bản đã trở thành sắc thái văn hóa độc đáo của Việt Nam. Ngày 16/12/2009, mộc bản triều Nguyễn đã vinh dự được UNESCO trao bằng "Di sản tư liệu thế giới".

Độc đáo và duy nhất

Cuộc bầu chọn trên của UNESCO kéo dài 3 ngày diễn ra tại Bridgetown, Barbados vào cuối tháng 7/2009. Đây là lần đầu tiên, một tư liệu quý của Việt Nam được thế giới tôn vinh là tài sản chung của nhân loại. Loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam cũng như của thế giới này đã thuyết phục được các chuyên gia quốc tế ở cả tính xác thực, tính nguyên vẹn lẫn sự độc đáo.

Đó là những tấm gỗ được khắc chữ Hán - Nôm ngược, hoặc hình vẽ (âm bản) để in ra các bộ sách do Nội các, Quốc Sử quán của triều Nguyễn nghiên cứu, biên soạn và cho khắc từ hàng trăm năm trước. Với 34.555 tấm, mộc bản triều Nguyễn là một kho tài liệu quý giá gồm 152 đầu sách, thuộc nhiều lĩnh vực: lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn thơ...

Không chỉ có các bộ ván khắc những tác phẩm chính văn, chính sử của triều Nguyễn, mộc bản còn có những bộ ván khắc các bộ kinh, sử mà Vua Minh Mạng và Vua Thiệu Trị đã cho mang từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) về Quốc Tử Giám (Huế). Vì thế, mộc bản cổ nhất có niên đại từ năm 1697, gần đây nhất là năm 1945.

Đây cũng là giai đoạn đất nước ta trải qua nhiều biến cố, rất ít tư liệu thời đó còn được lưu đến nay, nên các mộc bản càng trở nên vô giá, khi vừa mang nội dung khoa học phong phú, vừa có giá trị nghệ thuật điêu khắc cao, ghi nhận bước phát triển đầu tiên của nghệ thuật chế tác, nghề khắc ván in ở Việt Nam.

Dưới triều Nguyễn, chỉ các chiếu, dụ, chỉ của nhà vua hay các loại sách quốc sử, sách chuyên khảo về giáo dục, địa chí quan trọng mới được biên soạn và nhân rộng bằng mộc bản. Đây là hình thức in ấn sơ khai trong quá khứ, để phổ biến rộng rãi đến công chúng các chuẩn mực xã hội, pháp luật, sách lược của triều đình, các bộ sách sử, các tác phẩm văn chương, các sự kiện lịch sử, hay để lưu truyền công danh sự nghiệp của vua chúa, tôn vinh những người đỗ đạt v.v...

Với những ý nghĩa mà nội dung mộc bản chứa đựng, quy trình chế tác mỗi mộc bản đều tuân thủ các nguyên tắc hết sức chặt chẽ, tốn nhiều thời gian, công sức. Sau khi vua ban dụ cho phép biên soạn sách, cơ quan biên soạn dâng tấu xin được nghiên cứu châu bản để biên soạn sách bản thảo dâng vua ngự lãm.

Bản thảo được giao trở lại cơ quan biên soạn bổ sung chỉnh sửa theo ý của vua xong, cơ quan biên soạn lập biểu dâng sách lên nhà vua ngự phê, rồi mới chuyển giao cho cơ quan san khắc, dưới sự kiểm soát của các quan theo chỉ dụ của nhà vua. Khi mộc bản khắc xong, là những tài liệu gốc độc bản, các quan lại dâng biểu xin cho in thành sách. Toàn bộ quy trình để mộc bản ra đời đều có sự quan tâm trực tiếp của nhà vua, cho thấy tầm quan trọng của mộc bản.

Theo các nhà nghiên cứu, châu bản (bản chính tài liệu), mộc bản và các sách sử triều Nguyễn có mối liên hệ mật thiết: châu bản là căn cứ để biên soạn các sách, bản thảo các tác phẩm được khắc lên mộc bản, từ mộc bản in ra các sách. Do đó, châu bản - mộc bản và các sách sử triều Nguyễn có thể bổ sung cho nhau khi có sự mất mát xảy ra với mỗi loại.

Thạc sĩ Phạm Thị Huệ, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, nơi trực tiếp quản lý mộc bản nhiều năm nay, cho biết: "Nội dung tài liệu mộc bản rất phong phú và đa dạng, vừa có ý nghĩa lịch sử và văn hóa Việt Nam, vừa có giá trị quốc tế. Bên cạnh đó, phương pháp chế tác và vật liệu chế tác cũng hết sức đặc biệt với tính độc đáo là chất liệu gỗ ...".

Gỗ để khắc mộc bản cũng được lựa chọn kỹ càng, với yêu cầu đảm bảo độ bền, dai, lại có thớ mịn, mềm, trắng sáng, không bị nứt khi gặp thời tiết khắc nghiệt, tránh cho chữ bị xô lệch, nên thường sử dụng gỗ thị, gỗ táo, gỗ lê. Theo sách "Ðại Nam nhất thống chí" thì mộc bản còn được chế tác từ "cây nha đồng, tục danh là sống mật, thớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi".

Thợ khắc mộc bản được tuyển chọn từ các nghệ nhân khắc gỗ nổi tiếng nhất nước, nên nét chữ rất điêu luyện và tinh xảo. Chính việc làm hoàn toàn bằng thủ công đã tạo nên một giá trị độc đáo cho mộc bản.

Tỏa sáng từ quá khứ

Nơi đầu tiên làm mộc bản là Quốc Sử quán (cơ quan biên soạn lịch sử chính thức duy nhất ở Việt Nam từ năm 1821 đến 1945). Trong hơn 100 năm tồn tại, Quốc Sử quán đã biên soạn nhiều bộ sử sách giá trị trên mộc bản. Đây là thời kỳ sách địa chí được biên soạn nhiều nhất trong lịch sử phát triển thể loại địa chí ở Việt Nam.

Trong 152 bộ sách, có 30 bộ sách lịch sử, gồm 836 quyển; 2 bộ sách địa lý gồm 20 quyển; 5 bộ sách chính trị xã hội, gồm 16 quyển; 5 bộ sách về quân sự, gồm 151 quyển. Riêng lĩnh vực pháp chế có 12 bộ sách, gồm 500 quyển, ghi chép các điển chế và pháp luật triều Nguyễn. Ngoài ra, còn 13 bộ sách tư tưởng triết học - tôn giáo, gồm 22 quyển.

Mảng văn hóa - giáo dục cũng có 31 bộ sách với 93 quyển, cùng 14 bộ sách về ngôn ngữ văn tự, gồm 50 quyển. Sự quan tâm của triều Nguyễn với văn học nghệ thuật thể hiện rất rõ trong những mộc bản, khi có tới 39 bộ sách văn thơ gồm 265 quyển, gồm thơ văn của các bậc đế vương và nho gia nổi tiếng Việt Nam.

Mối quan hệ quốc tế được lưu trong khối bản mộc  giúp hậu thế có thể giải mã nhiều vấn đề về lịch sử và văn hóa các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp v.v...--PageBreak--

Theo các nhà nghiên cứu, nhắc đến giá trị của mộc bản, là phải kể đến nguyên gốc độc bản 2 bộ sách, mà bất cứ ai nghiên cứu về lịch sử Việt Nam đều không thể bỏ qua: bộ "Đại Nam thực lục chính biên" được biên soạn và khắc in trong gần một thế kỷ, từ năm 1821 đến 1909, ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời chúa Nguyễn Hoàng đến Vua Khải Định và bộ "Khâm định Việt sử thông giám cương mục".

Ngoài ra, còn 1 trong 2 bộ luật nổi tiếng của chế độ phong kiến Việt Nam, là "Hoàng Việt luật lệ" (hay còn gọi là Bộ luật Gia Long), đã được Vua Gia Long ban hành năm 1815. Đặc biệt, cùng với bản gốc của "Đại Nam nhất thống chí", "Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ", các mộc bản còn cho chúng ta tìm lại được các nguyên tác quý hiếm của vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức qua "Ngự chế thi tập", "Ngự chế văn tập" hay "Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập" của Miên Trinh v.v...

Nhưng, giá trị lớn lao của các mộc bản triều Nguyễn không dừng ở đó. Các nhà khoa học còn thấy ở đây một góc nhìn lịch sử mà các tấm mộc bản đã âm thầm lưu giữ nhiều thế kỷ qua. Đó là thông tin về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (tục gọi là Vạn lý Hoàng Sa), mà bản gốc sách "Đại Nam thực lục tiền biên" đã ghi chép khá đầy đủ các sự kiện xảy ra trong 9 đời chúa (1558-1777): "Buổi quốc sơ, lập đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi sung vào. Hằng năm từ tháng 3 đến tháng 8, đội Hoàng Sa ra quần đảo Hoàng Sa lượm hóa vật về nộp...".

Bản dịch quyển 154 "Ðại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ" cũng ghi: "Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam có miếu cổ, có tấm bài khắc 4 chữ "Vạn lý ba bình" chu vi 1.070 trượng... Năm ngoái, vua toan dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, bỗng vì sóng gió không làm được. Ðến đây mới sai cai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính thợ Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Ðịnh chuyên chở vật liệu đến dựng miếu - cách tòa miếu cổ không xa".

Trong mọi hoàn cảnh, triều đình nhà Nguyễn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với mộc bản, cho thấy giá trị và tầm ảnh hưởng của mộc bản với đời sống chính trị - xã hội triều Nguyễn. Không thể phủ nhận, mộc bản triều Nguyễn là những chứng tích về nền văn hiến truyền thống của dân tộc ta, phản ánh nhiều phương diện của xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn.

Tài liệu mộc bản là bản gốc, có xuất xứ rõ ràng từ khi hình thành tới nay và hầu hết các tác phẩm được triều đình biên soạn trên cơ sở các văn bản chính thống, đã được kiểm đính chặt chẽ, do các cơ quan nhà nước quản lý qua các thời kỳ. Bởi vậy, các nghiên cứu khoa học từ các bản mộc đầy giá trị này, chắc chắn, sẽ cho những cứ liệu lịch sử tin cậy, giúp hậu thế giải mã nhiều vấn đề khi nghiên cứu về lịch sử triều Nguyễn nói riêng và lịch sử, văn hóa Việt Nam nói chung.

Một ý nghĩa lớn lao nữa của mộc bản đã được Cục Lưu trữ và Văn thư Nhà nước nhấn mạnh trong hồ sơ đệ trình UNESCO: "Ngoài ra, mộc bản còn lưu giữ nhiều bản đồ về địa lý Việt Nam, về các đảo và quần đảo ở biển Đông, biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Những vấn đề trên đã chứng minh giá trị to lớn của tài liệu mộc bản trong đời sống văn hóa xã hội người Việt Nam nói riêng và ảnh hưởng của tài liệu mộc bản đối với quốc tế nói chung".

Không chỉ tự hào...

Mộc bản có vị trí quan trọng với đời sống xã hội nên việc bảo quản luôn được các triều nhà Nguyễn coi trọng. Cùng với các quy định nghiêm ngặt trong ấn hành, việc bảo quản mộc bản cũng được tổ chức chặt chẽ, kịp thời phát hiện việc hư hỏng, xuống cấp để duy tu, sửa chữa.

Trước đây, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) là nơi bảo quản, lưu giữ mộc bản, để học sinh, sinh viên tham khảo, nghiên cứu. Nhưng rồi, Vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ: "Sai quan Bắc Văn Miếu (Hà Nội) về các sách Ngũ Kinh, Tứ Thư Đại Toàn, Vũ Kinh Trực Giải cùng Tiền Hậu Chính Sử và Tứ Trường Văn Thể gửi về kinh để ở Quốc Tử Giám (Huế)".

Đến năm 1841, dù mới đăng quang, nhưng Vua Thiệu Trị cũng ra lệnh chuyển tất cả mộc bản từ Quốc Tử Giám (Hà Nội) về kinh đô Huế để bảo quản, tu bổ. Năm 1849, Vua Tự Đức lại cho xây Tàng bản đường để lưu trữ mộc bản. Đúng 100 năm sau, khi Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn chọn Đà Lạt làm Hoàng triều cương thổ, ông lại cho chuyển toàn bộ văn khố Hoàng Triều gồm châu bản, mộc bản, địa bộ và sách ngự lãm từ Huế về Đà Lạt với một hành trình bí mật và vô cùng cẩn trọng.

Sau năm 1975, tài liệu mộc bản được giao về Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Bà Nguyễn Thúy Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước), nơi xây dựng toàn bộ hồ sơ mộc bản triều Nguyễn trình UNESCO, cho biết: Hiểu rõ giá trị của mộc bản triều Nguyễn, trong cuộc tháo chạy năm 1975, chính quyền Sài Gòn đã dự định mang theo toàn bộ số mộc bản trên, nhưng không thực hiện được.

Sau năm 1975, kho quốc bảo của triều Nguyễn từng suýt bị xóa sổ, khi có khoảng 20.000 mộc bản đã bị dùng làm củi đun. Mãi đến năm 1983, số mộc bản còn lại mới được quan tâm gìn giữ. Dù đã bị mất mát khá  nhiều, nhưng may mắn khi cuối cùng, những giá trị đích thực của di sản quý giá này đã được nhận ra.

Chúng ta tự hào có mộc bản triều Nguyễn là di sản độc nhất tại Việt Nam và cũng không chung tư liệu với quốc gia nào khác, nhưng ngay cả vào thời khắc huy hoàng nhất, chúng ta vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận một điều: UNESCO trao danh hiệu Di sản Tư liệu thế giới cho mộc bản triều Nguyễn đi kèm với những điều kiện rất cần thiết, như bà Nguyễn Thúy Bình cho biết: Nếu chúng ta bảo quản mộc bản không tốt, không phát huy được giá trị của nó cũng như không được tạo cơ hội cho công chúng sử dụng di sản, thì chỉ sau 1-2 năm, UNESCO có quyền xem xét việc tước bỏ danh hiệu.

Để giải quyết các vấn đề này, đã có một hệ thống kho chuyên dụng hiện đại bảo quản di sản sau khi Nhà nước đầu tư 53 tỉ đồng, có công suất chứa khoảng 5.000m giá tài liệu với hệ thống phòng chống đột nhập, phòng cháy, chữa cháy tự động... Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng đã có nhiều động thái tích cực: biên soạn và xuất bản sách "Mộc bản triều Nguyễn - đề mục tổng quan", số hóa mộc bản, làm thành đĩa CD-rom và tổ chức triển lãm mô hình mô phỏng mộc bản tại Đà Lạt v.v...

Chúng tôi cho rằng, điều quan trọng tới đây phải là dịch nội dung số mộc bản trên, biến nó thực sự trở thành những tài liệu hữu ích, thiết thực. Điều này không chỉ đáp ứng điều kiện mà UNESCO đã đề ra, là phát huy giá trị của di sản, mà còn là mong muốn của các nhà khoa học và công chúng để được tiếp cận di sản quý giá này để khai thác và sử dụng.

Xin được lấy ý kiến của bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội để kết bài viết này: "Phương thức mà mộc bản đã được bảo quản, số hóa và được UNESCO ghi nhận, sẽ nâng tầm cho di sản thế giới quan trọng này. Chúng ta đừng bao giờ lãng quên chúng. Cần xây dựng niềm tự hào cho các thế hệ tương lai để họ có thể học được từ những thế hệ đi trước. Thế hệ tương lai cũng sẽ có cơ hội được đóng góp cho lịch sử đất nước và vì thế chúng ta cần cho họ những lựa chọn để nghiên cứu về quá khứ giàu đẹp" 

Thanh Hằng
.
.