Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật:

Mong sao có lý, có tình

Thứ Ba, 07/03/2017, 18:05
Diễn ra muộn màng trong sự chờ đợi của giới văn học nghệ thuật và công chúng nhưng đến nay Giải thưởng Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục gây tranh cãi khi nhiều tác giả, thân nhân tác giả không bằng lòng, thậm chí "sốc" khi bị loại khỏi danh sách trao giải.

Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (VHNT) từng được thông báo trên Đài truyền hình Việt Nam là sẽ trao vào tháng 9-2016. Sau một thời gian khá dài, dự kiến, giải thưởng mới chính thức sẽ trao vào 11-3.

Diễn ra muộn màng trong sự chờ đợi của giới VHNT và công chúng nhưng đến nay giải thưởng vẫn tiếp tục gây tranh cãi khi nhiều tác giả, thân nhân tác giả không bằng lòng, thậm chí "sốc" khi bị loại khỏi danh sách trao giải.

Không ít người bày tỏ sự ngạc nhiên khi 115 hồ sơ lọt qua 3 vòng cấp hội đồng thì danh sách được duyệt chính thức chỉ có 77 người, bao gồm 10 tác giả, cố tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và 56 tác giả, đồng tác giả, 11 cố tác giả được trao Giải thưởng Nhà nước. Có 39 tác giả, đồng tác giả, cố tác giả chưa được xét tặng.

NSND Chu Thúy Quỳnh bày tỏ sự tiếc nuối khi nữ thi sĩ Xuân Quỳnh chưa có trong danh sách trao giải thưởng Hồ Chí Minh.

NSND Chu Thúy Quỳnh - 1 trong 10 gương mặt vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này chia sẻ rằng, bà thực sự xúc động khi biết tin được chọn trao giải. Nghệ sĩ cống hiến thì cống hiến cả đời. Tâm sức, thành tựu được ghi nhận không chỉ vì danh dự, niềm tin cho riêng bản thân mà còn là thành tựu chung cho nghệ thuật múa.

Vui, mừng, xúc động nhưng nữ nghệ sĩ vẫn cảm thấy tiếc vì biết rằng nhiều văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật nước nhà mà chưa được xét tặng như mình. Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh là một ví dụ.

Bà với Xuân Quỳnh từng thi tuyển và trúng tuyển vào Đoàn ca múa nhân dân Trung ương, từng gắn bó với nhau nhiều năm nên bà biết, Xuân Quỳnh tài hoa, nhiều thơ, nhiều tác phẩm lắm chứ không phải chỉ có vài tác phẩm như trong công bố của hồ sơ đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này. Nghe thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đề nghị xét tặng lại hồ sơ của Xuân Quỳnh, bà mừng và rất hy vọng hồ sơ của nữ thi sĩ sẽ được thông qua...

Ông Nguyễn Thành Thanh, con trai của cố tác giả Nguyễn Thành Đại (tức Từ Lương) cho biết: "Bạn bè, đồng nghiệp của bố tôi trong đó có không ít người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT đã chia sẻ và tỏ ý sẵn sàng ký tên khẳng định những đóng góp, công lao của bố tôi đối với ngành nếu gia đình làm đơn khiếu nại.

Nhưng chúng tôi không làm vì đây là quyền lợi và cũng là danh dự của bố tôi. Chúng tôi mong các cơ quan có trách nhiệm sẽ vào cuộc để xem xét lại trường hợp của bố tôi cũng như các trường hợp khác một cách công tâm. Được thì cũng vui, không được thì cũng không buồn. Khi bố tôi còn sống vì lòng tự trọng và sự chần chờ nên chưa làm hồ sơ xin xét tặng.

Khi bố tôi mất đi, Hội Nghệ sĩ sân khấu VN đã cùng với gia đình đề nghị truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho ông là một việc làm đầy ý nghĩa và đáng trân trọng. Một nền VHNT sẽ không thể phát triển nếu như không có sự hiện diện góp sức của các nhà phê bình nghiên cứu như bố tôi. 2 tập "Tiểu luận và phê bình sân khấu" là những bài nghiên cứu lý luận sắc bén được đúc kết từ những trải nghiệm của cả một cuộc đời cầm bút của bố tôi, những tư liệu quý, là điểm tựa về kiến thức, sự rèn luyện nhân cách của một người cầm bút trong văn học nghệ thuật đối với những cây bút trẻ sau này".

Việc cố nhạc sĩ Thuận Yến bị “đánh trượt" giải thưởng Hồ Chí Minh vào phút cuối gây sốc cho vợ, NSƯT Thanh Hương.

Thất vọng, bức xúc, thậm chí có phần nổi giận là NSƯT Hồ Thanh Hương, vợ của cố nhạc sĩ Thuận Yến. Trong lá đơn gửi đi nhiều cơ quan, đơn vị, bà khẳng định gia đình rất đỗi ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi biết nhạc sĩ không có tên trong danh sách trao giải lần này. Lý do là trước đó, gia đình được Hội Nhạc sĩ thông báo đã được Hội đồng xét giải thưởng thông qua rồi...

Trao đổi với báo chí, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua và Khen thưởng Bộ VHTTDL cho biết: "Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2016, 115 hồ sơ lọt qua 3 vòng cấp hội đồng. Hồ sơ được trình lên 3 cơ quan nhà nước là Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước. Và kết quả danh sách được duyệt chính thức gồm 77 người, bao gồm 10 tác giả được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 67 tác giả được Giải thưởng Nhà nước. Có thể nói đây là lần đầu tiên, xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về VHNT, số tác giả được các hội đồng đề nghị bị loại nhiều như thế. Khi biết thông tin nhiều hồ sơ bị loại, cá nhân tôi cũng rất buồn. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi đã mất rất nhiều công sức khi chuẩn bị cho việc xét tặng giải thưởng đợt 5 lần này.

Tính tới thời điểm này, tôi chưa thấy có đợt xét tặng giải thưởng nào lại đạt được cả về lý và về tình đến như vậy. Tức là ngoài chuyện xét tặng giải thưởng theo đúng quy trình, thì cả 3 hội đồng của 3 vòng xét duyệt giải thưởng đã làm việc rất nghiêm túc, công tâm xét cả về lý và tình. Trong tờ trình Thủ tướng Chính phủ về các hồ sơ có hai danh sách, một danh sách đạt tiêu chí về giải thưởng và một danh sách chưa đạt tiêu chí về giải thưởng. Tất cả các trường hợp khi gửi lên 3 cơ quan nhà nước đều đã đạt tới 90% số phiếu của Hội đồng cấp Nhà nước. Có thể nói đây là số phiếu thể hiện sự đồng nhất rất cao. Còn trong văn bản gửi về Bộ VHTTDL không nói rõ nguyên nhân những người không có tên trong danh sách tặng thưởng mà chỉ ghi chưa xét tặng...".

NSND Lê Tiến Thọ cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị về các tác giả, cố tác giả chưa được xét tặng đợt này.

Đối chiếu 39 trường hợp bị xếp vào "chưa xét tặng" thì thấy rằng nhiều trường hợp danh sách thứ hai trong tờ trình là chưa đạt tiêu chí về giải thưởng. Trao đổi với chúng tôi về trường hợp của những tác giả, cố tác giả sân khấu nằm trong số các trường hợp "chưa xét tặng" ở trong danh sách chưa đạt tiêu chí về giải thưởng, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết: "Tiêu chí phải có giải thưởng chỉ là một tiêu chí để Hội đồng xét tặng. Nếu chỉ xét về mặt giải thưởng thì đâu cần phải có tới 3 cấp hội đồng. Những thành viên trong hội đồng xét tặng sẽ phải xem xét nhiều yếu tố khác mà quan trọng là căn cứ vào giá trị của tác phẩm, sự đóng góp của tác giả đối với ngành nghề của mình. Vì quyền lợi của hội viên và của ngành, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị về các trường hợp tác giả, cố tác giả chưa được xét tặng đợt này".

Nói về việc xét tiêu chí giải thưởng, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng Bộ VHTTDL cho biết thêm: "Tại cuộc họp Hội đồng cấp Nhà nước, khi nói đến tiêu chí xét tác phẩm phải có giải thưởng, tôi đã trình bày trước hội đồng hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm. Có những tác phẩm khi ra đời đã tham gia vào các cuộc thi và có giải thưởng. Và cũng có những tác phẩm có giải thưởng nhưng độ lan tỏa, sức sống của nó trong lòng công chúng không nhiều, thậm chí là không có. Khán giả dễ dàng quên tác phẩm đó. Và cũng có những tác phẩm về hoàn cảnh lịch sử ra đời không tham gia tại các cuộc thi. 

Ví dụ, một loạt các tác giả lớp trước, đã từng vào sinh ra tử tại hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thậm chí trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới gần đây cũng không tham gia các cuộc thi nhưng độ lan tỏa, sự nổi tiếng và sức sống trong lòng công chúng thì vẫn luôn có, nên đề nghị Hội đồng xem xét. 100% thành viên Hội đồng đã thống nhất biểu quyết đồng ý".

Như vậy, vấn đề ở đây là khi làm nghị định, các nhà làm luật yêu cầu những người xây dựng nghị định phải đưa ra được tiêu chuẩn vừa có tính thuyết phục như là độ lan tỏa, sức sống của tác phẩm trong lòng công chúng nhưng lại phải có giải thưởng. Điều này vô hình trung đã "làm khó" cho việc xét tặng giải thưởng, nhất là trong lĩnh vực VHNT.

Vừa qua dư luận có đề cập tới hai trường hợp của tác giả Nguyễn Thị Xuân Quỳnh và Hà Đức Trọng (Thu Bồn) và Bộ VHTTDL cũng đã có tờ trình  số 222/TTg-HĐGT trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT cho 13 tác giả, đồng tác giả (trong đó có hồ sơ của 2 tác giả Nguyễn Thị Xuân Quỳnh và Hà Đức Trọng (Thu Bồn). Đồng thời Bộ VHTTDL cũng có tờ trình số 258/TTr-HĐTG trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho 3 tác giả (đồng tác giả): Nguyễn Thị Phương Hoa, Lê Đức Tiến, Nguyễn Minh Chuyên có cụm tác phẩm đủ điều kiện và tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% trở lên của tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước.

Câu hỏi đặt ra ở đây, với những trường hợp mà tác giả và gia đình tác giả lên tiếng trên dư luận thì Bộ VHTTDL kiến nghị tiếp tục xét tặng còn 33 trường hợp khác không lên tiếng khiếu nại thì sẽ ra sao? Với những tác giả đã tạ thế sẽ khó có thể thực hiện được yêu cầu phải có thêm tác phẩm mới sau khi đã nhận giải lần trước, và thời điểm của họ được trao giải có thể không có sự phân chia cao thấp mà chỉ là tác phẩm xuất sắc và được trao giải tiêu biểu trong năm của Hội nghề nghiệp. Ngay cả những giải thưởng mới được trao giải của những tác giả được xét cùng đợt trao tặng chưa chắc đã hay hơn và hợp lý hơn nếu tính theo độ lùi của thời gian. Điều quan trọng vẫn là giá trị thực sự của tác phẩm thay vì giá trị đó được tính bằng giải thưởng đã từng trao.

Những tưởng việc được đề nghị xét tặng sẽ được vinh danh tên tuổi thì bỗng chốc bị xếp vào diện "chưa xét tặng" khiến những tác giả trong danh sách này trở thành câu chuyện đàm tiếu, mổ xẻ của dư luận. Dư luận vô cùng băn khoăn khi 115 trường hợp đã qua 3 cấp Hội đồng thẩm định vậy mà vẫn có những trường hợp bị dừng lại vì chưa đủ tiêu chí giải thưởng chiểu theo Nghị định số 90/2014/NĐ-CP. Vậy tại sao vẫn được xét và phía Bộ VHTTDL đã trả lời rất cụ thể là việc xét tặng được tiến hành nghiêm túc, công khai, minh bạch?

Đại diện của Bộ VHTTDL, đại diện của Hội Nghề nghiệp đều khẳng định sẽ "không buông lơi" và tiếp tục báo cáo trình Chính phủ những trường hợp còn lại. Mong rằng sự việc này sẽ được giải quyết hợp lý, hợp tình để không làm đau lòng thêm những tác giả, những cố tác giả mà cả cuộc đời họ đã cống hiến, gắn bó với ngành nghề của mình trên lĩnh vực VHNT.

Minh Hà
.
.