Về nhạc phim trong “Bao giờ cho đến tháng Mười”:

Một âm hưởng hiếm có trong phim Việt

Thứ Năm, 25/10/2018, 15:57
Có lẽ không phải bàn nhiều về nội dung của “Bao giờ cho đến tháng mười” (BGCĐTM) của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Bộ phim đã được vinh danh “Bông Sen Vàng” trong Liên hoan phim Việt Nam năm 1985, được bình chọn là “Một trong 18 phim Châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại” (theo công bố của kênh truyền hình CNN) đủ khiến người ta ngả mũ trước tài năng, tâm huyết của đạo diễn.

Kịch bản và đạo diễn của Đặng Nhật Minh, riêng phần nhạc phim là của nhạc sỹ Phú Quang. Có thể nói, hiếm có bộ phim Việt nào có được một cặp “song tấu” thuộc hàng “kinh điển” như thế này. Và thực sự, những giai điệu, âm thanh, tiếng động… trong phim đã được trau chuốt dưới bàn tay của một nghệ sỹ tài hoa hiếm có. Nó đã góp phần nâng tầm bộ phim thành một kiệt tác điện ảnh.

1. Trong một lần trò chuyện với đạo diễn Đặng Nhật Minh, ông có tâm sự với chúng tôi về sự “long đong” của bộ phim BGCĐTM. Sau khi phim đã dựng xong, sửa đi sửa lại nhiều lần theo ý kiến của Giám đốc Hãng phim Hải Ninh và được một số cấp duyệt thì vẫn chưa được sự đồng ý để công chiếu.

“Lần lượt các Thứ trưởng Bộ Văn hóa: Đình Quang, Vũ Khắc Liên cho đến Bộ trưởng trong Bộ duyệt, rồi tới ủy viên Bộ Chính trị Tố Hữu, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Nguyễn Đức Tâm và rồi cuối cùng là tới Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh. Sau khi xem cảnh quay cuối “lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay giữa bầu trời” trong giai điệu của tốp ca nữ cùng dàn nhạc đã trở đi trở lại trong phim nhiều lần, đồng chí Tổng Bí thư chậm rãi tiến về phía nữ diễn viên Lê Vân bắt tay và chỉ nói mỗi một câu “Thương lắm”, rồi đi vào. Như vậy coi như bộ phim được “tha bổng”, và được công chiếu trên toàn quốc. Lập tức nó được khán giả cả nước đón nhận một cách hết sức nồng nhiệt…”.

Cảnh trong phim “Bao giờ cho đến tháng mười”.

Rõ ràng, bằng ngôn ngữ điện ảnh, đạo diễn đã kể một câu chuyện hết sức cảm động. Còn nhớ ông bà, bố mẹ tôi mỗi lần xem bộ phim này đều lau nước mắt nhiều lần. Chính tôi cũng thường xuyên thấy nổi gai ốc, sống mũi cay cay mỗi khi xem xong một trường đoạn, vì thương cô Duyên (diễn viên Lê Vân đóng).

Đặc biệt, phần âm nhạc đã thực sự đóng vai trò nâng đỡ cảm xúc cho cả bộ phim. Có lẽ do xem đi xem lại rất nhiều lần, thành ra nhiều lúc trong đầu tự nhiên vang lên một nét nhạc, và sau đó mới phát hiện ra là một đoạn trong BGCĐTM. Sau này tôi mới biết nhạc sỹ Phú Quang là người được phụ trách phần âm nhạc của phim, và nét tài hoa của người nghệ sỹ cũng bộc lộ có thể nói tuyệt vời ở đây. Dù các bản nhạc được thu âm từ cách đây hơn 30 năm (khi đó kỹ thuật thu âm và nhạc cụ còn rất thô sơ, thiếu thốn) song tất cả đều rất tinh tế, phù hợp với từng cảnh, từng đoạn phim, đặc biệt là có những đoạn hòa âm rất khéo, dẫn dắt người xem từ cảnh này sang cảnh khác, cao trào này sang cao trào khác.

Thậm chí âm nhạc trong BGCĐTM đã trở thành một thứ ngôn ngữ hình ảnh. Nhạc sỹ và đạo diễn đã dùng thứ ngôn ngữ ấy để chuyển cảnh, để làm cầu nối giữa cảnh trước với cảnh sau, dẫn dắt cốt truyện phim và truyền thêm cảm xúc. Nó còn là công cụ đắc lực góp phần khắc họa rõ nét hơn tâm trạng của Duyên, của Khang, của Thơm… và những nhân vật khác trong bộ phim. Đặc biệt nó còn là khúc biến tấu diệu kì thể hiện những cung bậc cảm xúc của nhân vật và những biến cố khác nhau diễn ra trong suốt 90 phút của bộ phim.

2. Quay lại với BGCĐTM, bộ phim có cốt truyện khá đơn giản. Duyên, một phụ nữ nông thôn đi thăm chồng (Nam) ở Tây Nguyên thì mới biết anh đã hy sinh. Vì sợ bố chồng (vốn mang bệnh) biết hung tin sẽ khó qua khỏi, Duyên nhờ Khang – anh giáo làng vào vai Nam - viết cho 1 lá thư gửi vào đúng ngày giỗ mẹ chồng. Một mình Duyên phải ôm nỗi đau mất chồng, lại không dám chia sẻ với ai (ngoài Khang). Từ đây nảy sinh mối tình tay ba giữa Khang, Duyên và Thơm (cô giáo cùng trường với Khang). Vì yêu Duyên mà Khang viết thư cho riêng cô, bày tỏ nỗi lòng. Bức thư bị lộ, Khang bị điều chuyển sang trường khác. Cuối phim, đồng đội của Nam về thăm gia đình Duyên, đúng khi bố chồng Duyên đang hấp hối.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Theo như đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ, ông bắt tay viết kịch bản BGCĐTM xuất phát từ nỗi đau của gia đình ông, từ nỗi đau của hàng vạn, hàng triệu người có người thân ngã xuống trong chiến tranh. Đó là những điều đã có sẵn trong ông, không cần phải tìm kiếm đâu xa. Chỉ cần tìm hình thức thể hiện nữa thôi.

Một lần ngồi trú mưa trên đê, trong quán nước ven đường ở huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Ninh), ông nhìn thấy dưới cánh đồng xa xa, một đoàn người lầm lũi đi trong mưa. Khi đoàn người đến gần, ông nhận ra đó là một đám tang. 

Theo sau chiếc kiệu có bốn người khiêng là một phụ nữ trẻ quấn khăn trắng, dắt một đứa con trai chừng 7 tuổi. Bà con trong quán cho biết chồng chị là bộ đội đi B, hy sinh đã lâu, nhưng bây giờ người ta mới báo tin cho gia đình biết và làm lễ rước hương hồn người chiến sĩ về yên nghỉ tại nghĩa trang của làng. Còn anh đang nằm ở đâu nơi chiến trường miền Nam, đến bây giờ không ai biết. Người phụ nữ chít khăn tang đi dưới chiều mưa hôm ấy chính là hình ảnh của chị Duyên sau này trong bộ phim BGCĐTM.

3. Ngay ở những cảnh quay đầu tiên, khi Duyên tay xách làn, đầu đội nón mê thất thểu đi ra bến đò thì cũng là lúc những giọt piano thánh thót vang lên, cùng tiếng sáo da diết. Nó gợi lên một cái gì đó vừa xa xôi, vừa bất định và cả tâm trạng đau khổ của người vợ trẻ vừa lên thăm chồng thì biết tin anh đã hy sinh. Ngồi trên đò Duyên đã không làm chủ được mình và ngã xuống sông. May mà Khang kịp thời nhảy xuống cứu được.

Cảnh trong phim “Bao giờ cho đến tháng mười”.

Đoạn Duyên sang nhà Khang cảm ơn vì đã cứu mình khỏi đuối nước, rồi Duyên vào Miếu thờ Thành Hoàng làng, nơi mà cô và chồng đã có rất nhiều kỷ niệm. Dàn nhạc bè trầm tấu chủ yếu là bộ dây bao gồm violin, viola và contra-bass gợi lên niềm nhung nhớ, khơi gợi biết bao kỷ niệm về một thời yêu đương giữa hai người. Trong cơn mơ, Duyên thấy chồng mình giữa làn đạn khốc liệt. Lúc này tiếng đàn bầu cất lên với những nốt gần như rời rạc gợi lên âm hưởng của sự chia ly, chết chóc của chiến tranh.

Trường đoạn Duyên sang nhà giáo viên nhờ Khang “đóng vai” là Nam để viết hộ lá thư thực sự là một trong những đoạn âm nhạc đã được sử dụng một cách thích đáng. Lúc này, trước lời đề nghị có phần bất ngờ của Duyên, Khang chưa dám nhận lời ngay. Anh băn khoăn: “Kể viết một bức thư với tôi không khó, nhưng để cho mọi người tin cũng không phải là dễ”. Duyên đã lường trước được tình huống này nên đưa ra một tập thư mà Nam đã từng gửi từ chiến trường về cho gia đình. Đến lúc này dàn nhạc tiếp tục được cất lên nửa như trăn trở, nửa như thúc giục. Có cảm giác linh hồn của Nam đã “về” trong tiếng nhạc.

Một trong những trường đoạn hay nhất (và âm nhạc cũng xuất sắc nhất) trong bộ phim là phiên chợ Âm Dương. Kỹ thuật “búng” của bộ dây khiến cho người xem nổi da gà, rồi khi Duyên dáo dác đi tìm Nam trong những tiếng thánh thót của đàn bầu góp phần cho khung cảnh liêu trai lại càng rùng rợn. Duyên nhìn thấy Nam cùng lúc đoạn nhạc trong bài “Du kích sông Thao” được độc tấu bằng kỹ thuật tremolo của đàn guitar nghe vừa da diết, vừa buồn đau.

Một cảnh vui hiếm hoi trong bộ phim, Duyên sung sướng biết bao được gặp lại chồng tại chợ Âm phủ ngày rằm tháng bảy. Dàn nhạc lúc này dường như chưa đủ để thể hiện niềm vui của Duyên, nên bè nữ đã được bổ sung như thể hiện niềm hân hoan. Hai người lại dắt nhau đi như thời mới yêu nhau. Đạo diễn vô cùng tinh tế khi để họ dù “dắt tay” nhau đi nhưng không để hai đôi bàn tay chạm được vào nhau.

Nói về trường đoạn này, đạo diễn Đặng Nhật Minh bật mí trong Hồi ký của ông, rằng khi đem duyệt phim đoạn này nhiều lần bị đề nghị cắt vì “truyền bá mê tín dị đoan”. Nhưng đạo diễn kiên quyết giữ. Cũng theo đạo diễn, chủ nhiệm phim cũng buộc ông phải hứa không được để cho Duyên và Khang yêu nhau (dù chỉ trên phim). Nhưng ông bảo, nếu họ không yêu nhau thì phim còn ra cái quái gì nữa! Và ông đã thể hiện tình yêu đó một cách ý nhị trong trường đoạn chợ Âm Dương. Đó là Duyên mơ thấy Khang, sau khi đã gặp chồng mình. “Nếu không yêu Khang thì không thể có chuyện anh giáo xuất hiện trong giấc mơ của cô Duyên được” – đạo diễn chia sẻ.

Cả bộ phim gần như chỉ có 2 đoạn nhạc vui (ngoài phiên chợ Âm Dương) thì đó là khi Duyên cùng con trai đi thả diều do thầy Khang làm cho. Duyên đọc được bài thơ “Bao giờ cho đến tháng Mười” mà Khang đã chép lên tờ giấy. Lúc này tiếng sáo diều cất lên rộn ràng vui tươi cùng tiếng cười đùa của con trẻ khiến bộ phim bớt đi phần bi lụy.

Nói về phần nhạc phim, đạo diễn Đặng Nhật Minh kể: “Khi tôi mời nhạc sỹ Phú Quang làm nhạc, anh vừa mới tốt nghiệp khoa sáng tác Trường Âm nhạc và chưa từng làm nhạc phim bao giờ. Tôi biết anh là nhờ chị Phương Chi, bạn của vợ tôi, giáo viên piano ở trường giới thiệu.

Anh chơi cho tôi nghe những giai điệu đầu tiên sáng tác cho phim trên chiếc piano trong căn hộ chật hẹp chỉ vừa đủ kê một chiếc đàn và một chiếc giường đôi ở trong ngõ Văn Chương, Hà Nội. Anh đã rung động thực sự khi làm nhạc cho phim này, do đó âm nhạc của anh đã đi vào phim rất ngọt ngào, nâng sức truyền cảm của hình ảnh lên rất nhiều. Đến bây giờ tôi vẫn tiếc một điều, giá anh sử dụng thêm nhạc cụ dân tộc thì có lẽ chất dân gian sẽ còn đậm đà hơn”.

Nhưng có lẽ chỉ bấy nhiêu đã đủ khiến cho nhạc phim BGCĐTM trở thành một âm hưởng hiếm có trong phim Việt.

Đoàn Ngọc Yên Chi
.
.