Một bệnh nhân tử vong tại BV Pháp – Việt TP HCM: Chết người là do đâu?

Thứ Năm, 23/08/2012, 20:40

Ngày 14/8 vừa qua, Cơ quan đại diện báo CAND - Chuyên đề ANTG tại TP HCM nhận được đơn khiếu nại của chị Mai Thị Thu Trang, nội dung liên quan đến cái chết của bố chị là ông Mai Trung Kiên khi vào điều trị tại Bệnh viện Pháp - Việt TP HCM (BVFV). Để tìm hiểu, chúng tôi đã có buổi làm việc với những bên liên quan. Câu hỏi đặt ra là phải chăng BVFV đã tắc trách, coi thường mạng sống của người bệnh?

Theo đơn trình bày của chị Mai Thị Thu Trang (thường trú tại phòng 109, nhà D6, Khu tập thể Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội), thì tối ngày 7/8/2012, bố chị là ông Mai Trung Kiên, 57 tuổi, bị đau bụng nên gia đình đã đưa vào Khoa Cấp cứu BVFV - số 6 đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP HCM để xin khám và điều trị.

Tiến hành thăm khám, bác sĩ kết luận ông Kiên bị viêm ruột thừa nên phải mổ. Chị Trang nói: "Vì bố tôi có tiền sử bệnh tim, và đang được điều trị bằng Plavix - là thuốc dự phòng biến cố huyết khối do xơ vữa - nên gia đình tôi đã thông báo cho bệnh viện biết bởi lẽ khi cho bố tôi uống loại thuốc này, bác sĩ tim mạch đã dặn là nó có khả năng gây nguy cơ chảy máu - trong trường hợp phải phẫu thuật".

Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, ông Mai Trung Kiên được phẫu thuật nội soi ruột thừa vào lúc 15h ngày 8/8, người trực tiếp mổ là bác sĩ Đức Tuấn. Hai tiếng sau đó, bác sĩ Tuấn đã báo cho gia đình chị Trang biết là ca mổ thành công tốt đẹp!

Hai ngày sau khi mổ, ông Kiên có những cơn đau bụng, càng lúc càng tăng dần. Theo chị Trang thì gia đình chị đã lập tức báo cho bác sĩ Tuấn, đề nghị bác sĩ kiểm tra lại. Tuy vậy, bác sĩ Tuấn vẫn khẳng định vết mổ tiến triển rất tốt và chỉ lấy máu để kiểm tra nồng độ men tim - dựa vào tiền sử bệnh tim của ông Kiên.

Đến 18h ngày 11/8 (ngày thứ 3 sau khi mổ), ông Kiên xuất hiện cơn đau bụng, đau ngực dữ dội. Chị Trang nói: "Gia đình tôi lập tức báo cho BV biết, nhưng bác sĩ trực hôm đó không cho làm xét nghiệm, siêu âm để tìm nguyên nhân mà chỉ dựa vào tiền sử là bố tôi bị bệnh tim, rồi kết luận bố tôi có triệu chứng nhồi máu cơ tim và cho bố tôi dùng liều cao thuốc chống đông máu. Lúc đó, bố tôi đã nói với bác sĩ rằng cơn đau này không giống như đau tim, mà là đau ở bụng".

Tuy nhiên, ý kiến của ông Kiên đã không được xem xét đến, mà ngược lại BVFV chuyển ông Kiên sang BV Tim Tâm Đức với lý do BVFV không có khả năng xử lý nhồi máu cơ tim. Vẫn theo chị Trang thì thấy ông Kiên đau quá, gia đình chị đã đề nghị BVFV mời bác sĩ BV Tâm Đức đến để cấp cứu cho bố chị ngay tại BVFV: "Nhưng họ đã không thực hiện và vẫn yêu cầu phải chuyển bố tôi sang BV Tâm Đức". Chị Trang nói: "Mất một thời gian rất lâu, bố tôi mới được đưa qua BV Tâm Đức vì còn phải làm thủ tục chuyển viện và… thanh toán tiền!”.

Mãi đến 20h cùng ngày, ông Kiên mới được đưa vào Phòng Cấp cứu BV Tâm Đức. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của PGS.TS - bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc chuyên môn BV Tâm Đức, ông Kiên được cho làm các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết. Kết luận của BV Tâm Đức cho thấy nguyên nhân đau của ông Kiên không phải từ tim vì các thông số kiểm tra tim mạch đều bình thường - mà khi siêu âm - BV Tâm Đức phát hiện ông Kiên bị chảy máu ổ bụng (xuất huyết nội) do mổ ruột thừa tại BVFV, và tiên lượng rất nguy kịch do thiếu máu trầm trọng.

Để có thể cứu sống ông Kiên, BV Tâm Đức đã giải thích cho gia đình chị Trang về tình hình của bố chị, rồi chỉ định mổ cấp cứu ngay lập tức, đồng thời BV Tâm Đức cũng đề nghị gia đình chị Trang yêu cầu sự cộng tác của bác sĩ Đức Tuấn - người đã trực tiếp mổ ruột thừa cho ông Kiên. Chị Trang kể: "Tôi quay lại BVFV để cầu cứu bác sĩ Tuấn thì thái độ của ông ấy rất bàng quan. Ông ấy nói: "Tôi  đã cử nhân viên sang Tâm Đức để theo dõi tình hình rồi". Và mặc dù chị Trang hết sức van nài rằng việc này là do yêu cầu của BV Tâm Đức, nhưng bác sĩ Tuấn vẫn lặp đi lặp lại: "Tôi đã cử người sang rồi, chứ bây giờ tôi sang cũng chẳng giải quyết được gì".

Chỉ đến khi nhân viên do bác sĩ Tuấn cử đi, gọi về cho biết bệnh nhân Mai Trung Kiên đang trong tình trạng nguy kịch do chảy máu ổ bụng thì bác sĩ Tuấn mới đi bộ từ BVFV sang BV Tâm Đức. Sau khi xem xong tình trạng của ông Kiên, bác sĩ Tuấn nói với chị Trang, là phải chuyển bố chị về lại BVFV để xử lý vì cơ sở vật chất tại Tâm Đức không bảo đảm - mặc dù bác sĩ BV Tâm Đức khẳng định đủ khả năng mổ cấp cứu cho bố chị Trang.

23h đêm ngày 11/8, ông Mai Trung Kiên được đưa ngược về BVFV. Theo tư vấn của PGS.TS - bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc chuyên môn BV Tâm Đức với gia đình chị Trang, thì ông Kiên nên được mổ hở để khâu cầm máu, kết hợp xử lý chống đông máu đồng thời lấy sạch máu trong ổ bụng nhằm tránh viêm phúc mạc. Bên cạnh đó, ông Kiên cũng cần được truyền máu, hồi sức tích cực. Chị Trang nói: "Tôi tìm bác sĩ Tuấn để nói lại ý kiến của bác sĩ Vinh nhưng suốt 30 phút, tôi không thấy ông ấy đâu cả". Mãi đến 23h30, bác sĩ Tuấn mới lững thững đi vào, gọi chị Trang và một người trong gia đình chị là bác sĩ Trương Thị Xinh - nguyên giảng viên Đại học Y dược TP HCM vào phòng riêng để trao đổi về tình trạng của ông Kiên.

Bệnh viện Pháp - Việt nơi xảy ra cái chết của ông Mai Trung Kiên.

Theo lời chị Trang thì bác sĩ Tuấn cho biết, là bố chị vẫn đang được truyền máu, chờ được xử lý. Thế nhưng, lúc chị Trang và bác sĩ Xinh vừa bước ra khỏi phòng thì tim ông Kiên ngừng đập. Lập tức, một nhóm nhân viên bảo vệ được gọi đến, mời chị Trang, bác sĩ Xinh ra ngoài, còn bác sĩ Tuấn thì… biến mất!

Chị Trang bức xúc: "Sau khi mổ và khi bệnh nhân có triệu chứng đau như vậy, tại sao bác sĩ BVFV không tiến hành siêu âm kiểm tra để tìm ra nguyên nhân mà vội vàng kết luận là do bệnh tim? Tôi đã hỏi ý kiến của nhiều giáo sư, bác sĩ đầu ngành và tất cả đều cho rằng: Chính vì kết luận là bệnh tim nên họ đã sử dụng thuốc chống đông máu khiến chỗ chảy máu trầm trọng hơn, dẫn đến cái chết của bố tôi".

Sáng 15/8, chúng tôi đã có buổi làm việc với BVFV để tìm hiểu về cái chết của ông Mai Trung Kiên. Bác sĩ Gerald, Giám đốc chuyên môn của BVFV nói: "Chúng tôi khẳng định ông Kiên vào BVFV với bệnh lý viêm ruột thừa, và được bác sĩ Đức Tuấn mổ bằng phương pháp nội soi là có thật. Trước khi mổ, gia đình ông Kiên đã báo cho bác sĩ biết rằng ông Kiên bị bệnh tim, và đang được điều trị bằng thuốc chống đông máu. Sau đó, đến đêm  11/8, ông Kiên tử vong. Hiện tại, chúng tôi đang thành lập hội đồng khoa học để làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết, và sẽ báo cáo về Sở Y tế nên chưa có thông tin cụ thể để cung cấp cho nhà báo".

Về phía BV Tâm Đức, khi chúng tôi đề nghị được cung cấp thông tin về diễn tiến tình trạng của ông Mai Trung Kiên - kể từ khi ông được BVFV chuyển qua BV Tâm Đức - cho đến lúc ông được đưa về lại BVFV - có đúng như lời tường trình của gia đình chị Trang hay không? PGS.TS - bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc chuyên môn BV Tâm Đức nói: "Đây là vấn đề rất tế nhị vì nó có liên quan đến bệnh viện bạn, đến các đồng nghiệp, đến Sở Y tế nên nếu cần tìm hiểu, xin nhà báo vui lòng liên hệ với Sở Y tế TP HCM".

Trao đổi với chúng tôi, anh Thắng, con trai ông Kiên vừa buồn rầu, vừa phẫn uất: "Các kết quả xét nghiệm chứng minh bố tôi bị xuất huyết nội sau mổ nội soi vẫn còn lưu tại BV Tâm Đức. Tôi mong các ngành chức năng nhanh chóng làm sáng tỏ về cái chết oan khuất của bố tôi, và cũng để tránh cho sau này, không còn có người bị thiệt mạng oan uổng vì cách hành xử tắc trách của BVFV".

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về lĩnh vực mổ nội soi tiêu hóa, biến chứng chảy máu sau phẫu thuật nội soi ruột thừa, gồm: Chảy máu do chọc "trocar" (là một dụng cụ hình trụ rỗng - gọi là canula. Bên trong canula lại có một ống hình trụ, đầu nhọn), dùng để tạo ra một lỗ đi vào ổ bụng, giúp bác sĩ đưa thiết bị vào để cắt, đốt mà không cần phải mở rộng bụng bệnh nhân như phương pháp mổ hở trước kia. Thông thường, khi chọc trocar vào thành bụng, cơ thành bụng sẽ tự ép chặt lấy calula, dẫn đến hiện tượng tự cầm máu. Nhưng với người bệnh đang sử dụng thuốc kháng đông thì chuyện tự cầm máu không xảy ra, máu sẽ chảy rỉ rả. Đến lúc rút trocar - do không còn bị ép, máu sẽ chảy nhiều hơn.

Một nguyên nhân nữa: Đó là chọc trocar gây tổn thương mạch máu thượng vị dưới, hoặc trong quá trình đốt mạc treo ruột thừa, phẫu thuật viên vô tình làm chảy máu mà không biết. Vẫn theo ý kiến của các chuyên gia Ngoại tiêu hóa: "Nếu máu chảy ít, 1- 2 ngày đầu có thể người bệnh chỉ có những triệu chứng mệt, huyết áp hơi hạ. Nếu máu chảy nhiều, bệnh nhân xanh tái, bụng chướng, đau, huyết áp xuống thấp và có thể có sốc do trụy mạch. Tuy nhiên, dù chảy máu ít hay nhiều, sau phẫu thuật mà bệnh nhân kêu mệt, đau bụng thì phải nghĩ ngay đến chuyện chảy máu trong. Trường hợp này, siêu âm kiểm tra là biết rõ".

Đây không phải là lần đầu tiên BVFV phẫu thuật cho bệnh nhân gây biến chứng. Đầu tháng 9/2004, cháu Nguyễn Thế P., đến BVFV để cắt bao quy đầu. Vài giờ sau khi cắt xong, cháu P. có dấu hiệu vẹo lưỡi, nói ngọng. Tuy nhiên, ông Jean Francois Biset, Giám đốc Y khoa BVFV lúc ấy vẫn khẳng định: tình trạng cháu P. hoàn toàn bình thường. Theo ông Biset, có thể do cháu P. quá năng động, vô ý cắn vào lưỡi nên phải đẩy lưỡi sang bên trái cho đỡ đau. Chuyện này không có gì bất thường và lưỡi cháu P. sau vài ngày sẽ trở lại như cũ.

Không đồng ý với cách giải thích này, ông Phong, cha cháu P. cho biết, không thể có chuyện cháu P. cắn vào lưỡi vì gia đình đã xem kỹ miệng cháu: "Nếu việc này có thực, cũng khó lý giải tại sao P. bị vẹo lưỡi sang trái đã 5 ngày kể từ sau khi cắt bao quy đầu".

Đến chiều ngày 3/9, 3 bác sĩ của BVFV tái khám cho cháu P. cũng chỉ nhìn miệng, đo huyết áp, nhịp tim và kết luận bình thường. Thế nhưng, lúc đưa cháu P. đến Bệnh viện Nhi đồng 2 rồi sau khi thăm khám, kiểm tra, các bác sĩ Khoa Nội thần kinh BV Nhi đồng 2 kết luận cháu P. bị liệt kín dây thần kinh số 7 mà nguyên nhân có thể là do gây mê!

Năm 2006, một lần nữa BVFV lại bị gia đình bệnh nhân Nguyễn Võ Thịnh P. kiện vì anh P. chết ngay trên bàn mổ.

Trước đó, năm 2003, anh Lê Mai T. đến BVFV để phẫu thuật phục hồi chức năng ngón tay trỏ phải. Tại đây, người trực tiếp tư vấn và sau này tiến hành phẫu thuật cho anh là bác sĩ Claudio Duek. Lúc tư vấn, bác sĩ Duek nêu ra phương pháp điều trị là ghép da. Tuy nhiên, khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ Duek chỉ cắt bỏ sẹo rồi khâu.

Trước khi đến BVFV, anh T. đã tìm hiểu nhiều nơi - cụ thể là bác sĩ Khanh, Khoa Ngoại 2, BV Trưng Vương, bác sĩ Châu, Trưởng khoa Vi phẫu, BV Chấn thương chỉnh hình, cả hai bác sĩ này đều đưa ra phương pháp ghép da...

Gần hai tháng sau phẫu thuật, tay anh T. có dấu hiệu co lại, xu hướng trở về trạng thái ban đầu như khi chưa mổ. Anh quay lại BV và yêu cầu bác sĩ Duek phải có biện pháp điều trị để ngăn chặn diễn biến xấu. Tuy nhiên bác sĩ bảo phải đợi 6 tháng sau mới kết luận tay có khỏi hay không mặc dù lúc đó tay anh T. bắt đầu cong lại.

Đến tháng 6/2004, ngón tay anh T. tệ hơn cả lúc chưa phẫu thuật. Anh trở lại BV và yêu cầu bác sĩ Duek phải có trách nhiệm chữa trị lại cho anh vì đã không làm đúng như những gì đã tư vấn. Khi anh T. hỏi tại sao không ghép da? Lúc này, bác sĩ Duek lại giải thích rằng, trường hợp của anh không thể ghép da được.

Không chấp nhận thái độ tiền hậu bất nhất ấy, anh T. yêu cầu gặp Giám đốc chuyên môn của BV là bác sĩ Biset để trình bày và đòi lại tiền phẫu thuật nhưng ông Biset từ chối, và chỉ nói là nếu anh T. đồng ý mổ lại thì sẽ được giảm chi phí. Khi đó, anh T. hỏi bác sĩ Duek, rằng  nếu phẫu thuật thêm một lần nữa thì áp dụng phương pháp nào. Câu trả lời thật lạ lùng: Ghép da!

Vũ Cao
.
.