"Một khúc tâm tình" cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Thứ Hai, 27/05/2013, 16:30

Sáng sớm một ngày tháng 5, trời Sài Gòn mưa nhẹ bay khắp phố. Chúng tôi tìm đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ở ngay cuối hẻm 94, phố Trần Khắc Chân, quận 1, TP HCM. Tôi bước vào gõ cửa nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ông nhìn tôi hồi lâu và xúc động nói ngay: "Em ở chỗ ông Hữu Ước phải không? Ông Ước ở xa mãi Hà Nội mà bao giờ cũng cho người đến thăm…”. Sở dĩ ông nhận ra tôi cũng vì đã vài lần anh Hữu Ước giao nhiệm vụ cho tôi đến thăm ông, phần cơ quan cũng có chút quà nhỏ gửi biếu ông thêm thắt dưỡng già.

Đi cùng tôi tới thăm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong buổi sáng hôm ấy là một nữ doanh nhân. Chị là người làm kinh tế nhưng rất thấu hiểu và mê say âm nhạc. Không phải vì phần quà cả trăm triệu đồng chị mang đến dành tặng cho ông nhạc sĩ, mà đúng hơn chị muốn đến đây để được tận mắt chứng kiến con người và cuộc sống của ông giờ đây ra sao? Khi thấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã bước sang tuổi 90 rồi mà vẫn hồng hào, minh mẫn, chúng tôi ai nấy đều rất mừng. Chị nói đi nói lại với chúng tôi nhiều lần rằng, chị không muốn đưa tin, chụp hình đăng báo. Kể cả tên chị chị cũng mong "đừng nhắc đến làm chi…".

Món quà chị tặng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng chính là sự tri ân của một người hâm mộ tài năng đối với một nghệ sĩ đã có nhiều ca khúc để đời mà nhắc đến tên ông hẳn ai cũng nhớ.

Trở lại câu chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Có thể nói trên đất nước này nói về các tác phẩm của ông ai chẳng từng một đôi lần được nghe hoặc đã hát. Nhưng có mấy ai biết được căn nhà nhỏ cũ mèm nằm khuất sâu ở con hẻm ấy có một "ông Tý nhạc sĩ" đã bước sang tuổi 90 rồi vẫn một mình chống nạng dựa lưng trên chiếc ghế cũ, vẫn chiều chiều ngóng trông, nhớ bạn khắp bốn phương?! Riêng tôi, cứ mỗi lần được ngồi bên ông đàm đạo, tôi hay mang chuyện "ngày xưa" với những ca khúc đã cùng chúng tôi ra Bắc vào Nam để được ông kể lại.

Những lúc như vậy ông chỉ cười hiền mà rằng: Khi ấy viết "Bài ca năm tấn”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, hay “Dáng đứng Bến Tre”… nhiều, nhiều lắm! Đi đâu họ cũng nói mình là… công dân danh dự của địa phương họ. Cái cảm giác được dân mến, Đảng tin, được "kết nạp" là công dân của địa phương này, địa phương nọ nghe sao nó ấm cúng, hạnh phúc và thân thương đến thế. Khi ấy viết nhạc chẳng cần tiền. Mỗi lần về địa phương được đãi củ khoai luộc, ấm chè xanh hay cốc nước dừa tươi, hoặc được ngồi nghe đám nam thanh, nữ tú hát ca những bài ca do mình sáng tác là thấy tuyệt lắm rồi...".

Đấy là "ông Tý" nói chuyện của ngày xưa. Còn bây giờ thì có rất nhiều chuyện đã khác, khác lắm rồi. Ông Tý bảo bây giờ nghe nói nhiều ca sĩ đi hát chẳng rõ những ca khúc tươi trẻ và hay ho đến mức nào mà một đêm tiền cát-sê có người "lấy" đến hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Khủng khiếp thật! Tôi thông tin thêm cho ông không phải chỉ có trăm triệu mà nhiều khi ca sĩ thu cả chục ngàn đô cho một đêm diễn.

Có chuyện nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đều biết và biết rất rõ đó là rất rất nhiều ca sĩ "hát chùa" không hề trả một xu cho tác giả đã mất bao năm lao tâm khổ tứ để mà sáng tác "đẻ" ra đứa con yêu của mình. Riêng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, các ca khúc của ông cũng là một trong số tác giả bị một số ca sĩ chiếm đoạt tác quyền nhiều nhất.

Nhắc đến chuyện này ông Tý lắc đầu: "Khó lắm anh ạ. Ngày xưa mình còn khỏe mạnh, còn đi đây đi đó được cũng chưa bắt đền được ai huống hồ bây giờ, nằm bẹp một chỗ thế này thử hỏi còn đòi được ai nữa. Mấy chục năm sáng tác, mình còn chưa nhớ hết những tác phẩm của mình, thế thì biết đâu mà đòi tiền…".

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhạc sĩ được cấp trên phân công vào phía Nam công tác. Ông thú thực mảnh đất phương Nam phóng khoáng, chân thật và nhân nghĩa ấy đã hút hồn ông từ lúc đặt chân cho đến mãi sau này. Để có được những bài hát "để đời" cho các thế hệ, ví như bài hát "Dáng đứng Bến Tre" chẳng hạn, ông đã phải bỏ ra cả 3, 4 năm trời dọc ngang sông nước miền Tây. Chèo xuồng, lội ruộng. Học làm người Nam Bộ, nói tiếng miền Nam.

Ông thú thực đã nhiều lần ông ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của các má, các chị, các cô thôn nữ Nam Bộ. Về Bến Tre, ông đã mất rất nhiều ngày dựa lưng bên gốc dừa, thỏa thích trước vẻ đẹp của vùng quê rất riêng của miệt vườn sông nước. Ông kể cho tôi nghe nhiều, nhiều lắm, cái ngày mình ông dọc ngang sông nước miền Tây Nam Bộ khi xưa.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trò chuyện cùng nhà báo Xuân Xe.

Trở lại với một số ca khúc để đời, tôi hỏi vui ông rằng, lâu nay ông có gặp hoặc nhận được thông tin ở tỉnh Thái Bình, Hà Tĩnh hay Bến Tre không? Ông Tý lắc đầu. Ông nói, chuyện lâu quá rồi. Nhắc lại mà làm chi. Vài phút sau ông nói nhẹ nhàng: “Nói rằng quên hết cũng không phải, vừa qua ở Hà Tĩnh, có một ông lãnh đạo tỉnh vào công tác tại TP HCM có ghé thăm, tặng ông chút quà”. Ông bảo, tiền bạc dù là vài triệu, nhưng đó là tấm lòng. Ông không nghĩ đó là "quà của lãnh đạo tỉnh tặng" mà nghĩ đó là tình cảm của "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" gửi tặng cho mình, vậy là ông vui, vui lắm.

Ông còn dí dỏm hỏi tôi: "Cháu làm báo có biết bà con Hà Tĩnh hay Bến Tre còn hát bài của bác không?". Tôi trả lời ngay, không chỉ có "Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh" mà nhiều bài hát nữa, những bài hát của bác hầu hết dễ nhớ, lâu quên. Chẳng phải chỉ có bà con Hà Tĩnh, Thái Bình, Bến Tre... hát đâu mà hầu hết các ca sĩ nổi tiếng trong nước đều đã hát và hát rất hay những ca khúc của bác kia mà". Nghe tôi kể điều ấy, người nhạc sĩ tài hoa mắt đỏ hoe, rưng rưng lệ.

Cho dù nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có sáng tác đến cả chục hoặc cả trăm bài hát nhưng dấu ấn và đậm nét nhất phải kể đến hàng loạt bài hát mà ông đã sáng tác cho một số địa phương. Ông nói, không hiểu sao cứ mỗi khi chiều xuống hay đêm về, lúc nào trong đầu ông cũng tràn ngập những hình ảnh tên đất, tên người, những vùng quê xa xôi với bao kỷ niệm liên tục hiện về. Ông nhớ bát nước chè xanh của vùng quê Hà Tĩnh, nhớ trái dừa thơm ngọt lịm của "dáng đứng Bến Tre".

Ông chỉ tiếc nuối vì già rồi, lại bị bệnh tai biến nữa nên sức khỏe chẳng cho phép ông đi đâu xa. Hằng ngày quanh quẩn trong căn phòng chật hẹp. Cứ nghe tiếng ai đó thoáng qua khung cửa là ông lại nhổm người ngó nghiêng. Về vật chất, ông bảo tuy ông vẫn còn thiếu thốn nhưng cũng chẳng thèm khát gì. Duy chỉ có tình người, tình yêu nhạc sĩ, tình bè bạn gần xa thì lúc nào ông cũng khát, cũng thèm...

Mấy lần ngồi hàng giờ đối thoại với ông, tôi biết chắc chắn rằng trong ông hai tiếng Việt Nam vẫn là cội nguồn của sự tin yêu, thiêng liêng nhất. Ông cũng cho tôi biết, bản thân ông sáng tác và sống đến ngần này tuổi là quý lắm rồi. Ông luôn có một niềm tin là dù ông lãnh đạo của tỉnh này hay tỉnh nọ vì bận trăm công ngàn việc có thể họ chẳng có thời gian hát hò để nhớ đến ông, nhưng ông tin chắc tình yêu, sự khát khao đến cháy bỏng trong các ca từ mà ông sáng tác về những vùng quê mà ông từng gửi gắm, sẻ chia, người dân sẽ mãi còn nhớ đến ông và không dễ gì quên được.

Cứ vậy, tôi càng lúc càng bị cuốn hút, xúc động về "Một khúc tâm tình" của cuộc đời ông. Trước lúc chia tay tôi chỉ biết cầu chúc cho ông bình an, mạnh khỏe. Những ca khúc của ông mãi mãi vẫn tươi trẻ cùng năm tháng thời gian

Xuân Xe (Xuanxe59@gmail.com)
.
.