Một mình chống lại ông "Tổng" Vật tư nông nghiệp
Đấu tranh với sếp nên ông Long kể, ông đã tự chuẩn bị hết mọi phương án, kể cả nếu có thất bại...
>> Tổng giám đốc xài sang bị bắt tạm giam
Đến thời điểm này, cuộc đấu tranh chống tiêu cực tại Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (VIGECAM) đang dần tới một kết cục có hậu. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Trần Văn Khánh, nguyên Tổng giám đốc VIGECAM về tội tham ô. Người góp phần đắc lực tạo nên thắng lợi của một cuộc chiến cam go chống tiêu cực ấy là ông Lê Thiên Long.
Trước khi được Ban Biên tập giao nhiệm vụ gặp gỡ, tìm hiểu và viết bài về ông Lê Thiên Long, người tố cáo những hành vi tiêu cực, tham nhũng tại VIGECAM, tôi đã có một chút thông tin về con người này: Đó là một cán bộ lâu năm, có vợ bị liệt nằm nhà gần 20 năm qua (bà đã bị căn bệnh quái ác từ năm 1991) và một cậu con trai ốm yếu nằm ở nhà.
Những thông tin được ráp lại với nhau đủ để hiểu rằng đó là một người có hoàn cảnh kinh tế không khá giả gì và không biết câu nói "đấu tranh tránh đâu". Đặc biệt là người ông tố cáo lại là lãnh đạo trực tiếp của đơn vị mình công tác.
Nhấc máy đầu dây bên kia là một giọng nói gãy gọn, trôi chảy tới mức hơi nhanh. Khi biết đề nghị của tôi muốn gặp để tìm hiểu về cuộc chiến đấu chống tiêu cực của ông tại VIGECAM ông Lê Thiên Long đã đồng ý.
Tôi chưa kịp hẹn thời gian và địa điểm thì ông Long đã nói khi nào đến nơi thì gọi điện thoại cho ông và “anh em mình ra một cái quán nào gần đấy để nói chuyện. Chứ chú mà vào cơ quan bây giờ bảo vệ họ không cho vào đâu”.
Thì ra, trước đó mấy hôm, một đồng nghiệp cũng có ý định như tôi đến trụ sở VIGECAM ở 16 Ngô Tất Tố đã bị lực lượng bảo vệ ngăn chặn từ ngoài cổng... “Họ vẫn đang muốn cách ly tôi”, ông Long nói. Và thế là cuộc gặp được diễn ra ngay tại Chuyên đề ANTG, nửa tháng sau khi vụ tiêu cực đã bị phanh phui.
Một quyết định được cân nhắc kỹ
Ngồi trước mặt tôi là một người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần. Dáng người nhỏ thó nhưng quắc thước. Mái tóc quăn đã muối tiêu quá nửa, trông ông có vẻ già hơn so với tuổi. Dường như đã chuẩn bị trước cho cuộc nói chuyện này, ông Long vào đề ngay.
Là trai quê gốc Hoài Đức, Hà Tây, như bao thanh niên thời điểm đó, tháng 5/1971, anh Lê Thiên Long lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của non sông. Sau khi đất nước thống nhất, tháng 12/1975, Lê Thiên Long xuất ngũ và theo học chuyên môn Kinh tế vật tư tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội từ năm 1976 đến năm 1980.
Ông Long đã công tác tại VIGECAM từ năm 1981 đến nay. Gần 27 năm công tác với 15 năm là Phó phòng Kế toán phụ trách xây dựng, trải qua tới 4 đời tổng giám đốc, ông Long nắm rõ tình hình VIGECAM.
Tuy nhiên, chỉ đến khoảng tháng 11/2006, ông Long mới bắt đầu thực sự quan tâm tới việc thu thập tài liệu về các sai phạm của Tổng giám đốc Trần Văn Khánh.
Và cũng phải đến tháng 4/2007, sau khi Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kết luận thanh tra, ông Long mới quyết định sử dụng tài liệu của mình để chứng minh rằng Thanh tra Bộ đã không làm rõ được sự thật đang diễn ra ở VIGECAM.
Theo ông Long, có 2 lý do khiến ông lựa chọn 2 mốc thời gian nói trên. Cuối năm 2006, để chuẩn bị cho cổ phần hóa VIGECAM diễn ra “suôn sẻ” theo ý mình, ông Khánh riết róng thúc ép cấp dưới thi hành các chính sách dồn ép người lao động về nghỉ theo chế độ.
Để ép người về, lãnh đạo VIGECAM bắt đầu thi hành chính sách “cắt gọt” lương cán bộ. Lương sụt thê thảm dẫn tới các khoản tiền trợ cấp, phụ cấp khác cũng giảm theo hoặc bị cắt hẳn... “Cán bộ có 96 người thì có tới 68 người bị ép về theo 41 (Nghị định 41/CP về giải quyết chính sách cho lao động dôi dư sau cổ phần hóa)".
Quyền lợi của các cán bộ trong công ty bị xâm hại nghiêm trọng. "Họ tham quá! Họ muốn biến công ty sau khi cổ phần hóa xong là thành của họ. Vì thế tôi bắt đầu nung nấu quyết tâm thu thập tài liệu về những sai phạm của Ban lãnh đạo VIGECAM. Tôi muốn tiền của Nhà nước phải được trả lại cho Nhà nước chứ không phải chỉ gây ầm ĩ cho xong”, ông Long nói.
Tuy nhiên, không phải cứ muốn tố cáo là làm được ngay. Phải mất thời gian thu thập tài liệu, rồi sắp xếp, lựa chọn, xâu chuỗi lại để người nhận tài liệu hiểu được vấn đề.
Và thế là, phải đến thời điểm tháng 4/2007, lá đơn tố cáo đầu tiên mới được gửi đi. Đó cũng là thời điểm mà những lao động cuối cùng thuộc diện giải quyết theo 41 cũng đã làm xong mọi thủ tục, chính sách.
“Đây là điều mà tôi cân nhắc nhất trước khi bắt đầu công khai cuộc đấu tranh này. Tôi sợ nếu “cuộc chiến” nổ ra, hoặc giả nó thất bại, thì chắc chắn quyền lợi của các đồng nghiệp bị ảnh hưởng. Tôi sẽ ân hận lắm!” ông Long thổ lộ.
“Chỉ nói những gì mình biết"
“Đó có thể coi là phương châm của tôi trong cuộc đấu tranh này. Mặc dù những điều tôi biết, và nhiều người khác cũng biết, có lẽ còn kinh khủng hơn thế. Nhưng khi viết đơn tố cáo, tôi chỉ nói những gì mình có tài liệu chứng minh được. Nếu không, mình sẽ tự rơi vào thế là người vu khống ngay”, ông Long nói như tự nói với chính mình.
Mất đến 2 tháng trời, cứ sau khi đi làm về, lo xong cho vợ và con, là người cựu chiến binh ấy lại ngồi vào bàn hí hoáy viết viết, gõ gõ đến 2 giờ sáng. Toàn bộ tài liệu thu thập được ông chia thành từng cặp theo năm tháng, theo vụ việc.
Ông Long bảo có đến 12 cặp tài liệu như thế. Ông còn sắm nguyên một dàn máy vi tính với máy in để phục vụ nhập liệu và in ấn đơn thư. Giai đoạn chuẩn bị tập hợp, diễn giải tài liệu kéo dài khoảng hơn 3 tháng, ông Long bảo in hết 15gr giấy. Máy in đổ 3 lần mực. --PageBreak--
Như vậy là cứ trung bình hơn một tháng là một lần đổ mực. “Đến nỗi mấy cậu thợ máy cứ thắc mắc không hiểu sao cái ông này dùng ở nhà riêng mà in khỏe thế”, ông Long cười phá lên, sảng khoái.
Mỗi lá đơn tố cáo là kèm một bản giải trình. Nếu người nhận đơn quan tâm tới vụ việc, ông Long lại “bồi tiếp” hồ sơ theo lớp lang đã có diễn giải làm nhiều lần. Cứ thế, vụ việc về VIGECAM dần lan truyền đi các nơi và bước đầu nhận được một số sự ủng hộ.
Vừa làm vừa quan sát, hễ thấy ai có thái độ thiện chí là ông Long tiếp cận ngay, "bồi" thêm tài liệu để tranh thủ sự ủng hộ. Sau khi phát đơn tố cáo công khai, thái độ của lãnh đạo VIGECAM đối với ông Long bắt đầu khác.
“Họ ngăn không cho tôi tiếp xúc với các tài liệu mới. Họ cách ly tôi với các đồng nghiệp trong cơ quan và thường xuyên cử tôi đi công tác để thăm dò và tìm cơ hội mua chuộc”, ông Long nhớ lại.
Tuy nhiên, chính những lần đi như thế, ông lại coi như một cơ hội được đi tìm hiểu thêm tài liệu. Trước mỗi chuyến đi, ông Long thường thủ theo 5 - 6 bộ tài liệu, có điều kiện là gửi đi ngay.
Một lần, trong chuyến công tác tại TP HCM, do bị người của Tổng công ty bố trí đi cùng theo dõi, ông đã phải nghĩ ra kế cắt đuôi để đưa được tài liệu đi mà không lộ nơi đến.
Ông Long đã nhờ một cô cháu gái của nhà người quen đến khách sạn xin gặp bác để rồi lừa lúc “đối phương” mất cảnh giác, ông đã ôm cặp tài liệu đưa đến tòa soạn một tờ báo lớn thuộc Thành ủy thành phố và đã đạt kết quả.
"Tôi đã gặp may mắn"
Vào giữa năm 2002, ông Long kể lại, sau khi đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo VIGECAM một thời gian, Tổng giám đốc Trần Văn Khánh bắt đầu có những thay đổi về nhân sự để tạo vây cánh và vỏ bọc cho các hành vi sai phạm của mình.
Hàng loạt vị trí nhân sự trong công ty bị điều chuyển, thay vào đó là những người thân tín của ông ta. Phòng Kế toán của Tổng công ty là nơi có sự thay đổi dữ dội nhất. Toàn bộ đội ngũ trưởng, phó phòng đều bị thay hết.
Bản thân ông Long chuyển sang làm Phó ban Quản lý dự án thức ăn chăn nuôi, rồi Ban Dự án sản xuất lương thực, thực phẩm, “ngồi chơi xơi nước” mất 2 năm. “Nếu tiếp tục bị “giam” ở đấy, tôi chắc không thể có cơ hội làm được như ngày hôm nay”, ông Long khẳng định.
Thế rồi run rủi thế nào, đến tháng 8/2004, ông Long lại được chuyển về làm chuyên viên Ban Kiểm soát của VIGECAM. “Thực sự hồi đó tôi chưa hề có ý định gì. Chỉ là rất tình cờ trong một lần gặp gỡ, tôi nói với ông Khánh rằng tôi là người có chuyên môn, mà giờ ngồi ban dự án ngày ngày cọ ấm chén, hút thuốc vặt thế này thì oải quá. Anh xem có công việc gì cho tôi làm không? Chỉ cần có việc là được. Và thế là tôi được chuyển về Ban Kiểm soát”, ông Long nhớ lại.
Lại phải nói về cái gọi là Ban Kiểm soát ấy. Trong tổ chức của một công ty cổ phần, có 2 yếu tố không thể thiếu là Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát. Về nguyên tắc, Ban kiểm soát có chức năng giúp việc cho Hội đồng Quản trị và có quyền chất vấn Tổng giám đốc điều hành về tất cả mọi hoạt động của công ty.
Tuy nhiên, tại VIGECAM thì lại không phải như vậy. “Tổng giám đốc Trần Văn Khánh là một người cực kỳ ngạo mạn và độc đoán. Trong VIGECAM, ý ông ta là ý trời. Kể cả Chủ tịch Hội đồng Quản trị đối với ông ta cũng không là gì cả.
Đã có người dưới quyền thấy ông ta ngang ngược quá nhưng can ngăn không được nên đã phải lấy lý do bị ung thư, xin về để chết. Nhưng mấy năm rồi vẫn thấy khỏe như vâm, có chết đâu. Chẳng ai dám nói trái ý ông Khánh ở cơ quan”, ông Long nói.
Vì thế, việc được điều chuyển sang cương vị mới của ông Long thực chất cũng chỉ là một cách lấy lòng nhân viên. Sau khi về Ban Kiểm soát, ông Long lại có cơ hội tiếp cận với toàn bộ những tài liệu quan trọng góp phần phanh phui các hoạt động tham nhũng, tiêu cực tại VIGECAM sau này.
Khi đơn tố cáo được gửi đi, ông Long nhận được sự ủng hộ nhiệt tình mà cho đến giờ phút này, ông vẫn tự cho đó như những "may mắn" thật sự. Qua giới thiệu của bạn bè, ông Long được gần như cả một tập thể phía
Chính vì thế mà những lá đơn và tài liệu của ông đã đến được tay lãnh đạo cao cấp không chỉ một lần. Rồi thì sự giúp đỡ của những người xung quanh, đồng nghiệp và cả người vợ bị liệt chỉ biết nằm trên giường nhưng cũng quan tâm tới việc chồng đang làm và nhiều lúc đã được ông đưa cho bản thảo lá đơn để soát kỹ trước khi gửi đi.
Ông Long trầm xuống: “Nói như thế đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ cả. Dư luận ban đầu hoài nghi, nghĩ mình mánh mung gì. Đó là còn chưa kể có bạn bè, nay làm to, mới thấy mình đến đặt vấn đề đã lắc đầu nguây nguẩy.
Buồn lắm chứ. Nhưng không được ngã lòng. Đánh “giặc” không được nề hà. Quan trọng là phải giữ vững ý chí. Tôi tự nhủ như thế bởi hiểu rõ đấu tranh đâu phải cho riêng mình. Mới hôm rồi, trong một tiệc cưới, tôi có gặp lại người đó, cả hai đều tránh nói đến chuyện cũ”.
Họ mua chuộc tôi làm sao được!
Sau khi có đầy đủ tài liệu, chứng cứ, việc đầu tiên người cựu chiến binh đó bắt tay vào làm là khoanh vùng các đối tượng để xem người nào “ăn”, và ăn đến đâu.
“Rút cục là tôi thấy đa phần họ đều là những kẻ ăn theo. Có người tự nguyện nhưng cũng có người bất đắc dĩ, ở vào cái thế chẳng đừng. Và thế là tôi tập trung vào chỗ “trũng” nhất, là cái ghế Tổng giám đốc. Anh Khánh ăn nhiều thế thì phải trả lại và như thế thì anh cũng không xứng đáng ngồi ở cái ghế lãnh đạo ấy nữa”, ông Long nói thẳng.
Chính vì xác định được chủ đích như thế, nên người cựu chiến binh ấy không cảm thấy bị căng thẳng. Ông Long bảo đã tự chuẩn bị hết mọi phương án, kể cả nếu có thất bại, phải rời khỏi VIGECAM thì sẽ làm gì để nuôi sống gia đình.
“Nếu như chỉ vì tức tối, thù oán cá nhân, làm sao tôi có thể có những lúc ngồi uống bia với chính những người “bên kia chiến tuyến” được? Lúc như thế, tôi lại tranh thủ khai thác để hiểu thêm về đối thủ của mình. Vì thế lại càng xác định rõ mục tiêu hơn. Họ mua chuộc tôi làm sao được”.
Độc đoán, chuyên quyền song Tổng giám đốc Trần Văn Khánh lại mê tín và tin vào cúng bái. Cán bộ nhân viên VIGECAM kể lại có lần đi lễ, vợ chồng anh Khánh sắm sửa đồ lễ bày kín 2 cái bàn lớn...
“Tình cờ thế nào nhà tôi (ở Khu tập thể của VIGECAM 13B Ngô Tất Tố, ngay bên cạnh Tổng công ty) cũng trên tầng 2, so ra thì ở vị trí sau lưng phòng làm việc của anh Khánh. Ở nhà tôi có một cái bể cá lớn. Còn ở phòng làm việc, hướng đối diện phòng anh Khánh, tôi có một cây xương rồng, mùa này đang ra hoa rất đẹp.
Tôi thường hay đùa anh em trong phòng rằng anh Khánh tuổi Sửu (sinh năm 1949 theo lời ông Long), là con trâu. Phía sau tôi đưa “biển” (bể cá) đến, phía trước tôi kéo “rừng” (cây xương rồng) đầy gai góc về chặn rồi, anh Khánh không thoát được đâu”, ông Long cười hóm hỉnh.
Tưởng nói chơi thế thôi, ai dè mới hôm đây, chẳng biết ai đã lấy trộm mất cây xương rồng ấy rồi. Con người đến lúc đã quẫn, thì đúng là chẳng từ việc gì nữa.
Ông Long còn kể lại có lần, ông Khánh tuyên bố trước mặt nhiều người rằng đã dễ có đến 20 lần có người tố cáo, nhưng chẳng làm được gì ông ta cả.
“Vậy thì đến lần thứ 21 này sẽ khác. Ông ta sẽ không thoát được đâu”, cựu chiến binh Lê Thiên Long quả quyết