Khi các “ông lớn” đầu tư vào… ruộng vườn:

Một nắng hai sương và giấc mơ ngàn tỉ

Thứ Năm, 16/04/2015, 20:15
Sau bao chiêu trò, mánh khóe khuấy đảo khiến thị trường bất động sản, chứng khoán… tung bọt, phồng bong bóng vượt xa giá trị thực thì thị trường tất yếu phải nguội trở lại. Lúc này, kênh đầu tư được nhiều "ông lớn" rót vốn có vẻ như đang nhắm vào nông nghiệp - như tìm đến vịnh trú bão? Tuy nhiên, bao đời nay, người nông dân luôn hưởng lợi ít nhất và thiệt thòi nhiều nhất trong trò chơi kinh tế. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn nhảy vào nông nghiệp, câu hỏi nhức nhối là vị trí của người nông dân sẽ ở đâu?

Khi đại gia muốn làm nông dân

Trước nay, số doanh nghiệp khởi phát và trưởng thành từ nông nghiệp được biết đến chỉ đếm trên đầu ngón tay mặc dù Việt Nam vốn được coi là quốc gia có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên và thế mạnh lao động để phát triển nông nghiệp. Do đó, dù tăng trưởng tốt và nhiều mặt hàng có vị trí xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng nhìn chung, nông nghiệp Việt Nam vẫn lạc hậu và manh mún, năng suất, giá trị gia tăng không cao.

Nhìn lại, dường như Vinamilk là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào nông nghiệp một cách bài bản và hệ thống. Năm 2006, Vinamilk đầu tư 500 tỉ đồng vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa một cách trực tiếp thông qua 9 trang trại nông nghiệp lớn, đồng bộ, thiết bị và quy trình hiện đại, khép kín.

Những trang trại này đã mạnh dạn nhập khẩu 8.000 con bò sữa từ Úc để chăn nuôi theo chế độ đặc biệt và liên kết với hơn 5.000 hộ dân bao tiêu sản phẩm cho 65.000 con bò sữa. Mỗi ngày thu được hàng nghìn tấn sữa. Sau này, Vinamilk tiếp tục đầu tư phát triển thêm nhiều trang trại với mô hình tương tự ở nhiều nơi có thế mạnh chăn nuôi với số vốn rót vào hàng nghìn tỉ đồng.

Nhận thấy hiệu quả của lĩnh vực này, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức vốn nổi tiếng với những thương vụ đầu tư "trái khoáy" đã chọn nông nghiệp là một trong hai mảng đầu tư chính của mình.

Năm 2007, ông bán bớt bất động sản đi trồng cao su quy mô lớn với giống mới, kỹ thuật mới. Đến năm 2014, Hoàng Anh Gia Lai có khoảng 44.500 hécta cao su, 8.000 hécta mía đường, cọ dầu khoảng 17.300 hécta và ngô có khoảng 5.000 hécta tại Lào.

Chưa hết, một trong những doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán này còn đầu tư phát triển đàn bò lên đến hàng trăm nghìn con trong tương lai. Số vốn ông Đoàn Nguyên Đức đổ vào nông nghiệp công nghệ cao đã hơn 18.000 tỉ đồng. Tới đây, công ty nông nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức sẽ được đưa lên sàn chứng khoán.

Tỷ phú đôla duy nhất của Việt Nam cũng không thoát khỏi sự cám dỗ của ngành nông nghiệp. Nghe nói ông Phạm Nhật Vượng đã đầu tư khoảng 2.000 tỉ để trồng rau, quả sạch theo công nghệ của Israel. Bên cạnh đó, một "ông lớn" khác là Hòa Phát cũng đổ vốn vào nông nghiệp trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi với hơn 300 tỉ đồng. Đây là mảnh đất màu mỡ để phát triển bởi nhu cầu rất lớn của thị trường, trong khi, ngành thức ăn chăn nuôi nước ta đang bị nước ngoài cạnh tranh quyết liệt và chiếm mất nhiều thị phần.

Cánh đồng mẫu lớn là điều kiện cần thiết để có thể cơ giới hóa nông nghiệp.

Chẳng kém cạnh, Tập đoàn Him Lam kết hợp với Ngân hàng Liên Việt cũng nhanh chóng đầu tư vào phát triển hàng nghìn hécta cây "tỉ đô" mắc ca với số vốn 20.000 tỉ đồng và khá lạc quan dù cho rất nhiều ý kiến nghi ngờ về tính hiệu quả của dự án.

Bên cạnh đó, theo tác động của các doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn cũng rục rịch đầu tư vào nông nghiệp. Đó là Thuduc house, Bất động sản Phát Đạt, An Dương Thảo Điền, Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Hồng Hà…  đầu tư vào sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu, sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, ngũ cốc, nông sản, thủy sản…

Điều này chứng tỏ nông nghiệp đang là lĩnh vực thu hút đầu tư rất lớn và mang lại hiệu quả cao cho nhà đầu tư bởi lĩnh vực này vốn Nhà nước rót vào không lớn. Các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội sẽ góp phần thay đổi cơ cấu nông nghiệp, làm tươi sáng hơn bộ mặt tam nông nước nhà, nâng cao vị thế cạnh tranh trong tiến trình hội nhập sắp tới.

Đó là khẳng định chắc chắn của nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp và các nhà quản lý. Tuy nhiên, lợi nhuận chính thuộc về doanh nghiệp, còn bài toán quyền lợi của người nông dân sẽ giải quyết như thế nào là câu chuyện không hề đơn giản.

Băn khoăn tương lai của người nông dân

Trở lại câu chuyện của nông dân, nhiều mặt hàng như cà phê, lúa gạo, hồ tiêu, điều… xưa nay vốn được biết tới là có lượng xuất khẩu hàng đầu thế giới dù chưa thoát khỏi manh mún. Tuy nhiên, điều quan trọng là người nông dân thì vẫn lam lũ, nhìn chung là nghèo, điệp khúc "được mùa mất giá" chưa thể thoát.

Lợi nhuận tập trung ở các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, nông dân thu về không quá 30%. Mùa vụ nào báo chí cũng có tin nông dân khóc bên ruộng đồng, hoặc bất lực với tình trạng ép giá.

Như vậy, vấn đề ở nông dân hiện nay chính là trình độ canh tác, không thể sản xuất theo quy mô lớn và chuỗi giá trị, dẫn đến hàng hóa không có thương hiệu và thị trường.

Bà Phạm Chi Lan: Phải tìm ra được cơ chế điều tiết lại phần giá trị gia tăng đang mất cân bằng giữa doanh nghiệp và nông dân.

Các doanh nghiệp lớn đầu tư, tình trạng đó có thể được khắc phục, nhưng vấn đề nổi cộm nhất lại là việc làm cho nông dân mất đất.

Có vốn dồi dào, có công nghệ tiên tiến trong tay, sẵn trình độ, sẵn thị trường, cái mà các doanh nghiệp lớn thiếu khi nhảy vào nông nghiệp chính là quỹ đất. Đây cũng là tư liệu sản xuất quan trọng bậc nhất trong dây chuyền canh tác.

Các doanh nghiệp buộc phải gom đất từ nông dân với diện tích hàng nghìn hécta, trong khi đất của dân manh mún, diện tích hẹp, nên để có được số đất lớn như vậy thì cần gom của hàng nghìn, hàng vạn hộ nông dân.

Nông dân mất đất, mất đi tư liệu sản xuất nhiều thế hệ, lượng lao động dôi dư sẽ cực lớn, doanh nghiệp không thể nào sử dụng hết bởi họ canh tác theo cơ giới hóa. Nếu thuê hết nông dân làm trên đất của mình thì doanh nghiệp không có lãi, nông nghiệp lại quay về với sức người, đầu tư vô nghĩa!

Ủng hộ việc các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tuy nhiên, giáo sư Võ Tòng Xuân đưa ra nhận định, khi các doanh nghiệp lớn vào đầu tư, chắc chắn một điều họ sẽ cơ giới hóa ở mức cao và hình thành một chuỗi sản xuất.

Nông dân khi đó sẽ không thể có nhiều việc làm trong những dây chuyền này bởi hạn chế về trình độ, kỹ năng.

Dù cho doanh nghiệp có thuê nông dân làm thì số lượng đó cũng không thấm tháp vào đâu so với số lượng nông dân dư thừa. Vì thế, nông dân dễ rơi vào thất nghiệp khi bị mất tư liệu sản xuất.

Thất nghiệp, nông dân lại không được đào tạo nghề, lại kéo nhau ra thành phố bán sức lao động với giá rẻ. Thanh niên ở quê thì bị mồi chài bởi tệ nạn...

Đồng quan điểm đó, bên cạnh việc hoan nghênh các "ông lớn" tham gia nông nghiệp thì chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng vấn đề việc làm cho người lao động là bức thiết và không dễ giải quyết.

Bà cho rằng, những nông dân mất đất đối mặt với công ăn việc làm, những hộ còn đất, còn canh tác liên kết với doanh nghiệp thì liệu doanh nghiệp có đảm bảo bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân tìm kiếm thị trường hay không? Hay doanh nghiệp sẽ bỏ mặc nông dân, để nông dân tự bơi, tự tìm lối vào thị trường.

Bà Phạm Chi Lan cũng khẳng định rằng, nông dân tự mình tìm đường vào thị trường là điều quá khó khăn với họ. Doanh nghiệp liên kết liệu có chia sẻ lợi ích với nông dân không hay là khi có lợi thì cùng hưởng mà khó khăn thì bỏ mặc nông dân như đã xảy ra với nhiều doanh nghiệp trong quá khứ.

Bà Phạm Chi Lan cũng nói thêm rằng, trước nay, trong mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp thì đa phần nông dân thường thiệt thòi hơn. Do đó, phải tìm ra được cơ chế điều tiết lại phần giá trị gia tăng đang mất cân bằng giữa doanh nghiệp và nông dân trong mối quan hệ của cả hai bên.

Đồng thời với đó, doanh nghiệp phải thúc đẩy được sự minh bạch, chống độc quyền, chống sự trục lợi trong mối quan hệ với người nông dân. Các doanh nghiệp nên đầu tư nghiêm túc, đúng mục đích với số đất đai gom được từ nông dân. Bởi nhiều dự án thuê đất làm nông nghiệp nhưng chủ đầu tư lại chuyển sang làm du lịch sinh thái…

Một điều nữa, việc các doanh nghiệp cơ giới hóa trên những cánh đồng liệu có đảm bảo được vấn đề môi trường cho dân cư hay không? Những lao động có được đảm bảo an toàn trước những hóa chất dùng trong nông nghiệp hay không. Đôi khi, doanh nghiệp mải mê chạy theo lợi ích kinh tế mà quên mất việc đánh giá tác động với môi trường và có phương án xử lý phù hợp. Điều đó sẽ đi ngược lại với tuyên bố làm nông sản sạch, chất lượng cao, giá rẻ của các doanh nghiệp trước khi đầu tư.

Con đường phải đi

Cũng đã có đại diện một số doanh nghiệp lên tiếng. Có vị cho rằng về liên kết với nông dân đối với đất đai sản xuất, do số đất đai của người dân chủ yếu còn manh mún, nhỏ lẻ, nên doanh nghiệp đang nghĩ ra các chương trình hợp tác. Chẳng hạn như nhà máy có thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân, còn nông dân có thể hình thành các tổ hợp tác để sản xuất, bán sản phẩm cho công ty.

Hợp tác ở đây cũng có thể được hiểu không có nghĩa góp đất với nhau, mà có thể hợp tác để mua các công cụ sản xuất hoặc có hình thức sản xuất với nhau. Lại cũng có đơn vị cam kết sẽ ưu tiên sử dụng và đào tạo lao động địa phương trở thành những công nhân chuyên nghiệp có thể sử dụng các công nghệ trồng trọt hiện đại tiên tiến nhất?

GS. Võ Tòng Xuân: Nông dân khi đó sẽ không thể có nhiều việc làm trong những dây chuyền này.

Dù còn nhiều băn khoăn về vấn đề quyền lợi cho người nông dân nhưng trước thềm hội nhập, sản phẩm nông nghiệp sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ nước ngoài, nhất là những cường quốc nông nghiệp lân cận như Thái Lan, Trung Quốc… Nếu không có được những sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh thì việc chúng ta thua ngay trên sân nhà là nhãn tiền.

Việc các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp mang lại hy vọng cạnh tranh cho ngành này với lợi thế về vốn, thị trường, công nghệ, sự quy mô và đồng bộ trong sản phẩm. Nói ngắn gọn hơn, doanh nghiệp lớn sẽ giải quyết được những vướng mắc nhiều năm của lối canh tác nông nghiệp manh mún truyền thống không giải quyết được.

Công nghiệp hóa nông nghiệp thông qua sự hỗ trợ đắc lực của các doanh nghiệp đầu tư, có sự điều chỉnh và giám sát của Nhà nước thì ngành nông nghiệp mới có thể cất cánh.

Và chắc chắn một điều, nông dân vẫn là chủ thể của nông nghiệp, đời sống của nông dân chỉ có thể cải thiện khi được tham gia hoạt động trong chuỗi, được chia sẻ lợi ích và được tạo điều kiện. Nhưng trách nhiệm đối với cuộc sống và tương lai của người nông dân là điều không thể không nhắc đến khi bắt tay canh tác trên chính mảnh đất của họ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông), trong đó có nội dung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Trong số những biện pháp được đưa ra có yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao và tổ chức lại sản xuất.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu các địa phương hạn chế việc thu hồi đất nông nghiệp cho các mục đích khác. Khi tiến hành thu hồi đất cho mục đích an ninh, quốc phòng và dịch vụ công... sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ đảm bảo lợi ích chính đáng của người quản lý sử dụng đất, có các phương án sử dụng lớp đất mặt và các vấn đề liên quan theo quy định. Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục chuyển nhượng, thuê mướn đất nông nghiệp, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất.

Bùi Trí Lâm
.
.