Một tháng tái trừng phạt Mỹ - Iran: Lợi bất cập hại
Thậm chí, theo một số đánh giá, nước Mỹ có thể đối mặt với những rủi ro lớn và chưa chắc đã đạt được kết quả như mong muốn. Iran chắc chắn bị thiệt hại, nhưng Mỹ cũng khó tránh khỏi thua thiệt, thậm chí là có thể cùng tổn thất ngang nhau.
Mục đích của trừng phạt
Về cơ bản, Mỹ trừng phạt Iran có 2 mục đích: Thứ nhất, tấn công và làm suy yếu sức mạnh của Iran. Nếu có thể, buộc Iran phải từ bỏ cạnh tranh với Mỹ ở Trung Đông. Thứ hai là thúc đẩy việc sản xuất dầu khí, tìm kiếm lợi ích lớn hơn.
Về mặt logic, các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể làm suy yếu sức mạnh của Iran, giúp làm giảm các trở ngại của Mỹ tại Trung Đông. Là một nước lớn ở Trung Đông, Iran luôn tỏ ra cứng rắn đối với Mỹ, vốn đối đầu gay gắt với Mỹ ở các khu vực điểm nóng Trung Đông, là một cản trở để Mỹ đạt được mục tiêu chiến lược.
Bằng hành động trừng phạt, Mỹ làm suy yếu sức mạnh của Iran, quốc gia cung cấp dầu lớn cho thị trường thế giới, với trữ lượng dầu mỏ được kiểm chứng là đứng thứ tư thế giới và có sản lượng dầu hằng năm đứng thứ 3 chỉ sau Saudi Arabia và Iraq trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Xuất khẩu dầu mỏ là trụ cột kinh tế quan trọng, chiếm khoảng 90% thu nhập ngoại hối của Iran. Nếu bị ngưng xuất khẩu dầu, Iran sẽ trở nên suy yếu và cũng giảm gây rắc rối cho Mỹ.
Thứ hai, biện pháp trừng phạt có thể giúp nâng cao lợi ích của Mỹ. Những năm gần đây, do sự mở rộng chính sách khai thác dầu và liên tục đạt được đột phá trong công nghệ thăm dò dầu đá phiến, sản lượng dầu mỏ của Mỹ hiện đã vượt Nga và Saudi Arabia, trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, chuyển từ một quốc gia nhâp khẩu sang sản xuất dầu.
Mặc dù thị phần của Mỹ trên thị trường còn nhỏ do chính sách “nhà giàu đóng cửa đi ăn mày” nhưng Mỹ lúc nào cũng có thể trở thành một trong những quốc gia nắm nguồn dầu mỏ đứng đầu thế giới. Bởi vậy, nếu việc xuất khẩu dầu của Iran gặp trở ngại thì sẽ có lợi cho Mỹ mở rộng xuất khẩu dầu trên thị trường quốc tế.
Có nghĩa là, thông qua trừng phạt Iran, tạo ra tình trạng thiếu nguồn cung dầu mỏ, nâng cao giá dầu trên thị trường quốc tế, qua đó thúc đẩy việc sản xuất dầu thô của Mỹ. Bằng cách này, Mỹ đã “nhất tiễn hạ song điêu”, vừa làm suy yếu đối phương, vừa làm lợi cho chính mình.
Người dân Tehran biểu tình phản đối tuyên bố tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. |
Tuy nhiên, những rủi ro, thậm chí có thể là sai lầm, thì lại cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo!
Nhân hòa
Trong lịch sử, Mỹ đã tiến hành trừng phạt nhiều quốc gia, có lúc đạt được kết quả tương đối tốt, chẳng hạn như với Iraq. Nhưng cũng có lúc đạt kết quả không như mong muốn, như với Liên Xô trước đây. Các biện pháp trừng phạt có hiệu quả hay không còn phụ thuộc chủ yếu vào hai khía cạnh: Thứ nhất là nó nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế ra sao. Và, thứ hai là sức mạnh của đối tượng bị trừng phạt lớn hay nhỏ.
Nếu nước trừng phạt nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trong khi sức mạnh của đối tượng bị trừng phạt yếu, các biện pháp trừng phạt sẽ dễ dàng và có hiệu lực cao hơn. Nếu các biện pháp trừng phạt nhận được mức độ ủng hộ thấp, trong khi sức mạnh của đối tượng bị trừng phạt tương đối mạnh, các biện pháp trừng phạt sẽ kém hiệu quả.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran lần này dường như là vô cớ nên đã không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Hoặc, nói cách khác, gần như lần này nước Mỹ một mình hành động, buộc các nước khác làm theo. Mức độ phối hợp của các đồng minh cũng tương đối thấp. Trong khi sức mạnh tổng hợp của Iran lại tương đối mạnh. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran lần này được cho là cách làm phi nghĩa, không được nhiều người ủng hộ, khó có thể đạt được hiệu quả rõ rệt.
Thực tế, sau khi Mỹ tuyên bố tái khởi động lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, Trung Quốc và Nga đã lên tiếng phản đối hoặc cho biết sẽ không ngừng nhập khẩu dầu từ Iran. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ cũng nhấn mạnh lợi ích kinh tế của họ và yêu cầu nhận được quyền miễn trừ. Ngay cả các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu vốn luôn đi theo Mỹ ở Trung Đông cũng bày tỏ thái độ phản đối. Pháp, Đức, Anh và Liên minh châu Âu (EU) cùng lên án hành động này và cam kết bảo vệ các công ty châu Âu có giao dịch hợp pháp với Iran.
Ngày 2-11, ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Mnuchin cùng ra tuyên bố Mỹ sẽ khởi động lại các biện pháp trừng phạt, EU, Anh, Pháp và Đức đã tuyên bố muốn duy trì kênh tài chính có hiệu quả với Iran, tiếp tục mua dầu của Iran và mong muốn cùng nỗ lực với các nước đã ký thỏa thuận hạt nhân Iran trước đó như Trung Quốc và Nga.
Thiên thời
Một điều không thể phủ nhận là không chỉ Mỹ mà bất cứ quốc gia nào khác có thể trở thành nước đứng đầu thế giới hiện đại không thể chỉ dựa hoàn toàn vào sức mạnh kinh tế, quân sự. Điều đó phải bao gồm cả ý thức hệ và quan hệ đồng minh đã gây dựng trong nhiều năm.
Trong Thế chiến I, Thế chiến II và cả các hoạt động chính trị, quân sự lớn sau đó, nước Mỹ hiếm khi hành động một mình mà thường là phải hợp tác với các đồng minh. Nếu không có đồng minh, địa vị lãnh đạo quốc tế của nước Mỹ sẽ giảm đáng kể cả về mặt đạo đức lẫn kết quả thực tế.
Tuy nhiên, kể từ khi cao giọng chủ trương “Nước Mỹ trước tiên”, kết quả đạt được cho mình thì chưa đánh giá được hết. Nhưng, một điều có thể nhận thấy là các đồng minh của Mỹ đã cảm thấy bị tổn hại ít nhiều và ngày càng có khuynh hướng xa rời Mỹ. Trong khi các đồng minh thân thiết của Mỹ ở châu Âu đều lên án hành động rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp dụng lệnh tái trừng phạt, nước Mỹ lại tỏ ra không quan tâm, thậm chí còn không ngừng đưa ra những cáo buộc chống lại EU.
Sau một ngày đưa ra tuyên bố sẽ tái áp đặt lệnh trừng phạt, ngày 3-11, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã công bố tạm cấp quyền miễn trừ nhập khẩu dầu Iran cho 8 quốc gia, nhưng trong đó không có EU. Cùng với những lời chỉ trích, việc không miễn trừ EU lần này chắc chắn sẽ khiến quan hệ giữa 2 bên ngày càng tách xa nhau. Mối quan hệ bất hòa giữa Mỹ và EU, vốn đã manh nha từ sau vụ áp thuế thép và một số nông sản khác, đến lần này lại càng có cơ hội bùng phát.
Điển hình là mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công khai chỉ trích đồng minh lớn nhất của EU phía bên kia bờ Đại Tây Dương, đồng thời đưa ra ý tưởng thành lập quân đội chung EU để “giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ”. Nếu mất đi sự hợp tác và tin tưởng của các đồng minh thì Mỹ sẽ mất đi sức mạnh to lớn từng có. Xét cho cùng, mặc dù Mỹ có thực lực mạnh và dẫn đầu thế giới, nhưng GDP cũng chỉ chiếm 20% của thế giới mà thôi.
Địa lợi
Và nếu không nhận được sự hợp tác rộng rãi của cộng đồng quốc tế, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran khó có thể thực hiện được, ít nhất là về mặt kỹ thuật. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp giáp với Iran. Nếu hai nước này không tham gia áp đặt trừng phạt và mua dầu của Iran thì Mỹ khó có thể giám sát một cách hiệu quả. Trên thực tế, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran hiện đang phát triển một đường ống dẫn dầu bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ. Ngay cả các quốc gia ngoài khu vực như Trung Quốc cũng có thể mua dầu từ Iran thông qua Nga hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên thực tế, dù Trung Quốc bề ngoài không nhập khẩu dầu trực tiếp từ Iran, nhưng có thể thông qua một số kênh không công khai nào đó, bằng cách thông qua một bên thứ ba. Và với tất cả các nước khác, Mỹ làm thế nào để theo dõi và giám sát hết cho được?
Có một yếu tố khiến người Mỹ khá tự tin vào việc này. Đó là hiện nay, phần lớn các giao dịch trên toàn cầu được tiến hành thông qua Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT). Hệ thống này nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Mỹ. Mỹ có thể dựa vào đó để giám sát các giao dịch thương mại trên toàn cầu, và dùng nó để áp đặt biện pháp trừng phạt lên nước khác.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad thăm cơ sở hạt nhân Natanz cách Tehran 350km về phía Nam, tháng 4-2008. |
Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã thiết lập hệ thống thanh toán riêng, vì vậy Mỹ không thể giám sát toàn diện về mặt thanh toán giao dịch nếu họ mua dầu của Iran. Các nước thuộc EU, với sự không hài lòng đối với Mỹ ngày càng gia tăng, cũng đã lên kế hoạch thiết lập hệ thống thanh toán giao dịch riêng của mình, bỏ qua SWIFT.
Bên cạnh đó là dốc sức thành lập các công ty SPV – là những công ty con được thành lập nhằm thực hiện một nhiệm vụ nào đó, thường là giúp làm “sạch” báo cáo tài chính của công ty mẹ - để giao dịch với Iran.
Trong tình hình như vậy, việc Mỹ vẫn kiên quyết áp đặt các biện pháp tái trừng phạt Iran theo ý riêng của mình bất chấp kết quả ra sao lại dấy lên nghi ngờ về ý đồ thực chất đằng sau hành động này? Nếu hành động này thật sẽ dẫn đến ngày càng nhiều giao dịch vượt qua hệ thống SWIFT, thì nó có thể làm tổn hại khả năng kiểm soát giao dịch của Mỹ trên toàn cầu như vốn đã. Và thực tế nước Mỹ cũng hiểu rõ điều này.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin từng tuyên bố không hy vọng các nước nhập khẩu dầu của Iran ngay lập tức giảm lượng mua của họ xuống bằng 0 trong tháng 11. Chỉ cần nước mua dầu giảm lượng mua trên 20% của Iran như dưới thời Chính quyền Obama, là đã có thể nhận được quyền miễn trừ trừng phạt.
Khó đạt được mục đích
Thế còn về phía chủ thể bị áp đặt thì sao? Việc bắt Iran lùi bước xem ra không hề đơn giản. Iran không phải là một quốc gia mà chính trị và tôn giáo tách rời nhau nhưng cũng không phải là quốc gia hợp nhất giữa chính trị và tôn giáo theo ý nghĩa hiện đại. Iran là một quốc gia đối lập thống nhất giữa chính trị và tôn giáo và có một hệ thống tổ chức quản lý kép.
Hai hệ thống này đối lập nhưng thống nhất, và bổ sung cho nhau. Do đó, tính tổ chức tổng thể và sự gắn kết xã hội Iran tương đối mạnh, có khả năng chống lại các cuộc tấn công từ bên ngoài trên nhiều phương diện.
Lệnh cấm xuất khẩu dầu của Mỹ đương nhiên sẽ gây tổn hại sức mạnh kinh tế của Iran, nhưng không có khả năng làm suy yếu ý chí và năng lực đối đầu của nước này. Hành vi bội tín đơn phương từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và các biện pháp trừng phạt vô lý của Mỹ sẽ kích động lòng căm thù, qua đó tăng cường sự đoàn kết trong nội bộ Iran.
Trung Đông rất lớn, lợi ích của Mỹ ở đây cũng không hề nhỏ, và đi kèm với đó là các mặt trận đan xen, dàn trải. Tất yếu đi kèm với đó là những sơ hở, không chỗ này thì chỗ khác. Một cuộc phản công của Iran nhắm vào các lợi ích Mỹ, chắc chắn không thể xem thường.
Thêm nữa, trừng phạt Iran đang làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế Mỹ. Trái ngược với những gì người Mỹ dự tính, trước và sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, giá dầu quốc tế đã không tăng mà thậm chí còn giảm. Trên thị trường chứng khoán Mỹ, sự không ổn định ngay trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực đã phản ánh sự khó đoán định của tình hình trong và ngoài nước ở mức độ nào đó.
Ngay trong ngày 2-11, dollar-Index đã tăng gần 20 điểm, lên đến 96,32. Đồng thời, kỳ vọng tăng lãi suất của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong tháng 12 cũng tăng lên 72,4%. Điều này tiếp tục tác động đến thị trường chứng khoán Mỹ vốn không ổn định, có thể đe dọa an ninh của toàn bộ hệ thống tài chính Mỹ do nợ công tăng cao.
Nói tóm lại, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran được đánh giá là không những có rủi ro lớn mà còn hiệu quả thấp, đồng thời có rất nhiều sự khó đoán định, được cho là đang đi ngược lại các mục tiêu mà nước Mỹ đang hướng tới.