Mua bán nhà đất: Đừng cả tin để kẻ lừa đảo lợi dụng

Thứ Hai, 28/09/2009, 19:20
Tiếp tục mở rộng vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại Công ty Cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam (CPSBĐSVN), ngày 8/9 vừa qua, Thượng tá Phan Cao Thu - Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội - đã ký quyết định truy nã đặc biệt toàn quốc 3 bị can là Hoàng Văn Cường, Hà Tuấn Linh và Đặng Hoàng Duy. Tuy nhiên, từ vụ án này cũng đặt ra nhiều vấn đề với các cơ quan quản lý nhà nước làm thế nào để người dân không bị lừa.

3 bị can đã bỏ trốn cùng hàng trăm tỉ đồng

Hoàng Văn Cường, 49 tuổi, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng và Thương mại Cường Thịnh, trú tại tổ 10, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai.

Hà Tuấn Linh, 43 tuổi, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hoàng Hà, trú tại 206 nhà B khu ANIMEX ngõ 156 Kim Ngưu, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng.

Đặng Hoàng Duy, 29 tuổi, thành viên Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hoàng Hà, trú tại số nhà 123, ngõ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa.

Theo kết quả điều tra của Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC15) Công an Hà Nội, Hoàng Văn Cường đã cùng Lê Hồng Bàng, Tổng giám đốc Công ty CPSBĐSVN và Hà Tuấn Linh tạo dựng nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở không có thật, thu rồi chiếm đoạt số tiền 346.650.125.000 đồng của nhiều người. Cường cùng Linh tạo dựng dự án ở địa điểm khác, thu rồi chiếm đoạt 42.210.000.000đ.

Không chỉ câu kết với Hoàng Văn Cường, Hà Tuấn Linh, với tư cách Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hoàng Hà, còn trực tiếp thu và chiếm đoạt số tiền khoảng 36.079.800.000đ.

Còn Đặng Hoàng Duy trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7/2009, đã trực tiếp nhận 202.200.000.000đ từ Công ty CPSBĐSVN để sử dụng cho mục đích cá nhân.

Như chúng tôi đã phản ánh trong các số báo trước, sau khi bị bắt, Lê Hồng Bàng khai nhận Công ty CPSBĐSVN đăng ký lần đầu tháng 4/2008. Đến tháng 12/2008, Bàng gặp Hà Tuấn Linh và Hoàng Văn Cường, thống nhất liên doanh lập dự án xây nhà ở tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm.

Mặc dù chưa hề được UBND TP Hà Nội giao đất, nhưng từ tháng 3 đến tháng 6, Bàng chỉ đạo nhân viên của công ty thu tiền của khách với giá từ 10 đến 14 triệu đồng/m2, đồng thời thu tiền chênh lệch giá không có phiếu thu từ 3 - 3,5 triệu đồng/m2. Đến tháng 7/2009, Bàng không cho nhân viên thu tiền vênh mà đưa luôn vào hợp đồng vay vốn với giá từ 18 - 19 triệu đồng/m2.

Anh Khôi, một người... suýt trở thành nạn nhân của Lê Hồng Bàng kể rằng, đầu tháng 5-2009, anh đã trực tiếp gặp Lê Hồng Bàng tại trụ sở Công ty CPSBĐSVN. Khi anh Khôi đặt vấn đề muốn mua một lô đất tại "dự án nhà ở Phương Đông", Bàng đồng ý bán cho anh Khôi với giá 11 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, ngoài số tiền này, Bàng gợi ý anh Khôi đóng góp vào... quỹ học bổng của Tập đoàn Bất động sản Phương Đông theo mức 2 triệu đồng/m2; nhưng khoản tiền này sẽ không có hóa đơn. May mắn là sau đó anh Khôi đã kiểm tra thông tin về dự án và lên tận nơi xem đất "thấy không bình thường nên tôi quyết định không mua". 

Theo Cơ quan điều tra, trong số tiền hàng trăm tỉ đồng thu được, ngoài phần lớn đã chuyển cho Công ty Cường Thịnh và Công ty Hoàng Hà, Lê Hồng Bàng đã chuyển cho bố đẻ 2,6 tỉ đồng, mua sắm trang thiết bị cho công ty, mua đồ dùng cá nhân và gia đình, trả nợ và mua tới 4 chiếc ôtô Hyundai SantaFe trị giá 3,8 tỉ đồng.

Ngoài ra Bàng cũng đã xuống Quảng Ninh mua đất với mục đích làm... resort. Vì vậy mà cho tới lúc này, tất cả các khoản tiền mà Cơ quan điều tra thu giữ được và phong tỏa tài khoản chưa tới 10 tỉ đồng.

Ngày 26/8/2009, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Văn Cường, Hà Tuấn Linh, Đặng Hoàng Duy về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Ngày 1/9, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã phê chuẩn các quyết định trên. Câu hỏi lớn nhất hiện nay là hàng trăm tỉ đồng mà Cường, Linh, Duy đã cầm hiện đang ở đâu và có còn hay không? Tuy nhiên, câu hỏi này vẫn chưa được trả lời vì sau khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, Cường, Linh, Duy đã bỏ trốn.

Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội yêu cầu ai phát hiện, bắt được Cường, Linh, Duy báo ngay cho: Đội 9 - PC15 Hà Nội - 40 Hàng Bài (Hà Nội), ĐT: 043.9396251.

Cần xem xét trách nhiệm hình sự các văn phòng môi giới nhà đất có liên quan

Cho tới lúc này, đã có khoảng 300 nạn nhân đến trình báo với Cơ quan điều tra. Trong số đó, người nhiều nhất đã nộp cho Công ty CPSBĐSVN hơn 8 tỉ đồng. Chúng tôi đã gặp không ít nạn nhân và thấy rằng, ngoài những người có ý định đầu cơ để kiếm lời thì có không ít người nộp tiền mua đất để làm nhà ở và hiện đã mất hết tài sản. Điều đáng nói là phần lớn những nạn nhân này đều bị các cò đất tại các trung tâm môi giới nhà đất chăn dắt vào bẫy.

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Lê Thanh Huyền cho biết tháng 6/2009, sau khi đi tìm mua đất ở nhiều nơi mà không được, khi lên trang web "nhadat24h.net", chị Huyền thấy văn phòng nhà đất quảng cáo bán đất chia lô ở dự án 683 xã Minh Khai. Như người "buồn ngủ gặp chiếu manh", chị Huyền liền tìm tới văn phòng nhà đất ở 100 phố Trúc Khê, phường Láng Hạ.

Tại đây, chị Huyền được hai người của văn phòng này tên là Công và Tùng giới thiệu, bán các lô đất ở "dự án 683". Sau khi nghe hai người này giới thiệu, giữa tháng 6/2009, chị Huyền đã đồng ý đặt cọc 50 triệu đồng để được mua hai lô đất với giá 15,7 và 16 triệu đồng/m2.

Ngày 20/6, chị Huyền được người tên là Tùng đưa đến Công ty CPSBĐSVN làm thủ tục mua đất. Nhưng tại đây, người của công ty nói chưa giải quyết và phải chờ sang tuần. Sau đó Tùng tiếp tục đưa chị Huyền đến nhà ông Nguyễn Đình Hưng ở Yên Hòa, Cầu Giấy để gặp người đã mua 2 lô đất mà chị đã được giới thiệu.

Tại nhà ông Hưng, chị Huyền gặp bà Lan. Tại cuộc gặp này, ông Hưng và bà Lan đề nghị chị Huyền thanh toán một phần tiền cho họ, chị Huyền chấp nhận đưa cho họ 400 triệu đồng. Nhận tiền, bà Lan viết hợp đồng về việc giao kèo mua bán đất, trong hợp đồng này, bà Lan thỏa thuận khi nào công ty làm thủ tục sang tên hợp đồng thì chị Huyền phải trả số tiền còn lại.--PageBreak--

Một tuần sau, Tùng điện thoại nói chị Huyền đến Công ty CPSBĐSVN để ký hợp đồng. Tại đây, chị Huyền được người của công ty đưa cho 2 bản hợp đồng, nhưng lại là hợp đồng vay vốn có kèm theo đơn xin đăng ký mua căn hộ do công ty in sẵn chứ không phải hợp đồng mua bán như văn phòng nhà đất đã quảng cáo. Khi thấy như vậy, chị Huyền đã hỏi lại thì Tùng vẫn khẳng định "dự án mới có quyết định". Tin lời cò đất, chị Huyền đồng ý ký và nộp tiền.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đây. Thấy dự án ở nơi không quá xa trung tâm thành phố và mức giá không phải quá đắt nên sau khi biết chị Huyền đã ký hợp đồng mua được hai lô đất, bạn bè lại nhờ chị mua hộ để làm nhà. Vậy là chỉ hai ngày sau, ngày 22/6, chị Huyền lại đến văn phòng nhà đất ở 100 phố Trúc Khê để gặp "cò" Tùng mua đất. Tùng đồng ý bán cho chị Huyền 1 lô đất ở "dự án 683".

Đấy chính là lô đất Tùng đã đánh tháo không bán cho chị Huyền khi lần đầu đến. Tuy nhiên, lần này giá đã tăng lên 17 triệu đồng/m2 và hẹn ngày 27/6 sẽ làm thủ tục vào tên hợp đồng. Chị Huyền đặt cọc 100 triệu cho Tùng.

Ngày 26/6, "cò" Tùng điện thoại cho chị Huyền đến Công ty CPSBĐSVN ký hợp đồng. Tại đây, sau khi ký vào đơn xin đăng ký mua căn hộ đề sẵn ngày 8/5/2009 và hợp đồng vay vốn đề ngày 15/6, Công ty CPSBĐSVN sang tên cho chị Huyền 3 hợp đồng; đồng thời chị Huyền phải thanh toán hết tiền với "cò" Tùng.

Cũng trong thời gian này, chị Huyền còn đặt cọc cho Tùng 150 triệu để mua thêm một lô đất cho bạn với giá 17,8 triệu đồng/m2. Lô đất này là "cò" Tùng bán cho một người khác đã ký hợp đồng với Công ty CPSBĐSVN. Mặc dù chưa sang tên hợp đồng với chủ cũ.

Ngày 3/7, sau khi chuyển tên hợp đồng, chị Huyền đã trả hết tiền cho người chủ cũ. Tổng cộng chị Huyền đã nộp cho Công ty CPSBĐSVN 1,440 tỉ đồng có hóa đơn của công ty và 1,092 tỉ đồng cho cò đất để "được mua" 4 lô đất. Chỉ tới khi báo chí phanh phui ra đây hoàn toàn là dự án ma, Cơ quan Công an khởi tố vụ án, chị Huyền cùng gia đình và bạn bè mới bàng hoàng khi biết mình đã bỏ tiền tỉ để "mua vịt trời".

Còn rất nhiều nạn nhân cũng gặp cảnh tương tự như chị Huyền. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi Cơ quan Công an khởi tố vụ án, các nạn nhân tìm các "cò" đất để đòi lại tiền chênh lệch thì các "cò" đều lẩn tránh. Cho tới lúc này, vẫn chưa thể thống kê được số tiền chênh lệch mà các nạn nhân đã nộp cho "cò" đất là bao nhiêu, nhưng chắc chắn phải lên tới cả trăm tỉ đồng, bởi có người để ký được hợp đồng, đã chấp nhận nộp tiền vênh cho cò tới 5-8 triệu đồng/m2.

* Cần có chính sách minh bạch thị trường bất động sản để người lương thiện không bị lừa

Có một thực tế là thời gian gần đây, các vụ lừa đảo bán đất ảo đang có xu hướng gia tăng. Hậu quả từ những vụ lừa đảo này đều rất nghiêm trọng, ngoài vụ có tiền đặc biệt lớn như vụ Công ty CPSBĐSVN, số tiền mà những kẻ lừa đảo chiếm đoạt được cũng từ vài tỉ tới vài chục tỉ đồng.

Mới đây, PC15 Hà Nội vừa bắt Nguyễn Đức Thọ (29 tuổi, ở phường Cát Linh, Đống Đa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BĐS Euro Land (trụ sở tại Trung tâm Thương mại Mê Linh Plaza, Km8 đường Thăng Long - Nội Bài) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Là kẻ từng đi tù về tội lừa đảo, sau khi ra tù, Thọ lại "ngựa quen đường cũ".

Khi biết Công ty CP Đầu tư xây dựng số 1 Hà Nội (do ông Nguyễn Cảnh Hồng là Chủ tịch HĐQT) đang thực hiện dự án khu đô thị mới Nghĩa Đô, Thọ đã tự soạn thảo hợp đồng mua bán biệt thự mạo tên, chữ ký của ông Nguyễn Cảnh Hồng với tư cách là Giám đốc Công ty Euro .

Trong bản hợp đồng giả này, Thọ mua căn biệt thự số 55 vị trí KV1 tại dự án với giá trị trên 4,6 tỉ đồng. Cùng với bản hợp đồng, Thọ còn lập 2 phiếu thu tiền có nội dung Thọ đã nộp cho Công ty Euro Land trên 2,8 tỉ đồng.

Sau đó, Thọ dùng những giấy tờ này chào bán cho anh Nguyễn Hồng Quang. Để anh Quang tin tưởng, Thọ đưa anh Quang đến khu dự án, chỉ vị trí lô đất biệt thự để... xem đất và còn dùng chính số giấy tờ giả mạo trên, đưa anh Quang đến Văn phòng Công chứng Hồ Gươm để làm hợp đồng ủy quyền.

Thấy việc mua bán đúng pháp luật nên anh Quang không hề nghi ngờ, thanh toán cho Thọ số tiền 3 tỉ đồng tương đương số tiền thanh toán trên 2 phiếu thu giả do Thọ tạo dựng. Đến cuối tháng 8, anh Quang đưa người nhà đến xem lô đất và tìm hiểu thêm thông tin mới biết đã bị Nguyễn Đức Thọ lừa.

Cũng vào cuối tháng 8/2009, Công an quận Hai Bà Trưng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đinh Thị Hải, 54 tuổi, trú ở tổ 9, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, vì đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cũng bằng thủ đoạn làm giả giấy tờ, Hải đã rao bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước, thậm chí cả đất của Kho bạc Nhà nước với giá gần 14 triệu USD. Cho tới khi bị bắt, Hải đã kịp chiếm đoạt của hai bị hại 1 triệu USD.

Từ những vụ án này, lời cảnh báo đối với những người có nhu cầu mua nhà, đất là thay vì tin vào lời quảng cáo, cần phải tìm hiểu kỹ thông tin, đặc biệt là những văn bản pháp lý liên quan tới dự án; mua bán qua sàn giao dịch bất động sản. Một điều rất quan trọng nữa là đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này cần có nơi cung cấp thông tin chính thống (như lập một trang web) công bố thông tin về những dự án đã được cấp phép để người có nhu cầu biết tra

Có không dự án chung cư tại 181 Nguyễn Huy Tưởng?

Trong khoảng thời gian 1 tháng trở lại đây, trên các trang web về nhà đất, rất nhiều người rao bán nhà chung cư tại dự án ở 181 Nguyễn Huy Tưởng.

Theo quảng cáo thì dự án này do Công ty CP BĐS Megastar làm chủ đầu tư. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng hiện là nhà xưởng sản xuất của Công ty CP Dụng cụ thể thao.

Chúng tôi đã tìm đến trụ sở Công ty Megastar ở 406B Trần Khát Chân. Tại đây, khi nghe chúng tôi hỏi thủ tục mua nhà, nhân viên lễ tân chỉ sang địa chỉ 254 Thụy Khuê và cho số điện thoại 043.8456556 để liên hệ. Chúng tôi đã liên hệ theo số điện thoại này thì được một phụ nữ tên là Huyền trả lời hiện không bán trực tiếp mà giao dịch qua sàn.

Ngày 9/9, chúng tôi đã tìm đến 181 Nguyễn Huy Tưởng để hỏi về dự án nhà chung cư thì một nhân viên bảo vệ ở đây cho biết hiện tại đây vẫn đang là xưởng sản xuất. Chúng tôi cũng đã liên hệ với ông Chương, Giám đốc Công ty CP Dụng cụ thể thao theo số điện thoại 0913229806.

Nhưng khi nghe chúng tôi đề nghị được gặp để tìm hiểu dự án nhà chung cư trên khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng có hay không, ông Chương từ chối vì "đây là chuyện nội bộ, tôi phải hỏi ý kiến đã, có gì tôi sẽ gọi lại sau". Vậy có hay không dự án này vẫn là câu hỏi cần các cơ quan chức năng trả lời.

Nguyễn Thiêm
.
.