Mùa xuân nhớ các bậc tiền nhân đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa

Thứ Hai, 28/01/2008, 14:00
Thời Tự Đức, những người lính trong đội Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ được triều đình vinh danh là “Hùng binh Hoàng Sa”, còn với đồng bào của mình, họ được xem là những nghĩa sĩ, khi hy sinh được suy tôn “Âm linh chiến sĩ tôn thần”. Ở Lý Sơn còn thực hiện nghi lễ gọi là “khao lề thế lính Hoàng Sa và Trường Sa”.

Từ những năm cuối thế kỷ XVI Đỗ Bá đã vẽ bản đồ Bãi Cát Vàng, trong đó có nói việc hằng năm đến tháng cuối đông Chúa Nguyễn cho thuyền ra đấy nhặt vàng bạc của những tàu thuyền nước ngoài bị nạn. Nhưng phải đến sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn (viết năm 1776) chúng ta mới có thêm nhiều thông tin về địa danh này và quê quán của những người sung lính ra đấy.

Ông viết: “Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía đông bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn... Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong suốt đáy... Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy... Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo (Thuận An), đến thành Phú Xuân để nộp...”.

Các sách sử của triều Nguyễn về sau như “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam nhất thống chí” và sách của các nhà sử học giai đoạn này khi viết về Hoàng Sa và Trường Sa ở thế kỷ XVIII trở về trước đều trích lại những thông tin đã viết trong “Phủ biên tạp lục”.

“Bãi Cát Vàng” mà Đỗ Bá và Lê Quý Đôn nói đến là tên nôm của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nên có lúc Lê Quý Đôn viết là Đại Trường Sa, còn xã An Vĩnh nơi Chúa Nguyễn sung lính lập đội Hoàng Sa thì nay thuộc xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo gia phả của các tộc họ tại đảo Lý Sơn thì công việc lập làng ở đây được bắt đầu từ cuối thế kỷ XVI do những tiền nhân từ trong đất liền ra lập nghiệp. Đó là 7 vị quê xã An Vĩnh đưa gia đình ra định cư ở phía tây cửa Cù Lao Ré, lấy tên quê cũ đặt cho vùng đất mới là An Vĩnh phường, và 8 vị ở xã An Hải (nay thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) ra lập nghiệp ở phía đông cù lao này, cũng lấy tên quê cũ đặt thành An Hải phường. Cả hai phường này vẫn còn phụ thuộc vào hai xã An Vĩnh và An Hải trong đất liền. Về sau An Vĩnh phường mới lập thành xã Vĩnh Long và An Hải phường lập thành xã Hải Yến, tách hẳn với đơn vị hành chính cũ trong đất liền. Đến năm 1808, hai xã Hải Yến và Vĩnh Long nhập lại thành tổng Lý Sơn trực thuộc phủ Bình Sơn.

Từ ngày 1/1/1993 đến nay Lý Sơn là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 18 hải lý. Như vậy, thời gian đầu thì trong số 70 suất lính hàng năm trong đội Hoàng Sa đi tìm hóa vật về nộp và cũng để tuần phòng canh gác vùng biển dưới thời các chúa Nguyễn có người trong đất liền và người ngoài Cù Lao Ré, vì bấy giờ hai phường An Hải và An Vĩnh vẫn còn phụ thuộc vào xã cũ trong đất liền. Đến khi lập thành xã Vĩnh Long và xã Hải Yến thì số người đi trong đội Hoàng Sa mới chủ yếu là người Cù Lao Ré.

Khi trong nước đang xảy ra nội chiến giữa các thế lực phong kiến Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn, đầu năm 1775 quân Chúa Nguyễn bị quân Trịnh và nghĩa quân Tây Sơn đánh bại, phải vượt đường biển chạy vào trong Nam, việc quản lý Hoàng Sa bị bỏ dở thì trong trường hợp đó, lo sợ ngoại bang thừa cơ xâm phạm chủ quyền biển đảo nên những người dân ở Cù Lao Ré tự đứng ra lập lại hai đội Hoàng Sa và Quế Hương.

Trong lá đơn viết vào năm 1776 gửi lên chính quyền Tây Sơn, cai hợp phường Cù Lao Ré đã nói rõ mục đích lập đội thuyền: nếu xảy ra chinh chiến sẽ “vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm” còn lúc bình sẽ “tìm báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp...”.

Điều đó cho thấy ở họ luôn thường trực ý thức trách nhiệm, dù phải đánh đổi cả mạng sống của mình để bảo vệ chủ quyền hải đảo, bởi việc ra Hoàng Sa và Trường Sa thời ấy rất gian khổ hiểm nguy, phải chống chọi với gió to bão lớn, hoặc cướp biển nên có khi chỉ đi mà không về: “Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi”.

Lường trước những bất trắc có thể xảy ra nên những người ra đi còn lo trước hậu sự cho mình: mỗi người tự chuẩn bị sẵn một đôi chiếu, 7 sợi dây mây và 7 cái đòn tre để nếu gặp chuyện chẳng lành trên biển thì đồng đội lấy chiếu quấn xác, dùng đòn tre nẹp và lấy dây mây buộc lại, kẹp theo một tấm thẻ tre ghi tên tuổi, quê quán và phiên hiệu của người xấu số rồi bỏ xuống biển với một niềm hy vọng mỏng manh là nếu xác trôi vào bờ sẽ có người vớt lên chôn cất.

Đến nay trong dân gian Lý Sơn vẫn còn lưu lại những câu ca buồn thuở ấy: “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”. Từ khi người lính lên thuyền ra đi là những ngày chờ đợi đằng đẵng của người thân trong đất liền: “Chiều chiều ra ngóng ngoài khơi/ Ngóng ai như ngóng đợi người Hoàng Sa/ Chiều chiều ra ngóng biển xa/ Ngóng người đi lính Trường Sa chưa về”. Những người Việt cuối cùng có mặt ở Hoàng Sa cho đến tháng 1/1974 kể lại rằng, họ vẫn thấy ở đấy có hai hàng mộ song song, chôn từ lâu lắm, đầu quay ra biển, hướng về phía tây nam, tức là về phía đất liền Việt Nam.

Thời Tự Đức, những người lính trong đội Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ được triều đình vinh danh là “Hùng binh Hoàng Sa”, còn với đồng bào của mình, họ được xem là những nghĩa sĩ, khi hy sinh được suy tôn “Âm linh chiến sĩ tôn thần”. Ở Lý Sơn còn thực hiện nghi lễ gọi là “khao lề thế lính Hoàng Sa và Trường Sa”.

Trước ngày những người lính lên đường có mời thầy chùa đến cúng phóng sinh. Đến hôm lễ chính  có làm một bè chuối cắm cờ ngũ hành và đặt theo các lễ phẩm gồm: 1 con cá nướng, 1 con cua, gỏi cá, xôi chè, và những thứ mà người lính cần đem theo như gạo, muối, nồi niêu, củi; lại đặt theo những hình nhân bằng khung tre dán giấy ngũ sắc, cũng có nón gõ, áo kẹp nẹp và linh vị ghi danh tính từng người lính rồi cho trôi ra biển, với quan niệm những hình nhân thế mạng sẽ gánh chịu mọi tai ương thay người ra đi và cầu mong họ được bình an trở về.

Nếu chẳng may có ai bỏ mình nơi hải đảo thì người thân ở quê nhà nặn đất sét thành hình người rồi bỏ vào quan tài làm lễ truy điệu, sau đó mai táng đúng như với thủ tục chôn cất người chết để linh hồn người tử nạn quay về còn có nơi yên nghỉ. Hiện nay ở Lý Sơn vẫn còn di tích khu mộ gió của những người trong đội Hoàng Sa xưa, nhiều nhất nằm ở thôn tây An Vĩnh, khoảng vài chục mộ.

Cũng tại đây có Âm Linh Tự thờ chung lính Hoàng Sa và các vị nhân thần khác, trên án thờ có đôi câu đối thể hiện sự tiếc thương và tôn vinh của hậu thế đối với tiền nhân: “Địa Nhật tịch, dân Nhật yên, bạt hải lưu vong vòng lợi lạc/ Sơn như lệ, hà như đới, thiên thu miếu mộ dũng thần tôn”. Trước Âm Linh Tự có đài tưởng niệm hình tứ giác, cao khoảng 7m, ghi 4 chữ Hán “Chiến sĩ trận vong” do nhân dân tự xây dựng.

Ở trung tâm của xã có mộ gió của Phạm Quang Ảnh (Cai đội Hoàng Sa dưới triều Gia Long, mất trên biển. Ngoài quần đảo Hoàng Sa có một đảo mang tên ông là đảo Quang Ảnh), Miếu Ông Thắm thờ Cai đội Võ Văn Khiết, cùng với mộ của ông (nhưng cũng là mộ chiêu hồn bằng đất sét).

Và nghi lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa và Trường Sa” xưa vẫn còn được nhân dân trên đảo thực hiện trong những ngày từ 17 đến 20/2 ở nhà các trưởng tộc, còn ở Âm Linh Tự thì kết hợp vào dịp lễ Thanh Minh 16 tháng 3 âm lịch hằng năm.

Bài chúc văn khao tế có những câu rất cảm động: “Hỡi ôi!/ Đất Việt trời Nam, nghĩ tưởng chiến sĩ hy sinh từ thuở nọ/ Cho hay sinh ký tử quy, đi có về không, thân đã mất mà danh ấy thọ/ Xót thương thay!/ Những chiến sĩ tuân lệnh Triều đình bảo vệ biên phòng – lãnh hải trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã liều thân vì Tổ quốc, son sắt một lòng ngang dọc chí nam nhi/ Phong ba dồi dập, tuyết sương chẳng quản, mưa gió chẳng sờn, thề quyết bảo vệ biên cương bờ cõi...”

Ngô Văn Minh
.
.