Muôn màu “thần dược” Phú Quốc

Thứ Ba, 27/08/2013, 11:20

Trước khi ra Phú Quốc, chúng tôi đã từng nghe nhiều người ví hòn đảo này là nơi cung cấp “thần dược” tươi sống dồi dào cho các quý ông yếu về khoản sinh lý… Dù vẫn bán tín bán nghi nhưng thật bất ngờ chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến nguyên cả một khu chợ chỉ chuyên bán các loại “thần dược” dưới biển, trên rừng của hòn đảo này.

1. Tại khu chợ của làng chài Hàm Ninh (xã Hàm Ninh, Phú Quốc, Kiên Giang) - nơi có cầu cảng dài 600m tính từ bờ, nhiều người lần đầu tới Phú Quốc chắc chắn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy vô số cá ngựa tươi sống gần như đủ màu sắc nâu, đen, vàng, hồng… đủ chủng loại được bày bán la liệt trong những hồ kiếng, chậu lớn, chậu nhỏ có ống sục ôxy. Anh bạn đi cùng tôi thốt lên: "Đây là lần đầu tiên tôi được thấy nhiều cá ngựa sống được bán như bán tôm cá bình thường như thế này!”.

Ngoài cá ngựa tươi thì khô cá ngựa cũng được đóng gói treo lủng lẳng khắp các sạp bán đồ khô. Ngoài việc khách hàng mua về tự xử lý, chế biến thì nhiều cửa hàng sẵn sàng thực hiện luôn công đoạn này cho khách, từ việc làm sạch cá cho đến bán cả rượu và chai hay bình để ngâm đúng quy trình cho hiệu quả tối đa!

Hỏi giá bán cá ngựa tươi sống tại một cửa hàng có thể nói là lớn nhất của khu chợ, chị bán hàng vui vẻ cho biết, 1 kg cá ngựa tươi giá khoảng 4-5 triệu đồng, còn nếu mua lẻ thì một cặp cá ngựa lớn khoảng 100 ngàn đồng, cặp nhỏ rẻ hơn, cỡ 80 ngàn đồng. Với cá ngựa khô nhỏ thì 30 ngàn/cặp, còn cặp lớn hơn khoảng 50 ngàn… Tuy vậy, theo anh hướng dẫn viên người bản địa cho biết, trước đây cá ngựa tươi ở Phú Quốc chỉ có giá vài trăm ngàn một ký. Ngư dân bắt về hầu như chỉ phơi khô bán dần ở các quầy tạp hóa với giá tương đương 1kg mực khô.

"Với cá ngựa thì nước bọt có công dụng tốt nhất, thứ hai mới là đôi mắt. Khi ngâm rượu, cá ngựa tươi sẽ tiết nước bọt ra nên có hiệu quả tốt hơn con khô, vì thế nếu ngâm 10 cá ngựa tươi thì với cá ngựa khô phải ngâm tới 20 con (?). Lưu ý, riêng cá ngựa khô phải chọn con có đôi mắt còn nguyên vẹn vì mắt cá ngựa khô thường bị kiến ăn mất. Tuy nhiên, khách hàng thích mua cá ngựa tươi hơn", chị bán hàng liến thoắng chỉ dẫn một cách khá bài bản.

Cũng theo chị bán hàng này, ngoài cá ngựa hay còn gọi là hải mã thì còn có hải long. Chỉ qua hồ kiếng nhỏ ngay bên cạnh, chị bán hàng giới thiệu: "Đây là hải long, cũng gần giống như hải mã có tác dụng rất mạnh và tốt cho "khoản ấy" của đàn ông nhưng hải long thực sự không tốt bằng hải mã".

Du khách chọn mua dược liệu tại một quầy hàng gần chợ Dương Đông.

Theo quan sát của chúng tôi, không như hải mã có nhiều màu sắc, bơi theo chiều thẳng đứng với dáng vẻ rất dễ nhận ra thì hải long lại bơi theo phương nằm ngang và màu sắc chủ yếu là xanh rêu… Chính vì công dụng của cá ngựa - hải mã đối với sức khỏe của đàn ông đã được truyền tai người này qua người kia nên dù thực tế lâu nay huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được xem là mỏ cá ngựa tự nhiên nhưng hiện tại con vật có hình dáng rất dễ thương này đang bị đánh bắt theo kiểu tận thu, tận diệt do sức mua của du khách đến với hòn đảo này khá lớn.

Thông thường, hằng năm cứ từ tháng 1 đến tháng 4, ngư dân bắt đầu mùa "săn" cá ngựa, nhưng hiện nay, cá ngựa dù lớn hay bé cũng bị càn quét cả năm. Cá ngựa sống ẩn núp theo các rặng san hô, rong tảo, ngư dân lặn men theo đó dùng vợt hay lưới đánh bắt. Ở vùng biển Phú Quốc, cá ngựa có hai loại, loại có gai và loại không có gai. Loại không có gai được mối lái thu mua nhanh hơn vì khi ngâm rượu ít bị tanh như cá có gai.

Theo thống kê chưa đầy đủ thì mỗi năm có khoảng trên dưới 1 triệu con cá ngựa được đánh bắt tại vùng biển Phú Quốc(?). So với sức mua như hiện nay, cá ngựa đang ngày càng trở nên khan hiếm. Cũng chính vì thế mà cách đây không lâu, báo chí đã lên tiếng phanh phui "chiêu trò" của người bán nhằm tăng trọng lượng cá ngựa, trong đó có kẻ đã bơm nước chì (nước pha bột kim loại chì), nhồi rau câu hay bơm lòng đỏ trứng gà vào bụng cá.

Hải mã, hải long tươi và khô bày bán ở chợ Hàm Ninh.

Ngoài ra, theo nhiều thông tin thì loài cá ngựa thường sống thành cặp, do vậy mới có chuyện khi mua cá ngựa về ngâm rượu, người ta thường chọn mua cá theo cặp. Khách mua cá thì chỉ thấy hai con cuốn chặt vào nhau là chọn, vì nghĩ chúng là một cặp vợ chồng, nhưng thực tế rất có thể chúng chỉ là hai con đực, hai con cái hoặc người bán cố ý ghép một con đang ngắc ngoải, sắp chết vào một con khỏe mạnh. Vì vậy, người mua cần nhìn bụng và phía dưới đuôi để phân biệt. Tuy vậy, cũng rất khó để nhận biết được con đực qua chiếc túi nhỏ dưới bụng dùng để ấp trứng khi con cái đẻ vì đó chỉ là một nếp gấp rất nhỏ chỗ miệng túi.

Bên cạnh đó, với khô cá ngựa, không ít sản phẩm được "chế biến" từ cá ngựa đã ngâm rượu nhiều lần không còn giá trị - sau khi mang xác cá ngựa đã ngâm rượu ra phơi khô, sấy lại, bơm thêm vị tanh vào để bán như cá ngựa khô bình thường. Đặc biệt, cá ngựa khô thường hay bị kiến đục ăn mất đôi mắt, do đó nhiều người bán đã làm giả đôi mắt để qua mặt người mua bởi với cá ngựa khô, cặp mắt là quý nhất…

2. Bên cạnh cá ngựa, nhiều du khách còn bị choáng ngợp trước một loại "thần dược" khác mà có lẽ chỉ Phú Quốc mới có - pín hải cẩu, pín bò biển?! Chúng cũng được treo hoặc bày bán ngay trên những chiếc khay inox, khay nhựa trước cửa hàng. Quả thật lúc đầu chúng tôi không biết đó là vật gì, bởi mới thoáng nhìn thì nó như những cây măng tây để khô khá to và dài với "phần gốc" là hai túi tinh hoàn được buộc bằng dây thun vào phần thân chính, còn "phần ngọn" nhọn, có chùm gai tua tủa.

Thấy tôi cầm một cái lên tỏ ý thắc mắc, người bán hàng liền quảng cáo: "Đó là pín hải cẩu, 500 ngàn một cây, chú mua về ngâm rượu uống sẽ rất tuyệt vời, ở đây nhiều người mua lắm. Nhưng tốt nhất chú nên mua một cặp ngâm trong 1,5 lít rượu để từ 15 ngày đến 1 tháng uống sẽ có hiệu quả rất rõ với đàn ông".

“Thần dược” pín hải cẩu, dugong.

Ghé qua một cửa hàng khác thì giá bán loại pín này rẻ hơn khá nhiều, chị bán hàng vừa đưa chiếc pín “vừa đon đả giới thiệu: "Loại pín này là “thần dược” phòng the, chỉ ở Phú Quốc mới có. Nếu chú mua từ 2 cái trở lên, tôi sẽ bớt chút ít, 300 ngàn một cái"… Thấy chúng tôi lưỡng lự, chị bán hàng lập tức… hạ giá: "Tôi bán giá đó là thấp hơn các cửa hàng khác nhiều rồi đó, nhưng thấy chú vui vẻ, tôi sẽ bớt thêm cho chú, 250 ngàn/cái"!.

Có thể thấy, chỉ trong phạm vi vài cửa hàng tại khu chợ nhưng giá bán của loại "thần dược" này chênh lệch nhau khá nhiều, và không phải người bán nào cũng giới thiệu là pín hải cẩu, có người quả quyết đó là pín bò biển (hay còn gọi dugong hoặc "nàng tiên cá", một loài thú có vú cực hiếm ở Phú Quốc và một số vùng biển phía Nam).

Có lẽ vì muốn chúng tôi tự tìm hiểu cho biết, nên khi đã đi ra khỏi cửa hàng, anh hướng dẫn viên người bản xứ mới cười cười bảo: "Mấy anh tìm hiểu thì cứ tìm hiểu chứ mấy thứ đó toàn là hàng giả thôi. Chuyện pín giả đã um xùm mấy năm nay rồi, mấy loại pín đó chỉ là pín bò hoặc cá khô, sau khi được "mông má", đắp thêm bột và quấn da cá bên ngoài đã biến thành pín hải cẩu, bò biển. Giờ mà tìm được pín hải cẩu hay pín bò biển thì cũng giống như mò kim đáy bể, làm gì có nhiều như vậy…".

Tuy vậy, theo quan sát xung quanh, tôi vẫn thấy có du khách bỏ tiền ra mua loại pín "giả" này! Những ngày sau khám phá nhiều nơi trên hòn đảo này, tôi vẫn thấy hầu như ở các chợ hay một số cửa hàng đều có loại "thần dược giả mạo" được bày bán la liệt!       

Một loại thần dược khác cũng được các quý ông tìm kiếm là hải sâm, tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, hải sâm ở Phú Quốc khá hiếm, nhưng tại khu chợ Hàm Ninh nó vẫn hiện diện. Theo các chủ cửa hàng ở đây, hải sâm thường có hai loại là hải sâm trắng và hải sâm đen, và người dân ở đây hay gọi hải sâm là "đồn đột" hoặc "đột ngậu".

Hải sâm trắng và đen.

Tưởng rằng giá bán hải sâm cũng chỉ tương đương với các loại "thần dược" khác, tôi cầm một con hải sâm trắng lên hỏi giá, người bán hàng mau miệng: "4 triệu/kg, nhưng có lẽ chú chỉ mua một hai con cùng với mấy con hải mã là có được một bình rượu tuyệt vời rồi vì khi ngâm con này nở ra lớn lắm".

Hỏi tác dụng của hải sâm, bà chủ hàng cười cười, giải thích: "Du khách nam giới tới đây thường mua hải mã và hải sâm mang về ngâm rượu để uống vì hải sâm rất tốt cho đàn ông và cả phụ nữ nữa. Bây giờ hải sâm hiếm lắm, chú không mua là về hối hận đấy".

Vẫn biết rằng hải sâm từ xưa đã được xếp vào loại "tứ đại danh thái", tức 4 loại thức ăn quý giá: hải sâm, óc khỉ, tay gấu, yến sào, và đúng là hiện nay hải sâm ngày một hiếm nên giá thành cũng tăng lên nhiều lần. Tuy nhiên, với mức giá như trên thì có lẽ chỉ những người khá giả mới kham nổi…

3. Bên cạnh những loại "thần dược" dưới đáy đại dương đã kể thì ở Phú Quốc còn khiến du khách trầm trồ ngạc nhiên với nhiều loại "thần dược" trên rừng. Tại khu chợ Hàm Ninh này, du khách chắc chắn sẽ bị thu hút bởi một loại nấm to khác thường và được bày bán rất nhiều tại các cửa hàng dược liệu mà người bán ở đây khẳng định chắc nịch rằng đó là nấm linh chi rừng (?) Và đương nhiên giá bán của nó cũng chẳng rẻ gì, 300-500 ngàn/kg. Quả thật tôi không đủ kiến thức để có thể nhận biết chắc được đó có phải là nấm linh chi rừng hay không nhưng với mức giá như vậy thật khiến cho người ta phải suy nghĩ kỹ trước khi mua.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì ở rừng Phú Quốc, nấm linh chi chỉ mọc trên xác cây dầu mít, cây dầu nước trăm năm chết bên bờ suối, trong rừng… Trước đây, những người đi rừng ở Phú Quốc có thể tìm được những tai nấm có trọng lượng vài chục ký, tuy nhiên hiện nay loại nấm này ngày càng hiếm…

Ngoài nấm linh chi thì theo một thống kê chưa đầy đủ, trên hòn đảo này hội tụ đến hơn 40 loài cây dược liệu, kể cả một số loài cây dược liệu quý như: bí kì nam, thần thông, huyết rồng, mỏ quạ, mật nhân… Chúng sống phân bổ rải rác dựa vào thảm thực vật rừng khắp nơi trên đảo, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là dọc tuyến rừng phòng hộ thuộc xã Bãi Thơm, Gành Dầu, Cửa Cạn hướng bắc đảo; Hàm Ninh, Dương Tơ phía nam đảo. Có những loại tồn tại hàng trăm năm và vì vậy có dược tính rất cao. Tuy nhiên, sự khai thác quá mức như vừa qua đã khiến một số loại đang mất dần

Phú Lữ
.
.