Đằng sau việc nuôi nhốt gấu "phục vụ" du lịch tại Quảng Ninh:

Muốn xử lý cũng không dễ

Chủ Nhật, 11/10/2009, 19:35
Tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 300 cá thể gấu ngựa được nuôi nhốt, chăm sóc tại các trang trại. Dù với danh nghĩa là nuôi nhốt để phục vụ các hoạt động tham quan, du lịch thông qua các mô hình "du lịch sinh thái" nhưng tại một số trang trại gấu, nhất là các cơ sở lớn ở TP Hạ Long lại luôn khá bí ẩn bởi thường trực ở trạng thái "kín cổng cao tường" hoặc chỉ đón khách du lịch ngoại quốc.

Lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh vào sáng ngày 2/10 vừa qua đã bất ngờ đột kích trang trại nuôi nhốt gấu thuộc Công ty TNHH một thành viên thương mại và du lịch Việt Thái (gọi tắt là Công ty Việt Thái), địa chỉ đặt tại xã Đại Yên, TP Hạ Long, bắt quả tang một số đối tượng (trong nước và mang quốc tịch Hàn Quốc) có hành vi hút, bán trái phép mật gấu cho khách du lịch Hàn Quốc.

Những bí ẩn đã có lời giải

Theo tài liệu mà các trinh sát Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh nắm được, hoạt động hút, bán mật gấu trái phép tại trang trại thuộc Công ty TNHH một thành viên thương mại và du lịch Việt Thái đã diễn ra trong thời gian khá dài. Dù bày bán hàng lưu niệm song thực chất chủ yếu là bán mật gấu và chỉ đón khách Hàn Quốc. Tại đây có một số môi giới là người Hàn Quốc. Những tấm biển giới thiệu đặc tính sinh học như tuổi thọ, trọng lượng, chiều cao... của gấu dựng trong trại cũng bằng tiếng Hàn.

Khi các đoàn khách du lịch được đưa vào trang trại, sẽ được đưa đi xem gấu, lúc này người môi giới tranh thủ giới thiệu về tác dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe của mật gấu. Cùng lúc này một số nhân viên là người trong nước sẽ gây mê gấu, sau đó thông qua hệ thống cáng đưa gấu ra một gian nhà gỗ để trích hút mật trực tiếp mời khách du lịch sử dụng thử và chia ra các chai nhỏ để bán. Tại nơi hút mật được trang bị máy siêu âm loại dùng cho người, máy hút chạy điện, dụng cụ sang chiết mật như ống tiêm, lọ thủy tinh, máy đóng gói, giấy bạc.... Và lúc hút mật cũng là thời điểm cổng trại được khóa chặt nhất, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Gấu và một góc trang trại nuôi nhốt gấu của công ty Việt Thái.

Đầu tháng 9/2009, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường xác lập chuyên án đấu tranh xử lý những vi phạm liên quan đến Công ty Việt Thái. Thượng tá Vũ Đình Phú, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Việc tiếp cận điểm nuôi nhốt gấu này rất khó khăn. Để đấu tranh làm rõ việc nuôi gấu  nhằm mục đích hút mật bán cho khách du lịch nước ngoài của Công ty Việt Thái, Phòng Cảnh sát môi trường đã lên kế hoạch tỉ mỉ, tập trung toàn bộ lực lượng, thực hiện đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ".

Sáng ngày 2/10/2009, trinh sát xác định có một đoàn khách du lịch mang quốc tịch Hàn Quốc sau khi tham quan Vịnh Hạ Long trên đường về Hà Nội đã rẽ vào điểm nuôi gấu trên. Gần 30 phút sau khi đoàn khách trên vào trong trang trại, theo kế hoạch đã định, tổ công tác của Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh do các đồng chí lãnh đạo phòng trực tiếp chỉ huy bất ngờ tập kích, bắt quả tang một số đối tượng tại trang trại này đang có hành vi bán mật gấu cho nhóm khách du lịch trên. Thời điểm kiểm tra, tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường đã phát hiện, thu giữ nhiều vật chứng là hệ thống thiết bị phục vụ việc hút, đựng mật gấu như máy siêu âm, kim tiêm, lọ thủy tinh.

Nhóm du khách Hàn Quốc được các đối tượng chào mời mua mật gấu tường trình: Khi vào trang trại đã được một người Hàn Quốc tên là So Soon Gan dẫn đi tham quan cơ sở sau đó đưa mọi người vào một căn phòng trong khuôn viên và giới thiệu tác dụng của mật gấu đối với việc chữa bệnh cho con người. Cùng thời điểm trên, có hai nhân viên tại đây dùng xe đẩy một con gấu đã được gây mê vào phòng rồi dùng máy siêu âm và dùng kim tiêm hút mật.  

Đối tượng So Soon Gan khai nhận mới sang Việt Nam được khoảng 2 tháng, do bị bệnh nên tìm mua mật gấu để uống và biết kế toán tại cơ sở nuôi nhốt gấu của Công ty Việt Thái là Bong Ha Seok (quốc tịch Hàn Quốc), sau đó đặt vấn đề giúp cơ sở hướng dẫn khách Hàn Quốc tham quan và giới thiệu mua mật gấu, hoa hồng hưởng 7% tổng số tiền bán được. Còn Bong Ha Seok thì khai nhận được ông Nguyễn Thanh Nhượng, 37 tuổi, trú tại xã Minh Thành, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh thuê làm nhân viên kế toán thu ngân khi có khách mua mật gấu, trả công mỗi tháng 1.500USD. Bong Ha Seok đã làm việc tại cơ sở này 18 tháng, trung bình mỗi tháng có khoảng 30 đến 40 đoàn khách du lịch nước ngoài vào tham quan và mua mật gấu, mỗi lần bán được từ 20 đến 30cc, với giá trung bình khoảng 60 USD/10cc.

Công an tỉnh Quảng Ninh xác định tại cơ sở nuôi nhốt gấu của Công ty Việt Thái có 82 cá thể gấu, trong đó có 22 cá thể không gắn chíp. Số gấu này thuộc sở hữu của 8 người, người nhiều nhất có 22 con, người ít nhất có 3 con, do ông Nguyễn Thanh Nhượng,  phụ trách việc trông nom, quản lý.  Ngoài ra, cơ sở này còn thuê một số nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ, nuôi gấu, gây mê, đóng gói sản phẩm. Theo sổ sách ghi chép thì trung bình doanh thu tại cơ sở này (chủ yếu là từ các hoạt động hút và bán mật gấu cho khách) là khoảng 300 triệu đồng/tháng.

Cần có những quy định cụ thể xử lý hành vi hút mật gấu trái phép

Ông Nguyễn Thanh Nhượng, quản lý việc nuôi nhốt gấu tại cơ sở thuộc Công ty Việt Thái thừa nhận việc Cơ quan Công an bắt giữ, xử lý là hoàn toàn đúng pháp luật. Tiếp xúc với PV, ông Nhượng khẳng định: Với việc nuôi nhốt, chăm sóc để đảm bảo số lượng lớn gấu tại trang trại của doanh nghiệp này luôn khỏe mạnh như hiện nay "không hút mật không thể tồn tại được" và "Chúng tôi đầu tư một con gấu 35-40 triệu đồng (thời điểm năm 2005), chi phí nuôi mỗi tháng từ 1 đến 1,5 triệu đồng/con, không hút mật thì lấy gì trả lãi ngân hàng".

Còn Trần Văn Mạnh, 36 tuổi, trú tại xã Đại Yên, TP Hạ Long, nhân viên cơ sở nuôi nhốt gấu cho biết: Thực chất cơ sở này do một người Hàn Quốc đầu tư, xây dựng nên, các chủ gấu chỉ thông qua Nguyễn Thanh Nhượng để đem gửi, ăn chia phần trăm lợi nhuận từ hoạt động hút và bán mật gấu. Ban đầu đây là cơ sở tham quan du lịch, bán quần áo, túi xách, song lãi suất thấp. Đồng tình với cách lý giải của ông Nguyễn Thanh Nhượng, nhân viên này cũng thẳng thắn khẳng định: "Gấu tại trang trại được mua từ nhiều nguồn, trong đó chủ yếu từ nước ngoài. Nếu không có những chủ hộ như chúng tôi thì ai sẽ mua gom và  gấu sẽ không có ngày hôm nay.... Nuôi chỉ để làm cảnh  thôi thì không ai nuôi. Có cung thì có cầu. Làm kinh tế nếu lỗ thì gấu chết hết".

Cả ông Nguyễn Thanh Nhượng và Trần Văn Mạnh giãi bày với PV: "Bản thân và các nhân viên tại trang trại đều là những người không công ăn việc làm và xác định công việc hiện tại không phải là lâu dài. Nếu được các tổ chức hoặc Nhà nước bảo trợ, chúng tôi sẽ không hút mật gấu hoặc sẵn sàng giao gấu để Trung tâm Cứu hộ Sóc Sơn quản lý nhưng phải hỗ trợ tiền mua gấu và chi phí nuôi, chăm sóc gấu từ năm 2005 đến nay".

Đầu năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo đề xuất Chính phủ các biện pháp quản lý, trong đó có việc gắn chíp điện tử đối với số gấu nuôi tại Quảng Ninh, song Thượng tá Vũ Đình Phú, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: thực tế biện pháp quản lý này đã không có tác dụng. "Đến nay có thể nói gắn chíp hay không gắn chíp đều không có tác dụng. Tại trang trại của Công ty Việt Thái có 82 cá thể gấu, trong đó có 22 cá thể không gắn chíp. Thực tế, Cơ quan Kiểm lâm của tỉnh không nắm được, không quản lý được việc hút, bán trái phép mật gấu" - Ông Phú khẳng định. 

Cũng theo Thượng tá Vũ Đình Phú thì, quan điểm của tỉnh Quảng Ninh là kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi hút, bán trái phép mật gấu tại trang trại của Công ty Việt Thái. Tuy nhiên, việc xử lý hiện gặp khó khăn do Thông tư liên tịch số 19/2007, ban hành ngày 8/3/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao về hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản chưa có hướng dẫn chi tiết. Cụ thể đối với tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm là "Vận chuyển, buôn bán trái phép động vật quý hiếm hoặc vận chuyển buôn bán các loại sản phẩm như thịt, xương, sừng, da, lông, ngà, móng, vẩy, răng và các bộ phận khác từ cơ thể các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm...".

Theo giải thích của ông Phú thì rõ ràng căn cứ quy định này thì chiếc mật gấu được coi là "các bộ phận khác từ cơ thể động vật quý hiếm". Tuy nhiên, hành vi hút mật gấu để bán lại chưa được quy định rõ ràng.

Thượng tá Vũ Đình Phú kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật cần sớm có những quy định cụ thể để xử lý hành vi hút mật gấu kinh doanh trái phép, nhất là trong điều kiện các hành vi vi phạm như trên diễn ra ngày càng táo tợn, công khai. Đối với số gấu tại trang trại thuộc Công ty Việt Thái thì sẽ kiến nghị đưa về trung tâm cứu hộ để quản lý theo đúng quy định trong việc thực hiện Công ước quốc tế về bảo tồn động vật hoang dã

Nguyễn Minh Châu
.
.