Mỹ - ASEAN và tác động của cuộc chiến thương mại

Thứ Ba, 20/08/2019, 11:35
Đông Nam Á là một trong những thị trường lớn nhất, tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Với tốc độ tăng trưởng khu vực hàng năm dự kiến khoảng 5%, Đông Nam Á được mong đợi sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, vượt qua Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản vào năm 2050.

Tầng lớp trung lưu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến đến năm 2020 sẽ bao gồm khoảng 350 triệu người, với thu nhập khả dụng dành cho chi tiêu là 300 tỷ USD. Với độ tuổi trung bình khoảng 28 tuổi, Đông Nam Á sẽ mang lại những cơ hội thị trường lớn cho các công ty Mỹ trong những thập niên sắp tới.

Các nền kinh tế Mỹ và Đông Nam Á bổ sung nhiều cho nhau, tạo ra những lợi ích rộng rãi cho cả hai bên. Đối với Đông Nam Á, Mỹ là một nguồn cung quan trọng các mặt hàng máy móc điện tử, máy bay và nông sản. Mỹ cũng mang lại cho Đông Nam Á đào tạo kỹ thuật và giáo dục quan trọng.

Trong khi đó, Mỹ là nước nhập khẩu máy móc điện tử, hàng may mặc và nông sản được sản xuất ở Đông Nam Á, với sự chồng chéo trong ngành máy móc điện tử do chuỗi cung ứng thích hợp.

Công nghiệp ôtô tại Indonesia.

Bạn hàng

10 nước ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Mỹ sau Canada, Mexico và Trung Quốc. Tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ sang Đông Nam Á là đều đặn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, ngoại trừ bị suy giảm trong năm 2009, và đã đạt 86,2 tỷ USD năm 2018, chiếm 5,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ.

Năm 2018, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ sang Đông Nam Á là hàng điện máy như động cơ, máy phát điện, máy biến áp (trị giá 16,3 tỷ USD), máy móc (trị giá 10,2 tỷ USD), máy bay (trị giá 9 tỷ USD), nhiên liệu khoáng (trị giá 6,8 tỷ USD) và dụng cụ quang học và y tế (trị giá 5,5 tỷ USD). Doanh số bán hàng ở Đông Nam Á dự kiến sẽ chiếm hơn 10% doanh số toàn cầu của các tập đoàn lớn của Mỹ trong 2 thập kỷ tới.

Boeing dự đoán khu vực này sẽ chiếm hơn 10% tổng nhu cầu về máy bay dân dụng toàn cầu, hơn 4.200 chiếc máy bay trị giá 650 tỷ USD trong 20 năm tới. Xuất khẩu dịch vụ của Mỹ sang Đông Nam Á đạt 30 tỷ USD năm 2018, tăng 117% so với một thập kỷ trước, và gồm có các dịch vụ tài chính, dịch vụ ăn uống, kinh doanh điện tử và giải trí.

Thực tế là xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Mỹ sang Đông Nam Á mang lại lợi ích đáng kể cho Mỹ. Hơn 500.000 việc làm ở Mỹ được hỗ trợ bởi thương mại với ASEAN. 386.900 việc làm được xuất khẩu hàng hoá Mỹ hỗ trợ và 181.400 việc làm được xuất khẩu dịch vụ Mỹ hỗ trợ. Tuy nhiên, những lợi ích mà giao dịch với ASEAN mang lại tập trung về mặt địa lý.

Chẳng hạn, 13% việc làm phụ thuộc vào xuất khẩu ở Oregon do xuất khẩu sang ASEAN hỗ trợ, nhưng ở Kansas con số này chỉ là 5%. Tương tự, máy tính và hàng điện tử chiếm 19% xuất khẩu của Mỹ sang Đông Nam Á, nhưng dịch vụ tài chính chỉ chiếm 2%.

Thị trường rộng lớn

 Các nước ASEAN cũng là nguồn nhập khẩu hàng hoá lớn thứ tư của Mỹ sau Canada, Mexico và Trung Quốc. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hàng nhập khẩu của Mỹ từ Đông Nam Á đã tăng đều đặn và đạt hơn 185,8 tỷ USD năm 2018, tăng 9,4% so với năm 2017 và tăng 68,7% trong thập kỷ qua. Nhìn chung, hàng nhập khẩu của Mỹ từ ASEAN chiếm 7,3% tổng nhập khẩu của Mỹ.

Năm 2018, hàng nhập khẩu hàng đầu của Mỹ từ khu vực này là hàng điện máy (52,9 tỷ USD), hàng may mặc (29,8 tỷ), máy móc (23,3 tỷ), nguyên liệu thô và nông sản (13,2 tỷ). Hàng tiêu dùng thành phẩm chiếm 43% nhập khẩu của Mỹ từ khu vực này, nhưng trong đó có các thành phần quan trọng xuất xứ từ Mỹ.

Năm 2018, Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hoá trị giá 99,8 tỷ USD với ASEAN, tăng 8,4% so với năm 2017. Chỉ có 2 nước ở khu vực này có thặng dư thương mại với Mỹ là Singapore (5,8 tỷ USD) và Brunei (168 triệu USD).

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng đến các nền kinh tế ASEAN thông qua 2 kênh. Thứ nhất, những tác động gián tiếp thông qua chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Các nhà sản xuất bán ít hàng hoá hơn do phản ứng lại thuế quan bằng cách giảm và sản lượng và mua ít nguyên vật liệu đầu vào hơn từ các nhà cung cấp bị tác động trong chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Thứ hai, thương mại có thể được tái định hướng sang các nhà cung cấp được miễn thuế, mang lại lợi ích một cách hiệu quả cho các nước không trực tiếp liên quan đến xung đột thương mại. Các công ty sản xuất điện tử, đồ nội thất và may mặc đã bắt đầu chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước láng giềng, có mức lương thấp hơn và chính sách thuận lợi cho thương mại và FDI.

Một nhà máy sản xuất ôtô tại Thái Lan.

Các nền kinh tế ASEAN cũng sẽ có cơ hội thay thế hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu cho thị trường Mỹ. Tương tự như vậy, Đông Nam Á có thể cung cấp các mặt hàng thay thế cho các mặt hàng của Mỹ tại thị trường Trung Quốc, đặc biệt là đối với 120 mặt hàng thực phẩm bị áp thuế.

Trước những cơ hội này, giá tiêu dùng cao hơn ở Mỹ có khả năng làm giảm tiêu thụ các mặt hàng “Made in China” được bán trên thị trường vốn sử dụng các thành phần có nguồn gốc xuất xứ từ các nền kinh tế ASEAN khác.

Tác động và tầm nhìn

Quan hệ thương mại Mỹ - Đông Nam Á đang bị ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi đối với cấu trúc thương mại khu vực, các biến số khác nhau liên quan đến Trung Quốc và những phản ứng của Đông Nam Á đối với chính sách của Mỹ.

Một trong những tác động có thể thấy, đó là không có các thoả thuận thương mại đa phương mới nổi của khu vực, có nghĩa là những lợi ích Mỹ đang bị phớt lờ khi khu vực này hội nhập về kinh tế. Trước khi Mỹ rút khỏi TPP năm 2017, thì hiệp định thương mại này được cho là sẽ trở thành hiệp định lớn nhất thế giới, chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu, với Mỹ đi đầu trong việc thúc đẩy các tiêu chuẩn cao hơn có lợi cho Mỹ.

Mỹ luôn có phần lợi lớn trong cách thức định hình các quy tắc, đặc biệt là trong các lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng như công nghệ, dịch vụ tài chính và thương mại kỹ thuật số. Các tiêu chuẩn cao về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, môi trường và lao động cũng mang lại cho Mỹ những lợi thế và sẽ kéo các nền kinh tế Mỹ và Đông Nam Á xích lại gần nhau hơn.

Bên cạnh đó, các công ty Mỹ vẫn sẽ được hưởng lợi từ cấu trúc thương mại mới, mặc dù Mỹ không phải là một bên tham gia, điều sẽ có tác động đối với quan hệ thương mại Mỹ - Đông Nam Á. Mặc dù việc Mỹ không tham gia các cuộc đàm phán thương mại khu vực thu hút được nhiều sự chú ý, nhưng điều quan trọng là phải nhận ra rằng các công ty của Mỹ đã hoạt động ở các nền kinh tế mà hiện đang tham gia CPTPP cũng như các khu vực thương mại tự do khác và do đó sẽ được hưởng lợi.

Sự can dự kinh tế ngày càng sâu sắc của Trung Quốc trong khu vực sẽ có tác động đến quan hệ thương mại Mỹ - Đông Nam Á, đặc biệt là trong nền kinh tế kỹ thuật số. Với việc Mỹ không tham gia sâu vào các cuộc đàm phán thương mại khu vực, Trung Quốc sẽ đặc biệt có được ảnh hưởng đáng kể. Cụ thể, các công ty Mỹ sẽ thua cuộc khi luật chơi dành cho nền kinh tế kỹ thuật số được lập ra.

Đặc biệt, Alibaba và Tencent đang tiến vào các nước Đông Nam Á bằng thương mại điện tử và dịch vụ thanh toán di dộng thông qua liên doanh với các công ty địa phương. Bằng cách cung cấp cho thị trường Đông Nam Á các lựa chọn rẻ hơn, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái kỹ thuật số tích hợp.

Một cách riêng rẽ, quan hệ thương mại Trung – Mỹ xấu đi sẽ ảnh hưởng  đến chuỗi cung ứng và sắp xếp lại các động lực kinh doanh trong khu vực. Một số công ty Mỹ đang rời khỏi Trung Quốc để tái bố trí và Đông Nam Á dường như là một điểm đến thích hợp. Trong khi chính nhiều công ty Trung Quốc đã dần rời khỏi Trung Quốc vì chi phí lao động tăng lên, thuế quan do Mỹ áp đặt sẽ đẩy nhanh tiến trình dịch chuyển này, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử và ôtô.

Động lực này cuối cùng có thể dẫn đến việc Mỹ và Đông Nam Á có khối lượng thương mại lớn hơn, nhưng có thể sẽ làm tăng thặng dư thương mại của Đông Nam Á với Mỹ, có khả năng gây xích mích và dẫn tới một cuộc áp đặt thuế mới với khu vực mới.

Philippines là một trong số những nước dẫn đầu ASEAN về cơ khí chế tạo.

Các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu và tương đối mở cửa như Singapore hoặc Malaysia thường chọn cách vận chuyển một lượng lớn linh kiện hoặc bộ phận sang Trung Quốc để lắp ráp sau đó xuất khẩu thành phẩm sang My sẽ phải chịu chi phí trực tiếp hoặc gián tiếp do cuộc chiến thương mại gây ra.

Khi cuộc thương chiến nổ ra, có những quan ngại rằng các nền kinh tế Đông Nam Á và đặc biệt là các nước phụ thuộc vào xuất khẩu, ngay cả khi không trực tiếp bị nhắm mục tiêu, có thể chịu thiệt hại do tính phức tạp của các chuỗi cung ứng toàn cầu và bản chất móc nối của thương mại trong khu vực.

Cuối cùng, trong ngắn hạn, cần chứng minh rằng việc Mỹ không tham gia cấu trúc thương mại khu vực mới nổi đang gây tổn hại cho quan hệ thương mại Mỹ - Đông Nam Á và cho những lợi ích lâu dài của Mỹ như thế nào. Quan hệ đối tác giữa các nhóm doanh nghiệp, các tổ chức học thuật và các tổ chức tư vấn cũng có thể là một phương tiện hữu ích để giúp chứng minh Mỹ mất đi những gì khi không can dự sâu hơn.

Trong khi sự phá vỡ rõ ràng trong chính sách của Chính quyền ông Donald Trump đã tạo ra nhu cầu cấp thiết này trong ngắn hạn, điều cần thiết là phải công nhận tầm quan trọng kinh tế và chiến lược của sự can dự của Mỹ cho dù ai là chủ nhân Nhà Trắng trong thời gian tới.

 Mấu chốt lại, quan hệ thương mại Mỹ - Đông Nam Á quan trọng đối với cả hai bên và sẽ trở nên ngày càng có lợi khi các nền kinh tế Đông Nam Á phát triển. Mỹ sẽ vẫn là một cường quốc nổi trội ở Đông Nam Á và được cho là vẫn có nhiều ảnh hưởng đòn bẩy kinh tế ở châu Á hơn so với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu không có những thay đổi trong chính sách của Mỹ liên quan đến các dàn xếp thương mại đa phương, các mối quan hệ sẽ không đạt đến tiềm năng của chúng.

Sản xuất đồ may mặc là một trong những thế mạnh của Indonesia.

Trong khi đó, khu vực này vẫn sẽ tiếp tục hội nhập và tạo nên các tiêu chuẩn và quy tắc mà không có sư tham gia đàm phán của My, và điều này sẽ có những hậu quả đặc biệt quan trọng đối với sự hội nhập của Mỹ vào nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á.

Việc Mỹ không tham gia các cuộc đàm phán thương mại khu vực cũng sẽ có những tác động chiến lược đến chính nước này. Với thương mại là một trong những ưu tiên hàng đầu của khu vực, việc thiếu sự ủng hộ của Mỹ dành cho các dàn xếp thương mại đa phương đã làm suy giảm đáng kể địa vị của Mỹ với tư cách là một đối tác của Đông Nam Á.

Trong bối cảnh thời đại nổi bật là cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, việc không can dự nghiêm túc vào Đông Nam Á về tương lai cấu trúc kinh tế khu vực đang gây tổn hại cho lợi ích chiến lược của Mỹ.  Mỹ phải tìm cách quay trơ lại và hợp tác với các đối tác cùng chí hướng trong khu vực này nếu muốn tìm cách duy trì tính cạnh tranh.

Huy Thông (tổng hợp)
.
.