Mỹ: Giáo dục hà khắc cùng truyền thống gia đình giúp học sinh châu Á vượt học sinh da trắng

Thứ Bảy, 14/11/2015, 17:20
Theo Hsin và Xie, khoảng cách thành tích giữa những sinh viên da trắng và sinh viên gốc Á do hai yếu tố quyết định. Hai yếu tố này liên quan tới xã hội và văn hóa hơn là yếu tố về sắc tộc. Dữ liệu nghiên cứu về 5.200 học sinh người Mỹ gốc Á và học sinh da trắng từ khi học mẫu giáo tới khi học trường trung học cho thấy: học sinh người Mỹ gốc Á có khả năng tận dụng những lợi thế của những hệ thống hỗ trợ xã hội để biến nỗ lực thành thành công.

Hà khắc để con cái đi theo con đường mà bố mẹ lựa chọn

Nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí PNAS về những tác động của các bậc phụ huynh trong quá trình nuôi dạy con cái đến khả năng học hành của chúng. Liệu "Mẹ hổ"- những bậc phụ huynh quá hà khắc trong nuôi dạy con cái, chỉ quan tâm đến thành tích của con, có thực sự là nguyên nhân khiến trẻ em Mỹ gốc châu Á thông minh? Liệu rằng, chỉ cần bỏ ra nhiều tiền để mời gia sư và đăng ký các lớp học thêm cho con vào kỳ nghỉ hè là tốt?

Alice Park, một cây bút nổi tiếng của Time, chuyên viết về vấn đề sức khỏe, y tế, trong cuốn sách mới và nổi tiếng nhất của bà "Hy vọng về tế bào gốc: bằng cách nào nó thay đổi cuộc sống của chúng ta" đã tự ngẫm về bản thân: "Tôi là người luôn rập khuôn về thành tích, về sách vở, giỏi toán và khoa học. Tôi luôn đạt thành tích cao tại trường. Tôi tham gia vào các lớp học thêm trong kỳ nghỉ hè. Tôi đọc ngấu nghiến 100 cuốn sách về kiến thức được giảng dạy trong cả 3 năm học cấp ba chỉ trong một mùa hè. Thứ bảy hàng tuần, tôi thường luyện tập piano, học lý thuyết về âm nhạc và múa ballet. Bố mẹ tôi muốn tôi đi học đại học và tôi đã thực hiện nguyện vọng đó của bố mẹ. Bố mẹ tôi muốn tôi tốt nghiệp, và tôi cũng làm được. Về công việc, tôi chọn việc làm liên quan tới sức khỏe và khoa học.

Tôi đã được nghe Amy Chua (nữ luật sư nổi tiếng người Mỹ gốc châu Á, nhà văn, học giả, giáo sư luật tại Trường Luật Yale, thỉnh giảng tại Trường Luật Duke) nói về "Mẹ hổ", khăng khăng bênh vực về những phương pháp nuôi dạy con nghiêm khắc, đôi khi là hà khắc để con cái đi theo con đường mà bố mẹ lựa chọn. Có thể đây là phương pháp giúp con cái gần bố mẹ hơn, ví dụ như khi bố mẹ "khuyến khích" và sẵn sàng ngồi lắng nghe con cái luyện tập hàng tiếng đồng hồ cho đến khi con mình chơi đúng bản nhạc. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác bị đóng đinh trên chiếc ghế dài để tập piano vào một ngày nắng đẹp khi mà tôi chỉ muốn đi tắm hồ hoặc đi dạo với bạn bè.

Tuy nhiên tôi cảm thấy mâu thuẫn khi có rất nhiều người Mỹ gốc Á, được bố mẹ ban tặng cho những "năng khiếu đặc biệt" để hiểu rõ giá trị của nỗ lực bản thân và tầm quan trọng của việc giúp con cái hướng đến thành công, một kỹ năng mà không phải bố mẹ nào cũng có thể làm được. Tôi nhận thấy những trường hợp đặc biệt và thành tựu họ đạt được, có thể nói rằng, những bậc phụ huynh ở vùng Viễn Đông nắm giữ chìa khóa đi đến thành công của con cái”.

Cha mẹ gốc châu Á ở Mỹ luôn giáo dục con cái một cách nghiêm túc.

Thành công nhờ yếu tố xã hội và văn hóa hơn là yếu tố về sắc tộc

Các nhà nghiên cứu Amy Hsin và Yu Xie đã cố gắng giải thích lợi thế của trẻ em người Mỹ gốc Á so với người da trắng. Hsin, giảng dạy tại Queens thuộc Trường đại học thành phố New York, và Xie đến từ Trường đại học Michigan, nhận thấy vị thế kinh tế xã hội và trí tuệ phong phú không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới khoảng cách thứ hạng thành tích như nhiều nhà nghiên cứu vẫn nghĩ. Ngay cả những người mới di cư, họ không hề giàu có hoặc được các tổ chức xã hội ủng hộ thường học tốt hơn những học sinh được sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Và từ khi học mẫu giáo cho đến khi học phổ thông, học sinh gốc châu Á luôn đạt điểm ngang hoặc cao hơn so với những học sinh da trắng khi làm bài kiểm tra.

Theo Hsin và Xie. khoảng cách thành tích giữa những sinh viên da trắng và sinh viên gốc Á do hai yếu tố quyết định. Hai yếu tố này liên quan tới xã hội và văn hóa hơn là yếu tố về sắc tộc. Dữ liệu nghiên cứu về 5.200 học sinh người Mỹ gốc Á và học sinh da trắng từ khi học mẫu giáo tới khi học trường trung học cho thấy: học sinh người Mỹ gốc Á có khả năng tận dụng những lợi thế của những hệ thống hỗ trợ xã hội để biến  nỗ lực thành thành công.

Trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, gia đình luôn là nguồn động viên con cái, là nguồn lực ủng hộ học tập của con cái, từ những lời động viên, khuyên nhủ con cái về trường học tốt nhất tới vật chất như: sách vở, video hay các trang web học trực tuyến, để cố nhồi nhét kiến thức cho con cái sau giờ học tại trường. Hsin cho hay: "Luận cứ của các "bà mẹ hổ" không hề đề cập tới những yếu tố xã hội và bắt buộc con cái phải củng cố và giữ vững niềm tin vào những giá trị đạo đức do lao động mà có".

Hình thức nuôi dạy con cách này rõ ràng không đơn thuần là ganh đua thành tích mà thể hiện yếu tố xã hội rõ rệt như yếu tố nhập cư. Theo Hsin: "Thế hệ trẻ người Mỹ gốc Á được cho là sắc sảo và học giỏi nhờ vào nỗ lực hơn là do khả năng thiên bẩm". Đó là thành quả từ niềm tin vào thành công, vào nỗ lực trong học tập, công việc và cuộc sống, bạn càng nỗ lực, thành công càng lớn. Khi học sinh được hỏi rằng: theo em những kỹ năng toán học được hình thành do thiên bẩm hay nỗ lực học hành? Hầu hết học sinh da trắng đều cho rằng, học giỏi toán là do thiên bẩm, trong khi học sinh Mỹ gốc Á lại trả lời rằng, kỹ năng toán học được hình thành khi học cùng với nỗ lực của bản thân.

Tuy nhiên, lợi thế giúp những học sinh gốc Á có điểm học lực trung bình cao, cũng mang lại không ít mặt tiêu cực. Hsin nhận thấy, những học sinh Mỹ gốc Á có xu hướng gặp phải những vấn đề về tự nhận thức bản thân và thường có những mâu thuẫn với cha mẹ hơn những học sinh da trắng. Áp lực từ cha mẹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến con cái nếu như con cái thất bại, hoặc không cảm thấy thỏa mãn khi thành công.

Có thể hiểu rằng, phương pháp nuôi dạy con cái của những "bà mẹ hổ" là giúp con cái nhận thức được giá trị của thành công cũng như nỗ lực của bản thân khi đạt được thành công ấy. Tuy nhiên, phương pháp này có thể khiến con cái bị "tự kỷ".

Văn Nguyễn-T.P (theo Time)
.
.