Mỹ: Thêm một vụ lừa đảo tài chính bị phát hiện
Thủ phạm chính được Cơ quan thanh tra chứng khoán của Mỹ phát hiện trong vụ này là tỉ phú Robert Allen Stanford cùng 3 công ty của ông ta. Theo SEC, Công ty Stanford International Bank (SIB), trụ sở tại thiên đường thuế quan Antigua, quần đảo Antilles thuộc Mỹ nằm ở ngoài khơi biển Caribbean, đã bán các loại giấy chứng nhận ký gửi với tổng trị giá vào khoảng 8 tỉ USD.
Để dụ nhà đầu tư bỏ vốn vào mua loại "giấy lộn" này, SIB hứa sẽ trả cho họ những khoản lãi suất cao một cách đáng "ngạc nhiên" nhưng không đưa ra lời giải thích làm thế nào và vì sao lại có mức lãi suất cao đến vậy. Khi được khách hàng gạn hỏi, SIB cho rằng đây là một "chiến lược đầu tư đặc biệt" nên cần phải giữ bí mật. Chiến lược này sẽ cho phép SIB thu hồi vốn trong vòng 15 năm với mức tăng trưởng 2 con số.
Một công ty khác của Robert Allen Stanford là Stanford Group Company (SGC), cũng đang bị SEC điều tra do bị tình nghi chủ mưu một vụ lừa đảo bán cổ phần của một quỹ đầu tư bất động sản với trị giá 1,2 tỉ USD.
SEC không kết luận ngay đây là một vụ lừa đảo theo kiểu đa cấp theo đó những nhà đầu tư đóng tiền trước sẽ được trả lãi từ đóng góp của những người tham gia sau, nhưng theo giới truyền thông Mỹ vụ lừa đảo này làm tất cả mọi người liên tưởng như là một vụ "Madoff mini".
Đầu tháng 2 vừa qua, Harry Markopolos, một nhà đầu tư tài chính người từng cảnh báo với các cơ quan chức năng Phố Wall về trường hợp của Madoff từ năm 2000, đã tiết lộ rằng ông đang báo động SEC về một vụ lừa đảo khác với trị giá trên dưới 10 tỉ USD, nhưng không nêu rõ tên tuổi.
Người đứng đầu văn phòng của SEC tại Fort-Worth (bang Texas), Rose Romero, cho biết một vị thẩm phán liên bang hôm 17/2 vừa qua đã ra quyết định khởi tố và điều tra đối với công ty mẹ của hai công ty trên là Stanford Financial Group. "Chúng tôi nghi ngờ đây là một vụ lừa đảo quy mô rất lớn với những chân rết nằm rải rác khắp thế giới" - bà Romero nhấn mạnh.
Thành lập liên minh luật gia quốc tế giải quyết vụ lừa đảo Madoff. |
"Ông Robert Allen Stanford và một nhóm nhỏ những người bạn và các thành viên trong gia đình ông ta đã tiến hành một vụ lừa đảo trên quy mô lớn bằng cách dựa trên những lời hứa hão huyền và những con số làm giả để lừa phỉnh các nhà đầu tư" - Giám đốc bộ phận an ninh của SEC cho biết.
Lời kết tội ông Robert Allen Stanford và 2 đồng sự của người này được SEC đưa ra ngay sau khi họ nhận được những báo cáo của thẩm phán Reed O'Connor về các sai phạm của SIB, SGC và hai công ty tư vấn đầu tư cũng của tỉ phú Robert Allen Stanford là Stanford Group Company và Stanford Capital Management.
Hiện, Tập đoàn Stanford Financial Group từ chối đưa ra bất cứ bình luận gì về vụ việc này. Thẩm phán O'Connor cũng đã ra lệnh thu hồi về Mỹ toàn bộ số vốn của SIB và SGC bị phong tỏa ở nước ngoài để đảm bảo công tác tố tụng theo luật của Mỹ.
Giám đốc phụ trách hai chi nhánh này là James Davis và Laura Pendergest-Holt cùng ông Stanford hiện đang là đối tượng điều tra hàng đầu của SEC.
Những ngày gần đây, tờ báo Phố Wall đã liên tục cho đăng tải những lời phàn nàn từ phía các khách hàng của SIB trong việc thu hồi lại vốn đầu tư. Những người này khi tới trụ sở của SIB để xin rút vốn thì đều nhận được câu trả lời là cần phải chờ đợi trong nhiều ngày để họ tiến hành những thủ tục cần thiết.
Theo các nhà điều tra của SEC, tháng 6/2008, Công ty SIB đã bán ra 8 tỉ cổ phiếu và một loạt những sản phẩm tài chính "rất đặc biệt" khác. Năm 2001, tổng trị giá niêm yết của công ty này chỉ là 1 tỉ USD.
Sau vụ lừa đảo Madoff bị phát hiện, công ty này tuyên bố họ không phải là nạn nhân của Madoff cho dù là gián tiếp hay trực tiếp để trấn an mối lo của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, SEC khẳng định, tuyên bố trên của SIB là sai sự thật. Tập đoàn Stanford Financial Group, được thành lập từ năm 1932, hiện có khách hàng tại 140 quốc gia trên thế giới và quản lý số cổ phiếu lên đến 50 tỉ USD.
Ông Robert Allen Stanford từng đứng đầu Ủy ban đầu tư của Stanford International Bank cùng với cha mình. Là cháu nội của người sáng lập ra Công ty Stanford đầu tiên năm 1932 tại bang Texas, và đóng trụ sở tại những hòn đảo của Mỹ được coi như những thiên đường thuế quan trên thế giới.
Theo bản lý lịch chính thức, Robert Allen Stanford rất tâm đắc phương châm làm việc của ông nội Lodis: "Tận tụy, rõ ràng và đem lại lợi ích cho khách hàng". Tuy nhiên, xem ra Robert Allen Stanford chỉ học thuộc lòng mà không hiểu nội dung của câu này.
Trong một diễn biến khác liên quan tới vụ lừa đảo Bernard Madoff, ngày 17/2 vừa qua, một "liên minh quốc tế" bao gồm 35 văn phòng luật sư của 22 quốc gia trên thế giới với gần 5.000 luật gia đã được thành lập tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, nhằm hợp tác bảo vệ các nạn nhân trong vụ lừa đảo của Bernard Madoff.
"Sáng kiến của chúng tôi là kết nối sự bảo vệ về mặt luật pháp quốc tế đối với khoảng 3 triệu nạn nhân trên toàn thế giới trong vụ lừa đảo thế kỷ trên" - Javier Cremades, Chủ tịch "liên minh" và hiện là Giám đốc Văn phòng luật sư Cremades & Calvo-Sotelo, Tây Ban Nha - phát biểu.
Các văn phòng luật sư ước tính vụ lừa đảo của Bernard Madoff có thể sẽ kéo theo 22.000 hồ sơ tố tụng trên thế giới. Đây là lần đầu tiên một liên minh như vậy được thành lập và cũng là lần đầu tiên một vụ lừa đảo có quy mô toàn cầu. Một trong những mục tiêu chính của liên minh này là trao đổi và thu thập thông tin. Một khó khăn trong việc hợp tác này là sự khác biệt lợi ích của các khách hàng trong khi tất cả họ đều là nạn nhân của vụ lừa đảo.
Trước mắt, liên minh này đã thống kê được Hà Lan, Anh và Mỹ là những quốc gia có số nạn nhân đông nhất dính vào vụ Madoff