Mỹ - Trung hướng tới đình chiến thương mại

Thứ Ba, 29/10/2019, 16:03
Mức độ căng thẳng trong quan hệ thương mại và nhiều lĩnh vực khác giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đi tới đâu đều có tầm ảnh hưởng đặc biệt tới thế giới. Liệu Mỹ-Trung Quốc có thể tránh bi kịch chính trị nước lớn là câu hỏi không chỉ người dân hai quốc gia này quan tâm mà nhiều nước khác cũng theo dõi sát sao tiến trình giải quyết nút thắt giữa hai cường quốc này. "Làm lành" với nhau là xu hướng đang được các quan chức hai nước xúc tiến.


Có hay không bi kịch chính trị nước lớn?

Trong cuộc đối thoại giữa giáo sư John J. Mearsheimer và giáo sư Wu Xiaoqiu về nguy cơ Mỹ-Trung rơi vào “bi kịch chính trị nước lớn” do Viện Nghiên cứu Tài chính Sùng Dương, thuộc Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, tổ chức ngày 15-10 vừa qua, hai học giả này đã trao đổi những cách nhìn của mình về sự trỗi dậy của Trung Quốc và mối quan hệ Trung-Mỹ.

Giáo sư Mearsheimer cho rằng Mỹ và Trung Quốc khó có thể tránh khỏi thảm kịch chính trị nước lớn, bất chấp việc hai cường quốc này có nhiều lợi ích chung và có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Ông nhấn mạnh rằng hai nước cũng có nhiều cạnh tranh và điểm mấu chốt là họ thấy cái gì quan trọng hơn. Ông nói: “Quan điểm của tôi là cạnh tranh sẽ nhiều hơn hợp tác. Tuy nhiên, lý lẽ của tôi có thể sai. Có thể có giả thuyết khác hay hơn để giải thích vì sao sẽ có nhiều hợp tác và ít cạnh tranh”.

Ở phía bên kia, giáo sư Wu đưa ra quan điểm: Không nên nghĩ mọi thứ màu hồng, mà thay vào đó, cần phải đánh giá các mối quan hệ quốc tế như một vấn đề cực kỳ phức tạp và không nên quá lạc quan, phải chuẩn bị sẵn sàng cho những khó khăn và trang bị đầy đủ những giải pháp hữu hiệu.

Các quan chức hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đều nhấn mạnh, rất may quan hệ Trung-Mỹ hiện nay vẫn duy trì quan hệ hợp tác, hợp tác nước lớn có lợi cho hòa bình thế giới. Hai bên vẫn xác định, đối đầu nước lớn là tai họa cho thế giới. Ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh tế thương mại giữa hai nước vẫn chưa lan sang lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác giữa quân đội Trung-Mỹ trong lĩnh vực an ninh vẫn duy trì ổn định.

Đánh giá về hai luồng quan điểm của cả Mỹ và Trung Quốc, ông David Shambaugh - người sắp xuất bản cuốn sách có tựa đề “Trung Quốc và thế giới” vào tháng 12 tới đây - đã đề cập đến những thách thức trong vai trò toàn cầu của Trung Quốc. Ông đưa ra “6 thách thức lớn” mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong quan hệ đối ngoại thời gian tới, bao gồm quan hệ Trung-Mỹ, quan hệ Trung-Nga, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á, sáng kiến "Vành đai và Con đường", việc chưa thể cải thiện quyền lực mềm và quản trị toàn cầu, trong đó quan hệ Trung-Mỹ là thách thức nghiêm trọng nhất.

Ông David Shambaugh cho rằng sự xuống cấp trong quan hệ Trung-Mỹ có “tính hệ thống” và “tính cơ cấu”, trong tương lai gần, va chạm, cạnh tranh và sức ép giữa hai nước sẽ trở thành “trạng thái bình thường mới”. Thách thức là kiểm soát làm thế nào để nó không phát triển thành một mối quan hệ thù địch toàn diện. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng mức độ xấu đi của quan hệ Trung-Mỹ vẫn chưa đến mức giai đoạn “Chiến tranh Lạnh”.

Theo ông David Shambaugh, cả Trung Quốc và Mỹ đều có chung lợi ích và nhu cầu hợp tác về các vấn đề cá biệt. Tuy nhiên, trong khi những dấu hiệu cho thấy “muốn trở lại quan hệ Trung-Mỹ hợp tác hài hòa” thì hai bên đã đẩy nhau ra quá xa.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn tái lập mối quan hệ bình thường.

Thông điệp về sự điều chỉnh

Thấy rõ tính quan trọng của việc một trong hai bên có thể sụp đổ sẽ kéo theo những hệ lụy vô cùng nguy hiểm, cả Mỹ và Trung Quốc đã có những điều chỉnh. Tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chad Sbragia tuyên bố Mỹ không muốn “tách rời khỏi Trung Quốc” và cũng không yêu cầu các nước khác phải lựa chọn ngả theo bên nào (Mỹ hay Trung Quốc) mà Mỹ muốn thúc đẩy, tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc bằng một phương thức nào đó. Phát biểu tại Bắc Kinh, ông Sbragia đã tìm cách đặt các mối quan hệ trong một quan điểm tích cực hơn.

Ông Sbragia cũng khẳng định rằng thực tế đã chứng minh tuyên bố của ông là đúng, đồng thời nhấn mạnh những gì Mỹ đang cố gắng làm là "sự tái cân bằng và các mối quan hệ phù hợp để đảm bảo rằng chúng ta có được sự công bằng. Điều này trái ngược với sự tách biệt. Đó thực chất là cách để tăng cường quan hệ".

Có phân tích cho rằng phát biểu nêu trên của Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được coi là tiếng nói của phái ôn hòa trong chính quyền Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc. Mạng Người quan sát dẫn bình luận của hãng Reuters cho rằng Chad Sbragia đưa ra quan điểm ôn hòa hơn đối với quan hệ Trung-Mỹ. Ông tham dự và phát biểu tại diễn đàn quân sự này nhằm thể hiện thái độ tích cực hơn đối với quan hệ hai nước.

Bản thân Chad Sbragia cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ quyết định cử ông tham gia Diễn đàn lần này để ông có thể trình bày về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ, đồng thời tìm hiểu về quan điểm đối với vấn đề an ninh của các đồng nghiệp đến từ các quốc gia khác.

Liên quan đến những phát biểu nêu trên của Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chad Sbragia tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh 2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định đối với hai nước Trung-Mỹ có quy mô nền kinh tế to lớn và mức độ phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ như vậy, việc hai bên muốn “tách rời nhau” hoặc “đóng cửa” vừa không thực tế, vừa không sáng suốt.

Vậy câu hỏi đặt ra là  trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thì bên nào mong đợi thỏa thuận hơn? Đàm phán có nghĩa là cho đi và nhận lại. Và bên nào háo hức mong đợi có được một thỏa thuận sẽ phải cho đi nhiều hơn. Đó là lý do Bắc Kinh đã nhượng bộ nhiều hơn Washington trong thỏa thuận giai đoạn đầu vừa đạt được sau cuộc đàm phán thương mại marathon của họ.

Bởi, trước đó, hy vọng đạt được bất kỳ thỏa thuận nào như vậy khá mờ mịt trong những tuần chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ 13 trong bối cảnh có nhiều tranh cãi như thông tin chính quyền Tổng thống Donald Trump thảo luận về việc có thể áp đặt những hạn chế đối với dòng vốn đổ vào Trung Quốc; Mỹ liệt thêm các công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen...

Tuy nhiên, những vấn đề đó đã không ngăn cản được các nhà đàm phán đạt được thỏa thuận vì cả hai quốc gia đều muốn chấm dứt cuộc chiến thuế quan đang gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế của họ. Về mặt chính trị, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều muốn có một thỏa thuận trong lúc đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có đối với họ.

Ông Trump cần một thỏa thuận nhanh chóng để chấm dứt cuộc chiến thương mại đã làm tổn thương các công ty, nông dân, người tiêu dùng Mỹ và điều đó sẽ làm mất những cơ hội tái đắc cử của ông. Ông cũng phải đối mặt với một tương lai chính trị không chắc chắn khi phải đối mặt với một cuộc điều tra luận tội tại Hạ viện.

Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể còn háo hức muốn có thỏa thuận nhiều hơn vì trong đời sống chính trị Trung Quốc ngày nay không có gì quan trọng hơn tăng trưởng kinh tế và quan hệ Trung-Mỹ - hai vấn đề then chốt, liên quan chặt chẽ với nhau. Từng là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, Trung Quốc đã mất đà tăng trưởng trong thập kỷ qua, với xu hướng giảm dần. Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa giảm xuống mức thấp kỷ lục 6% trong quý III (từ tháng 7 đến tháng 9) năm nay.

Nếu Mỹ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng, cả thế giới sẽ bị ảnh hưởng ở  các mức độ khác nhau. Ảnh: France24.

Điểm nhân nhượng mấu chốt của thỏa thuận từng phần này là Mỹ chỉ đưa ra một nhượng bộ, đó là đồng ý hoãn tăng thuế theo dự kiến ban đầu là vào ngày 15-10 này - theo đó sẽ tăng mức thuế từ 25% lên 30% đối với khối lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD - để đổi lấy những nhượng bộ thực chất của Trung Quốc. Washington đã không đồng ý tạm dừng mức thuế mới 15% đối với 160 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ được áp đặt vào tháng 12 tới.

Họ cũng không nhượng bộ đối với công ty thiết bị viễn thông khổng lồ Huawei, mặc dù Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu. Trái lại, theo Nhà Trắng, các nhượng bộ của Trung Quốc bao gồm: mua số lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ; bảo vệ sở hữu trí tuệ; hành động để giải quyết các vấn đề chuyển giao công nghệ; mở cửa thị trường tài chính; cải cách chế độ tỷ giá hối đoái và thiết lập một cơ chế thực thi.

Cam kết của Trung Quốc về việc hằng năm sẽ mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ cũng tăng gấp đôi, trị giá từ 40-50 tỷ USD, trong khi mức nhập khẩu trung bình hằng năm trong thời kỳ cao điểm từ 2012 đến 2017 chỉ đạt khoảng 21 tỷ USD. Nhập khẩu giảm mạnh xuống còn 8,6 tỷ USD vào năm 2018 và 7,7 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2019.

Đúng vậy, Bắc Kinh đã bắt đầu hành động để giải quyết các mối quan ngại của Mỹ trước cuộc đàm phán, thực hiện các đơn đặt hàng mới để mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, mở cửa thị trường và các ngành công nghiệp, ban hành luật đầu tư nước ngoài cấm ép buộc chuyển giao công nghệ, khôi phục các quy định để cải thiện bảo vệ sở hữu trí tuệ và hành động để cắt giảm trợ cấp nhà nước cho một số ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, điều duy nhất chắc chắn về bất cứ cuộc đàm phán nào là nó sẽ dẫn đến các cuộc đàm phán tiếp theo. Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc có thể mong đợi các cuộc đàm phán quan trọng hơn, vì họ vẫn còn một chặng đường dài để đạt được một thỏa thuận thương mại đầy đủ và toàn diện nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi giữa hai nước.

Không ai muốn đứng sát mép vực

Cả hai bên đều hiểu rằng quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang trở nên đáng ngại tới mức các thị trường tài chính, ban giám đốc các công ty và thậm chí là các ngân hàng trung ương đã cảm nhận được ảnh hưởng của nó. Tháng 8 vừa qua, Washington và Bắc Kinh tiếp tục tăng thuế đánh vào hàng hóa của nhau và các nhà đầu tư bắt đầu hoảng sợ, khiến cả hai bên phải đưa ra những hứa hẹn chính thức về việc khôi phục các cuộc đàm phán thương mại. Vì thế, cả Mỹ và Trung Quốc đều phải lùi bước khi đang bên bờ vực.

Vậy điều gì có thể là cơ sở đáng tin cậy cho một thỏa thuận? Điều gì có thể "châm ngòi" cho một thỏa thuận? Và liệu thỏa thuận có được tuân thủ hay không? Những "người khổng lồ" về kinh tế như Trung Quốc và Mỹ không việc gì phải ký thỏa thuận, trừ phi họ muốn. Trong bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nghiêm túc nào, câu hỏi "điều gì là cơ sở cho thỏa thuận?" tương đương với câu hỏi mỗi bên sẵn sàng làm điều gì và muốn đổi lấy điều gì.

Nếu chỉ đóng khung các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong vấn đề Trung Quốc phải thực hiện những cải cách nào thì các cuộc đàm phán đó sẽ chẳng đem lại kết quả gì.

Xác định được những thỏa thuận có lợi cho cả hai bên đòi hỏi hai bên phải hiểu được bên kia thực sự muốn gì. Ở đây, Mỹ đang gửi đi những thông điệp lẫn lộn. Liệu Mỹ có muốn Trung Quốc chấm dứt các hoạt động thương mại không công bằng hay giảm thặng dư thương mại song phương của mình hay không? Hay Mỹ muốn điều gì?

Cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn đứng "bên bờ vực" và cả hai cường quốc đều hiểu rõ rằng, với thực lực của cả hai bên, các cuộc chiến thương mại là những cuộc chiến không bên nào dễ dàng dành chiến thắng. Đúng như nhà văn nổi tiếng Gabriel García Márquez từng nói: Chiến tranh dễ bắt đầu hơn là kết thúc.

Hoa Huyền
.
.